“Lửa ấm” cho “chiến sĩ” tuyến đầu từ hậu phương

Chia sẻ

Trong cuộc chiến chống giặc dịch Covid-19 không tiếng súng nhưng đầy cam go, nguy hiểm, các y bác sĩ luôn phải căng mình chạy đua với thời gian, làm việc gấp hai, gấp ba sức lực… Khó khăn, vất vả nhưng các “chiến sĩ” luôn vững tâm bởi họ được tiếp thêm sức mạnh từ sự sẻ chia, động viên, tin tưởng của gia đình nơi “hậu phương”.

Nỗi nhớ… trở thành động lực

Cuối tháng 5/2021, clip bé gái 20 tháng tuổi òa khóc đòi mẹ bế khi nhìn thấy mẹ chống dịch ở Bắc Giang trên tivi khiến nhiều người rưng rưng xúc động. Người mẹ trong clip ấy là chị Phùng Thị Hạnh - điều dưỡng khoa Chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện Quân y 103 (hiện đang làm nhiệm vụ tại tổ xét nghiệm bệnh viện dã chiến số 2 Bắc Giang).

Những ngày đầu, cảm giác nóng bức do mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít suốt nhiều giờ cùng với tình trạng tức sữa, nhớ con nhỏ khiến chị căng thẳng vô cùng. “Vì thế khi nào rảnh rỗi, tôi đều tranh thủ gọi điện thoại về nhà để trò chuyện cùng chồng, con. Khổ nỗi lần nào nói chuyện điện thoại con gái cũng òa lên khóc, đòi bế, khiến tôi đành phải tắt máy hoặc quay mặt đi lau nước mắt. Nhưng rồi chính nỗi nhớ con da diết ấy đã trở thành nguồn sức mạnh, động viên tinh thần, thôi thúc tôi cố gắng, nỗ lực hơn nữa để góp sức cùng đồng đội nhanh chóng khống chế, dập dịch Covid-19 ở Bắc Giang nói riêng, cả nước nói chung. Bởi nếu ở Bắc Giang hay những vùng khác dịch còn phức tạp thì gia đình tôi cũng chưa thật sự an toàn, dịch càng lâu, thời điểm tôi được trở về bên con sẽ còn xa hơn nữa...” - chị Hạnh tâm sự.

Nỗi nhớ gia đình giúp điều dưỡng Phùng Thị Hạnh thêm quyết tâmchiến đấu chống “giặc dịch” Covid-19Nỗi nhớ gia đình giúp điều dưỡng Phùng Thị Hạnh thêm quyết tâm chiến đấu chống “giặc dịch” Covid-19

Hiểu được tâm tư của người trong “tâm dịch”, ở nơi “hậu phương” anh Vũ Tuấn Anh - chồng điều dưỡng Phùng Thị Hạnh và gia đình cũng luôn chăm sóc và giữ sức khỏe thật tốt. “Vợ trực tiếp đi vào tâm dịch, nguy hiểm luôn thường trực. Mình và bố mẹ dù lo lắng nhưng cũng rất tự hào. Qua những cuộc điện thoại, rồi báo đài, mình biết vợ vất vả, lại nhớ con, thậm chí phát sốt vì tức sữa mà thương chảy nước mắt. Tuy nhiên, vì Tổ quốc, vì nhân dân, mình luôn động viên vợ cố gắng ăn uống, giữ sức khỏe, yên tâm làm nhiệm vụ. Thiết nghĩ chẳng riêng mình, bất cứ cha mẹ hay chồng, người vợ nào có người thân đang làm nhiệm vụ trong “tâm dịch” đều có chung sự tin tưởng, đồng lòng, tất cả vì cuộc chiến chống dịch Covid-19. Gia đình là vậy, luôn ở bên và tiếp sức cho nhau những lúc khó khăn nhất một cách vô điều kiện” – anh Vũ Tuấn Anh trải lòng.

Cũng là những trải lòng về nỗi niềm khi hướng về gia đình, cách đây không lâu, trên facebook cá nhân, một nữ bác sĩ bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từng viết rằng: “Có lẽ ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 năm nay sẽ là một ngày thật đặc biệt với những em nhỏ trên cả nước nói chung và với những em nhỏ, con của các nhân viên y tế của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang từng ngày từng giờ chiến đấu với dịch bệnh Covid-19 nói riêng.

Là người lớn, chúng ta không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh những cháu bé tuổi mẫu giáo, tuổi tiểu học phải đi cách ly, không có cha mẹ bên cạnh. Hình ảnh cậu bé tự ăn, tự phục vụ và đêm đến chui vào gầm giường nằm vì sợ, hay một cháu bé khác đã oà khóc khi nhìn thấy mẹ xuất hiện trên tivi sau bao ngày đi chống dịch không được gặp... đã thực sự làm lay động những tâm hồn cứng rắn nhất trong chúng ta.

Và ở bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nơi tuyến đầu cam go nhất của cuộc chiến đấu lần này cũng vậy. Đa phần các anh chị em phải để con nhỏ ở nhà cho vợ hoặc chồng chăm sóc thay và đã mấy tháng nay không được gặp con. Có những trường hợp cả vợ và chồng đều làm việc tại bệnh viện, đành phải gửi con nhờ ông bà trông nom giúp, để yên tâm làm nhiệm vụ. Đặc biệt còn có những em bé chưa cai sữa mẹ, miệng vẫn còn khát sữa đã phải xa mẹ trong lúc bệnh viện phải cách ly đột xuất.

