Nhóm sinh viên Thủ đô lan toả tín ngưỡng thờ Mẫu
(PNTĐ) - “Tứ Phủ Hồng Ân” là dự án triển lãm văn hóa được tổ chức bởi nhóm sinh viên Khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm tôn vinh và lan tỏa những nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu – một trong những di sản văn hóa lâu đời của Việt Nam.
Chọn không gian trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội, dự án đưa người tham quan chiêm ngưỡng những thánh tích, thần tích của những vị Thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu; được hiểu sâu hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ qua các video và tài liệu minh họa. Đặc biệt, trong khuôn khổ triển lãm, các vị khách còn được trực tiếp trải nghiệm workshop “Thêu khăn họa mẫu - Đính kim sa” - hoạt động nhằm tôn vinh Tổ nghề Thêu Ỷ Lan - cái nôi của nghệ thuật thêu truyền thống Việt Nam. Ngoài ra, nhóm cũng tích cực quảng bá, giới thiệu về dự án trên các nền tảng mạng xã hội để thu hút người xem từ khắp nơi biết đến dự án.
Theo Ban tổ chức, “Tứ Phủ Hồng Ân” là một cụm từ mang ý nghĩa sâu sắc trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, thể hiện mối quan hệ thiêng liêng giữa con người và các vị thần cai quản bốn miền vũ trụ. "Hồng Ân" chỉ ân điển lớn lao mà Mẫu ban phát, không chỉ mang đến sự che chở, phù hộ mà còn là nguồn động viên tinh thần giúp con người vượt qua khó khăn. Trong khi đó, "Tứ Phủ" nhắc đến bốn miền cai quản của các Mẫu, gồm Thiên phủ (Trời), Địa phủ (Đất), Thoải phủ (Nước) và Nhạc phủ (Rừng núi), tượng trưng cho sự giao hòa giữa các yếu tố thiên nhiên và đời sống con người.

Sự kết hợp đầy ý nghĩa giữa “Tứ Phủ” và “Hồng Ân” không chỉ làm nổi bật lòng biết ơn và sự kính trọng của con người đối với Mẫu, mà còn phản ánh tinh thần “uống nước nhớ nguồn” trong văn hóa Việt Nam. Chia sẻ về động lực tổ chức triển lãm, Mai Hương - Trưởng ban Nội dung của “Tứ Phủ Hồng Ân” cho biết: “Việc tổ chức triển lãm tương tác “Tứ Phủ Hồng Ân” xuất phát từ mong muốn tạo nên một sự kiện gần gũi với giới trẻ. Chúng mình nhận thấy tín ngưỡng, tôn giáo là mảng văn hóa đang nhận được sự quan tâm nhưng lại chưa được tiếp cận theo hướng trẻ trung.
Vì vậy, Ban Nội dung đã nghiên cứu kỹ lưỡng và tham vấn ý kiến bảo trợ chuyên môn để khai thác tín ngưỡng thờ Mẫu theo cách mới mẻ hơn, nhằm vừa tôn vinh nét văn hóa truyền thống, vừa giữ được tinh thần hiện đại, đề cao tính nữ và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Được biết, Tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhờ tính kế thừa liên tục từ thế kỷ 16 và vai trò thúc đẩy đối thoại văn hóa, thể hiện qua nghệ thuật lễ hội. Tuy nhiên ở góc độ của đa phần người trẻ, việc tiếp cận di sản ấy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức bởi tài liệu mang nặng tính tín ngưỡng. Chính vì vậy, “Tứ Phủ Hồng Ân” đã lựa chọn sử dụng góc nhìn trẻ trung hơn để đưa tín ngưỡng thờ Mẫu tiến gần lại cuộc sống đương đại. Các bạn trẻ đã biến những đặc điểm của Đạo Mẫu thành “chất liệu” sáng tạo không giới hạn, kết hợp giữa hơi thở hiện đại và truyền thống để thu hút sự quan tâm của thế hệ mới.
Việc giới trẻ nỗ lực thúc đẩy nghệ thuật truyền thống là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự quan tâm và trân trọng của thế hệ trẻ đối với di sản văn hóa của dân tộc. Khi được quảng bá về nghệ thuật truyền thống, các bạn trẻ được kết nối với di sản, từ đó phát triển hơn nữa tình yêu và sự quan tâm đến nghệ thuật truyền thống. “Tứ Phủ Hồng Ân” và cách nhóm sinh viên báo chí đang làm giúp tạo ra những giá trị mới mẻ và ý nghĩa, góp phần vào tương lai tươi sáng cho nghệ thuật truyền thống trong đời sống đương đại.