Người mẹ khắc khẩu

Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hoài lết ra mở cửa phòng, tay che miệng đang ho rũ rượi. Ngoài cửa là mẹ cô. Hoài sững người.

Nghĩa là bà Thu đã một mình lặn lội từ Bắc vào Nam khi biết tin con gái bị sốt xuất huyết, mệt tới mức nằm bẹp không thể tự mình làm gì được. Cơn mệt mỏi ấy của Hoài đã phần nào dịu đi khi nhìn thấy mẹ mình, tất tả, tay xách nách mang như bao lâu nay vẫn thế. 

Vừa nhìn thấy nhau, không giống những cặp mẹ con bình thường, bà Thu chỉ thở dài rồi bước vào phòng trọ của Hoài. Bà xắn tay lên dọn dẹp ngay, rồi lầm bầm chê con gái ở bừa bộn quá. Miệng bận mắng: “Ăn ở không chú ý thế này bảo sao bệnh tật nó bám lấy! Con gái con nứa xa nhà mà cứ để bố mẹ phải lo”, nhưng tay bà vẫn kịp nhanh nhảu cho con chim bồ câu đã làm sạch vào nồi cháo trắng, nấu tẩm bổ cho con gái.

Hoài lại lên giường nằm, trùm chăn, chẳng thiết nghe lời mẹ nói. Bà Thu cũng không nói nữa, chỉ dọn dẹp, nấu nướng, xếp đồ ăn vào tủ, rồi tới giờ ăn gọi con gái dậy. Bà ép Hoài ăn, dù cô mệt không thiết tha gì. Thế là bà lại mắng…

Người mẹ khắc khẩu - ảnh 1
Ảnh minh họa

Hoài và mẹ vốn khắc khẩu. Từ xưa tới giờ. Mẹ và con gái đấy, nhưng cả hai chẳng bao giờ tâm sự nhỏ to. Bà Thu ít khi thể hiện tình cảm với con, không có chuyện có những cái ôm hay những lời động viên, yêu thương âu yếm. Ngược lại, Hoài làm gì sai, hay chưa vừa ý mẹ, là bà Thu lại mắng con, đôi khi giận quá mà có những lời lẽ hơi thái quá. Vì thế nên Hoài dần xa cách với mẹ. Dù cho bố Hoài đã cố gắng kết nối hai mẹ con, nhưng chẳng hiểu sao khoảng cách ấy vẫn xa. Lắm lúc, bố Hoài bất lực, nói trong rơm rớm nước mắt: “Mẹ con nhà người ta đi đâu cũng dính lấy nhau, chẳng đâu như mẹ con nhà này, cứ như người dưng ở cùng nhà vậy!”.

Bởi thế, lớn lên, vào đại học, Hoài đã tính ngay chuyện sẽ đi học thật xa nhà để không phải khắc khẩu với mẹ. Khỏi phải nói, mẹ cô nổi nóng đến cỡ nào. Bà Thu mắng Hoài là “ngựa non háu đá”, chỉ biết nghĩ cho riêng mình, “Một thân một mình vào Nam, không họ hàng thân thích, mày vào đấy để thể hiện cái gì hả con? Lớn đầu rồi mà không biết nghĩ à?”. Như bị chạm vào lòng tự ái, Hoài cũng nổi khùng lại với mẹ: “Con có đi đâu, làm gì, thì mẹ cũng có quan tâm đâu?”. Tưởng thế là thôi, ai ngờ bà Thu cũng mắng lại: “Nói hay nhỉ! Thôi được rồi, bây giờ mày lớn, mày lắm lý lẽ nên cãi hay lắm. Thế đi đi, đi cho khuất mắt tao!”.

Kể từ ngày đi học xa nhà, mỗi năm, Hoài chỉ về thăm nhà đâu đó 2, 3 lần. Mỗi lần cũng chẳng lâu, vài ngày là cùng. Dù là dịp nghỉ hè, cô cũng cố tìm lý do nào đó để rời đi thật nhanh, như là làm thêm, hay học hè… Mẹ cũng không nài nỉ. Bố - chắc hẳn muốn con gái ở nhà lâu hơn, nhưng thấy Hoài kiên quyết quá, ông đành kệ vậy. Đằng đẵng như thế suốt mấy năm Hoài đi học xa nhà, tình cảm gia đình tuy có đấy, nhưng cứ mờ mờ, ảo ảo, chẳng rõ ràng gì, kiểu như mọi người rất muốn xích lại gần nhau, nhưng cứ có thứ gì đó cách ngăn, mà lại không có ai chịu “xuống nước” trước để gỡ cái màn ngăn cách ấy.

Người mẹ khắc khẩu - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cuộc sống xa nhà, nhất là sau khi ra trường đi làm, không dễ như Hoài tưởng tượng. Lương cử nhân vừa ra trường bèo bọt, tằn tiện lắm mới đủ ăn tiêu, Hoài phải làm thêm 2, 3 việc mới có tích lũy. Mệt mỏi, áp lực nên cô ít khi gọi về nhà, vì nghĩ có gọi về cũng nghe trách mắng nhiều hơn mà thôi. Bố mẹ gọi cho Hoài nhiều hơn. Mà cứ mỗi lần mẹ gọi, là đều bắt đầu bằng lời trách móc: “Con cái gì mà chả thấy hỏi thăm bố mẹ…”. Thế là bao nhiêu dự định tâm sự, hàn huyên tan biến hết, chỉ còn lại sự bực mình. Chỉ có bố, là Hoài nói chuyện nhiều hơn. 

