Nếu tất cả vấn đề của xã hội đều được nhìn từ góc độ bình đẳng giới...

Chia sẻ

Thì mỗi người phụ nữ đều được hạnh phúc, mọi ngôi nhà đều sẽ ấm êm. Và không chỉ nữ giới, mà vai trò, khát vọng của nam giới cũng sẽ được khơi dậy, đóng góp vào quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Thật vậy, bình đẳng giới (BĐG) và nâng cao quyền năng cho phụ nữ đang được ưu tiên hàng đầu khi nó được xây dựng thành một mục tiêu độc lập trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc đề ra. Len lỏi vào đời sống xã hội Việt Nam, BĐG đang ngày càng được coi trọng, trở thành góc nhìn đầu tiên giải quyết mọi vấn đề.

Vừa qua tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ - UN Women tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững từ góc độ bình đẳng giới”. Diễn đàn được tổ chức với sự tham gia của không chỉ các nhà lãnh đạo, doanh nghiệp và nhà hoạt động vì BĐG của Việt Nam mà còn có các đại sứ nước ngoài, đại diện các tổ chức quốc tế cùng tham gia đóng góp ý kiến và cam kết thúc đẩy bình đẳng giới đạt nhiều tiến bộ hơn nữa.

Các đại biểu tham gia Diễn đàn “Thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững từ góc độ bình đẳng giới”Các đại biểu tham gia Diễn đàn “Thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững từ góc độ bình đẳng giới”.

Phụ nữ sẽ kiến tạo sự thay đổi, phát triển bền vững

2020 là một năm có nhiều biến động, bất ổn với toàn thế giới do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thiên tai bất thường, các cuộc xung đột, chủ nghĩa cực đoan, cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại… Những vấn đề này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân, đẩy lùi tiến bộ kinh tế - xã hội và những thành tựu đạt được trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga chia sẻ, trong các tình huống khủng hoảng, phụ nữ là một nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, nhưng cũng là tác nhân tích cực để kiến tạo sự thay đổi. Vì vậy, cần tạo điều kiện để chị em phát huy thế mạnh, đóng góp cho sự phát triển của đất nước và phát triển bền vững nói chung. Theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các hoạt động của Hội sẽ tiếp tục hướng tới khơi dậy khát vọng vươn lên, đổi mới sáng tạo cũng như phát huy hơn nữa vai trò, sự đóng góp của phụ nữ vào quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh tặng quà và chúc Tết nữ công nhân môi trường đô thị Hà Nội, tháng 2/2021Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh tặng quà và chúc Tết nữ công nhân môi trường đô thị Hà Nội, tháng 2/2021.

Ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá: Là một trong những quốc gia luôn nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đang có cơ hội tuyệt vời để thể hiện vai trò lãnh đạo của mình để thúc đẩy bình đẳng giới trong bối cảnh Covid-19. Liên hợp quốc sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ nhân dân và Chính phủ Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho rằng, qua gần 5 năm triển khai, Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá cao về sự cam kết và kết quả thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Trong năm 2020, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn đứng thứ 49/199. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ xếp sau Thái Lan. Để thúc đẩy BĐG, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, những định kiến về giới trong xã hội cần phải thay đổi, đồng thời thúc đẩy, tạo cơ hội bình đẳng về việc làm cho nữ giới trong mọi ngành, mọi nghề...; cần có sự tham vấn với người dân, đặc biệt là những phụ nữ yếu thế trong xã hội để nhu cầu, mong muốn của họ được thể hiện trong chính sách, pháp luật.

Chuyển đổi số - tương lai của bình đẳng giới?

Câu chuyện về bình đẳng giới không hề xa vời, nếu các vấn đề đều được nhìn nhận và giải quyết từ góc độ bình đẳng giới, thì sẽ mang lại hiệu quả rất tích cực. Đà Nẵng không ngẫu nhiên mà được gọi là “thành phố đáng sống”. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, Lương Nguyễn Minh Triết chia sẻ rằng, từ 10 năm trước, đồng chí Bí thư thành ủy đã từng gặp mặt trực tiếp và đối thoại với các ông chồng đánh vợ, vừa để lắng nghe, vừa là răn đe, thể hiện sự không xem nhẹ bạo lực gia đình. Thời gian qua, Đà Nẵng chi hàng chục tỷ đồng xây nhà cho phụ nữ đơn thân. Đầu năm 2020, TP đã thông qua sáng kiến xây dựng thành phố an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em gồm 7 nhóm giải pháp, đã và đang thực hiện, mang lại nhiều tín hiệu tích cực. “Những hành động từ nhỏ đến lớn này đều thể hiện quyết tâm chính trị của thành phố trong nâng cao nhận thức toàn dân về bình đẳng giới”, ông Triết khẳng định.

