“Lỡ hẹn” với biển xanh, người Hà Nội về với thiên nhiên, núi rừng

Chia sẻ

Đầu tháng 7, một số điểm du lịch tại các tỉnh lân cận như Hoà Bình, Ninh Bình… mở cửa đón khách. Trong điều kiện dịch bệnh được khống chế, thời tiết mùa hè nắng nóng, nhiều gia đình sau cả năm không được đi đâu đã nhanh chóng lên kế hoạch đi nghỉ ngơi, thư giãn dịp cuối tuần.

Điểm đến an toàn - ưu tiên hàng đầu

Dịch bệnh bùng phát vào thời kỳ cao điểm mùa hè, nhiều tỉnh thành tạm dừng các hoạt động tụ tập đông người để phòng chống dịch khiến nhiều gia đình chưa có cơ hội thoả sức vẫy vùng trong làn nước mát, xanh trong của biển cả. Sau những nỗ lực truy vết, tìm kiếm, khoanh vùng dập dịch, từ đầu tháng 7, một số địa phương đã bắt đầu khống chế dịch, một số hoạt động dịch vụ cho phép mở cửa trở lại, một số điểm du lịch mở cửa đón khách du lịch trong điều kiện thực hiện nghiêm ngặt thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Từ cuối tháng 6, tại nhiều hội/nhóm du lịch, dã ngoại trên mạng xã hội, rất nhiều hội viên đã tìm hỏi nhau về các điểm du lịch được phép hoạt động. Khác với mọi năm, mùa hè, du lịch biển là sự ưu tiên số 1, kể cả những vùng biển xa tại khu vực Nam Bộ thì năm nay, xu hướng dã ngoại, giải nhiệt mùa hè của người dân có nhiều thay đổi, phù hợp với yêu cầu phòng dịch. Vì thế, việc lựa chọn điểm đến năm nay, ưu tiên số 1 là an toàn, vắng, không nằm trong vùng dịch, không quá đông du khách.

Những ngày cuối tuần đầu tháng 7, gia đình chị Bùi Hương Giang ở phường Định Công, quận Hoàng Mai có mặt tại một khu nghỉ dưỡng ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, tham quan Vườn quốc gia Cúc Phương vừa được hoạt động trở lại từ ngày 3/7. “Bọn trẻ con nhà tôi nghỉ học từ đầu tháng 5, phần nhiều thời gian chỉ loanh quanh trong nhà nên các cháu cũng buồn. Mọi năm mùa hè đến, gia đình cho các cháu đi biển 1-2 lần nhưng năm nay, vì dịch bệnh, các cháu cũng hiểu là để an toàn cho mình và cộng đồng nên chưa thể đi chơi được. Khi dịch được khống chế, gia đình tôi lựa chọn ngay điểm đến được phép hoạt động để gia đình trải nghiệm. Chưa được ra biển thì mình vào rừng, khám phá thiên nhiên, tận hưởng không khí trong lành mát mẻ cũng là được “đổi gió”. Trẻ con háo hức và thích thú”.

“Lỡ hẹn” với biển xanh, người Hà Nội  về với thiên nhiên, núi rừng - ảnh 1

Cũng xuôi về vùng núi, gia đình chị Nguyễn Thiên Hương ở nhà N7 khu đô thị Dịch Vọng, quận Cầu Giấy lại chọn điểm đến tại huyện Hoà Bình. Đó là thác Thăng Thiên ở xã Dã Hoà, huyện Kỳ Sơn - cách Hà Nội khoảng 50km. “Đây là khoảng cách vừa phải, không quá xa, cho phép các gia đình có thể đi - về trong ngày hoặc kết hợp thăm quan, trải nghiệm các điểm du lịch khác ở khu vực lân cận. Điểm đến này không có nhiều dịch vụ du lịch nhưng lại “sở hữu” thác nước tự nhiên mát lạnh do thiên nhiên ưu ái ban tặng. Thác nước ở đây gồm nhiều tầng theo các độ dốc từ đỉnh núi xuống. Do gia đình có trẻ nhỏ, lại chưa trang bị kỹ năng trèo núi nên gia đình chủ yếu vui chơi, bơi lội ở chân thác – nơi những hòn đá to nhỏ khác nhau qua quá trình kiến tạo của tự nhiên mà bao quanh tạo thành hồ nhỏ nên không sâu như ao hồ. Chuyến đi chỉ “chớp nhoáng” trong ngày cuối tuần, ra về mà bọn trẻ con cứ tiếc nuối mãi nhưng tôi nghĩ là, trong thời điểm này, lựa chọn tour ngắn như vậy là sự hợp lý nhất”.

