Mẹ chồng “khẩu xà tâm phật”

Chia sẻ

Từ ngày lấy chồng, Mai chưa bao giờ thấy mẹ chồng cư xử nhẹ nhàng, thân thiết với mình. Bà có vẻ không thích Mai, không thích con trai mình lấy Mai. Nên từ tính cách đến từng cử chỉ của Mai, bà đều phàn nàn, cau có, thậm chí là trách móc thẳng thừng.

Mai và chồng lấy nhau là vì “bác sỹ bảo cưới”, nên bà Hường trước đó chưa hề biết tí gì về con dâu. Cộng thêm việc chưa chồng mà chửa, với bà, đấy là một điểm trừ lớn. Nhà bà Hường tuy không phải là danh giá, vợ chồng tay trắng buôn đồng nát mà ăn nên làm ra, nên với hai đứa con, nhất là cậu con trai, bà cho ăn học đến nơi đến chốn, đi làm cũng phải là chỗ được người ta trọng vọng. Thế nên bỗng dưng cưới một cô gái ở đẩu ở đâu, tìm hiểu chưa kỹ, gia đình chưa ướm xem có vừa với nhà mình không, lại còn vác cái bụng về cùng thì quả là muốn chọc tức bà sôi máu. Ngày con trai đưa Mai về ra mắt, xin cưới, bà Hường tự cho mình là cửa trên, thẳng thừng nói: “Vốn bác chẳng muốn cho cháu được làm dâu đâu, nhưng thôi, đã trót có chửa rồi thì đành phải cưới”. Với một cô gái mới ngoài 20 như Mai, còn non nớt về cuộc sống, đó là một sự khiêu chiến. Cô nhủ thầm: “Được, bác đã không thích thì cháu cũng chẳng đến gần”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tính Mai rất bướng. Nhưng bướng kiểu trẻ con, nửa mùa. Lại thêm được bố mẹ yêu chiều, chăm bẵm đến tận bây giờ nên càng không biết kiềm chế. Riêng chuyện cô có bầu, bố mẹ cũng chẳng trách móc, chỉ thương “sao không nói sớm để bố mẹ sang nhà người ta tính chuyện”. Càng vậy, Mai càng thấy mình chẳng việc gì phải vội đong đưa, săn sóc, lấy lòng mẹ chồng. Hơn nữa, kiểu gì lấy nhau xong vợ chồng cô cũng được ở riêng trên thành phố, mẹ chồng vẫn ở quê. Nước sông vẫn cứ là không phạm nước giếng, nên càng thoải mái.

Cưới xong, chồng Mai đòi bố mẹ mua nhà luôn trên thành phố, để vợ chồng đỡ cảnh phải ở thuê. Bà Hường rất chiều con, ưng ngay, nhưng ra điều kiện, thời gian đầu bà sẽ lên kiểm tra tình hình nhà cửa thường xuyên, còn cuối tuần, 2 vợ chồng Mai phải đều đặn về thăm bố mẹ. Mai khó chịu, càu nhàu với chồng, thế thì còn gì là riêng tư nữa. Nhưng chồng cô phớt lờ, vô tư bảo, thế mới càng tốt. “Mẹ lên mang theo đồ ăn thức uống sạch, lại chỉ bảo thêm các thứ, càng nhàn ấy chứ!”.

Nhưng việc này không hề nhàn với Mai. Cô gái vô tư này lấy chồng khi chưa có bất kỳ kỹ năng làm vợ gì cả. Vì thế, chuyện nhà cửa bừa bộn, đồ đạc hay để lung tung, rồi có khi nấu nướng xong không dọn bếp ngay là chuyện quá bình thường. Chồng Mai đi làm suốt ngày nên khi về nhà thường không để ý. Nhưng bà Hường thì khác. Bà ghét nhất người bẩn và lười. Vừa đặt chân trước vào nhà con trai thì bà đã bắt đầu trách con dâu để nhà cửa lộn xộn. “Chị chăm sóc chồng thế này đấy à? Tôi chưa từng thấy người vợ nào để cái nhà như cái chợ thế này đấy! Bừa bãi không tả nổi! Chị đi dọn ngay cho tôi!”.