Hòa nhạc “Là con gái để tỏa sáng” - sáng kiến giữa Chính phủ Việt Nam và UNFPA để cùng chung tay chấm dứt phân biệt đối xử do định kiến giớiHòa nhạc “Là con gái để tỏa sáng” - sáng kiến giữa Chính phủ Việt Nam và UNFPA để cùng chung tay chấm dứt phân biệt đối xử do định kiến giới.

Là doanh nghiệp có đến 80% lao động là nữ, phần lớn trong số đó là chị em người dân tộc thiểu số, từng có thời điểm, nữ lao động tại công ty của Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Ninh Thị Ty chạy đến tìm bà và khóc vì vừa mới lĩnh lương đã phải giao nộp hết cho chồng. “Chúng tôi nhận ra, nếu không thay đổi được sự bất bình đẳng giới, thì không chỉ chị em khổ, mà năng suất lao động và chất lượng của công ty sẽ không thể đi lên. Vì vậy, chúng tôi thành lập các tổ công tác ứng biến nhanh để có thể giúp đỡ chị em nhanh và hiệu quả nhất. Sự sát sao đó trong tất cả các vấn đề đã mang lại hiệu quả, ánh mắt chị em ngày càng rạng ngời, hăng say làm việc, thu nhập tốt lên, gia đình hạnh phúc. BĐG thật sự là một vấn đề then chốt trong phát triển mỗi cá nhân, tập thể và cả xã hội bền vững”, bà Ty nhấn mạnh.

Chuyển đổi số - hay nói nôm na là sự len lỏi của các thiết bị, ứng dụng công nghệ vào đời sống ngày càng nhiều. Vậy phụ nữ sẽ ở đâu khi chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ? Họ có bị bỏ lại phía sau không? Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra rằng: Sự chuyển dịch cuộc sống thường ngày trên môi trường số chính là tạo ra sự bình đẳng. Phụ nữ và nam giới có điều kiện ngang nhau trong tiếp cận thông tin, không còn khái niệm phân biệt giới tính, không còn khoảng cách địa lý, cơ hội việc làm được chia đều cho cả nam lẫn nữ, việc đánh giá năng lực không còn dựa trên giới tính nữa. “Tôi cho rằng môi trường số là môi trường rất bình đẳng”, ông Hạnh khẳng định. Khi được hỏi: Vậy phụ nữ thiểu số, người cao tuổi, yếu thế… sẽ ở đâu trong cuộc đua mới ấy? Họ có bị bỏ lại không? Ông Hạnh cho rằng: Kể cả trong môi trường số hay bất kỳ môi trường nào, tất cả đều phải vượt qua tâm lý ngần ngại của chính mình để vươn lên! “Tôi muốn nói rằng, muốn đạt được BĐG, trước tiên, chúng ta phải bình đẳng với chính mình!”.

BĐG nói chung và xây dựng môi trường an toàn, bình đẳng cho người phụ nữ nói riêng là chặng đường rất dài, chứ không thể ngày một ngày hai. “Tuy nhiên, nhìn lại những nỗ lực đã trải qua, chúng ta tự hào vì BĐG ở Việt Nam đang có nhiều tiến bộ. Sẽ còn rất nhiều việc phải làm, ngoài kia, ngay lúc này vẫn còn nhiều phụ nữ đang phải chịu tổn thương, bất bình đẳng, nhưng tôi tin tưởng, cùng với sự vào cuộc của toàn xã hội, sự nghiêm minh của pháp luật và chính nhận thức của bản thân mỗi người, BĐG ở Việt Nam sẽ thật sự là một mục tiêu phát triển bền vững. Quan trọng hơn cả, xã hội có BĐG thì mỗi người, mỗi nhà sẽ đều hạnh phúc!”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt bày tỏ.

QUỲNH ANH

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.