Lời cảm ơn của bố

Thái Thị Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều hôm đó, bác tôi ở quê gọi điện lên, báo tin bố tôi đi đâu đó từ sáng chưa thấy về. Bác chẳng biết tìm bố ở đâu vì bố không có điện thoại.

Bác làm tôi hoảng hồn theo, định lao về quê tìm bố. May quá, 15 phút sau thì bác gọi đến, báo tin bố tôi đã về nhà rồi. Hóa ra bố tôi bị đau chân nên tự lên trạm xá khám. Các bác sĩ giữ bố lại để làm xét nghiệm, đầu giờ chiều mới trả kết quả nên bố không về sớm được.

Sau lần đó, tôi quyết định mua cho bố một chiếc điện thoại sau rất nhiều lần bố từ chối. Khi thì bố bảo bố già rồi, không biết dùng điện thoại. Khi thì bố lo nếu có điện thoại nhỡ lại bị đánh cắp. Tôi bảo bố, bây giờ thông tin liên lạc rất quan trọng. Bố đi ra ngoài như vừa rồi, con cháu lo cho bố cũng sẽ bị tổn thọ mất. Bố chẳng có cách nào khác là phải đồng ý.

Tôi ra hàng điện thoại, chọn cho bố một cái điện thoại dạng “cùi bắp”, tính năng thì tối thiểu, nhưng bàn phím, màn hình thì to… tối đa để bố dễ sử dụng. Rồi tôi mua cho bố cái sim theo năm sinh của bố cho dễ nhớ, cộng thêm đăng ký dịch vụ 4G để bố có thể truy cập mạng. 

Lời cảm ơn của bố - ảnh 1
Ảnh minh họa

Cuối tuần, tôi về quê, mang theo điện thoại. Cũng phải mất cả buổi sáng huấn luyện, cuối cùng bố cũng tạm biết cách dùng. Lần đầu tiên được sở hữu một thiết bị điện tử thông minh, bố tôi cảm động lắm. Bố mấy lần nói lời cảm ơn tôi, ý rằng tôi thật là giỏi giang, lại có hiếu, luôn quan tâm tới bố. Sự cảm kích của bố khiến tôi hơi ngượng ngùng. Cái điện thoại đó chỉ có 2 triệu đồng, chả đáng gì để gọi đó là hành động báo hiếu. 

Ở quê một mình, bố tôi lấy niềm vui từ các bạn già. Thi thoảng, ông lại đạp xe đến nhà bạn, dẫu chỉ để thăm hỏi, xem bạn có khỏe không rồi lại tất tả đạp xe về. Nhưng từ khi chân bị đau, bố không hay đi nữa. Tôi liền dạy bố cách kết bạn trên zalo với các bạn già. Khi nhớ bạn, bố chỉ cần bấm vào danh bạ trên zalo để gọi mà thích nhìn thấy nhau thì gọi video, vừa nhanh vừa tiện. Bố tôi tâm đắc lắm, lại xuýt xoa khen tôi sao mà giỏi thế. Bố bảo không có tôi thì chắc bố mất liên lạc với thế giới bên ngoài. Một lần nữa, bố lại làm tôi ngài ngại. Có mỗi việc giúp bố vào zalo, đứa con nào chả làm được mà sao bố lại thần tượng tôi thế.

Mẹ tôi mất sớm, bố tôi dành cả cuộc đời để nuôi tôi khôn lớn. Khi vợ chồng tôi có ý định mua nhà riêng, bố bán cả một phần vườn nhà để lấy tiền cho chúng tôi, gọi là đỡ đần các con. Năm nào cũng thế, bố cũng tìm cơ hội khi thì sinh nhật con, sinh nhật cháu, lễ, Tết để dúi cho tôi ít tiền. Bố cứ lo tôi thiếu thốn nên giúp được gì là giúp.

Lời cảm ơn của bố - ảnh 2
Ảnh minh họa

Những việc bố làm cho tôi thì bố ít nhớ lắm. Nhớ cái dạo tôi đổi xe máy số lên xe tay ga, bố gửi luôn cho tôi 20 triệu, bảo là tôi mua cái xe tốt mà đi nhé. Ít lâu sau tôi về quê bằng cái xe máy mới, bố tranh thủ mang xe ra rửa (lần nào cũng vậy, hễ về quê là bố mang xe máy của tôi ra bảo dưỡng, đổ xăng, thay dầu, rồi tự tay rửa xe bóng loáng lên). Bố khen tôi mua được cái xe máy chạy êm, xịn lắm. Tôi bảo đấy là nhờ tiền của bố cho thêm mới có điều kiện nâng cấp xe, thì bố cứ ớ ra, còn chả nhớ là đã cho tôi hẳn 20 triệu.

Thế nhưng, những việc mà tôi làm cho bố thì bố lại nhớ rất chi tiết. Lúc nào bố cũng nâng niu, dùng rất cẩn thận cái điện thoại vì đó là “tài sản” tôi sắm cho bố. Đêm đi ngủ, bố còn để sang chế độ máy bay vì sợ bị làm phiền, dễ… hỏng máy. Cả những món đồ khác tôi mua như cái áo sơ-mi, cái quần dài, đôi dép, hộp thuốc bổ… bố cũng nhớ rõ tôi tặng bố lúc nào, ngày nào. Nghĩ tới bố, nhiều lúc tôi lại ngậm ngùi vì biết mình hãy còn kém cỏi, chả làm gì được nhiều cho bố. Tôi chỉ ước mình sẽ mạnh mẽ hơn nữa, giỏi giang hơn nữa để xứng đáng với những tình cảm, sự kỳ vọng, cả sự cảm kích mà bố dành cho tôi.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.