Nhân rộng các mô hình góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Bài và ảnh: Thanh Thanh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Năm 2022, khi Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025” được UBND Thành phố phê duyệt, Hội LHPN Hà Nội đã chủ động, chỉ đạo hướng dẫn và triển khai 2 mô hình điểm về “Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn” và mô hình “Phụ nữ tham gia xử lý rơm rạ sau thu hoạch” tại các cơ sở Hội bước đầu có hiệu quả. Các mô hình của Hội triển khai đã được cấp ủy, chính quyền và cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao.

Sự vào cuộc tích cực của tổ chức Hội

Theo bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: Mục tiêu của đề án nhằm tuyên truyền, vận động các cấp Hội tổ chức hoạt động thiết thực, mô hình cụ thể thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII; nâng cao nhận thức và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hành động của cán bộ, hội viên phụ nữ khi tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và nâng cao đời sống của phụ nữ khu vực nông thôn trên địa bàn Thành phố đến năm 2025.

Trong đó, phấn đấu 100% hội viên, phụ nữ khu vực nông thôn được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ và xử lý rơm rạ tại hộ gia đình. Mỗi cơ sở hội có ít nhất một mô hình, công trình, phần việc tham gia xây dựng đô thị xanh, văn minh, hiện đại, nông thôn mới nâng cao…

Chia sẻ cách làm, kinh nghiệm thực tế khi triển khai tại địa phương và các hộ gia đình, theo chị Nguyễn Thị Kiều Chinh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thường Tín, thói quen đốt rơm rạ sau thu hoạch đã và đang để lại một hệ lụy không nhỏ cho môi trường và cuộc sống của những người nông dân. Vì vậy việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch đúng cách đã được nhiều người dân trong huyện Thường Tín quan tâm. Trong năm 2022 vừa qua, huyện Thường Tín đã được Hội LHPN Thành phố Hà Nội chọn làm địa bàn triển khai mô hình điểm “Phụ nữ tham gia xử lý rơm rạ sau thu hoạch” tại 2 xã Chương Dương và Tân Minh.

Trong quá trình triển khai thực hiện đã có nhiều thuận lợi như: Hội viên phụ nữ đã được tập huấn 1 buổi tại hội trường UBND xã và 1 buổi thực hành tại đồng ruộng, các hội viên đã được nghe báo cáo viên hướng dẫn cách làm men, ủ rơm theo quy trình nên đã có kiến thức vững chắc khi triển khai mô hình. 

Nhân rộng các mô hình góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu - ảnh 1
Cán bộ hội viên phụ nữ huyện Gia Lâm tham gia thực hành mô hình thu gom xử lý rác thải tại đồng ruộng góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Cán bộ, hội viên phụ nữ nhiệt tình trách nhiệm luôn muốn tham gia học hỏi mô hình sáng tạo mới, vừa tận dụng xử lý được rơm sau thu hoạch và phụ phẩm rau củ quả dư thừa. Mô hình vừa dễ làm và thiết thực, giá thành rẻ, mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân trong trồng trọt cũng như trong đời sống người nông dân

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện mô hình “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn”, chị Ngô Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh cho biết: Quá trình triển khai thực hiện trong năm 2022 ngoài sự vào cuộc nhiệt tình của các cấp Hội Phụ nữ Đông Anh đã có sự vào cuộc của Đảng ủy, UBMTTQ, UBND các xã tích cực chỉ đạo, các ban ngành đoàn thể cùng phối hợp triển khai với lực lượng nòng cốt là hội viên phụ nữ của các xã, thị trấn đã nhiệt tình tham gia; quá trình triển khai nhiệm vụ này đã nhận được sự hỗ trợ của Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội, Trung tâm sống vì môi trường và cộng đồng Live & Learn, Trung tâm nông nghiệp hữu cơ – Học viện nông nghiệp Việt Nam…

Hội đã thành lập các nhóm zalo để đôn đốc: Nhóm zalo các phòng, ban, các đơn vị và UBND các xã; nhóm zalo triển khai tại các xã, các thôn để kịp thời chia sẻ và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật. Ban đầu thí điểm thực hiện mô hình  trên địa bàn 3 xã (Liên Hà, Dục Tú và Việt Hùng), sau đó tiếp tục nhân rộng đến 21 xã và thị trấn còn lại. Đến nay đã triển khai thực hiện trên 24 xã, thị trấn (100% các xã, thị trấn tham gia). Các xã, thị trấn chủ yếu tập trung nhiệm vụ phân loại rác và trọng tâm là việc xử lý rác hữu cơ tại nhà và cụm dân cư…

Tiếp tục nhân rộng mô hình 

Đánh giá kết quả thực hiện đề án, bà Nguyễn Thị Hường, Trưởng ban Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội cho biết: Thực hiện đề án từ tháng 10/2022, Hội LHPN Hà Nội đã chỉ đạo điểm mô hình “Phụ nữ tham gia xử lý rơm rạ sau thu hoạch” và “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn” tại 10 huyện. Mô hình “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn” được thí điểm tại 5 xã thuộc 5 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Phú Xuyên, Hoài Đức và Quốc Oai, với sự tham gia của 125 hộ.

Tính đến nay, đã có 16/18 huyện, thị xã đã chủ động triển khai và nhân rộng thêm mô hình tại 102 xã với sự tham gia của 38.289 hộ dân. Sau hơn 1 tháng triển khai thí điểm, ghi nhận đã có 69/75 (đạt 92%) hộ gia đình áp dụng thành công phương pháp ủ phân hữu cơ, sản phẩm phân hữu cơ đạt tiêu chuẩn, giúp giảm từ 1/2 đến 2/3 lượng rác thải xả trực tiếp ra môi trường.

Nhân rộng các mô hình góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu - ảnh 2
Cán bộ viên phụ nữ huyện Phú Xuyên tham quan mô hình “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn”.

Mô hình “Phụ nữ tham gia xử lý rơm rạ sau thu hoạch” được triển khai thí điểm tại 9 xã thuộc 5 huyện: Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Ba Vì; tổ chức ký cam kết không đốt rơm rạ sau thu hoạch và xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ cho hơn 2.500 hộ làm nông nghiệp…

Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với các chuyên gia nông nghiệp tổ chức hướng dẫn thí điểm cho 244 hộ gia đình hội viên phụ nữ cách làm men rơm IMO và xử lý ủ rơm, rạ thành phân bón hữu cơ. Kết quả các hộ gia đình đều làm được sản phẩm chế men rơm theo đúng quy trình và đạt tiêu chuẩn; sau khi có men rơm các hộ đã thực hiện xử lý rơm rạ theo 2 phương pháp được hướng dẫn (Ủ đống hoặc phân rải rơm, rạ tại ruộng) trên diện tích đất là 50.840m2; đến nay đã có 33 chi hội thực hiện mô hình…

Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương ghi nhận các cấp Hội và các đơn vị đã làm điểm đã chủ động vào cuộc tích cực, triển khai thực hiện nghiêm túc, bước đầu có hiệu quả mô hình, được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đánh giá cao và Nhân dân hưởng ứng tham gia. Trong thời gian tới bà Phạm Thị Thanh Hương đề nghị, Hội LHPN của 18 huyện, thị xã nghiên cứu kỹ đề án, tham mưu UBND các huyện, thị xã ban hành kế hoạch thực hiện; chủ động phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội; tập trung tuyên truyền để phụ nữ hiểu được lợi ích của mô hình, góp phần thay đổi thói quen, phát huy vai trò, trách nhiệm của phụ nữ, góp phần xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.