Người chồng “ở trọ”

M.Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vợ chồng chị lấy nhau đã được 15 năm, có 2 con gái. Ấy vậy mà chồng chị vẫn như người ở trọ, hồn nhiên nhìn con tự lớn lên, nhà cửa tự sạch sẽ, tiền vay nợ tự nhiên được trả, trong khi anh biền biệt đi xa chẳng giúp gì được cho vợ, cho con.

Chị lớn lên ở vùng quê, từ lúc 12 tuổi chị đã thành thạo việc nhà đỡ đần cha mẹ. Chị nhớ lần đầu về ra mắt nhà anh, bà cô đằng bố anh cứ nắm tay chị và mẹ chồng khen mãi: “Bà chọn được con dâu khéo quá”.

Chị không những giỏi việc nhà mà nấu ăn cũng rất ngon. Lấy nhau về, vợ chồng chị thuê nhà ở Hà Nội làm ăn. Chồng chị là dân kỹ thuật làm trong một công ty xây dựng nên thường phải đi công tác xa nhà. Bố mẹ hai bên đã già và đều ở xa vì thế một mình chị tự bươn chải lo cuộc sống.

Anh mang tiếng đi làm, song gần như chẳng đỡ đần được gì cho chị về kinh tế. Thậm chí 2 lần chị sinh con, anh đều không ở bên. Lần thứ hai chị sinh mổ, mới sinh được một tuần, vừa xuất viện về nhà chị đã phải tự chăm con, lau nhà, nấu nướng. Tiếng là gái đẻ nhưng chị nào có được nghỉ một ngày.

Người chồng “ở trọ” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Từ khi có đứa thứ 2, mẹ chồng chị lên ở với mẹ con chị bởi bố chồng chị đã mất từ lâu. Song bà ở cho nhà có thêm hơi người chứ chẳng giúp gì được nhiều cho chị. Mà bà đã lớn tuổi, đi lại khó khăn chị cũng không nỡ để bà phải chăm bẵm mình. Người già khó ngủ nên chị nói mẹ chồng sang phòng khác cho yên tĩnh kẻo cháu bé quấy khóc bà không ngủ được, lại đổ bệnh. Cứ thế, con bé ốm đi viện quấy khóc, vẫn một tay chị dắt đứa lớn, một tay bế đứa nhỏ, lưng đeo balo dẫn các con đi bệnh viện.

Anh đâu có biết nỗi khổ của chị khi vừa phải gánh vác việc nhà, vừa đi làm kiếm tiền lo cho hai con nhỏ lại chăm sóc mẹ già. Với mức thu nhập khoảng chục triệu đồng một tháng, cuộc sống nơi đô thị đắt đỏ nên tài khoản của chị thường xuyên ở trong trạng thái trống không. Là tay hòm chìa khóa, chồng đi xa không đỡ đần được gì, chị luôn phải sẵn sàng “bật chế độ đặc biệt”, mua được chút thịt thì nhường hết cho con còn mình ăn uống kham khổ chút cho tới khi nhận lương tháng mới.

Khi các con đến tuổi đi học, chi tiêu nhiều lên mà hàng tháng chị phải trả tầm 3 triệu đồng tiền thuê nhà và điện, nước, internet. Các con đều học bán trú, tính cả tiền học thêm học nếm rồi các khoản đóng góp, phát sinh liên quan đến việc học thì mỗi tháng tốn khoảng 3 triệu đồng. Tiền xăng xe, điện thoại của chị mỗi tháng 1 triệu đồng. Còn lại khoảng 3 triệu đồng chị phải chi cho bữa ăn gia đình, rồi còn tiền hiếu hỷ ngoại giao, tiền thuốc men chữa bệnh, quần áo, các sản phẩm vệ sinh… cùng những khoản phát sinh khác. Hầu như tháng nào chị cũng tiêu sạch số tiền kiếm được và còn phải vay thêm dù thời gian gần đây anh có gửi thêm mỗi tháng cho chị 2 - 3 triệu đồng.

Người chồng “ở trọ” - ảnh 2
Ảnh minh họa.

Vừa làm việc kiếm tiền, vừa lo cho con cái, chăm sóc mẹ chồng khi trái gió trở trời, nhưng nhà cửa của chị lúc nào cũng tinh tươm. Lần nào chồng đi công tác về chị cũng bày biện nhiều món ngon, con cái diện quần áo mới, chăn nệm thơm tho. Anh đã quen và nghiễm nhiên tận hưởng, coi đó là điều bình thường trong gia đình. Thật ra, dù giật gấu vá vai, song chị vẫn cố gắng có một khoản tiết kiệm mà chị không cho phép mình đụng đến trừ khi có tình huống khẩn cấp và nghiêm trọng. Đó là tất cả các khoản thưởng mà chị có được trong những ngày lễ tết, hay tiền thi thoảng làm thêm ca kíp. Việc này chị không nói cho anh biết.