Theo ghi nhận tại một số điểm du lịch khác khu vực lân cận Hà Nội, lượng khách đặt phòng hoặc hỏi tour đã tăng trở lại, nhất là tại các điểm đến, khu du lịch có thác nước tự nhiên, có không gian rộng rãi, mát mẻ, nhiều cây xanh vừa trẻ con vui chơi chạy nhảy vừa để mọi người tự thực hiện giãn cách, đảm bảo khoảng cách tối thiểu phòng dịch, hạn chế tụ tập đông người. Đó là các điểm đến như thác Mây gần Suối cá thần ở xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá); suối Bôi ở xã Nà Bờ, huyện Kim Bôi (Hoà Bình); thác Gò Lào ở xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu (Hoà Bình)… Chị Hoàng Thị Thanh - quản lý khu nghỉ dưỡng ở huyện Kim Bôi cho biết: Du khách đăng ký lưu trú đã tăng trở lại từ đầu tháng 7 và hiện phòng trống đến cuối tháng 7, đầu tháng 8 không còn nhiều. Giá thuê phòng vẫn giảm 30%, cuối tuần thì nhỉnh hơn nhưng vẫn rẻ hơn so với những năm trước. Tại Vườn quốc gia Cúc Phương, ngày đầu tiên hoạt động trở lại đã đón hơn 200 khách đến tham quan, khám phá và lưu trú

Nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn

Các gia đình và trẻ em đang trải qua một kỳ nghỉ có nhiều điểm khác lạ so với những năm trước. Đó là kỳ nghỉ có sự tận hưởng, thư giãn nhưng không phải là qua các dịch vụ tiện nghi, tiện ích. Tại nhiều điểm đến trên, dịch vụ du lịch đi kèm chưa thực sự phát triển nên các gia đình phải chuẩn bị nhiều đồ dùng, thực phẩm, đồ uống để tổ chức chuyến đi theo hình thức cắm trại hoặc dã ngoại, thay đổi không khí cuối tuần. Tuy nhiên, bù lại, theo chị Nguyễn Thiên Hương, trẻ con khám phá hình thức du lịch cắm trại mới, rất thú vị vì được gần gũi với thiên nhiên, tận hưởng khí trời trong lành, tốt cho sức khoẻ và sảng khoái tinh thần. Chị Thiên Hương cảm nhận được tính giáo dục, kỹ năng sống của trẻ con nhà mình qua những chuyến đi. “Thay vì phó mặc chuyện ăn uống cho dịch vụ, các con cùng bố mẹ chuẩn bị cho chuyến đi, lỉnh kỉnh cũng khá nhiều đồ; cùng bố dựng trại, cùng mẹ “nổi lửa” nướng thịt, có lúc mồ hôi nhễ nhại nhưng đứa nào cũng rất vui, chúng như được khám phá, thử sức với nhiều điều mới mẻ. Qua đó, các kỹ năng sống của con được hoàn thiện, tự giác khai báo y tế khi đến nơi công cộng, giúp đỡ bố mẹ những việc vừa sức, biết cách chơi với thác nước, giữ gìn môi trường, không xả rác ra ngoài thiên nhiên. Sau chuyến đi đầu tiên, đứa nào cũng hỏi xem: tuần sau mình lại đi đâu bố mẹ nhỉ. Chúng tôi quyết định dành những ngày cuối tuần cho các con đi cắm trại, như là phần thưởng sau một tuần học tập chăm chỉ và nói không với các thiết bị hiện đại. Bọn trẻ đã rất tự giác thực hiện để giành phần thưởng trên”.

