MỖI NHÀ MỖI CẢNH

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Chị Thiệp gọi đến Văn phòng tư vấn tâm lý của chúng tôi phàn nàn rằng chị là con gái, đã đi lấy chồng, nhưng vẫn hết lòng chăm lo cho bố mẹ đẻ, đôi khi rất vất vả và tốn kém. Vậy mà hai đứa em của chị, một trai, một gái, đều đã có gia đình, lại gần như ỷ lại, ít quan tâm đến bố mẹ, khiến chị bực mình. Chị nói các em, thì bị các em giận. Chị hỏi rằng chị có làm điều gì sai không?

Gia đình chị Thiệp trước đây sống ở Hải Phòng, tuy nhiên, hiện nay gia đình chị, mẹ chị, vợ chồng cậu em đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội. Ở quê Hải Phòng chỉ còn bố chị và vợ chồng cô em gái lấy chồng cùng huyện.

MỖI NHÀ MỖI CẢNH - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chị Thiệp năm nay mới 39 tuổi, hai vợ chồng anh chị có hai con, bé nhất mới 5 tuổi. Cách đây ít năm, vợ chồng chị Thiệp còn là cán bộ Nhà nước, sinh sống chủ yếu bằng đồng lương công chức. Chồng chị là giáo viên giỏi, có dạy thêm, có thu nhập thêm chút đỉnh. Anh chị sinh sống trong một căn hộ 2 phòng, mãi trên tầng 5 của một tòa nhà tập thể cũ của Hà Nội, là nhà bố chồng chị cho. Vốn là người tháo vát, không cam chịu sống nghèo, chị Thiệp đã bỏ việc, tham gia kinh doanh. Chỉ vài năm mà hiện nay kinh tế gia đình đã có bước tiến vượt bậc. Anh chị đã mua nhà ở nơi khác, to đẹp, rộng rãi hơn. Hai con chị cũng đi học trường “có yếu tố quốc tế”, để trở thành “công dân toàn cầu”, chứ không học trường bình thường, công lập, đúng tuyến nữa. 

Ngoài việc chăm lo cho gia đình nhỏ của mình, lo cho bố mẹ chồng, chị Thiệp rất quan tâm, bù đắp cho bố mẹ đẻ. Một tuần hoặc mười ngày, chị lại đi xe về Hải Phòng, vào siêu thị gom đủ các loại thực phẩm ngon, sạch, chất đầy tủ lạnh cho bố mẹ. Thuốc bổ, thực phẩm chức năng, áo quần đẹp, chị không để bố mẹ thiếu thốn gì. Chị cũng đã đưa được bố mẹ đi hai chuyến du lịch trong nước, dự định sẽ cho các cụ đi nước ngoài một lần, gọi là để “dối già”, nhưng chưa được. Tối nào chị cũng gọi điện cho bố mẹ, hỏi han, nhắc nhở, dặn dò và kiểm tra xem ông bà có chịu ăn uống đầy đủ như chị dặn không. Ngay sát trước đại dịch Covid-19 bùng phát, mẹ chị Thiệp bị tai biến, cấp cứu không kịp, tuy không tử vong, nhưng giờ bị di chứng, đi lại không được và gần như không nhận thức được gì. Chị đã đưa mẹ chị lên Hà Nội, sống cùng nhà với vợ chồng chị và thuê hẳn một người chăm sóc cho bà. Ở quê, còn mỗi mình bố chị, sống một mình, nhưng chị cũng không để thiếu thốn gì.

MỖI NHÀ MỖI CẢNH - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cậu em út của chị, sau khi tốt nghiệp đại học, vào làm ở một công ty chuyên về phần mềm máy tính. Đã lấy vợ, có nhà, có con, ở Hà Nội. Kinh tế vợ chồng cậu ấy không bằng chị nhưng cũng không khó khăn gì. Cô em gái lấy chồng cùng xã, khác làng, cũng là giáo viên tiểu học. Cả hai đứa em này có tính ích kỷ, ỷ lại, ít quan tâm, hỏi han, thăm viếng và hỗ trợ tài chính cho bố mẹ. Thấy hai em thờ ơ, lạnh nhạt với bố mẹ, chị Thiệp đã vài lần “bóng gió xa xôi”, vậy mà các em chị không biết ý gì cả, không có bất cứ sự thay đổi nào. Hôm vừa rồi, có việc họ ở quê, nhân tiện ba chị em về chơi với bố, chị đã nói nặng lời với hai em. Vậy mà hai đứa em giận chị. Cậu em trai cả tháng không gọi điện, không tới nhà chơi. Cô em gái cũng… tránh về nhà với bố. Cả hai người coi như “phủi trách nhiệm”. Chị buồn, nhiều đêm không ngủ và suy nghĩ mãi, không biết mình sai ở chỗ nào.

