Lấy chồng "làm cảnh"

TÂM GIAO
Chia sẻ

(PNTĐ) - Người phụ nữ ấy bảo nhiều đêm nằm cô đơn, nước mắt trào ra, nhưng nỗi niềm của chị chẳng ai thấu hiểu. Vì nhìn bề ngoài, cuộc hôn nhân của chị mỹ mãn bên người chồng tiến sĩ học cao, biết rộng

“Hôn nhân đang yên ổn sao lại muốn ly hôn?”

Chị bảo đây là câu hỏi của chồng chị, người thân và chính bản thân chị đã từng đặt ra cho chị nhiều lần khi chị có ý định ly hôn. Và hôm nay, chị cũng mang câu hỏi ấy đến phòng tư vấn, mong nhận được câu trả lời để cuộc sống của chị có “lời giải” trước sự bế tắc trong lòng chị.   

Chị sinh ra ở huyện Từ Liêm cũ, nay là quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Ngày ấy, “quê” chị đang là vùng trồng lúa, trái vụ thì trồng rau muống đem ra chợ Cầu Giấy bán. Đến một ngày, Thành phố quy hoạch đô thị hóa tới “quê” chị khiến làng chị đang sống được lên phố, xã thành phường. Sân vận động quốc gia Mỹ Đình được xây dựng, đường xá mở rộng thênh thang, đèn đường sáng trắng cả đêm, ao rau muống bị thu hẹp, ruộng lúa bị thu rồi để xây sân vận động, xây nhà chung cư cao tầng, khách sạn bề thế. Nhà chị có hai anh chị em, cậu em út học hành đỗ đạt thành kỹ sư, nay sống ở trong Sài Gòn. Chị là gái, ngày trước học hành không giỏi nên nghỉ sớm chăm lo phụ kinh tế với bố mẹ.

Chị kể, từ ngày xã lên phường, chị bỏ nghề trồng rau muống. Bố mẹ chị có tiền đền bù ruộng đất, bỏ nghề làm ruộng, trồng rau muống bán mà chuyển sang kinh doanh nhà trọ. Có đất rộng, bố mẹ chị vừa xây một cái nhà to để ở, vừa xây được một khu nhà trọ gần 20 phòng cho thuê, mở cho chị một cửa hàng tạp hóa để bán. Trong số khách thuê trọ nhà chị có một anh chàng vừa đi làm, vừa học thêm thạc sĩ. Thấy anh hiền lành, sống giản dị, ăn nói lễ phép, thỉnh thoảng xin chịu tiền nhà một tháng, chị thấy thương cảm. Hôm nào có món gì ngon ngon, chị hay giấu bố mẹ đem cho anh. Khi thu tiền nhà trọ cho bố mẹ, chị hay bớt cho anh một đôi trăm để có tiền chè thuốc. Có hôm, chị thu dọn cả đống quần áo của anh đem về bỏ vào máy giặt nhà mình giặt hộ anh. Sự quan tâm ấy nhen nhóm thành tình yêu thầm của chị đối với anh từ lúc nào không hay. Nhưng đó chỉ là tình yêu đơn phương từ phía chị. 

Lấy chồng
Ảnh minh họa

Một ngày, chị bất ngờ khi anh nắm tay chị khen chị là cô gái dễ thương, tốt bụng. Rồi, anh ta ước có người vợ đảm đang như chị. Chị tưởng anh ta tán tỉnh vu vơ, nào ngờ anh muốn lấy chị thật. Lúc đầu chị ngại, bảo mình không xứng với anh, một người học cao. Nhưng rồi anh nói là làm, đưa ngay bố mẹ ở quê Nam Định lên gặp bố mẹ chị, “xin phép cho hai cháu đi lại”. Thấy gia đình anh cơ bản, bố mẹ là người quê chân chất, giống nhà mình, lại thấy anh ta chân thành muốn cưới vợ thực sự, bố mẹ chị đồng ý; còn chị cứ thế nghe mọi điều anh bàn tính kể từ giây phút đó. 

Đám cưới diễn ra, hai vợ chồng được bố mẹ cho đất làm nhà. Chị ở nhà bán hàng, còn chồng chị theo chí học hành lên cao. Anh học xong thạc sĩ, “sẵn tiện” được vợ đầu tư nên học lên tiến sĩ. Chị sinh hai lần được 3 đứa con (1 lần sinh đôi). Nhìn vào, cuộc sống hôn nhân của chị ai cũng thấy êm ấm, viên mãn. Vì thế, chị nói ra những mệt mỏi, và mong muốn ly hôn, thì ai cũng đều chung một câu hỏi: “Hôn nhân đang yên ổn sao lại muốn ly hôn?”.

Mệt mỏi vì có chồng chỉ để… “làm cảnh”

Chồng chị giờ là tiến sĩ, giảng viên ở một trường đại học ngoài công lập. Chị kể từ ngày lấy chồng đến giờ, chị chưa biết cầm đồng lương chồng đi làm đưa về như thế nào. Ngược lại, còn phải chi thêm tiền cho anh học hành, phấn đấu, ngoại giao trong công việc. Lúc nào, anh cũng kêu tiền lương thấp chỉ đủ chi tiêu cá nhân. Phần chị, do buôn bán năng động nên làm ra kinh tế, lại thêm được bố mẹ cho thêm phần thu của mấy phòng trọ nên dư dả để “nuôi chồng, nuôi con”. 

