Nhà trình tường - nét đẹp văn hoá, kiến trúc đặc sắc ở vùng cao

Chia sẻ

Những du khách đã từng đặt chân đến các huyện vùng cao ở tỉnh Lào Cai, Lai Châu đều rất ấn tượng với những ngôi nhà làm bằng đất, mái lợp cỏ gianh của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số mang theo rất nhiều nét đẹp văn hoá, kiến trúc, phong tục tập quán đặc sắc.

Ngôi nhà của sự sáng tạo và thích nghi

Trên những nẻo đường vùng cao, gắn liền với những thửa ruộng bậc thang nổi tiếng là những ngôi nhà trình tường ẩn hiện bên những sườn núi quanh năm mây phủ trắng xoá và cây rừng xanh ngát của đại ngàn. Trong đó, các xã của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai hiện còn nhiều nhà trình tường cổ kính, có tuổi đời lên đến hàng trăm năm của bà con người dân tộc Hà Nhì với những nét đẹp kiến trúc nguyên bản, độc đáo.

Lao Chải là một trong 16 thôn của xã Y Tý, huyện Bát Xát. Đây là nơi có số người dân tộc Hà Nhì đen sinh sống đông nhất ở xã với 76 hộ dân. Ở chốn quanh năm mây phủ cũng chính là nơi đặt chân của nhiều phượt thủ và những người yêu thích du lịch khi đến Y Tý “săn” mây. Dạo bước cùng Sần Hờ Lù - chủ một homestay ở Y Tý trên con đường dốc quanh làng, không khó để bắt gặp những mái nhà “nấm” - một cách gọi khác của nhà trình tường ở Y Tý. Trong câu chuyện với một người bản địa, nhà trình tường không chỉ là kể về nơi che nắng, che mưa của các gia đình mà còn gắn liền với những phong tục, tập quán đặc sắc của bà con dân tộc.

Những nhà trình tường quần tụ giữa núi rừng, bản làng 	ảnh: Hoàn NgọcNhững nhà trình tường quần tụ giữa núi rừng, bản làng ảnh: Hoàn Ngọc

Từ trên đỉnh dốc đi xuống, đưa tay chỉ về những nhà trình tường phía trước, Sần Hờ Lù giới thiệu: tất cả những ngôi nhà ở đây đều có hình thức, kết cấu, kiến trúc, không gian sử dụng, cách bài trí giống nhau. Nhà chỉ có 1 tầng, nhìn xa giống với những căn nhà cấp 4 phổ biến ở các làng quê Việt nhưng khi đến gần, quan sát kỹ sẽ thấy nhà trình tường có 4 mái, mái dốc và ngắn. Nhà trình tường không có hiên, rất ít cửa sổ, chỉ có một cửa ra vào ở chính giữa, 1-2 ô cửa nhỏ nằm ở bên phải/trái để thông gió. Bước vào bên trong, nhà trình tường có 2 gian: gian ngoài và gian trong; ngăn cách giữa 2 phòng có bức tường rất dày và cánh cửa như bên ngoài. Gian trong bao gồm không gian sinh hoạt quan trọng nhất: giường ngủ của chủ nhà, khu vực thờ cúng, gian bếp và không gian chung của gia đình. Gian ngoài sẽ là đầu hồi và giường ngủ. Ngoài ra, bên trong căn nhà có một tầng phụ (giống như gác xép của các nhà ở dưới xuôi) dùng để cất trữ lương thực thực phẩm dự trữ của gia đình như thóc gạo, thịt hun khói, củi, gỗ...

Tất cả nhà trình tường của người Hà Nhì đều được xây dựng theo mẫu chung như trên nên nhà nào cũng giống nhà nào, không đa dạng phong phú về kết cấu, kiến trúc, nội thất như nhà ở tại các đô thị và làng quê khác nên rất khó để nhận biết bằng mắt thường xem gia đình nào có điều kiện kinh tế tốt hơn.

Một điểm chung của nhà trình tường là tất cả được làm bằng đất. Các nhà nghiên cứu lịch sử và dân tộc học đều khẳng định: ngôi nhà của bà con là minh chứng cho sự sáng tạo và thích nghi với điều kiện môi trường ở vùng cao khắc nghiệt, thú dữ và kẻ xấu. Chúng tôi có mặt ở Y Tý vào những ngày mùa đông lạnh, nhiệt độ rất thấp, gió lạnh, sương giá rét buốt nhưng khi bước chân vào ngôi nhà, cái lạnh giá bị để lại sau cánh cửa. Có được điều này, theo bà con chính là nhờ bức tường nhà được đắp đất và mái nhà được lợp gianh rất dày, trung bình từ 40-45cm, có tác dụng cản gió và giữ ấm cho ngôi nhà. Cộng với đó, gian bếp ở trong nhà luôn đỏ lửa, mang lại hơi ấm, xua tan đi giá lạnh. Đây chính là sự sáng tạo của người Hà Nhì để thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở mảnh đất nằm độ cao gần 2.000m - độ cao nhất trong cả nước so với mặt nước. Không chỉ ấm vào mùa đông, trong những ngày hè, bức tường dày tạo cho ngôi nhà có sự mát mẻ mà không cần sử dụng điều hoà không khí.