MỖI NHÀ MỖI CẢNH - ảnh 3
Ảnh minh họa

Chia sẻ tâm sự với chị Thiệp, chúng tôi khen chị còn trẻ nhưng đã thành đạt, may mắn trong làm ăn, để đến nay  có cuộc sống kinh tế gia đình khá giả. Chúng tôi cũng khen chị, đặc biệt người chồng của chị, rất ủng hộ vợ trong việc lo toan, chăm sóc cho cha mẹ đôi bên. Chị hiếu thảo với cha mẹ là đã đang dạy con bài học về lòng biết ơn đối với cha mẹ, chắc chắn các con của anh chị sẽ nhận được bài học trực quan từ những việc làm tốt này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng trao đổi thêm với chị một vài vấn đề để chị có thể tham khảo, rút kinh nghiệm, điều chỉnh cuộc sống gia đình mình.

Thứ nhất, ba chị em của chị đều đã trưởng thành, có cuộc sống riêng, độc lập. Việc quan tâm, hỗ trợ bố mẹ là nhiệm vụ chung của tất cả các con, nhưng việc làm ấy phải tự nguyện và đặc biệt phải tùy hoàn cảnh mỗi gia đình. Hai em của chị Thiệp chắc cũng có cái khó riêng của mình. Cô em gái lấy chồng ở quê, tuy là giáo viên, nhưng cũng không khá giả. Cậu em trai còn trẻ, mới lập gia đình, chắc cũng chưa ổn định kinh tế. Điều quan trọng là các em của chị đã yên tâm khi có chị cả lo chu đáo hết rồi. Hiện nay chưa phải là lúc phân bổ đóng góp của các con để nuôi dưỡng bố mẹ. Nếu mai mốt, cả hai bố mẹ đều già, yếu, hoàn toàn phụ thuộc vào con cái, chắc là ba chị em sẽ có buổi họp, bàn bạc, thống nhất phương án chia sẻ kinh tế, cũng như phân công nhau chăm sóc bố mẹ. Hiện nay, chị có thể nhắc nhở các em nhẹ nhàng, rằng bố mẹ đã già, các cô, các cậu lưu ý, thỉnh thoảng qua lại thăm mẹ, gọi điện hỏi thăm bố.

MỖI NHÀ MỖI CẢNH - ảnh 4
Ảnh minh họa

Việc thứ hai, ba chị em cần lưu ý rằng mẹ của chị đã được đưa lên Hà Nội chăm sóc, còn người bố già ở một mình ở quê, là sự vất vả cho các con. Ông ở một mình vừa buồn, vừa không yên tâm. Cô em gái còn có gia đình, có thể thỉnh thoảng chạy qua lại, nhưng vẫn không phải là sống cùng ông. Giá ông còn đi lại nhúc nhắc, tự làm được một số việc, thì có khi ông lên Hà Nội ở cùng các con và chăm bà cũng hay, một công đôi việc, tiện lợi nhiều bề. Khi ông bà lên Hà Nội, chị có thể nhắc vợ chồng cậu em, ngày nghỉ sang chơi, có thể tổ chức ăn uống cùng cho ông bà vui.

Nếu việc sau chưa làm được, thì cứ duy trì mọi việc như đang làm, không suy bì, tính toán, phê bình nặng nề các em. Suy cho cùng, việc chăm sóc ông bà như hiện nay là do chị tự nguyện, cũng có phải là sự bàn bạc, thống nhất trong anh chị em. Nên nhớ, niềm vui của cha mẹ còn bao gồm cả sự đoàn kết, hòa thuận của các con nữa, đừng để bố mẹ nhận ra anh chị em giận dỗi nhau vì... ông bà.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.