Lớp học ở nhà
(PNTĐ) - Khi mẹ chồng là cô giáo thế hệ cũ với những nguyên tắc khắt khe, còn nàng dâu lại muốn con lớn lên trong sự nhẹ nhàng, khoảng cách giữa hai người phụ nữ càng lúc càng xa.
- Bin! Ngồi ngay ngắn vào. Viết chữ này cho bà xem! - giọng bà Tám vang lên từ trong phòng học nhỏ.
- Dạ… - Bin khẽ đáp, tay run run cầm bút, mắt nhìn cuốn vở đã chi chít dấu đỏ.
- Không phải thế! Chữ a đâu có cái bụng lép xẹp thế kia? Viết lại!” - bà gằn giọng, rồi cầm bút kẻ một vòng tròn lớn lên trang giấy, gạch mạnh lên dòng chữ của cháu.
Lan đứng trong bếp, tai nghe rõ từng lời của mẹ chồng. Cô dừng tay đảo rau, thở dài. Không phải lần đầu cô thấy cảnh này, nhưng mỗi lần như vậy, cô lại thấy khó chịu vô cùng.
Sau bữa tối, khi Minh - chồng Lan vừa lên lầu, Lan rón rén bước vào phòng Bin. Cậu bé đang úp mặt vào gối, lưng run run. Lan nhẹ nhàng lại gần, vuốt tóc con.
- Bin, con sao vậy? Mẹ thấy con không vui…
- Con không muốn học với bà… Bà mắng con hoài… con mệt lắm… - giọng Bin thỏ thẻ.
Lan ôm con, lòng dậy sóng. Cô biết mẹ chồng thương cháu, muốn tốt cho cháu, nhưng cách dạy con kiểu cũ của bà đang khiến Bin ngày càng sợ học, thậm chí sợ cả bà nội.
Tối hôm đó, sau khi dọn dẹp xong, Lan rót hai ly nước, mang lên phòng bà Tám.
- Mẹ ơi, con có chuyện muốn nói ạ - Lan nhẹ giọng.
Bà Tám đang xem thời sự trên ti vi, ngẩng lên. “Ừ, có chuyện gì?”.
- Chuyện của Bin ạ… Dạo này con thấy cháu hơi áp lực. Mẹ có thể nhẹ nhàng hơn với cháu được không? Con nghĩ Bin học không tệ, nhưng… cứ bị rầy hoài, con sợ cháu mất hứng học.

Bà Tám khẽ nhấc chiếc kính lão xuống bàn, nhìn con dâu: “Mẹ làm nghề này 35 năm rồi. Hồi mẹ còn dạy, trò nào viết chữ xấu là chép phạt mười lần. Bây giờ, cháu mẹ viết như gà bới, không sửa sao được?”.
Lan mím môi.
- Con hiểu, nhưng… thời của mình khác. Giờ người ta dạy trẻ theo hướng tích cực, động viên là chính. Bắt lỗi nhiều quá, tụi nhỏ dễ sợ học, tự ti…
Bà Tám cười nhạt.
- Lại mấy cái phương pháp mới, rồi con cái sinh ra yếu đuối, không có kỷ luật. Cô giáo thời nay thì giỏi lý thuyết, kém thực tế.
Lan không nói gì thêm. Cô biết, không thể thay đổi tư duy mấy chục năm chỉ bằng một cuộc trò chuyện.
Ngày hôm sau, Lan phải đi làm sớm. Bà Tám đảm nhiệm “giờ học” buổi sáng của Bin.
- Làm xong bài toán này đi đã rồi mới được ăn sáng - bà Tám nói, đẩy quyển sách toán đến trước mặt cháu.
Bin cố gắng viết, nhưng vừa viết xong dòng đầu thì làm sai phép cộng. Bà cầm thước, gõ nhẹ lên bàn.
- Cháu làm toán như thế này là không tập trung. Viết lại, chép phạt 3 lần!
Bin mím môi. Nhưng đến lần thứ hai, cậu bé bắt đầu nức nở. Không phải vì bị phạt, mà vì cậu thực sự không hiểu tại sao mình lại bị mắng nhiều đến vậy.
- Con không hiểu! - Bin nấc lên.
- Không hiểu thì hỏi! Nhưng đừng than. Học là phải khổ mới giỏi được!
Buổi trưa, Lan trở về, mở cửa phòng thì thấy Bin đang đứng úp mặt vào tường, tay khoanh trước ngực, chân run bần bật. Áo còn lấm bẩn vì tè dầm.
- Mẹ làm gì Bin vậy? - Lan hét lên.
Bà Tám giật mình, quay ra.
- Nó không nghe lời, lại còn tè ra quần. Phải phạt cho nó nhớ.
- Mẹ dạy cháu bằng cách này sao? Con không đồng tình
Bà Tám cũng tức giận không kém.
- Tôi ở đây giúp anh chị, nuôi cháu, dạy cháu. Cô không biết ơn thì thôi, còn lớn tiếng? Được rồi, tôi dọn ra ngoài, khỏi phiền cô!
Căn nhà như muốn nổ tung bởi tiếng cãi vã. Những lời nói dội qua lại giữa mẹ chồng và nàng dâu không còn là tranh luận, mà là sự bật ra của tất cả những điều từng kìm nén.
