Lạ kỳ chùa Hà - nơi cầu duyên

NGUYỄN THỊ THIỆN
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Chùa Hà là một trong những địa điểm văn hóa tâm linh nổi tiếng ở Hà Nội. Giữa Hà Nội ồn ào, vội vã, người ta không khó để tìm thấy chùa Hà nằm ẩn mình khiêm nhường trên một con đường nhỏ ở Cầu Giấy. Chùa là một trong những quần thể kiến trúc chùa chiền đẹp bởi sự giao hòa giữa khung cảnh thiên nhiên nên thơ, thu hút rất nhiều phật tử, du khách. Điều đặc biệt và lạ kỳ ở chùa Hà là hấp dẫn nhiều bạn trẻ Hà Thành tới cầu xin tình duyên hoặc mong ước kết nối lại với người yêu cũ, đông nhất là dịp đầu năm.

Chùa Hà tên chữ gọi là Thánh Đức Tự, được xây dựng từ thời vua Lý Thánh Tông. Ngôi chùa nổi tiếng này tọa lạc trên con phố nhỏ cùng tên - số nhà 86 phố Chùa Hà, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội. Với lối kiến trúc cổ kính, chùa được chia thành các khu vực riêng biệt gồm có cổng Tam quan 2 tầng, Tiền đường, Thượng điện, Tam Bảo 5 gian rộng lớn. Chùa Hà cùng với Đình Bối Hà lập thành cụm di tích đình - chùa Hà.

Lạ kỳ chùa Hà - nơi cầu duyên - ảnh 1
Ảnh minh họa

Có hai truyền thuyết về lịch sử chùa Hà. Theo truyền thuyết thứ nhất: Vào thời Lý, vùng Dịch Vọng  đã có nhiều danh thắng nổi tiếng. Vua Lý Thánh Tông (trị vì 1054-1072) lúc 42 tuổi vẫn chưa có con nên đã cầu tự ở một ngôi chùa và sinh ra Thái tử Càn Đức, do đó ngôi chùa đó gọi là chùa Thánh Chúa để kỷ niệm sự kiện này. Trên đường đi, vua còn ghé qua một ngôi chùa khác và ban tiền bạc cho chùa để trùng tu lại, vì vậy chùa này còn có tên là Thánh Đức Tự.

Vua Lý Thánh Tông đột ngột mất năm 50 tuổi, Thái tử Càn Đức lên ngôi lúc 7 tuổi, tức là Lý Nhân Tông. Truyền thuyết thứ hai kể rằng: Chùa Hà được xây dựng lên để Vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) bày tỏ lòng nhớ ơn các đại thần Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã cưu mang mình và phế bỏ Lê Nghi Dân để đưa mình lên ngôi vua vào năm 1460.

Trải qua bao tháng năm, chùa Thánh Đức đã bị phá hủy nhiều lần. Đến đời vua Lê Hy Tông (1675-1705) có hai người quê làng Thổ Hà, tỉnh Bắc Giang sang ở chùa để bán các đồ gốm sứ ở chợ trong và ngoại thành Thăng Long. Nhờ buôn bán phát đạt, hai gia đình này công đức số tiền rất lớn cùng nhân dân trong xóm xây dựng lại chùa với quy mô lớn bằng gạch ngói vào năm Chính Hòa (1680). Từ đó, hai làng Thổ Hà và Dịch Vọng Trung kết nghĩa, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà và chùa có tên nôm là chùa Hà. 

Lạ kỳ chùa Hà - nơi cầu duyên - ảnh 2
Ảnh minh họa

Trải qua bao nhiêu năm tháng mai một, chùa Hà đã được nhiều lần trùng tu, sửa chữa và tôn tạo với tầm vóc ngày càng to đẹp, khang trang hơn cho đến ngày hôm nay.
Chẳng biết từ bao giờ, người dân Hà Thành đã coi ngôi chùa này như một nơi để cầu duyên, dù chùa không phải nơi thờ  ông Tơ bà Nguyệt. Vì vậy, du khách đến chùa phần lớn là các bạn trẻ. Trai chưa vợ, gái chưa chồng đến sắp lễ xin tìm được một nửa.

Những đôi yêu nhau cũng tới chắp tay thành kính cầu cho tình duyên êm đẹp, trăm năm hạnh phúc. Điều thú vị là, ngôi chùa này không gắn với một cái tích nào nói về tình duyên đôi lứa. Dọc con phố vào chùa Hà chỉ bán hoa hồng - loại hoa tượng trưng cho tình yêu nồng thắm. Các hàng lưu niệm xung quanh khu chùa này cũng bán rất nhiều vòng nhẫn theo đôi, theo cặp. Đầu năm mới lên đền chùa, ngoài cầu xin bình an tài lộc, người ta còn cầu cho bản thân hay người trong nhà một cuộc sống lứa đôi yên ấm hạnh phúc, cho tình cảm mãi bền chặt không phai.

Chùa Hà không chỉ là nơi cất giữ một vẻ đẹp truyền thống đậm chất Việt Nam, mà còn là nơi ẩn chứa những giá trị lịch sử của dân tộc. Chùa Hà được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa năm 1996.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.