Nhà trọ, nhà mình

LÊ THỊ XUYÊN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hôm chuyển về nhà mới, mấy cái rương sắt, thùng giấy đã cũ mèm dùng để đựng đồ đạc, sách vở bấy lâu, chị vẫn cẩn thận giữ lại. Anh bảo đem bán hết nhôm nhựa đi cho gọn gàng, chị bảo: “Để dành phòng khi còn chuyển nhà chứ!”. Anh rưng rưng nhìn chị tủm tỉm cười…

Vợ chồng chị từ ngoài Bắc vào Nam lập nghiệp và cùng là giáo viên. Nghề giáo vốn dĩ chỉ đủ ăn đủ mặc chứ lấy đâu tiền bạc rủng rỉnh mà sớm mua đất cất nhà. Tự bằng lòng với cuộc sống đi ở trọ, lòng nhiệt tình, lửa đam mê với nghề vẫn cháy bỏng trong trái tim hai vợ chồng. Đi ở trọ riết cũng thành quen. Nay ở chỗ này mai ở chỗ khác là chuyện thường như cơm bữa. Tuy vậy, đấy là nói về cái thời còn đơn thân độc mã. Chứ khi đã có gia đình, con cái, sắm sanh đồ đạc này nọ thì việc chuyển nhà thực sự là vấn đề nan giải, chỉ nghĩ đến thôi đã oải cả người.

10 năm đi ở trọ, anh chị phải đổi chỗ 5 lần. Khi thì chị chuẩn bị sinh con đầu lòng, phòng trọ lại quá chật chội nên phải tìm chỗ trọ khác; khi thì chủ nhà đề nghị chuyển đi vì muốn dành phòng cho người thân bị đau bệnh; lúc thì nhà trọ đã quá dột nát, thường xuyên gặp rắn, rết, bọ cạp ngay trong nhà, không thể tiếp tục ở; lúc chủ nhà lại bảo dọn đi vì đã thỏa thuận giao bán cho người ta. Mỗi lần chuyển nhà là những kỷ niệm buồn vui bên nụ cười nước mắt của hai vợ chồng. Bạn bè đồng nghiệp của chị khi nghe kể, ai nấy đều lắc đầu, vừa ngán ngẩm lại vừa thán phục.

Nhà trọ, nhà mình - ảnh 1
Ảnh minh họa

Anh chị thỉnh thoảng vẫn nhắc lại những kỷ niệm một thời với ngôi nhà trọ đặc biệt. Ngôi nhà vợ chồng chị thuê trọ lâu nhất với thời gian 6 năm. Ngôi nhà mái tôn lỗ chỗ những chấm sáng như sao trời; tường sơn nứt nẻ, mốc meo, xanh xám; nền xi măng đã đen kịt, bong tróc; được mỗi cái là nhà mặt đường lớn, tiện đi lại. Trời nắng, nhà trọ nóng như lò lửa. Phần vì mái tôn lợp thấp, phần vì nhà kín mít, nằm lọt thỏm giữa một bên là ngôi nhà 3 tầng khang trang, một bên là bãi chứa xe máy cũ, phế liệu của tiệm sửa xe sát bên. Lỗ thông gió, thông nắng của nhà trọ duy nhất chỉ là cái cửa sổ nhỏ với song sắt đã rỉ rét, không có cánh cửa, nằm kề bãi phế liệu. Bao nhiêu sơn, dầu; bao nhiêu gỉ sắt bị ôxi hóa rồi thì kiến, gián, chuột, rắn… theo đó bò sang nhà anh chị đang ở. Có lần cả nhà đang thiu thiu ngủ trưa, tự nhiên có con rắn từ nóc nhà rơi bịch xuống góc giường. Rồi thì có tối ra nhà vệ sinh, suýt dẫm phải con bọ cạp đen thui nằm chình ình giữa lối đi. Tối chuẩn bị trải đệm ngủ giữa nhà, có con rết to như ngón tay cái ngọ nguậy chui ra từ kẽ hở chân tường. Mùa mưa đến, khắp nhà, chậu, thùng, xoong, chảo… đều được tận dụng để hứng nước mưa dột. Mưa to, nước không thoát kịp, tràn vào nhà, hai vợ chồng chị phải thi nhau, người múc người xách nước chạy từ cuối nhà lên đầu nhà đổ ra đường cái. Nhiều lần thấy nản, chị giục anh tìm thuê nhà mới, nhưng vì bận rộn công việc và lâu dần cũng quen, nên lại chần chừ thôi.

Thế nhưng ngôi nhà trọ đặc biệt ấy cũng đã đem đến cho gia đình chị nhiều điều tốt đẹp. Cô con gái thứ hai của anh chị được sinh ra ở đây. Nơi  chồng chị ngồi giam mình trên gác xép (dùng làm gian thờ) cả mấy tháng trời để có thể hoàn thành luận án tiến sĩ giữa những ngày nắng như đổ lửa. Cũng căn gác xép ấy, hai lần lũ lụt, nước tràn về khiến đường thành sông, lại là nơi vợ chồng con cái, bao nhiêu đồ đạc, sách vở đã yên tâm tạm trú suốt cả tuần ròng. Và đây cũng là nơi mà gia đình chị có thêm nhiều hàng xóm tốt bụng, có nghĩa có tình.

Chuyển lên nhà mới xây không xa, hàng ngày, anh chị đi làm, đi chợ hay chở con đi học đều ngang qua nhà cũ. Ngôi nhà đã được cô chủ sửa sang lại và cho người khác thuê sau ngày vợ chồng chị trả nhà để về nhà mới. Thỉnh thoảng, hai cô con gái của chị lại năn nỉ mẹ về lại nhà trọ cũ ở vì sống ở nhà cũ có nhiều bạn bè vui hơn.

“Nhà mới không to nhưng đã là nhà của mình. Bây giờ mình không còn phải đi ở thuê ở trọ nữa. Vậy nên em cũng không cần phải cất giữ bao bì hay rương, thùng, hộp như trước làm gì”. Anh nói với chị bằng tất cả yêu thương. Chị ngẩn người tư lự: “Ừ nhỉ! Thế mà em cứ nghĩ mình vẫn còn đi ở trọ”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.