Lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân
(PNTĐ) - Trước hôn nhân, một số cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn và gia đình hai bên, ngoài việc chuẩn bị cho cuộc sống mới của đôi vợ chồng trẻ thì ít quan tâm đến vấn đề sức khỏe sinh sản. Trong khi đó, khám sức khỏe tiền hôn nhân lại có nhiều lợi ích.
Năm nay 29 tuổi và chuẩn bị kết hôn, Thanh Nga (nhân viên công ty truyền thông tại quận Cầu Giấy) đã chủ động tiêm đủ vắc-xin dành cho phụ nữ trước mang thai. Cô cũng đã hiểu và quan tâm đến việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Tuy nhiên, khi đề cập vấn đề này với chồng sắp cưới, anh gạt đi vì cho rằng việc này là thừa thãi, “anh nói sức khỏe của mình rất bình thường, 3 đời nhà anh chẳng mắc bệnh gì, đi khám chỉ tổ tốn tiền”, Nga kể lại.
Nhưng với một người từng 3 lần mất con như anh T.T (sống tại quận Hoàn Kiếm), thì anh thấy việc thăm khám tiền hôn nhân rất quan trọng, giúp phát hiện bệnh di truyền để có giải pháp điều chỉnh phù hợp. “Năm 2006, vợ chồng tôi kết hôn. Mãi đến năm 2011 vợ chồng tôi mới có con nhưng sau sinh tròn 14 ngày bé đã mất vì mắc chứng xuất huyết não do thiếu yếu tố đông máu thứ VII. Sau lần này, vợ tôi tiếp tục có thai thêm hai lần nữa nhưng các bé lần lượt mất vì thiếu yếu tố đông máu thứ VII.
Vợ chồng tôi đã gửi các mẫu bệnh sang Pháp phân tích chẩn đoán gene bệnh, kết quả cả hai đều mang đột biến dị hợp tử gene lặn thiếu yếu tố thứ VII. Cũng nhờ chẩn đoán này, vợ chồng tôi mới biết nếu mang thai nữa sẽ có 25% khả năng di truyền cho con và con cũng không thể sống được sau sinh”, anh cho biết.

Hiện nay, nhờ công tác truyền thông mà tỷ lệ các cặp đôi tới thăm khám tiền hôn nhân và trước mang thai đã có chuyển biến tích cực. Nhiều cặp đôi cùng quan tâm và đi khám sức khỏe tiền hôn nhân. Họ điều này giúp họ cùng nhau chủ động quản lý các bệnh lý tiềm ẩn cũng như chuẩn bị cả về tinh thần, tài chính để hỗ trợ lẫn nhau.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân và trước mang thai giúp các cặp đôi đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn để kế hoạch hóa gia đình và giảm được các rủi ro ảnh hưởng đến thế hệ tương lai.
Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân Số (Bộ Y tế) cho rằng: Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn là bước dự phòng cấp một trong việc nâng cao chất lượng dân số. Đây cũng là “chìa khóa vàng” để mở ra cánh cửa hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, đất nước. Thăm khám sức khoẻ tiền hôn nhân nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về việc sức khỏe người dân, chất lượng cuộc sống.
Theo khoản 5 Điều 4 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 25/QĐ-BYT năm 2011, khám sức khỏe tiền hôn nhân là khám sức khỏe tổng thể và khám cơ quan sinh sản của nam và nữ. Khám sức khỏe tổng thể nhằm phát hiện ra bệnh, tật có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của mình và người bạn đời như bệnh viêm gan B, HIV, hay các bệnh di truyền, bệnh tim, bệnh về đường tình dục…
Khám cơ quan sinh sản nhằm phát hiện những bất thường về cấu tạo giải phẫu cũng như chức năng hoạt động của cơ quan sinh dục; các bệnh viêm nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Như vậy, tư vấn và khám sức khỏe cho nam, nữ chuẩn bị kết hôn, đặc biệt là vị thành niên, thanh niên sẽ góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng giống nòi. Theo quy định, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ phải tuân thủ các nguyên tắc tự nguyện; tôn trọng nhân thân và bảo đảm bí mật riêng tư; phù hợp với pháp luật hiện hành. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là tự nguyện, không mang tính bắt buộc phải thực hiện.
Tuy nhiên, nhằm phòng tránh các bệnh lý có khả năng gây ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân, các cặp đôi nên khám sức khỏe trước khi kết hôn theo tinh thần khuyến khích. Thậm chí, tại diễn đàn của Quốc hội, các đại biểu cũng đề xuất nên bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Đề xuất này được đánh giá là cần thiết nhằm ngăn ngừa nhiều loại bệnh lý nguy hiểm.