Mới lạ với những cành quả

Chia sẻ

Những tưởng chỉ có những bình hoa tươi tắn, đầy màu sắc mới làm “bừng sáng” cho không gian nhà ở, văn phòng, thì nay, tại nhiều gia đình, chị em chuyển sang trào lưu mới: cắm cành quả táo mèo, cà phê, quả hồng, quả lê cùng một số loại hoa lạ của các vùng miền.

Trước là ngắm, sau là… dùng

Mỗi lần cắm hoa, chụp ảnh đăng trên trang mạng xã hội cá nhân, chị Nguyễn Thu Hằng - nhân viên truyền thông ở phố Sơn Tây, quận Đống Đa thường nhận được rất nhiều lời khen của bạn bè, đồng nghiệp. Những bình hoa hồng, hoa cúc, hoa ly… mềm mại, rực rỡ và ngát hương thể hiện tài khéo của chị em, mang lại niềm vui, xua tan sự mệt mỏi cho cuộc sống. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thay vì cắm những bình bông đẹp, chị Hằng chuyển sang cắm quả, từ quả táo mèo sang đến quả hồng, quả lê… “Thời điểm này, trên cao nguyên Lâm Đồng hay ở các tỉnh miền núi Tây Bắc đang vào mùa thu hoạch táo mèo, hồng quả. Những năm trước, du lịch phát triển, nhiều người ở Hà Nội được ngắm nhìn những cây hồng, cây táo mèo lớn xum xuê trái dọc đường đi lên các tỉnh miền núi. Trong các chuyến đi khám phá ấy, nhà nào cũng mang theo những sản vật này làm quà. Tận dụng nắng hanh khô của những ngày cuối thu đầu đông, chị em trổ tài khéo, kỳ công làm hồng dẻo rất ngon. Năm nay thì khác, dịch bệnh khiến du lịch bị đình trệ đến tận giữa tháng 10. Ngoài thu hái trái, bà con có sáng kiến cắt cành quả trĩu nặng, chuyển về xuôi để chị em trưng cắm”- chị Hằng kể lại.

“Hai cô con gái tôi đang học cấp 1. Ở tuổi khám phá nên bọn trẻ rất tò mò, thấy mẹ chở về một bó hồng quả lớn, lúc đầu chị em còn rủ nhau giúp mẹ ngắt quả” - chị Lan Anh ở ngõ Quan Thổ 1, quận Đống Đa cười vui. Từ những cành hồng cao gần 1m, chị cắt lấy những nhánh nhỏ, cắm vào lọ to thay hoa rồi để ở phòng khách. Vừa cắm cành quả, chị Lan Anh vừa giải thích cho hai cô con gái về câu chuyện của quả hồng. “Đây là loại hồng trứng nổi tiếng của các tỉnh miền núi. Quả hồng tròn, nhỏ, khi chín có màu đỏ tươi, vỏ mỏng, dễ dập nát, khó vận chuyển nên bà con thường thu hái lúc quả còn xanh, vỏ bên ngoài màu vàng nhạt. Nhà mình thường chỉ mua quả hồng để thưởng thức nên các con không chú ý lắm nhưng năm nay, các con có thể quan sát được biến đổi của quả hồng từ lúc còn xanh, cầm quả thấy rất cứng đến khi hồng chín, vỏ mỏng mềm”- chị Lan Anh tiếp lời. Sau những bữa cơm tối, hai cô con gái nhận nhiệm vụ kiểm tra hồng, quả nào chín đỏ, các cháu nhẹ nhàng hái và thưởng thức. “Lúc này, cành hồng đã khô lại, lá rụng hết nhưng vẫn rất lạ mắt vì các quả xanh - chín trĩu đan xen. Các con được lĩnh hội kiến thức sinh học khá bổ ích”.

Mới lạ với những cành quả - ảnh 1

Đến mùa táo mèo, chị Nguyễn Thị Thuận ở chung cư Goldmark, quận Bắc Từ Liêm thường mua vài kg để ngâm rượu cho ông chồng. Năm nay, thay vì xách túi quả, chị Thuận mang về một bó lớn, cắm vào bình đất men đỏ rồi “giao hẹn” với anh xã: “Em cắm trước cho đẹp, mấy ngày tới, táo mèo chín, anh hái quả ngâm rượu. Như vậy là một công đôi việc”.

Ngoài quả táo mèo và quả hồng, người dân Hà Nội còn thích thú chọn cành cà phê, các loại lúa nếp, lúa cẩm để trưng cắm. Tuy nhiên, phổ biến nhất là cành hồng quả, cành táo mèo. Sau khi thu hái, chuyển đến tay người chơi, cành hồng và táo mèo vẫn xum xuê lá xanh tươi mơn mởn nhưng chỉ sau 1 - 2 ngày, lá quả héo và rụng dần, chỉ còn lại những chùm quả sai chi chít trên cành. Tuy nhiên, thời điểm này, theo đánh giá của nhiều bà nội trợ, là lúc bình quả đẹp nhất; Quả xanh quả chín đan xen trên cành tựa như như những cây hồng mang theo vẻ đẹp mùa thu trên những rẻo cao. Riêng về cành hồng, có rất nhiều loại quả hồng để lựa chọn như hồng bi, hồng vuông, hồng trứng… Trong đó, hồng trứng và hồng bi được lựa chọn nhiều hơn vì quả nhỏ xinh, chín đỏ, không hạt, khi chín lại rất ngọt thơm.