Y bác sĩ TYT phường Mai Động lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dânY bác sĩ TYT phường Mai Động lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân

Nhưng chúng tôi tin rằng đây sẽ là một kỷ niệm thật đáng nhớ, một trải nghiệm thú vị và rất đáng tự hào, giúp các con mạnh mẽ và dạn dĩ hơn lên. Những gì các con đang trải qua sẽ trở thành những kí ức đẹp và sẽ theo các con cho đến mãi về sau. Các con có quyền tự hào về cha, mẹ mình, bởi họ là những chiến binh dũng cảm, đã có những đóng góp thầm lặng nhưng rất lớn lao trong cuộc chiến đấu lần này.

Chúng tôi cũng tin rằng, cuộc chiến này sẽ sớm kết thúc thôi, để cha mẹ của các con được trở về trong niềm hân hoan chiến thắng. Trong nỗi vui mừng và tự hào của gia đình, người thân. Trong sự biết ơn và tình thương mến của đồng bào cả nước. Và các con lại được ôm trọn trong vòng tay của cha mẹ, được thủ thỉ chuyện trò và bù đắp lại những ngày tháng xa cách, nhung nhớ.

Còn bây giờ, hãy mạnh mẽ và kiên cường lên nhé, bởi chính các con cũng là những chiến binh tí hon, là nguồn động lực lớn, giúp cha mẹ hoàn thành nhiệm vụ lần này”.

Người bạn đồng hành trên mặt trận “chống dịch”

Thời gian này, chị Nguyễn Thị Hằng - Trạm trưởng Trạm y tế (TYT) phường Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cùng 6 chị em của TYT đã phải trải qua những ngày căng mình, dốc sức “chạy đua” với công cuộc truy vết, xét nghiệm cho các trường hợp liên quan tới ca F0, đối tượng đi từ vùng dịch trở về địa phương.

Nhiều người con mới 2-3 tuổi, thậm chí chưa cai sữa, nhưng ai cũng xác định chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Ra khỏi nhà từ sáng sớm, đến tối mịt, thậm chí 1-2 giờ sáng mới trở về, thường xuyên không có ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật. May mắn là chị Hằng và các chị em trong TYT phường Mai Động nhận được sự chia sẻ, thấu hiểu, hỗ trợ tích cực từ phía gia đình nên mới có thể yên tâm, tập trung hoàn thành nhiệm vụ.

Bé Kem - con gái điều dưỡng Phùng Thị HạnhBé Kem - con gái điều dưỡng Phùng Thị Hạnh

“Còn nhớ thời kỳ cao điểm, có những khi 3h sáng nhận thông tin báo về ca F1, tôi phải lập tức đến cơ quan, cùng đồng đội tham gia truy vết. Mỗi lần như vậy “ông xã” lại trở thành “tài xế”, người bạn đồng hành cùng tôi. Chỉ cần có lịch báo là anh ấy đi cùng vợ, không ý kiến gì, thậm chí còn động viên vợ hãy cố gắng dù công việc nhiều vất vả. Đến giờ, các chị em trong TYT phường Mai Động vẫn nói với nhau rằng, qua mỗi đợt dịch, phụ nữ, nhất là người làm công tác y tế thấy mình lại thêm mạnh mẽ, bản lĩnh. Sức mạnh ấy đến từ quyết tâm, nỗ lực vì bình an của người dân; từ sự động viên, chia sẻ, ủng hộ của gia đình…” – chị Hằng chia sẻ.

Nỗi niềm ấy của chị Hằng cũng chính là tâm tư, tình cảm của nhiều y bác sĩ đang ngày đêm chiến đấu trên mặt trận chống “giặc dịch”. Nói tới sự hỗ trợ của gia đình, sức mạnh của “hậu phương”, chị Đỗ Thị Kỳ - Phó Trạm trưởng TYT phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) kể: “Không có hậu phương là bố mẹ, vợ/ chồng thì các y bác sĩ hẳn không thể hoàn thành nhiệm vụ. Ở đây nhiều bạn nhân viên con nhỏ mới 17-18 tháng tuổi, chồng công tác trong TP Hồ Chí Minh; có chị mẹ chồng già yếu, con chuẩn bị thi chuyển cấp… nhưng tất cả vẫn phải gác lại nỗi lo của riêng mình để tập trung chống dịch. Khi ấy, mọi lo âu đều gửi gắm, trông cậy vào người thân ở nhà là bố mẹ, vợ/ chồng.

“Đến nay, Đức Thắng là phường có chỉ số Covid-19 thấp nhất của quận. Thành tích ấy có được là bởi sự nỗ lực hết mình của cả tập thể. Nhưng chúng tôi có thể dồn toàn bộ tâm sức và nỗ lực vào công cuộc chống dịch lại là nhờ có sự sẻ chia thông cảm, giúp đỡ từ gia đình. Tất cả chúng tôi đều có bố mẹ, vợ chồng, con cái. Nhiều đồng nghiệp của tôi phải ở lại TYT ăn ngủ cả tháng trời vì phòng dịch. Nếu không có “hậu phương” chu toàn mọi việc gia đình, thì không ai có thể vững tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ của mình. Hơn lúc nào hết, sự chia sẻ, đồng hành của gia đình đã trở thành sức mạnh vô cùng to lớn, giúp chúng tôi thêm tự tin, quyết tâm trên hành trình chiến thắng “giặc dịch” Covid-19”- chị Đỗ Thị Kỳ bày tỏ.

YÊN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.