Mùa thị chín

Chia sẻ

Sau cơn mưa đêm qua, buổi sáng ngủ dậy cảm giác trời se se lạnh, đúng tiết trời vào thu, dễ chịu đến thế.

Nắng lên, những giọt mưa còn sót lại như pha lê trên đầu ngọn lá, có tiếng chim nào vừa rơi trong vườn cây. Tôi tìm thấy trong sự mát rượi của những cơn gió heo may đầu tiên một mùi thị chín. Cái mùi thơm có lẽ gắn liền với biết bao kỉ niệm của những đứa trẻ làng quê ngoại thành ngày xưa, chẳng thể nào quên được.

Đối với đám trẻ con hồi đó thì cây thị chả có gì xa lạ. Không như những đứa trẻ lớn lên ở thành thị thời bây giờ, chúng có thể biết đến quả thị, nhưng cây thị thì rất khó có thể nhìn thấy.

Mùa thị chín - ảnh 1

Ở những làng quê Bắc bộ xưa, kiểu gì trong một xóm cũng có ít nhất vài ba cây thị đại thụ. Đôi khi chỉ cần vài ba cây, mà mỗi độ thu sang cũng đủ để thơm cả một xóm. Lũ trẻ con thính lắm, thính như bầy chim thích mùa quả chín. Mỗi mùa thị về chúng biết ngay, nhà ai có cây thị dù lớn dù nhỏ chúng đều biết cả.

Ở cái thời đại công nghiệp hóa, những gốc thị vùng ngoại thành dần dần được thay thế bởi những loại cây có năng suất cao hơn. Cho nên ngày càng ít đi những gốc thị. May mắn là bên hàng xóm nhà tôi còn một cây thị duy nhất của cả làng. Cây thị nhà bà Tỉnh. Cây to chừng ba người ôm mới hết, tán lá rậm rạp sum suê. Thuở còn nhỏ, khi nhà tôi chưa xây cái tường bao quanh, vườn nhà tôi và vườn nhà bà Tỉnh được ngăn cách bởi một hàng rào cây găng thưa. Những buổi trưa trốn ngủ tôi thường lách qua rào sang chơi với thằng Lâm. Buổi trưa mà ngồi dưới gốc thị thì mát lắm, có lần hai thằng rủ nhau trèo lên cây thị, bị mẹ tôi biết được gọi về cho ăn no đòn.

Mỗi mùa thị chín tôi thường được cô Vân gọi sang, rồi dúi vào tay tôi những trái thị thơm vàng. Thuở ấy cô chưa đi lấy chồng, tôi và thằng Lâm hay được cô đan cho những cái túi thị bằng dây bao tải để mang về treo trong nhà. Cô Vân khéo tay nên những chiếc túi thị cô làm rất đẹp, những mắt túi cô buộc đều như những mắt lưới, phía trên còn có cả dây rút nữa. Cả tuổi thơ ngồi xem cô đan, cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa biết cách đan. Bọn trẻ lớn lên thời bây giờ chắc chả mấy đứa biết cái túi thị hình thù ra sao nữa.

Bà tôi hồi đó cũng hay vén rào sang nhà bà Tỉnh chơi. Khi thì bà mang sang cho bà Tỉnh trái mướp, khi thì bà mang mấy cái lá trầu không, khi thì sang mượn cái máy lửa… Hồi đó tình làng nghĩa xóm sao mà gần gụi thân thương! Bà Tỉnh thì cũng hay chia lại từng cái oản xôi cho bà tôi để mang về cho lũ trẻ con, lúc thì chùm roi… Nhưng thích nhất vẫn cứ là những trái thị thơm, bởi vì lũ trẻ con chúng tôi sẽ còn nghĩ ra nhiều trò hay ho từ những trái thị đó.

Mùa thị chín - ảnh 2

Thuở ấy tôi đủ lớn để biết được rằng cô Tấm chỉ là trong câu chuyện cổ tích mà chúng tôi được học. Nhưng chả hiểu sao khi cầm trái thị trên tay, hít hà cái mùi thơm dịu ngọt ấy, tôi vẫn thích mường tượng về những điều không có thật như thế. Tôi cũng thường treo trái thị đầu giường trước khi đi ngủ. Trong hương thơm ngọt ngào ấy tôi thường thiếp đi lúc nào không hay.

