Mẹ (số 41)
Cả cuộc đời cha đi bộ đội
Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương
Và trên ngực là những vết thương
Cứ trở gió lại đau nhức nhối
Chiếc ba lô gió sương đã gội
Gia tài cha tặng mẹ... chỉ thế thôi
Mẹ đón cha lặng lẽ
Mắt rạng ngời lệ đẫm những cách xa
Hai mươi năm ngày cưới
Đến hôm nay đời chồng vợ bắt đầu
Hai mươi năm lấy nhau
Mẹ đẻ con và nuôi con một mình
Tháng năm trôi...
Cả cuộc đời cha đi bộ đội
Những đứa con lớn khôn,
lại ra đi,
ra đi.
Mẹ ơi những khi con hạnh phúc
Rồi khi con của mẹ va vấp
Chỉ một chỗ gục vào là mẹ
Mẹ ơi!
Con của mẹ là gái
Chỉ xin một phần của mẹ thôi,
Để làm mẹ sau này!
26/10/1988
Đoàn Ngọc Thu
Ảnh minh họa
LỜI BÌNH
Trong các sáng tác của Đoàn Ngọc Thu bài thơ "Mẹ" đặc biệt khiến người đọc rất xúc động. Thi phẩm giàu sức khái quát này đã ghi nhận, ngợi ca và tri ân sâu sắc tới những người mẹ suốt đời vất vả hy sinh vì chồng con và đất nước.
Dùng thể thơ tự do, kiểu câu dài ngắn đa dạng, tác giả đã gửi gắm nhiều cung bậc cảm xúc. Với phương thức tự sự, mở đầu bài kể câu chuyện cuộc đời mẹ, lại vừa như một đoạn phim sống động tái hiện hoàn cảnh của mẹ cha và bao gia đình khác: "Cả cuộc đời cha đi bộ đội/ Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương/ Và trên ngực là những vết thương/ Cứ trở gió lại đau nhức nhối/ Chiếc ba lô gió sương đã gội/ Gia tài cha tặng mẹ... chỉ thế thôi".
Ngôn ngữ thơ cô đọng, những dấu chấm lửng gợi nhiều liên tưởng, có sức khái quát cao qua hình ảnh chân thực, đắt giá phản ánh một thực tế trong đời sống dân tộc: "Khi có giặc người con trai ra trận/ Người con gái trở về nuôi cái cùng con" (Nguyễn Khoa Điềm). Người cha đi chiến đấu dũng cảm nơi tiền tuyến, mẹ ở lại gánh vác mọi việc. Giặc tan rồi, cha trở lại quê hương, "quà về cho mẹ" là mái tóc đã bạc vì năm tháng gian lao và vết thương trên mình "nhức nhối" cùng chiếc ba lô "gió sương đã gội" bạc màu, sờn rách. Cách dùng từ "quà" ở đây là một sáng tạo độc đáo. Thông thường "quà" là để chỉ thức mua để ăn thêm hay vật dùng để biếu, tặng. Vậy mà ở đây "quà" lại là "mái tóc" bạc và "những vết thương" - một phần thể chất con người. Song với mẹ và người thân, sự trở về của cha đúng là món quà vô giá nhất. Hưởng niềm vui hội ngộ mẹ chỉ "lặng lẽ" nhưng "mắt rạng ngời".
Ảnh minh họa
Hạnh phúc lớn nhưng xót đau không hề nhỏ vì tuổi xuân của mẹ đã trôi qua: "Hai mươi năm ngày cưới/ Đến hôm nay đời chồng vợ bắt đầu". Đọc đoạn thơ, ai cũng rưng rưng vì thương xót và cảm phục mẹ cùng những lứa đôi khác "Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau" (Nguyễn Mỹ). Thương và phục mẹ hơn nữa bởi "Hai mươi năm lấy nhau/ Mẹ đẻ con và nuôi con một mình". "Hai mươi năm" là hơn bảy ngàn ngày, "một mình" mẹ vật lộn mưu sinh, "một mình" mẹ sinh nở, "một mình" nuôi con lớn khôn. Để làm nên điều ấy, biết bao mồ hôi và nước mắt đã đổ... Nhờ những người như mẹ, Tổ quốc mới có được bao đứa con lớn "ra đi/ ra đi" cứu nước tiếp bước ông cha.
Ở hậu phương, những đứa trẻ vắng tình cảm và sự dạy dỗ của cha, lại càng thương mẹ hơn bởi phải cáng đáng tất cả. Chủ thể trữ tình nghẹn ngào nhớ lại: "Mẹ ơi những khi con hạnh phúc/ Rồi khi con của mẹ va vấp/ Chỉ một chỗ gục vào là mẹ/ Mẹ ơi!". Hai đoạn thơ cuối chỉ gồm ba câu, vần điệu gồ ghề với hai thanh trắc "phúc" và "vấp" cuối mỗi câu. Đây hẳn là dụng ý của người viết nói lên cảnh ngộ bất bình thường của đứa con. Riêng kết bài là câu cảm thán đặc biệt chỉ hai từ "Mẹ ơi!". Ý thơ cô đọng toát lên niềm tri ân và thành kính thiêng liêng với mẹ... Bài thơ khép lại, chủ thể trữ tình bày tỏ mong muốn "Chỉ xin được một phần của mẹ thôi". Đây là sự ngợi ca: Mẹ vĩ đại biết nhường nào, con chỉ mong có được một phần của mẹ là đủ! Trong bài, từ "mẹ" điệp tới 12 lần, tác giả nhấn mạnh và ngợi ca hơn nữa cuộc đời mẹ đã hy sinh vì mục đích cao đẹp.
Nhạc sĩ Phan Long đã phổ nhạc thi phẩm thành bài hát “Mẹ Việt Nam” - một bài ca đi cùng năm tháng và luôn gây xúc động lòng người.
THÁI DŨNG