Bà Tám đứng thẳng lưng, ánh mắt lạnh như gió đầu mùa. Lan thì hơi cúi người, giọng gấp, đôi tay nắm chặt. Họ không hét lên, nhưng lời nào cũng sắc như dao. Không phải vì không kiềm chế, mà vì cả hai đều nghĩ mình đúng. Và phía sau tất cả, là một đứa trẻ đang đứng im, như thể sợ cả hơi thở của mình cũng khiến mọi thứ vỡ thêm.
Bin tựa lưng vào cánh cửa, ánh mắt lặng lẽ nhìn hai người phụ nữ mà em luôn cảm thấy an toàn khi ở gần, giờ lại không thể đứng gần ai. Bin không hỏi, chỉ lặng im. Một sự lặng im rất thật của một đứa trẻ khi không hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra, nhưng biết rằng nó liên quan đến mình.
Bữa cơm tối hôm đó, cả nhà ăn trong im lặng. Không ai đụng đũa nhiều. Tiếng muỗng va vào bát nghe rõ ràng hơn mọi ngày. Không có ai nhắc Bin ngồi thẳng, cũng không ai kể chuyện thời sự buổi trưa như thường lệ. Mọi thứ trôi qua nhẹ, nhưng lạnh.

Sáng hôm sau, bà Tám dậy sớm. Bà không nấu ăn, cũng không gọi cháu dậy học như mọi hôm. Bà chỉ lặng lẽ dọn vài bộ đồ, cuốn theo ít sách vở, rồi rời đi. Trước khi đi, bà để lại một mảnh giấy nhỏ trên bàn bếp, viết bằng nét chữ tròn đều quen thuộc: “Mẹ về nhà với bố vài hôm”.
Minh thở dài. “Em cũng nên nhẹ lại một chút với mẹ…”.
Lan im lặng. Cô không muốn đổ lỗi cho ai. Cô chỉ biết mỗi đêm Bin ngủ không yên, giật mình, ú ớ “con xin lỗi bà, con viết lại…”.
Một tuần sau, cô giáo chủ nhiệm gọi điện mời phụ huynh đến họp riêng.
Tại phòng họp, cô giáo - một cô gái khoảng 30 tuổi, ánh mắt hiền từ, nhẹ nhàng nói:
- Em thấy Bin học chậm lại, ít nói, dễ hoảng loạn khi làm bài. Có vẻ cháu đang gặp áp lực…
Lan gật đầu, kể lại câu chuyện gần đây. Bất ngờ, bà Tám cũng xuất hiện. Minh đã mời mẹ đến, không nói cho Lan biết.
Cô giáo tiếp lời:
- Em hiểu các bậc phụ huynh đều muốn điều tốt nhất cho con. Nhưng mỗi thời điểm có cách tiếp cận khác nhau. Các nghiên cứu mới cho thấy trẻ sẽ học tốt hơn nếu cảm thấy an toàn, được khuyến khích, chứ không phải chỉ qua kỷ luật.
Bà Tám nhìn xuống. Lần đầu tiên bà thấy ngượng ngùng trước một cô giáo trẻ. Giọng bà nhỏ đi:
- Ngày xưa, tôi cũng từng bị phụ huynh trách mắng vì quá nghiêm. Tôi nghĩ đó là cách đúng... Giờ cháu tôi sợ cả bà…
Lan nhìn mẹ chồng. Cô thấy ánh mắt ấy không còn sự cứng rắn mà là một người bà thật sự thương cháu, nhưng đang lạc trong những giá trị cũ kỹ.
Cô giáo nói nhỏ:
- Cháu nghĩ, nếu bà và mẹ cùng đồng hành, chia sẻ nhẹ nhàng với Bin, cháu sẽ phục hồi nhanh thôi
Tối đó, bà Tám trở về nhà. Bà không nói gì, chỉ lặng lẽ rửa chén sau bữa tối, như chưa từng có cuộc cãi vã nào.
Hôm sau, bà lấy ra một cuốn truyện, ngồi bên cạnh Bin:
- Cháu đọc cho bà nghe nhé. Mình không học bài nữa. Hôm nay đọc truyện thôi
Bin ngập ngừng, rồi gật đầu.
Lan đứng từ xa, nhìn cảnh ấy, cực kỳ cảm động. Không cần lời xin lỗi, chỉ cần hành động yêu thương là đủ.
Hai tháng sau. Trong buổi họp lớp, Bin tự tin đứng lên đọc thơ, cô giáo gật gù khen ngợi.
Một buổi sáng thứ Bảy, Lan đang loay hoay tìm sách cho Bin thì nghe tiếng bà Tám từ phòng ngoài:
- Bin ơi, hôm nay bà với mẹ làm bảng trò chơi “Chữ vui toán dí dỏm” nhé!
Bin chạy ra, mắt sáng rỡ. Trên bàn là một bảng giấy màu, có ô số, hình ảnh dễ thương, và mỗi câu đúng sẽ được thưởng sticker siêu nhân.
- Con thích quá! Ai thắng thì được gì ạ? Bin hỏi.
- Người thắng sẽ được chọn món ăn tối. Nhưng quan trọng hơn là cả nhà cùng vui - Lan cười.
Trò chơi kéo dài một tiếng. Cả nhà cười vang. Có lúc Bin làm sai, bà Tám không trách nữa, mà chỉ nói:
- À, bài này hơi khó. Mình cùng làm lại với nhau nha.
Không khí trong nhà từ đó như được thắp sáng. Bà Tám không còn là người “áp lực” nữa, mà trở thành “đồng minh” thân thiết của cháu.