MẸ VÀ THƠ

Chia sẻ

“Lời ru mẹ hát... lẫn vào thơ anh” Xuân Quỳnh

“Mẹ” là đề tài và nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà thơ khai thác và đã tạo nên được nhiều câu thơ, nhiều bài thơ hay, đẹp, thấm đẫm tình, đầy nhân văn, cảm động và trường tồn. Không dám lạm bàn và có lẽ cũng không cần lý giải nhiều về giá trị, vai trò, sự vĩ đại và cao cả của người Mẹ. Vấn đề ở đây là Mẹ vào Thơ, và Thơ thể hiện thế nào? Thử nhìn lại bằng vài trích dẫn.

Trước hết là người Mẹ cụ thể, và dẫu có là cụ thể thì đó cũng như bao bà mẹ Việt Nam quen thuộc khác mà ta thường gặp, cụ thể mà khái quát. Đây là bà mẹ của thần đồng Trần Đăng Khoa qua thơ với những hình ảnh tượng trưng, ẩn dụ và đối lập rất biểu cảm: “Hạt gạo làng ta/ có bão tháng bảy/ có mưa tháng ba/ giọt mồ hôi sa/ những trưa tháng sáu/ nước như ai nấu/ chết cả cá cờ/ cua ngoi lên bờ/ mẹ em xuống cấy” (Trần Đăng Khoa - Hạt gạo làng ta). Người Mẹ của đất nước có nền văn minh lúa nước, một người Mẹ đầy lam lũ, vất vả, gian truân, đảm đang, dũng cảm.

Dấu ấn lao động cần cù, triền miên cả một đời trên ruộng nương lúa nước, màu phù sa làm quạnh đỏ móng chân của những người phụ nữ, những người Mẹ như thế, xứng đáng được trân trọng tôn vinh, đưa lên chân trời thành ráng đỏ kỳ vĩ, tôn thờ, bừng lên một hình tượng rất đẹp và cảm động: “... Thương bàn chân mẹ chân em/ Sánh phù sa có in lên chân trời/ Chỉ nhìn vào móng chân thôi/ Biết em đã lội qua thời trẻ trung...” (Trần Mạnh Hảo - Đất nước hình tia chớp).

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Không phải vô lý khi một trong 50 câu thơ được chọn thả lên bầu trời Văn Miếu Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16 (Nguyên Tiêu Mậu Tuất 2018) là câu thơ của Nguyễn Duy viết về Mẹ: “Chân nhang lấm láp tro tàn/ Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào”.

Vì sao có Mẹ? Người mẹ kính yêu, vĩ đại và thân thiết của đứa con thơ bé, khiến nó ngỡ như được món quà vô giá, phép lạ thần tiên ban tặng cho mình. Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã giải thích cho trẻ một cách rất thơ và cảm động:

“...Nhưng còn cần cho trẻ/ Tình yêu và lời ru/ Cho nên mẹ sinh ra/ Để bế bồng chăm sóc/ Mẹ mang về tiếng hát/ Từ cái bống cái bang/ Từ cái hoa rất thơm/ Từ cánh cò rất trắng/ Từ vị gừng rất đắng/ Từ vết lấm chưa khô/ Từ đầu nguồn cơn mưa/ Từ bãi sông cát vắng...” (Xuân Quỳnh - Cổ tích về loài người). Hình như có một mệnh đề nhân quả. Vì con cần... nên Mẹ sinh ra. Vì con, mẹ có thể làm tất cả để mang về hạnh phúc cho con dẫu rằng mẹ phải mang nó từ bất cứ nơi đâu, phải đổi nó với bất cứ giá nào...

Phải, vì con cần Tình Yêu và Lời Ru nên mẹ sinh ra để đáp ứng. Lời ru của Mẹ khiến Nguyễn Duy: “Ngồi buồn nhớ Mẹ ta xưa” cảm nhận được “Cái cò sung chát đào chua/ Câu ca mẹ hát gió đưa về trời/ Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết những lời mẹ ru”...

Dòng sữa và lời ru của Mẹ cho ta sự sống, nuôi dưỡng cho ta cả về thể chất và tâm hồn: “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn/ Bà ru mẹ... mẹ ru con/ Liệu mai sau các con còn nhớ chăng?” (Nguyễn Duy - Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa). Hình như ở đây tác giả như có cả sự nhắn gửi và âu lo của mình về lời ru trong tương lai.