Cuộc sống cứ thế tiếp diễn và chị sẽ mãi là người vợ, người mẹ đảm đang, lo toan tất cả cho gia đình nếu như không có một lần tình cờ chị đọc được tin nhắn trong điện thoại của anh. Lần về thăm nhà đó, anh đang ở ngoài phòng khách, điện thoại để trong phòng ngủ, đi qua thấy có tin nhắn gửi đến nên chị tò mò cầm lên xem. Thì ra là trưởng phòng nhân sự báo đợt này công ty có dự án mới ở Hà Nội, biết tình cảnh vợ chồng anh mỗi người mỗi nơi nên có ý sắp xếp cho anh ra Hà Nội làm để tiện bề hỗ trợ gia đình. Thế nhưng chồng chị vẫn hồn nhiên nhắn lại là không cần chuyển việc và bảo, ở nhà nào có việc gì nhiều nhặn lắm đâu.

Chị cười chua chát nghĩ lại xem anh đã sắp xếp việc nhà được những gì. Hai lần chị sinh con, anh không ở nhà. Bao đêm con ho sốt anh chưa một lần giúp chị bế con, lấy thuốc cho con uống. Con học hết tiểu học, số ngày anh chở con đi học chắc được vài ba buổi. Chưa một lần anh cầm lấy cây lau nhà đỡ đần chị. Cửa hỏng chị mày mò tự sửa. Ăn cơm xong anh bỏ mặc vợ dọn dẹp. Mẹ anh già yếu, thường xuyên đau ốm mấy lần anh đi chăm bà ở viện, nấu được cho bà bát cháo?

Những câu hỏi xoáy trong lòng chị. Chồng chị quá hồn nhiên nhìn con cái tự lớn lên, nhà cửa tự sạch sẽ, tiền vay nợ tự nhiên được trả hết. Vậy là công sức của chị bao nhiêu năm qua anh chẳng quan tâm, suy nghĩ của anh về vất vả của chị nhẹ như lời nói của anh “nhà nào có việc gì nhiều nhặn lắm đâu”. Nhìn tin nhắn chị đã tỉnh ngộ. Chị đã quá chu toàn, quá chiều chồng, quá nhẫn nhịn. Con cái đâu phải mình chị sinh ra, nhà cửa đâu phải mình chị ở. Chị cũng có khi đau ốm, có lúc mệt mỏi  muốn nghỉ ngơi, chị cũng thèm được dựa dẫm vào người đàn ông của mình. Nhưng anh vô tình hay vô tâm mà không nhận ra nỗi vất vả của chị, anh dường như chỉ biết nhận mà không biết cho đi.

Người chồng “ở trọ” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Ngay tối đó, chị nói chuyện nghiêm túc với anh. Chị bảo: Hơn 10 năm xa nhà đi làm, anh không giúp gì được cho mẹ con em. Thậm chí lời động viên cũng không có. Giờ em mệt mỏi rồi, anh đi thế cũng đủ rồi. Anh hãy xin chuyển về gần nhà và từ nay anh sắp xếp công việc phụ giúp em đưa đón con đi học, nấu nướng dọn nhà. Công việc của em dạo này bận lắm, với lại các con đã lớn chúng cần có cha bên cạnh dạy bảo. Em không thể thay thế anh mãi được.

Và thế là sau 15 năm lấy nhau, lần đầu tiên chị không nấu cơm khi thấy trong người mệt. Nhìn thái độ của chị, anh hiểu là chị không phải nói dỗi. Anh im lặng và cũng nhận ra thời gian qua đã “lãng quên” gia đình, phó mặc cho vợ lo toan. Đêm đó, chị thấy anh nhắn tin lại cho lãnh đạo, báo cáo muốn xin về Hà Nội làm việc để gần vợ con...

Những ngày đầu anh về, chị dẫn anh ra chợ, chỉ cho anh hàng thịt, hàng rau, hàng cá... chị hay mua. Rồi chị thấy anh lóng ngóng đứng nhặt rau, thái thịt, nấu nồi cơm hôm nhão hôm khô. Song ai cũng có những lần đầu. Anh đã hiểu nếu anh không tập làm, nếu anh không song hành cùng chị thì tình cảm gia đình sẽ ngày một phai nhạt. Chị nhìn anh làm vụng về cũng xót lòng, song chị nghĩ nên để anh có trách nhiệm với gia đình. Vợ chồng là phải nương tựa, vui buồn, vất vả có nhau...

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.