Nhà thì chưa tới mức như cái chợ, nhưng ai mắng mà chả nói quá lên, thành ra Mai vừa ra khỏi nhà đi mua chổi lau, vừa rưng rức khóc. “Mẹ chồng gì mà biết con dâu bầu bí cũng chẳng thông cảm, chưa gì đã mắng oang oang từ cửa, hàng xóm mà nghe thấy thì xấu mặt!”. Một lúc lâu sau mới mua được chổi về, chưa đến cửa nhưng Mai đã nghe bài ca mắng chửi của mẹ chồng vẫn chưa đi tới hồi kết. Mai điên lắm, cái tính nóng nảy lại trỗi lên, định bụng vào cãi “tay đôi” với bà Hường. Nào ngờ, bước vào nhà, Mai ngỡ ngàng vì bà đã dọn dẹp đâu vào đấy. Ngay góc cửa là đống rác to tướng bà vừa gom được. Trông ngôi nhà sáng sủa hẳn lên. Thấy bà quay lại nhìn, Mai cúi gằm xuống. Bà Hường thở hắt một cái rồi lại mắng tiếp: “Nhất chị đấy, giờ chỉ việc lau lại cái nhà cho mát nữa thôi nhé! Ai đời mẹ chồng từ quê lên mà cốc nước chưa kịp uống đã phải cúi lưng đi hầu!”. Rồi bà chỉ tay vào thùng các tông to, bảo Mai dỡ ra, “toàn hải sản đấy, cất vào tủ lạnh kẻo hỏng!”. Rồi bà đi vào phòng nằm, mặc kệ cho Mai đứng đấy, nửa ấm ức, nửa thẹn thùng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bà Hường bảo là lên quán xuyến, chứ hôm trước hôm sau là bà đã về quê rồi. Hai vợ chồng bà chung lưng đấu cật, buôn phế liệu mà nuôi con nên người, xây nhà xây cửa, nên cứ ngơi tay là nhớ nghề, không ngồi yên được. Sáng sớm hôm về bà vẫn kịp mắng Mai cái thói ngủ nướng, lề mề, không chịu nấu ăn sáng cho chồng. Nhưng rồi bà lại cho Mai tiền, bảo là “nghén thèm gì thì mua mà ăn, phải học cách chăm con từ bây giờ đi chứ tôi bận lắm, chả trông được hộ anh chị đâu!”.

Mai sau vài lần như vậy cũng dần hiểu mẹ chồng mình chỉ “xấu mồm” tí thôi, chứ trong bụng, bà yêu thương con cháu lắm. Nhưng cái tính “khẩu xà tâm phật” của bà Hường lắm lúc cũng quá đà, khiến mẹ chồng nàng dâu suýt điều tan nát. Ấy là những khi về quê, khi Mai còn chưa quen nếp sống nhà chồng, bà Hường càng mắng “thả cửa”. Từ việc cô dị ứng với tôm, cua đồng nên không chịu vào bếp nấu các món ấy, cho đến việc cô ăn mặc xuề xòa, chuyện gì bà cũng can thiệp mạnh bạo được. Mai cũng có lần vặc lại, rằng “con ăn ở như thế từ xưa rồi, mẹ không thích con cũng chịu, chẳng đổi được!”. Mai phải nín lắm mới không cãi thêm, lẻn lên phòng, nhưng tiếng bà Hường vẫn cứ mắng như chưa đã.

Mẹ chồng cứ hơi tí là mắng, rồi còn tỏ ra chưng hửng, khinh thường khi Mai có bầu con gái, nên cô tủi thân và càng xa cách bà. Lấy chồng được vài tháng, cô học được cách im lặng, nhẫn nhịn cho qua lời bà Hường, cho bà nói chán thì thôi, mình xem như điếc. Tình cảm mẹ chồng nàng dâu, vốn đã chẳng mặn mà, giờ càng như gió thoảng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thế nên chuyện chồng có bồ nhí bên ngoài, Mai cũng không cho mẹ chồng biết. Cô luôn nghĩ, kiểu gì bà Hường cũng sẽ về phe con trai mình. Cô cũng chẳng biết phải làm gì, cũng không dám kể với ai bởi bây giờ đang bụng mang dạ chửa, xấu xí, lại không đi làm, không có tiền, chẳng bằng ai cả, sức đâu mà lôi kéo được chồng về.

Nhưng bà Hường nhận ra vợ chồng con trai mình có gì đó không ổn. Nên lần đó, bà lên nhà Mai, ở lại lâu hơn bình thường. Giả bộ như không biết nhưng bà thấy Mai khóc trong phòng, bà xông vào và gặng hỏi bằng được. Mai không chối được, kể hết, thôi thì có mất gì nữa đâu. Bà Hường nổi điên lên, gọi con trai về ngay lập tức. Quý tử vừa bước chân vào nhà, đang còn càu nhàu thì bà phủ đầu luôn. Bà vừa đuổi con trai ra khỏi nhà, vừa ném sạch quần áo, đồ đạc của anh ta ra cửa. “Chừng nào mày xử lý xong xuôi với con ả kia thì về, không thì cút! Tao chỉ có 1 đứa con dâu!”.

Bà tuyên bố với chồng Mai: “Tôi sẽ ở đây cho đến khi anh chấm dứt hẳn mấy trò vớ vẩn bên ngoài”. Chỉ vài ngày sau cái hôm bị mẹ đuổi ra đường, chồng Mai đã giải quyết xong, không dám bén mảng linh tinh nữa. Nhưng cho đến 2 tháng sau, khi Mai đi đẻ, bà Hường vẫn ở lại, là để chăm sóc và đỡ đần con dâu. Vẫn là cái giọng oang oang, sang sảng ấy, nhưng đã tình cảm hơn, bà dặn Mai phải sống cho mình, mình phải vui, phải thoải mái, đặc biệt là phải đẹp thì mới lây lan niềm vui cho người khác được. Mai từ dạo sinh con xong hay xúc động, thấy mẹ chồng quan tâm, muốn vòng tay ôm bà Hường một cái. Bà Hường lâng lâng, nhưng vẫn hắng giọng, nén cười: “Chị còn phải học nhiều lắm đấy!”.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.