Nhớ món ếch đồng ngày mưa

AN VIÊN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mấy hôm về quê, trời đang nắng gắt bỗng chuyển sang mưa rào. Ngoài đồng, vụ hè thu đã xong, chỉ còn lúa chong lúa chét. Suốt mấy ngày liền, mưa tầm tã, nước xâm xấp mặt ruộng, tiếng ếch nhái vọng lên khắp nơi.

Bố bảo: “Lũ ếch đồng chuẩn bị vào mùa bắt cặp. Tối nay ra đồng, kiểu gì cũng có cả xâu ếch mang về”. Nghe vậy, tôi vô cùng thích thú, là bởi bao kỷ niệm tuổi thơ bên đồng làng lại ùa về thao thiết!

Ngày xưa, đồng làng tôi có rất nhiều tôm, cua, cá, ếch... Việc đi câu ếch, câu lươn, bắt tôm bắt cá không chỉ là thú vui lúc rảnh rỗi mà còn là nghề mưu sinh của nhiều người. Ngày ấy, thường là lúc mưa xong, bố và anh em tôi lại đi ra đồng để đào hoặc câu ếch, thích nhất là cùng bố đi soi ếch vào buổi tối. Giống như một tiểu đội, chúng tôi cứ thế theo bố ra đồng, men theo từng bờ ruộng để tìm nơi trú ẩn của ếch và bắt đầu thu phục từng con một.

Nhớ món ếch đồng ngày mưa - ảnh 1
Ảnh minh họa

Bố tôi vẫn thường bảo: “Nghề nào cũng vậy, trăm hay không bằng tay quen”. Anh em tôi, sau vài lần theo bố học hỏi kinh nghiệm, được bố chỉ dạy cho “nghệ thuật” bắt ếch đồng, thành ra đứa nào cũng đã kinh qua, trở thành những “tay” săn ếch đồng thực thụ. Chúng tôi thường trổ tài bắt ếch vào mùa mưa, là thời điểm ếch đồng bắt đầu sinh sản, kết thành cặp nên sẽ bắt được nhiều hơn thường lệ. Đã thế, vào mùa này, ếch đồng kiếm được nhiều mồi nên mới béo, mới ngon.

Ếch bắt được, khi thì mẹ mang ra chợ bán lấy tiền mua mắm muối, khi phóng khoáng mua miếng thịt ba chỉ về kho dừa; rồi thì trang trải tiền học hành cho anh em tôi. Và rồi, tôi cũng tự hào rằng, mình là người may mắn được ăn nhiều món ngon từ ếch đồng mẹ làm. Nào là món ếch đồng xào, nướng, chiên, hầm…; hay món ếch kho sả ớt, ếch xào củ kiệu rồi cháo ếch nấu với đậu xanh, canh rau vườn nấu với ếch bằm… Món nào qua bàn tay đảm đang, khéo léo của mẹ cũng thơm ngon, hấp dẫn. Trong rất nhiều những món được ăn từ ếch đồng, đặc biệt phải kể đến món ếch đồng om chuối xanh.  

Sau khi chọn được những chú ếch đồng mập mạp, da có màu đốm xanh đốm nâu bóng nhẫy, đùi to và căng mọng, mẹ bắt đầu công đoạn làm thịt ếch để sơ chế. Mẹ thường dùng tro bếp hoặc lá tre chà xát vào thân ếch cho hết chất nhờn. Tiếp đến, dùng dao lột nhẹ lớp da, mổ bụng, bỏ ruột và xương sống, khoét bỏ hậu môn, không quên giữ lại bộ lòng và trứng ếch. Tất cả được rửa sạch, để ráo rồi mẹ chặt ra từng miếng vừa ăn, ướp với gia vị: Mắm, muối, tiêu, bột ngọt, hành khô và nghệ tươi băm nhỏ.

Nhớ món ếch đồng ngày mưa - ảnh 2
Ảnh minh họa

Chuối xanh lấy từ vườn nhà, mẹ chọn số lượng quả vừa đủ bữa ăn, tước gọt phần ngoài vỏ, cắt thành miếng ngâm với nước muối pha loãng, sau đó rửa sạch, để ráo. Mẹ bảo, ngâm chuối xanh vào nước muối pha loãng sẽ giúp chuối không bị thâm, đồng thời, nhựa chuối cũng nhanh sạch… Cũng có khi mẹ mua thêm miếng đậu phụ về cắt miếng, chiên vàng, om chung với chuối. Các gia vị cần thiết khác dùng để om ếch đồng như tía tô, lá lốt, ớt tươi, nhất là nước mẻ cũng được mẹ chuẩn bị sẵn sàng.

Công đoạn cuối cùng là om ếch. Mẹ cho nồi lên bếp, đẩy lửa, cho dầu hoặc mỡ vào. Đợi dầu nóng, cho hành khô vào phi thơm, sau đó cho thịt ếch đã ướp vào xào. Mẹ đảo đều tay, khi thấy thịt ếch săn lại, mẹ cho chuối xanh vào xào chung cho hương vị thịt ếch và chuối quyện vào nhau. Tùy vào khẩu phần ăn của gia đình, mẹ cho vào nồi một lượng nước mẻ vừa đủ và tiếp tục đẩy lửa. Khi nồi ếch om chuối sôi, mẹ hạ nhỏ lửa để chuối được ninh chín mềm. Mẹ cho đậu vào đảo đều, nêm nếm gia vị thêm lần nữa cho vừa ăn, chờ nồi ếch om sôi lại, đưa hương hấp dẫn thì cho lá tía tô và lá lốt đã được cắt nhỏ vào đảo sơ qua rồi tắt bếp. 

Bữa cơm gia đình ngày mưa, và miếng cơm dẻo thơm cùng miếng ếch đồng om chuối ngọt ngậy, chua chua, bùi bùi, đậm đà hương vị đồng quê thật chẳng gì thú vị cho bằng. Món ếch đồng om chuối xanh có lẽ bởi thế đến tận bây giờ vẫn mãi len vào nỗi nhớ chơi vơi trong ký ức của tôi cũng như của bao người con lớn lên từ đồng làng… 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.