Đối với nhà thơ Trần Mạnh Hảo, lời ru của mẹ luôn gợi cho ông hình bóng mẹ kính yêu trong vất vả, đau thương, đói nghèo, cực nhọc, đầy xa xót: “Mẹ ru hạt phù sa khó nhọc/Ngủ đi mà hóa cánh đồng/Mẹ đi mót lúa, lúa không hạt nào/Sông Hồng lụt cả ca dao/ Con cò bị bão giạt vào lời ru” (Trần Mạnh Hảo - Sông Hồng). Lời ru của mẹ có sức sống trường tồn, theo ta suốt cuộc đời, nâng bước ta, chở che ta: “Mẹ ru một tiếng ầu ơ/ Mà nghìn năm đến bây giờ còn ngân/ Trở mình trên võng con lăn/ Nghe như trái đất nghiêng dần một bên”, “Lời ru Mẹ hóa vòm trời/Chở che suốt cả cuộc đời con đi” (Trần Mạnh Hảo - Đất nước hình tia chớp).

Mẹ như Tiên Cô, Mẹ như Phật Bà nghìn tay nghìn mắt, Mẹ sinh ra cho mọi sự con cần, mọi sự đời cần. Nhà thơ Bế Kiến Quốc suy tưởng rất sâu sắc: “Nghìn con mắt để khóc thương/ Nghìn bàn tay để lau nước mắt/ Nghìn con mắt để nhìn thấu sự thật/ Nghìn bàn tay che giữ lửa hồng”. Vậy nên “Chiều nay ngồi thăm thẳm dưới thu xanh/ Thấy nghìn - mắt - nghìn - tay tỏa hào quang lặng lẽ/ Quanh gương mặt nhân từ gương mặt Mẹ/ Nguồn sức mạnh diệu kỳ là đó Việt Nam ơi!” (Bế Kiến Quốc - Tượng nghìn mắt nghìn tay). Ranh giới giữa bà mẹ Việt Nam cụ thể và khái quát như nhòa dần, là một, ta thấy rõ bà mẹ Đất Nước - bà mẹ dân tộc Việt Nam lồng lộng, kỳ vĩ qua cuộc sống thường nhật, qua lao động sáng tạo, qua dựng nước và giữ nước.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Ta lại gặp một trong 50 câu thơ được Hội nhà văn thả lên bầu trời Ngày thơ Việt Nam lần thứ 12 năm 2014 là câu thơ của nhà thơ Trần Vàng Sao: “Mẹ thương con ngồi cầu Ái Tử/ Đất hôm nay đã thấm hồn người” (Trần Vàng Sao - Thả thơ lần thứ 12 Năm 2014) cùng câu thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh: “Mẹ nuôi ngọn lửa trong hầm/ Để khi khôn lớn con cầm trên tay” (Xuân Quỳnh - Thả thơ lần thứ 12 Năm 2014). Và nữa, câu thơ “Mẹ già bịn rịn áo nâu/ Thương đàn con ở rừng sâu mới về” của Hoàng Trung Thông (Thả thơ lần thứ 14 Năm 2016)…

Trong Trường ca “Đất Nước”, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết: “Mẹ Việt Nam Ơi!/ Đêm nay con về gối đầu trên cánh tay của Mẹ/ Ôi cánh tay rắn rỏi dịu hiền/ Lấm láp bùn lầy nhưng ấm áp niềm tin/ Đó là hai cánh tay đê sông Hồng của Mẹ/ Mẹ phả vào mặt con nồng nàn hơi sữa/Của những đồng xa nguyên vẹn như mùa” (Nguyễn Khoa Điềm - Đất nước) thì hoàn toàn là Mẹ Dân Tộc, Mẹ Đất Nước Việt Nam. Tình yêu và niềm tin của chúng ta gửi vào Dân Tộc, Đất Nước.

Mẹ là biểu tượng tất cả những gì là phẩm chất tinh hoa cao đẹp của dân tộc, của đất nước: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, lòng dũng cảm, đức hy sinh cao cả, sự cần cù, sáng tạo, lòng thủy chung như nhất, tình yêu nước nồng nàn, sức sống kiên cường, bền bỉ. Người ta ngạc nhiên đến lạ lùng về phẩm chất cao đẹp, hiếm có của người Mẹ Việt Nam, Dân tộc Việt Nam. Những câu thơ về Mẹ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo trích từ trường ca “Đất nước hình tia chớp” đã làm tôi gai người cảm động:

“Có phải mẹ Âu Cơ đã đi vòng trái đất/ Để làm chỗ khai sinh con Lạc cháu Hồng/Mẹ đã tìm ra dải đất hình tia chớp/ chọn vùng tâm bão để sinh con”.