“Lỡ hẹn” với biển xanh, người Hà Nội  về với thiên nhiên, núi rừng - ảnh 2

Còn với những người làm du lịch, xu hướng dịch chuyển của du khách thay đổi cũng là cách để họ đón đầu xu hướng, tổ chức và cung cấp chuyến đi thích hợp. Anh Nguyễn Tiến Đạt - Giám đốc công ty du lịch AZA Travel cho biết: Qua khảo sát và nắm bắt thay đổi trong nhu cầu, thói quen của du khách trong thời điểm dịch vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, các chuyến đi ngắn ngày vào cuối tuần tại các điểm đến có không gian tách biệt đảm bảo cho phòng dịch sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Hơn nữa, khách không tổ chức theo đoàn đông mà đi chơi với quy mô gia đình hoặc dưới 20 người, có xe riêng, hạn chế đi xe khách để từ đó các đơn vị lữ hành hợp tác với các khu nghỉ dưỡng, cung cấp dịch vụ phù hợp.

Trong điều kiện xu hướng du lịch và lựa chọn điểm đến có nhiều thay đổi, để có chuyến đi an toàn, giúp du khách có giây phút thư giãn sảng khoái thì du khách cần phải tham khảo và tìm hiểu kỹ các dịch vụ đi kèm. Đặc biệt là những chuyến đi tự túc, không có dịch vụ cung cấp tour tiền trạm trước. Thứ nhất là để đáp ứng yêu cầu phòng dịch của các địa phương, có điểm du lịch sẽ phải tạm dừng hoạt động nên tuần này họ đang mở cửa đón khách nhưng tuần sau có thể phải tạm đóng cửa. Thứ nữa là đường đi, không nên phụ thuộc quá nhiều vào bản đồ điện tử (google map), trao đổi trước với điểm du lịch để lựa chọn đường đi dễ nhất, tránh đi đường mòn, đường xấu (nhiều ổ gà, chưa được đổ bể tông…). Với những điểm đến mới, du khách nên tìm hiểu thông tin và đánh giá của khách tại các hội/nhóm trên mạng xã hội, tránh tình trạng hình ảnh quảng cáo một đằng nhưng đến nơi thực tế lại một kiểu, dễ gây bực mình hoặc có trải nghiệm tồi tệ, tiền mất… mất luôn cả vui.

Dù dịch bệnh tại một số tỉnh, thành được kiểm soát nhưng đi đến đâu, du khách cũng phải thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K, tránh tụ tập đông người và tiếp xúc gần. Chuẩn bị đầy đủ đồ ăn thức uống và đồ dùng đi kèm cho chuyến đi dã ngoại, cắm trại; nhiều khu du lịch ở xa trung tâm, xa khu dân cư, lỡ có thiếu đồ dùng nhỏ cũng không phải dễ dàng mua được. Đặc biệt, ngoài an toàn phòng dịch, du khách phải đảm bảo an toàn tính mạng và sức khoẻ tại điểm có thác nước, núi đá… luôn để mắt đến trẻ nhỏ thường hay hiếu động, thích khám phá. Tuyệt đối không cho trẻ leo núi cao, trượt dốc đá vì có nhiều rêu trơn; không đi thác, suối vào ngày mưa hoặc ngày bão đề phòng nước xoáy rất nguy hiểm cho tính mạng. Các nơi có suối, có thác nước thường có nhiều sỏi đá nên các gia đình mang theo ủng hoặc dép nhựa để bảo vệ đôi chân; mang theo khăn tắm và quần áo dự phòng; mũ, kem chống nắng, kem bôi côn trùng… là vật dụng không thể thiếu; dọn dẹp rác và vệ sinh sạch sẽ khu vực cắm trại để cùng giữ gìn môi trường sống.

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.