Nét đẹp mộc mạc, dân dã trong nhà phố

Là cây ăn quả chủ lực của các tỉnh vùng cao, mùa hồng quả kéo dài từ đầu tháng 8 âm lịch sang đến chớm đông. Những ngày này, tuy đã chuẩn bị cuối vụ nhưng những cành hồng chuyển về xuôi vẫn rất đẹp: cành to, quả già và sai, có cành hồng lên đến 20-30 quả. Theo các chị em, cắm cành quả, nhất là cành quả hồng “chơi” được khá lâu. Một bình hồng có thể cắm từ 14-30 ngày tuỳ vào từng thời điểm thu hoạch của bà con. Với cành hồng quả còn xanh có thể để cả tháng, còn hồng ngả vàng, thời gian cắm ít hơn, khoảng 20 ngày. Một bó cành quả hồng có giá khoảng 130.000 đồng. Với những gia đình có không gian phòng khiêm tốn có thể lựa chọn hồng bó, gồm từ 7-10 cành nhỏ. Nhà nào rộng có thể trưng cắm hồng cành với chiều dài cành ngắn nhất là 1.5m, còn lại đều là cành tầm 2m.

Mới lạ với những cành quả - ảnh 2

“Cây trồng vùng cao đa đạng và phong phú. Thời điểm này bắt đầu mùa đẹp nhất trong năm của các tỉnh miền núi, để phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô, bên em nhập thêm kim ngân, lê trái vụ. Mọi người đã quen với cành lê hoa nhỏ trắng muốt thì năm nay có cành hoa vừa điểm hoa trắng vừa điểm quả lê nhỏ rất lạ mắt” - chị Nguyễn Bích Thảo, chủ cửa hàng đặc sản Tây Bắc ở ngõ 445 phố Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân cho hay.

“Đợt dịch vừa qua khiến giao thông đi lại khó khăn, hơn nửa năm không được về thăm nhà, nhớ quê Bảo Hà, Lào Cai lắm nên tôi thay các loại hoa cắm trong nhà bằng cành hồng quả, bông lúa nếp và kim ngân. Những loại cây, quả quen thuộc trong vườn nhà với những người xa quê như chúng tôi luôn là món quà quý” - chị Nguyễn Thảo Phương ở chung cư Ngoại giao đoàn, quận Bắc Từ Liêm cho biết. Không gian hiện đại của căn hộ chung cư gia đình chị Thảo Phương trở nên ấm cúng hơn với lọ kim ngân rừng được trưng ở giữa phòng khách. Những quả kim ngân nhỏ, màu cam rực đan xen trong những tán lá xanh dày rất đẹp mắt. Chị Thảo Phương cho biết: Nhìn thoáng qua, quả kim ngân tròn, mọng và nhỏ, gần giống như cành cherry đã từng gây sốt năm ngoái nhưng chơi bền hơn. Cành quả kim ngân không có gai nhưng quả rất sai, lá dầy đẹp nhưng không bị héo. Cành kim ngân có nhiều dáng: dáng huyền, dáng bonsai, cành nhỏ… Tuỳ vào từng không gian, các gia đình có thể lựa chọn cành cắm cho phù hợp, nhà nhỏ có thể cắm cành; Với các không gian lớn, có thể cắm bó vào lọ lộc bình. Dù là dáng nào thì cắm kim ngân rất dễ vì có dáng sẵn, chị em chỉ cầm cắm vào bình, tỉa lá (nếu dày quá), uốn cành theo chiều là đẹp.

Những ngày thời tiết chuyển lạnh hoặc có gió mùa, cắm cành kim ngân là hợp lý. Cũng giống như cherry, kim ngân là loại cây sống ở vách núi cao, thời tiết lạnh, khi về xuôi, nhiệt độ nóng hơn kim ngân dễ bị “sốc” nhiệt, nếu không biết cách chăm sóc, dễ bị héo. Cành cây kim ngân có kích thước lớn như hoa đào, hoa lê nên để cây được lâu, bền, trước khi cắm hoa chị em cần cưa gốc để cành hút nước lên thân, nuôi lá và quả, ngâm hoặc phun đẫm nước vào cành sau đó mới cắm. Tuy không phải thay nước cắm hoa hàng ngày nhưng để lá tươi, chị em cần phun nước lên cành để cung cấp độ ẩm cho lá và quả.

THẢO NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.