Hoài bị sốt xuất huyết vào một ngày cuối mùa mưa. Cơ thể tiều tụy đi hẳn, chẳng còn sức sống, người cứ như đi mượn. May mắn có cô bạn thân đại học biết được, thi thoảng mang cháo, mang sữa sang thăm. Phần lớn thời gian Hoài nằm bẹp ở phòng trọ. Ốm đau, mệt mỏi khiến con người ta dễ tủi thân. Nhiều lần Hoài khóc òa vì nhớ nhà, mong mỏi đến thiết tha cái cảm giác được bố mẹ chăm sóc, chiều chuộng, chẳng phải lo nghĩ gì. Rồi Hoài lại ước, giá như mình và mẹ được bình thường như những người mẹ và con gái khác. Chẳng hiểu sao, khắc khẩu với mẹ là thế, mà trong lúc mủi lòng, Hoài vẫn nhớ đến mẹ nhiều nhất. 

Thế mà mẹ vào với Hoài thật. Cô vẫn không dám tin cái khoảnh khắc phía sau cánh cửa là người mẹ của mình, quá đỗi quen thuộc và khiến cô thở phào ngay lập tức. Những ngày sau đó, được mẹ chăm, Hoài tỉnh táo hơn nhiều, thức ăn mẹ nấu đủ đầy và ấm áp hơn cơm hàng cháo chợ. Nhưng mẹ con vẫn chẳng nói gì với nhau nhiều, dù bố ngày nào cũng gọi điện vào “tung hứng” cho hai mẹ con. Phần vì Hoài còn mệt, và phần lớn vẫn vì cái sự khắc khẩu đeo bám. Cho đến khi Hoài đã gần như khỏe hẳn và mẹ cũng chuẩn bị về nhà, cô mới đánh liều rủ mẹ đi chơi, ngắm nghía phố phường “xem nó khác phố nhà mình ra sao”. Mẹ và Hoài cũng chẳng hợp gu chơi, Hoài dẫn mẹ đi đâu bà cũng chẳng thích. Thế là cuối cùng, hai mẹ con đi ăn chè rồi về nhà đi ngủ.

Người mẹ khắc khẩu - ảnh 3
Ảnh minh họa

Đêm đó, Hoài hỏi mẹ:

- Sao mẹ biết con ốm mà vào?

- Sao không biết! Cái Nhi (bạn thân đại học của Hoài) báo cho mẹ!

- Mẹ biết cả Nhi á?

- Con bé này hỏi thừa, mẹ cái gì chả biết! Thế mới trông được con từ xa chứ!

- Thế chắc mẹ không chỉ biết mỗi cái Nhi đâu nhỉ?

- Đương nhiên, nhưng cũng đủ dùng để quản lý chị thôi!

May mà lúc ấy đã tắt điện, chứ không mẹ sẽ thấy là Hoài đang khóc. Vì quá xúc động khi biết bố mẹ vẫn quan tâm, lo lắng cho mình, theo cách riêng của họ. Giờ thì Hoài tin, rằng những lần bố nói mẹ buồn khi Hoài chỉ về nhà được ít ngày, chẳng ăn được hết những món ngon mẹ làm, là thật. Hoài tin, rằng dù khắc khẩu đấy, nhưng mẹ vẫn là mẹ, và sẽ vẫn quan tâm chăm sóc mình vô điều kiện. Không thể ngăn được những giọt nước mắt đang rơi, Hoài đáp vội lời mẹ: “Thôi con ngủ đây”, rồi rúc mặt vào chăn để cảm xúc được vỡ òa.

Ngày hôm sau, tiễn mẹ về nhà, cũng là lần đầu tiên sau hai mươi mấy năm Hoài nhìn trân trân vào lưng mẹ. Vẫn là cái dáng đi hối hả, lúc nào cũng vội vội vàng vàng, mà xoay xở mọi thứ đâu ra đấy, chẳng ì ạch như Hoài. Nhưng lần đầu tiên nhìn mẹ từ phía sau thế này, Hoài thấy đâu đó một chút cô đơn của người mẹ - muốn gần gũi con gái nhưng chưa đúng cách. Vậy thì Hoài sẽ là người “xuống nước”, cô không muốn lỡ thêm chút thời gian nào nữa để mãi khắc khẩu với chính mẹ mình. Có thể, cô sẽ chuyển công việc về gần nhà, để mỗi lần về với bố mẹ được dài hơn. Chắc là cô và mẹ sẽ vẫn còn khắc khẩu đấy, nhưng không sao, bởi còn được nghe mẹ mắng, là ta biết mình vẫn còn bé bỏng và được chở che đến thế nào!

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.