Mùa Thu đầu tiên
(PNTĐ) -
Mang xống áo mùa thu
Làm mùa thu
Nhớ giấc ngủ ngàn thu trong đài sen úa
Nhớ giọng nói mềm mại như bóng râm
Chảy vào căn nhà đổ
Ngày nào về đây xem rùa nổi giữa hồ
Sông Ngân xuống sông Hồng lên tiếng kêu xé ruột
Ngày nào ngó cơn giông trong suốt
Ta cầm tay ta hôn nhau
Tựa hoa nở thật nhẹ nhàng thật chậm
Ngày nào theo em đi lấy rau cần
Gặp mái tóc rũ buồn mệt mỏi
Con diều vàng bén lửa giữa hoàng hôn
Vừa trăng trăng rập rờn
Đã chuông rền loang loáng sóng hồ Tây
Mùa thu len lén ra khỏi cây
Đi nào đi với anh xuống đáy hồ xa thẳm.
Nguyễn Bình Phương

LỜI BÌNH
Mùa thu đầu tiên của Nguyễn Bình Phương không dễ đọc và ám ảnh. Cái hay của bài thơ cũng là cái tài của người viết là ở cách “gọi” ra những tương tự, tương đồng. Sự sâu sắc, tinh tế của Nguyễn Bình Phương đem đến một diện mạo mùa thu thật độc đáo:
Mang xống áo mùa thu
Làm mùa thu
Nhớ giấc ngủ ngàn thu trong đài sen úa
Nhớ giọng nói mềm mại như bóng râm
Chảy vào căn nhà đổ
Đọc những câu thơ này, người ta thấy gần với bức tranh trừu tượng hơn là một câu chuyện tình yêu. Nguyễn Bình Phương không tả mà chỉ phác thảo những nét chấm phá về diện mạo của thiếu nữ - tình yêu. Nào là: Nàng thu với áo mùa thu, mang sự bí ẩn của mùa thu (Nhớ giấc ngủ ngàn thu trong đài sen úa) và đặc biệt hơn nữa là những hẹn hò bí ẩn của tuổi đang yêu: “Nhớ giọng nói mềm mại như bóng râm/ Chảy vào căn nhà đổ”. Mùa thu đầu tiên là thế đấy, chỉ còn vương lại hương sen, màu sen và bóng sen nhưng sự quả quyết trong tình yêu thì đâu phải ai cũng có được.
Đến khổ thơ thứ hai, ta nhận ra có một mùa thu thực sự của Hà thành từ các dấu hiệu quen thuộc:
Ngày nào về đây xem rùa nổi giữa hồ
Sông Ngân xuống sông Hồng lên tiếng kêu xé ruột
Ngày nào ngó cơn giông trong suốt
Ta cầm tay ta hôn nhau
Tựa hoa nở thật nhẹ nhàng thật chậm
Thơ Nguyễn Bình Phương có đôi lúc bỏ mặc những dấu phẩy để ngắt và để mặc cho các ý cứ thông suốt với nhau mà làm nên sự trôi chảy, tuần hoàn, kiểu như: “Sông Ngân xuống sông Hồng lên tiếng kêu xé ruột” hay “Ta cầm tay ta hôn nhau”. Những động từ đồng đẳng, những ý nghĩ xô đẩy câu thơ tràn cảm xúc. Tuy nhiên, đọc kỹ ta vẫn nhận ra hai mạch xúc cảm. Một là, trầm tư suy cảm: “Xem rùa nổi giữa hồ”; “ngó cơn giông trong suốt’ hay: “Tựa hoa nở thật nhẹ nhàng thật chậm” và mạch thứ hai là quả quyết, nhanh, gấp như: “Sông Ngân xuống sông Hồng lên tiếng kêu xé ruột” hay “Ta cầm tay ta hôn nhau”. Từ đó, người đọc nhận ra mùa cứ tự nhiên mà chuyển vận, còn tình yêu của đôi trai gái ấy vẫn đương xuân. Nếu không tin, bạn thử đọc tiếp khổ thơ tiếp theo với ba câu như thế này:
Ngày nào theo em đi lấy rau cần
Gặp mái tóc rũ buồn mệt mỏi
Con diều vàng bén lửa giữa hoàng hôn
Bao giờ cũng thế, trước khi vút lên bằng sự da diết của những động từ như: “Chảy”, “kêu xé” và giờ đây là “bén lửa”, nhà thơ vẫn tìm cách kìm nén, hãm chậm bằng những biểu tượng mang nữ tính, dịu dàng như: “Giọng nói mềm mại như bóng râm” và “Gặp mái tóc rũ buồn mệt mỏi”. Có phải, người tình ấy không tha thiết mặn mà không hay đó là một sự ẩn chứa ngọn lửa bên trong. Có lẽ phải cần đến khổ thơ cuối cùng để trả lời cho câu hỏi này:
Vừa trăng trăng rập rờn
Đã chuông rền loang loáng sóng hồ Tây
Mùa thu len lén ra khỏi cây
Đi nào đi với anh xuống đáy hồ xa thẳm.
Rõ ràng, “mùa thu” này không chỉ mang dáng dấp, tâm hồn mà cả trái tim của nàng thiếu nữ. Mùa thu vụng trộm hẹn hò, theo nhau đến nơi đẹp nhất của tình yêu. Dù đã biết trước điều ấy mà đọc lại những câu thơ này vẫn thấy hấp dẫn bởi cách sử dụng hình ảnh và dẫn dắt ý tứ của nhà thơ Nguyễn Bình Phương.