Người vô tính: Hành trình đi tìm bản dạng giới và những nỗi khổ “khó nói”

Chia sẻ

Từ nhỏ, Nam đã thấy có vẻ mình không giống số đông lắm. Đến năm 28 tuổi, Nam vẫn chưa hề có xúc cảm rung động về thể xác lẫn tinh thần với người đồng giới hay khác giới nào khác. Nam loay hoay với những câu hỏi đặt ra: Liệu mình có mắc bệnh gì không? Mình có phải là người đồng tính, hay là một dạng bản thể nào khác?

1- Mãi đến khi tham gia vào cộng đồng phổ vô tính ở Việt Nam, Nam mới nhận ra mình là người vô tính – nhóm người không có ham muốn về tình dục.

Nam là con trai một trong gia đình. Trước đây, Nam vẫn nghĩ, do mình thích cuộc sống tự do, độc thân nên chưa tính đến chuyện yêu đương, kết hôn. Thế nhưng, khi bố mẹ bắt đầu giục giã, mai mối cho một số “mối” môn đăng hộ đối, đồng thời bản thân đã bắt đầu có một số thành công trong cuộc sống, làm chủ một hệ thống cửa hàng kinh doanh đồ ăn vặt dành cho tuổi teen hút khách… thì Nam bắt đầu nghĩ đến chuyện yêu đương. “Dù gì, mình cũng không nên để bố mẹ lo lắng quá nhiều” – anh nghĩ. Thế nhưng, điều mà Nam nhận thấy là có một sự bất thường trong cơ thể mình mà bấy lâu nay anh không để ý hoặc được lấp liếm bằng những lý do khác nhau, đó là anh không hề có cảm xúc hay ham muốn về “sex” với bất cứ ai, cả người đồng giới lẫn khác giới.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nam đã thử hẹn hò, gặp gỡ, trò chuyện với một số người qua giới thiệu, nhưng đều bỏ cuộc vì “không có cảm xúc”. Trăn trở về những khác biệt của bản thân, Nam lên mạng tìm hiểu và phát hiện ra vẫn còn tồn tại những người được gọi là “vô tính”. “Nói thật, tôi đã thử xem một thể loại phim hay truyện khiêu dâm nhưng thực sự chỉ thấy buồn ngủ. Tôi từng nghĩ có khi không kết hôn, nhưng sau một lần phải nhập viện cấp cứu, bố mẹ tôi tuổi đã cao vẫn phải thay nhau chăm sóc con trai ở bệnh viện cả tuần, khiến tôi vô cùng áy náy. Tôi nghĩ vẫn phải lập gia đình, để bố mẹ không phải lo nghĩ nhiều cho mình nữa. Tôi đã cố gắng thay đổi về ngoại hình, suy nghĩ cởi mở hơn, thậm chí gặp bác sỹ tâm lý, bác sỹ điều trị để xem có thay đổi được gì không, nhưng vẫn hoàn toàn không có chút cảm xúc hay hào hứng nào với sex” – Nam tâm sự.

Ở tuổi 25, Quân (quê Vĩnh Phúc) có vóc dáng cao lớn, khoẻ mạnh. Lẽ ra, ở lứa tuổi này, như những người khác, cậu vẫn phải có khát vọng về giới tính và tìm kiếm một nửa tương lai phù hợp. Thế nhưng, Quân lại không hứng thú đến điều đó. Trải qua ba mối tình mà chỉ dừng lại ở cái nắm tay, ôm hôn, Quân hầu như không thể tiến xa được nữa. “Em chưa bao giờ muốn tiếp xúc thân thể quá sâu sắc với bất kỳ ai. Việc duy nhất em có thể làm là nắm tay và hôn môi, dù vẫn rất yêu bạn ấy. Nhiều khi em cũng tự trách bản thân vì sao lại thế, muốn quan hệ một lần nhưng cứ nghĩ đến là không thể làm được” – Quân nói.

Lúc đầu, Quân cũng nghĩ do mình mắc chứng bệnh nào đó. Nhưng sau này, khi tình cờ đọc được tài liệu nói về người vô tính, Quân mới bắt đầu hiểu về bản thân mình.

Hay An, 20 tuổi, sở hữu vẻ đẹp của một cô gái đầy sức sống. Ngay từ khi bắt đầu biết yêu, An đã quyết định tránh xa tình dục. Lý do không phải vì cô bị trầm cảm, buồn phiền, thấy bất an mà đơn giản, cô là người vô tính. An từng cảm thấy vô cùng xấu hổ vì mình khác biệt hơn so với người khác, thậm chí tự cho mình là “dị biệt”. Cũng có nhiều, người ngỏ lời yêu và muốn tiến xa hơn nữa nhưng đều bị An từ chối. Mới đây, An biết đến khái niệm về người vô tính. Càng tìm hiểu, An càng cảm thấy bản thân giống với những điều được miêu tả trong khái niệm đó. Tự ti với bản thân và lo sợ bị kỳ thị, An không dám chia sẻ cùng ai.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

