Mẹ hồi teen

Chia sẻ

Hôm đó, thấy chị mặc chiếc áo phông màu đỏ, quần bò ống vẩy khi sang nhà ngoại, con gái chị vùng vằng: “Mẹ xem lại bộ đồ mẹ mặc đi. Chúng là của con mà”.

Chị đáp: “Của con nhưng con đã bỏ đi, mẹ thấy chúng vẫn còn mới nên giữ lại mặc. Mẹ thấy đẹp mà. Bộ này mua mới cũng tốn tiền đấy con ạ”.

“Nhưng, nó teen quá, lại còn lỗi thời rồi. Mà nói chung, mẹ bắt đầu giống tính bà ngoại”…

Con bé chê cái áo lỗi thời, chẳng qua vì phía sau lưng áo in dòng chữ “Trại hè cho teen 2018”. Cách đây 3 năm, chị cho con gái tham gia một trại hè nên con được ban tổ chức phát cho cái áo đồng phục này. Sau khi đi về, nó bỏ luôn áo xuống dưới đáy tủ. Mới rồi, nó quyết định vứt hẳn chiếc áo đi. Chị tiếc quá, lại đem xuống phòng, mặc thay đồ ngủ. Còn cái quần bò, chị vẫn nhớ đưa nó đi mua hồi năm ngoái, giá cũng vài trăm ngàn. Ấy thế mà năm nay nó đã kêu chật, không mặc. Chị lại nhặt nhạnh, bụng bảo dạ quần này chị mặc đi chợ, đi chơi cũng vẫn được, chả có gì phải ngại.

Riêng điều con gái nói là “mẹ bắt đầu giống bà ngoại” thì chị thấy đúng. Càng ngày chị thấy chị đang dần biến thành… mẹ. Chị còn nhớ, hồi trước, mẹ chị cũng từng than thở khi thấy chị lọc bỏ đồ trong tủ quần áo. Nhiều lần, chị đã xếp gọn gàng những bộ đồ không mặc nữa vào một chiếc túi, sau đó để ra ngoài cửa để ai có nhu cầu thì đến lấy, nhưng chỉ một lát sau, chị lại thấy mẹ ra cổng xách túi đồ vào. Chị không đồng ý thì mẹ giận, bảo không liên quan đến chị. Rồi bà mang đồ lên phòng, cất trong tủ.

Từ đó, vào một ngày bất kỳ, chị có thể thấy mẹ mặc lại cái áo sơ mi hoa đỏ chói của mình đi lại trong nhà. Cái áo ren màu da người, mẹ thấy mỏng và cổ khoét hơi sâu nên lấy chỉ may túm lại, lót thêm một lớp vải ở ngực rồi cũng… mặc. Chị phì cười, bảo: “Mẹ ơi, mẹ già rồi, sao còn mặc áo ren. Mẹ thiếu áo thì để con mua biếu mẹ một cái”. Mẹ chị làm mặt giận: “Mẹ may kín rồi, chả hở hang gì. Mà mẹ đâu có thiếu quần áo, đồ con thải ra, mẹ mặc còn lâu mới hết, con không phải mua cho tốn tiền”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trong số các bộ đồ, chắc chỉ có chân váy là mẹ… chịu không mặc được. Nhưng, mẹ vẫn giữ lại cẩn thận vì bảo biết đâu có ngày chị nghĩ lại rồi mặc chúng. “Bộ nào con chán, cứ xếp đó một thời gian thì nó lại mới ngay”. Tất nhiên, khả năng chị mặc lại đồ cũ gần như không xảy ra. Mẹ chị không hiểu rằng, chị đi làm, không thể cứ mặc mãi một số bộ quần áo năm này qua năm khác chỉ vì chúng trông còn mới và chưa bị rách.

Cuối cùng, chị đành chấp nhận để mẹ “hồi teen”. Mỗi lần đến nhà thăm mẹ, chị và con gái luôn sẵn sàng phá lên cười khi thấy mẹ ra mở cửa trong một bộ trang phục vô cùng không hợp với tuổi tác.

“Mẹ ơi, đúng là mẹ đang hồi teen quá mức”, chị trêu mẹ.

“Kệ tôi, tôi mặc gì là quyền của tôi”, mẹ chị đáp.

Đó là việc xảy ra cách đây cả chục năm, khi chị hãy còn đi làm. Chị không nghĩ, đến giờ, chị lại cũng như mẹ. Chị bắt đầu lẩn thẩn giữ lại đồ bỏ đi của con gái, rồi kệ nó can gián, chị vẫn mặc chúng lên người vì thấy không làm sao cả.

Nghĩ về mẹ, chị nhớ có dạo, mẹ chị hay than người bị đau mỏi, nóng lạnh thất thường. Lúc mọi người trong nhà nóng thì mẹ kêu lạnh, lúc cả nhà thấy lạnh thì mẹ đòi mở quạt mạnh hơn vì thấy bí bách quá. Đi khám thì bác sĩ chẳng phát hiện mẹ có bệnh gì nghiêm trọng. Mẹ chị thở dài bảo: “ở tuổi này là thế đấy, lúc nào cũng như ốm giả vờ”.

Lúc đó, chị chưa hiểu được những lời mẹ nói. Chị chỉ nghĩ, người già ốm thì phải… ốm thật chứ mà vẫn ăn, ngủ, nghỉ, đi lại bình thường thì… không đáng lo. Thế nên, chị chỉ hỏi thăm mẹ qua loa còn vẫn tập trung lo làm ăn, chăm sóc gia đình của mình.

Nay, đến lượt chị cũng bắt đầu xuất hiện những cơn đau mỏi vô cớ. Lúc chị nằm trên giường, nhờ con lấy giúp cho mình thứ nọ thứ kia, con gái chị có lúc còn vùng vằng, bảo mẹ có bị ốm đâu. Chị bực con, chỉ muốn tấm tức khóc. Rồi bỗng chị lại nhớ mẹ, hồi trước, khi chị vô tâm với mẹ vì nghĩ mẹ luôn còn khỏe, chắc mẹ chị cũng đã buồn lắm.

Hóa ra, những người mẹ trẻ rồi sẽ… trở thành những người mẹ già. Những đứa con khi thực sự bước vào tuổi của mẹ… thì mới hiểu được nỗi lòng, tâm trạng, cách suy nghĩ của mẹ mình. Lúc đó, có lẽ chúng mới thực sự thấy thương mẹ, yêu mẹ, muốn bù đắp cho mẹ nhiều hơn.

Chị đèo con đến nhà bà ngoại, con gái chị ngồi sau vẫn chưa thực sự hài lòng vì chị vẫn… mặc quần áo bỏ đi của nó.

“Con ơi, rồi sẽ có ngày, con sẽ hiểu mẹ thôi”, chị nhủ thầm.

LAN CHI

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.