Nhờ có niềm tin ông dành cho cháu

Chia sẻ

Cuối cùng, cháu cũng trúng tuyển vào đại học. Ngôi trường tuy không thuộc top đầu nhưng vẫn được nhiều bạn trẻ ước ao theo học. Trước đây, chắc chẳng mấy ai nghĩ tới cái kết có hậu này, ngoại trừ ông ngoại.

Có lẽ trước nay cháu chưa làm được gì để bố mẹ tin tưởng. 11 năm học phổ thông, cháu luôn đứng ở nhóm trung bình trong lớp với mức điểm chỉ nhàng nhàng. Song, mỗi khi nghe mọi người phàn nàn về cháu, ông ngoại vẫn luôn đứng ra bênh vực. Ông bảo: “Nó là đứa ngoan và biết suy nghĩ cho tương lai của mình đấy. Chẳng qua cháu không thể hiện cho mọi người biết thôi”.

Đầu năm lớp 12, mẹ suốt ngày than thở lo cho tương lai của cháu. Rồi mẹ liên tục thúc giục cháu học, ghi danh cho cháu theo học các lò luyện thi. Mẹ nói, cháu mà không đỗ đại học thì sẽ làm cả nhà phải xấu hổ. Bố mẹ phải đi làm vất vả mà cháu thì không biết thương bố mẹ, chẳng như con nhà người ta luôn biết nghĩ.

Kỳ lạ thay, mẹ càng nói, càng chỉ khiến cháu chán nản. Cháu thấy việc học thật nặng nề, nhạt nhẽo, cứ đeo bám lấy mình.

Một lần, ông đã gọi cháu lại nói chuyện với ông. Ông nói, ông luôn tin là cháu sẽ học tốt và cháu có thể làm được điều đó. Cháu hãy học vì chính cháu chứ không phải học vì ông hay bất kỳ ai. Ông hứa sẽ yêu và luôn là chỗ dựa cho cháu trong mọi hoàn cảnh. Và ông cũng sẽ cố gắng sống thật lâu, để được nhìn thấy cháu trưởng thành.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cháu kể với ông về dự tính tương lai của mình-hỏi ông cháu chọn lựa như vậy có được không? Ông gật đầu tấm tắc, còn bảo ngành nghề đó cũng hợp với cháu. Nếu được kết hợp thêm với đam mê thì nhất định cháu sẽ thành công trong tương lai.

Nghe những lời ông nói, cháu thực sự xúc động. Cháu bùi ngùi hứa với ông sẽ học để đỗ vào trường đại học.

Có điều, cháu vốn ương bướng, không muốn thể hiện suy nghĩ ra bên ngoài nên ít người nhận ra sự thay đổi. Ban ngày, mẹ thấy cháu chẳng mấy khi ngồi vào bàn nên lại buông lời thúc giục, trách cứ. Mẹ không biết rằng đến tối, khi cả nhà đã đi ngủ, cháu đã thực sự học như thế nào. Riêng ông ngoại vẫn tỏ ra bình tĩnh, luôn đứng ra bảo vệ cháu. Ông nói mẹ hãy đặt niềm tin ở cháu như là ông đang tin cháu vậy. Và đừng gây áp lực cho cháu nữa mà hãy đánh giá kết quả mà cháu sẽ mang về báo cáo với cả nhà.

Suốt mấy tháng, ông ngoại không can thiệp vào việc học của cháu. Nhưng, thi thoảng, cách vỗ vai, bắt tay vỗ về của ông khiến cháu hiểu, ông đang nói rất nhiều với cháu. Càng biết ơn ông, cháu càng thêm động lực để cố gắng.

Và rồi, cháu đã vượt qua nhiều thí sinh để có đủ điểm trúng tuyển vào đúng chuyên ngành ở trường đại học mình yêu thích. Người đầu tiên cháu báo tin chính là ông. Nghe xong, ông cười sảng khoái, rồi thú nhận trước nay ông không hiểu cháu muốn học gì, trường nào, thi cử ra sao vì quả thực ông đã già rồi, khó cập nhật cái mới để định hướng cho cháu. Ông chỉ hiểu một điều rằng, bất cứ ngành, nghề gì, trường nào, chỉ cần cháu thích và mong muốn thì đó sẽ là ngành học phù hợp nhất với cháu. Và khi học, làm việc với niềm đam mê thì không có lý do gì cháu không thành công.

Cảm ơn ông thật nhiều vì đã luôn tin cháu. Ông cũng kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi thầm lặng của cháu thay cho những lời giục giã, chất vấn. Ông luôn ở phía sau, hậu thuẫn để cháu có thêm động lực bước về phía trước.

NGUYỄN THỊ HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.