Còn một trò nữa từ trái thị mà bọn trẻ con hồi đó hay chơi là: Mỗi lần ăn thị xong chúng tôi sẽ bớt lại những hạt thị. Hạt thị đem mài nhẵn, xong phơi khô rồi xỏ vào một que tre, làm cái gõ. Hạt thị cứng, chúng tôi có thể gõ vào bất kì những thứ gì mà phát ra được âm thanh…

Rồi cô Vân cũng đi lấy chồng, vài năm sau bà Tỉnh cũng mất, rồi bà tôi cũng theo bà Tỉnh đi mãi mãi. Từ đó trở đi tôi không bao giờ còn nhìn thấy ngọn khói rơm trên cái nóc bếp nhà bà Tỉnh nữa. Mà chỉ còn lại một góc sân xào xạc tiếng lá khô rơi, một góc sân nắng đổ vàng hoe mỗi chiều, cảm giác buồn đến nao lòng…

Tuổi thơ cứ tưởng chừng như kéo dài không bao giờ kết thúc. Thế rồi tôi cứ lớn dần lên, cuộc đời cuốn tôi đi lúc nào mà không hay. Những đứa trẻ năm đó giờ đã lớn, mỗi người mỗi phương, lâu lắm rồi chưa lần gặp lại. Chỉ còn cây thị vẫn đứng nơi đây, mỗi mùa lại cho quả chín, vẫn lặng lẽ nhìn những thế hệ sinh ra lớn lên và đi thoát ly...

Những ngày này, mỗi khi ra phố, nhìn người ta bán thị ở khắp nơi, người Hà Nội giờ rất chuộng những trái thị quê kiểng về thắp hương hay để nhà cho thơm, tôi lại nhớ đến bà tôi, bà Tỉnh. Các bà vẫn ở quanh nơi làng quê, hóa thân vào mảnh đất sinh ra và lớn lên, già đi, lặng lẽ thơm trong mỗi mùa thị chín.

LÊ ĐÌNH TIẾN

Tin cùng chuyên mục

Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

(PNTĐ) - Hơn 20 năm công tác trong ngành, cô giáo Phan Thị Thúy An, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy. Mới đây, cô là một trong các cá nhân được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao tặng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 8 năm 2024.
Những bước chân tiên phong trong lĩnh vực AI

Những bước chân tiên phong trong lĩnh vực AI

(PNTĐ) - Anima Anandkumar không chỉ là một nhà khoa học dữ liệu hàng đầu mà còn là một nhân vật tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Sự cống hiến và những đóng góp của cô không chỉ nằm ở các nghiên cứu đột phá mà còn ở sự cam kết thúc đẩy sự phát triển có đạo đức và bao trùm của AI.
Trao con cơ hội hạnh phúc

Trao con cơ hội hạnh phúc

(PNTĐ) - Chị chỉ có một cô con gái duy nhất, năm nay 19 tuổi. Khi con thi đỗ trường đại học trên thành phố, chị dặn con: “Giờ con đi xa rồi, không có mẹ thường xuyên ở bên nhắc nhở. Con phải tập trung cho việc học, đừng có sao nhãng yêu đương gì cả. Ra trường có việc làm, mọi thứ ổn định thì yêu rồi cưới cũng chưa muộn”.
Người trẻ phát huy thế mạnh trong kỷ nguyên số

Người trẻ phát huy thế mạnh trong kỷ nguyên số

(PNTĐ) - Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hơn bao giờ hết, thanh niên với nhiệt huyết sáng tạo và bản lĩnh chính là lực lượng tiên phong mang trên vai sứ mệnh xây dựng đất nước hùng cường. Tiếp nối truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh, thanh niên Việt Nam hôm nay đang không ngừng nỗ lực vươn lên, khẳng định vai trò xung kích, sáng tạo trong công cuộc đổi mới đất nước.
Phát huy tinh thần “Ba đảm đang”, xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

Phát huy tinh thần “Ba đảm đang”, xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

(PNTĐ) - 60 năm đã trôi qua nhưng tinh thần cống hiến của phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Phong trào là động lực để các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục thi đua xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, cùng dân tộc sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.