“Dân tộc lạ lùng lần đầu chiến đấu/ Lại cử chú bé vừa sinh cưỡi ngựa sắt xông ra/ Lại cử hai người đàn bà cưỡi voi cầm giáo/ Tráng sĩ mà sao phải giữ nhà?/ Không Mẹ ơi những người trai khí phách/ Giặc giết rồi mẹ chưa kịp sinh đâu/ Mẹ chưa kịp dựng đền đài thành quách/ Chưa đủ bình yên ăn hết miếng trầu/ Mẹ ơi suốt chiều dài lịch sử/ Mẹ vẫn sinh nhiều những đứa con trai/ Mỗi bận chiến trường tin báo tử/ Mẹ lại hoài thai bằng nỗi đau dài...”.

“Con thương Mẹ thương cả đời đưa tiễn/Hết giặc này lại đến giặc kia/ Mẹ cưu mang hết mọi thời kháng chiến/ Những đứa con đi dẫu biết không về”…

Và như một lời hứa trước Mẹ Việt Nam, ông viết:

“Mẹ ơi có mẹ rồi chúng con vững bước/ Chúng con lam làm chúng con sống, chúng con yêu/ Chọn tâm bão Mẹ sinh thành dân tộc/ Sóng có nghiêng đê con vẫn bắc câu Kiều.

Người xưa có câu:“Bách hạnh Hiếu vi tiên”, đạo dân gian, đạo Phật, đạo Nho... bất kỳ đạo nào cũng răn dạy người ta sống phải trọn đạo Hiếu. Nhiều câu chuyện cảm động, nhiều tấm gương sáng ngời Hiếu đạo là bài học quý giá cho tất cả chúng ta. Hạnh phúc thay cho những ai còn Mẹ Cha. Hãy làm những gì có thể được, chăm sóc Cha Mẹ kính yêu trước khi ta không còn cơ hội. Tôi chợt nhớ câu thơ của nữ thi sĩ Nguyễn Thị Mai, trích trong bài: “Qua hàng trầu nhớ mẹ”, một bài thơ rất hay và cảm động của chị viết về mẹ: “... Mẹ ơi!/ Thơm cay một miếng trầu xưa/ mà con phải bớt tiền mua vì nghèo/ Bây giờ đã hết gieo neo/ Lại không còn mẹ mà chiều khổ không/ Từ ngày đưa mẹ ra đồng/ Qua hàng trầu vỏ con không dám nhìn!...”

Còn nữa, đây là quan điểm và tình cảm đối với mẹ chồng của nữ nhà thơ nổi tiếng Xuân Quỳnh khi chị tâm sự với chồng, rất đạo lý và cảm động, có khả năng cảm hóa và giáo hóa rất nhiều người đọc: “...Phải đâu mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/ Mẹ tuy không đẻ không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong/ Ngày xưa má mẹ cũng hồng/ Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau/ Bây giờ tóc mẹ trắng phau/ Để cho mái tóc trên đầu anh đen/ Đầu con dốc nắng đường quen/ Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần/ Thương anh thương cả bước chân/ Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao/ Lời ru mẹ hát thuở nào/ Truyện thơ mẹ kể lẫn vào thơ anh...” (Xuân Quỳnh - Mẹ của anh).

Người Mẹ với ý nghĩa đích thực, xứng đáng được nhân loại tôn vinh. Kết thúc bài viết đơn giản này, tôi muốn nhắc lại câu nói bất hủ của văn hào Mác-Xim-Gooc-Ki viết trong tác phẩm “Người Mẹ” của ông: “Không có mặt trời thì hoa hồng không nở. Không có tình yêu thì không có hạnh phúc. Không có đàn bà thì chẳng có tình yêu. Không có Người Mẹ thì cả nhà thơ cả anh hùng đều không có”.

PHAN BÁ ẤT

Tin cùng chuyên mục

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

(PNTĐ) - Điểm lại lịch sử điện ảnh Việt, dòng phim về chiến tranh tuy không sôi động nhưng mỗi tác phẩm đều để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả, trở thành những bài học lịch sử sống động đi vào lòng người, nhắc nhở chúng ta không quên những năm tháng cha anh đã sống và chiến đấu như thế, không quên lịch sử nước nhà đã trải qua những gì để có cuộc sống hòa bình, êm ấm như hôm nay… Cũng vì vậy, chúng ta thật sự phấn chấn khi dòng phim chiến tranh đang “nở rộ” và được công chúng đón nhận nhiệt tình gần đây.
169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.
Gia đình không ruột thịt

Gia đình không ruột thịt

(PNTĐ) - Ông sinh vào tháng 5 năm 1960 trong một gia đình nghèo ở xã Bảo An, thành phố Giang Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Mất cha từ khi còn nhỏ, ông ra ngoài kiếm sống khi mới 9 tuổi, chăn vịt cho người khác, nhặt rác, bán hàng rong và dựng quầy hàng... Không có nơi ở cố định, ông sống cuộc sống lang thang ở vùng núi biên giới các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tây.