- Không chỉ phải quán xuyến lo kinh tế cho gia đình, phụ thêm cho chồng chi tiêu thoải mái trong cuộc sống, tôi còn bị chồng đặt thêm gánh nặng ở bên nhà chồng – chị ấm ức nói. 

Cưới về, chồng chị “hiện nguyên hình” là người đàn ông gia trưởng, lười làm việc nhà, thích ăn ngon mặc đẹp, thích có kẻ phục dịch, khen ngợi, ca tụng, thích hưởng thụ. Ngoài việc không đưa lương cho vợ để mặc chị tự lo liệu mọi chi tiêu của gia đình, thỉnh thoảng anh ta còn bảo vợ đưa tiền để góp xây nhà thờ tổ ở quê đặng ghi danh tiến sĩ của anh ở đó, rồi tiền cho em gái ở quê cưới chồng, tiền cho bố mẹ chồng sửa nhà, chữa bệnh… Bất cứ việc gì anh cũng có thể sai vợ đưa tiền để lo liệu. Chị ban đầu còn nghĩ chu toàn phận dâu nên vui vẻ đưa tiền cho chồng gửi về quê thực hiện nghĩa vụ. Nhưng mọi việc hầu như không có điểm dừng khiến chị càng ngày càng mệt mỏi. 

Nhưng nỗi khổ tâm nhất trong tinh thần chị là lúc nào cũng bị chồng sỉ vả, coi thường là “kẻ ít học”. Mỗi lần vợ chồng mâu thuẫn, anh ta không tiếc lời chửi vợ “đồ ngu”, “ít học”, “dân phố nửa vời”…. Viện cớ làm giáo án, soạn bài, nghiên cứu, anh ta dành cho mình một phòng riêng. Từ ngày sinh ba đứa con xong, anh ta ngủ riêng luôn với vợ cho đến bây giờ. Thỉnh thoảng có nhu cầu, chồng chị tìm xuống phòng vợ ngủ thỏa mãn xong rồi lại quay lên “đọc tài liệu” nghiên cứu máy tính… 

Lấy chồng
Ảnh minh họa

Tính đến bây giờ, hơn 15 năm, chị có chồng chỉ để làm cảnh mà không được nhờ cậy, nâng niu tôn trọng. Điều khiến chị chấp nhận duy trì hôn nhân là cái vỏ bọc gia đình êm ấm cho con cái bình yên trưởng thành, và có người chồng tiến sĩ để… giới thiệu với mọi người khi ra ngoài có ai hỏi chuyện chồng con. Tình cảm vợ chồng cứ lụi tàn dần, cuộc hôn nhân đồng sàng dị mộng kéo dài từ năm này qua năm khác. Nhiều đêm, chị nằm cô đơn, nước mắt trào ra, lòng thầm ao ước có anh chồng ít học nhưng rất đàn ông, để chị được sống như một người đàn bà thực sự, được khát khao, được bù đắp, yêu thương, được che chở. 

Chúng tôi nói với chị trước khi “đập vỡ” cuộc hôn nhân mệt mỏi này, chị hãy thử thay đổi lại tất cả. Trước tiên là thay đổi về cách nghĩ, cách sống của chị lâu nay. Trong sự bế tắc này, chị cũng có phần lỗi là đã chấp nhận để chồng “tự do” với sự ích kỷ, gia trưởng của mình. Sự tài giỏi trong làm ăn, quán xuyến hết mọi việc mà không “phân công trách nhiệm” trở lại cho chồng của chị từ ngày cưới đến bây giờ đã hình thành nên một người chồng vô trách nhiệm. Chị đã không đòi hỏi, không yêu cầu chồng chia sẻ trách nhiệm với mình. Chồng có thể không làm ra thu nhập nhưng có thể chia sẻ với vợ trong công việc nhà, nuôi dạy con cái. Việc đó là sợi dây liên kết tình cảm hai vợ chồng. Thêm nữa để chồng tự do ngủ riêng, tự do trong thế giới riêng của mình cũng đẩy vợ chồng xa nhau dần dần. 

Chị hãy quay về, bắt đầu thay đổi cuộc sống của mình, tháo gỡ những bế tắc, mệt mỏi bằng việc giao thêm trách nhiệm, chia việc cho chồng cùng gánh đỡ. Hãy dùng quyền lực mềm của mình để kéo chồng thay đổi cùng mình. Nếu mọi sự cố gắng của chị bất thành, chồng chị vẫn cứ mãi là người đàn ông ích kỷ, vô trách nhiệm, coi thường vợ thì chị cũng đừng băn khoăn với câu hỏi “sao hôn nhân yên ổn mà lại nghĩ đến chuyện ly hôn?”. Hãy ra khỏi đó với tâm thế chủ động để cuộc sống không còn những đêm dài âm thầm khóc trong uất ức, mệt mỏi. Chị cũng không cần một người chồng mà chỉ có mỗi một tác dụng duy nhất là để... làm cảnh.  

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.