2- Trong khi xã hội còn đang mơ hồ với cụm từ “người vô tính” thì theo thống kê của một nhóm kín trên trang fanpage dành cho cộng đồng người vô tính ở Việt Nam, lượng người tham gia đã lên đến hơn 600. Đây là một con số không hề nhỏ. Khác với người đồng tính, họ có vẻ ngoài như những người bình thường khác, không thay đổi về giọng nói, dáng đi, gu ăn mặc… Vì vậy, quan sát về hình thức, họ không có gì khách thường. Nhưng họ lại là những người không có ham muốn hay xúc cảm về sex. Theo thống kê, có khoảng 1% dân số thế giới được cho là người vô tính và phần lớn trong số họ cũng phải mất nhiều năm mới hiểu đúng về con người thật của mình.

Nam đã từng bóng gió nói với mẹ về những người vô tính, những người không có ham muốn về “sex”, song mẹ nói rằng, đó chỉ là những người đang mắc một số bệnh về tình dục hoặc tâm lý, cần phải điều trị. Mẹ Nam vẫn cho rằng, đàn ông thì phải lấy vợ, sinh con và làm tròn trách nhiệm nối dõi tông đường. Trước quan điểm gay gắt của mẹ, Nam đành phải im lặng. “Em vẫn sẽ lấy vợ, nhưng sẽ chọn người cùng xu hướng tình dục giống mình. Bởi nếu không có ham muốn, “sex” thực sự là một nỗi ám ảnh” – Nam nói.

Còn An cũng chịu cảnh “sống trong bóng tối” bởi sợ bố mẹ không đồng tình và xã hội không có cái nhìn tích cực, thấu hiểu về vấn đề này. An cho rằng, xã hội chưa chắc đã sẵn sàng để chấp nhận những người có xu hướng tình dục khác biệt như cô. “Em vẫn lấy lý do đang trẻ, chưa muốn yêu đương và kết hôn để giấu diếm với gia đình, sợ mọi người có kỳ thị” – An lo lắng.

(Minh hoạ: Vô tính là một dạng xu hướng tình dục)(Minh hoạ: Vô tính là một dạng xu hướng tình dục)

Là con trai một trong gia đình, trên có một chị gái, Quân tìm mọi cách để bố mẹ hiểu về bản dạng giới và xu hướng tính dục của mình. Ngay từ năm 2013, khi vừa bắt đầu xuống Hà Nội học đại học, Quân đã thường xuyên tham gia ủng hộ cho cộng đồng LGBT. Anh đăng tải các thông tin về cộng đồng LGBT trên mạng xã hội – nơi bố mẹ anh có thể thường xuyên xem, đọc và hiểu. Hai năm sau, Quân bắt đầu “come out” (lộ diện) mình là người đồng tính. “Mặc dù đã được chia sẻ rất nhiều từ trước, nhưng khi tôi nói mình là người đồng tính, bố mẹ tôi cũng không khỏi sốc. Họ không tin con trai nằm trong cộng đồng đó. Bố tôi còn nói, có khi tôi bị “lây” do tham gia hoạt động với người đồng tính, song tính và chuyển giới nhiều. Tôi chia sẻ với bố mẹ rằng, đó là nhóm bản dạng giới riêng biệt từ khi sinh ra, không thể lây nhiễm được.

Con biết về bản dạng giới của mình, nhưng chưa dám chia sẻ vì sợ bố mẹ buồn. Sau nhiều đêm mất ngủ, bố mẹ tôi mới nguôi ngoai” – Quân kể. Quân cho biết, mình thuộc dạng vô tính luyến ái. Nghĩa là, bản thân bị thu hút bởi người đồng giới, nhưng lại không có ham muốn tình dục. Tình yêu của Quân chỉ là những cái nắm tay, ôm hôn và khó có thể tiến xa hơn là động chạm sâu sắc về cơ thể. “Khi biết mình là người vô tính, tôi rất buồn. Bởi bố mẹ kỳ vọng vào tôi quá nhiều. Bố mẹ tôi bảo, dù là người đồng tính thì cũng có thể tìm một chỗ dựa để yêu thương, chăm sóc lẫn nhau. Nhưng nếu tôi vô tính, để tìm một người có thể bên cạnh mình lâu dài thực sự rất khó” – Quân nói.

Ai cũng có nhu cầu được hạnh phúc, được sống thật với con người mình. Xã hội ngày nay đã mở lòng và chấp nhận người đồng tính, song tính, vì vậy, không có lý do gì để chúng ta kỳ thị người vô tính. Một tình yêu thuần khiết được xây dựng, gìn giữ giữa hai người hiểu nhau, biết cảm thông, chia sẻ mọi vui buồn nhưng không có sex – tại sao không?

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.