Nhà trình tường - nét đẹp văn hoá, kiến trúc đặc sắc ở vùng cao - ảnh 2

Mỗi ngôi nhà thường rộng từ 60-80m, được xây vuông vức. Tường nhà làm hoàn toàn bằng đất núi, không dùng gạch, xi măng, cát sỏi; nền làm bằng đá, mái lợp cỏ gianh và rơm rạ nhưng nhà tường trình vững chãi và chắc chắn ngang bê tông. Theo lời kể của người dân địa phương, phần móng nhà làm bằng đá chắc chắn để giữ khung nhà, dù sau này chân tường bị ngấm nước, ẩm ướt thì cũng không bị sụt đất. Kế tiếp, họ đặt khuôn gỗ dài hơn 2m, rộng tầm 60cm rồi đổ đất, dùng chày gỗ giã cho đất tơi nhuyễn, đập mạnh tạo lực để đất kết dính chặt với nhau đến mức khi tháo khuôn gỗ ra, đất tạo thành một khối chắc chắn, không có đất vụn bị rơi ra. Tường nhà cao hơn 2m nên để làm mỗi bức tường cần đặt 8 khuôn xếp lên nhau. Người dân gọi thao tác này là trình tường. Trình xong tường xung quanh, bà con lấy gỗ rừng làm khung nhà bên trong và lợp mái. Nhà trình tường truyền thống dùng cỏ gianh hoặc rơm rạ lợp mái dày tầm 40-50cm nhưng đời sống hiện đại ngày nay, để nhanh gọn và đỡ mất nhiều công sức, bà con thay thế bằng mái tôn hoặc prôximăng.

Lưu giữ nhiều tập tục truyền thống

Với những nét khác biệt với những mô hình nhà ở tại các làng quê Việt, nhiều du khách từ dưới xuôi lên các tỉnh miền núi phía Bắc đều muốn tham quan, trải nghiệm và khám phá nét đẹp đặc sắc của những nhà trình tường. Chủ nhân của những ngôi nhà - bà con dân tộc Hà Nhì rất hiền lành, thân thiện, hiếu khách. Tuy nhiên, trước khi đưa chúng tôi vào thăm một gia đình, Sần Hờ Lù đã dặn dò trước về một số nét văn hoá đặc trưng, phong tục tập quán truyền thống để du khách tránh “phạm huý” gây phiền lòng chủ nhà. Chẳng hạn như không được ngồi quay lưng vào bàn thờ - khu vực linh thiêng trong gia đình. Nhưng khi vào nhà, trong gian phòng chính, nhìn quanh cũng không thấy bàn thờ đâu. Như hiểu được ý nghĩ của du khách, Sần Hờ Lù chủ động giới thiệu. Khác với dưới xuôi, bàn thờ của người Hà Nhì giống như chiếc tủ nhỏ, cao chừng 70cm, không để di ảnh hay bát hương mà thường chỉ để cái thớt, bát đũa trên mặt tủ. Khi thờ cúng, người con trai trưởng sẽ thực hiện các nghi lễ truyền thống chứ không dùng hương.

Khám phá những ngôi nhà cổ kính được làm hoàn toàn bằng đất núi là niềm yêu thích của nhiều du kháchKhám phá những ngôi nhà cổ kính được làm hoàn toàn bằng đất núi là niềm yêu thích của nhiều du khách

Gần khu thờ cúng là khu bếp mà ở đó người phụ nữ sẽ làm chủ mọi việc. Không gian này cũng là nơi được người Hà Nhì rất tôn kính. Tại khu vực này luôn được bà con đặt viên đá hình trụ tròn. Họ gọi là viên đá thần, đá thiêng mà theo quan niệm của bà con, đây là nơi trú ngụ của các vị thần, viên đá thần sẽ mang lại may mắn và bảo vệ sức khoẻ, sự an toàn cho cả gia đình. Thường thì sau khi làm nhà xong, chủ hộ đi tìm lấy viên đá tự nhiên ở nơi hoang vắng, rất ít người hoặc chưa có người đi qua rồi mang về nhà mới, đặt ở vị trí gần bếp và thờ cúng. Vì vậy, khách lạ không được vào bếp, bà con ngồi sưởi không được để chân vào đây. Ngoài bàn thờ, đây cũng là khu vực cầu cúng, đặc biệt, trong chiều 30 Tết, người phụ nữ của gia đình phải chủ trì làm lễ thờ cúng.

Ở gian trong, giường ngủ là của chủ nhà, người lạ thường không được ngồi lên giường của chủ nhà. Theo các nhà nghiên cứu dân gian, việc phân chia không gian được lưu truyền từ đời này sang đời kia và quy ước này vẫn còn tồn tại đến tận hôm nay.

VŨ HOÀN NGỌC

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.