Những bó hoa tự đặt

Thái Thị Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều nay đi làm về, chị tranh thủ ghé qua hàng hoa, đặt một bó hoa hồng, một bó hoa ly. Rồi chị nói với nhân viên bán hàng: “Ngày kia, em ship hoa đến địa chỉ này. Với bó hoa hồng, em đính kèm thiệp ghi: “Chúc vợ yêu nhân ngày 8/3”. Với bó hoa ly, em viết: “Con rể chúc mẹ vợ luôn khỏe mạnh. Chúc mừng 8/3”.

Hoa đã đặt, tiền đã trả và chị đã lên xe đi về nhà được một quãng. Bất chợt, nhớ ra còn một điều quan trọng chưa kịp dặn cửa hàng, chị bèn vòng xe quay lại.

- Này em, hôm tới ship hoa, nếu chị ra nhận em cũng không được tỏ ra quen biết chị nhé. Chị không muốn ai biết chị là người đặt những bó hoa này. Em cứ làm đúng nhiệm vụ giao hoa rồi về, không cần nói hay hỏi gì thêm.

Anh chủ cửa hàng miệng vâng dạ đấy nhưng không giấu  nổi ánh mắt ngạc nhiên dành cho chị. Có lẽ, chị là vị khách kỳ lạ nhất đã đến cửa hàng đặt hoa chăng? Chị biết nhưng vờ như không biết, vẫn cố tỏ ra bình thường và cũng chẳng giải thích gì thêm.

Năm qua, chị đã thay đổi vài cửa hàng hoa như thế. Nói đúng hơn, mỗi cửa hàng, chị chỉ đặt hoa một lần rồi thôi. Chị không muốn chủ cửa hàng sẽ ấn tượng về một khách hàng nữ, chuyên tự đặt hoa tặng mình nhưng lại dưới danh nghĩa của người khác.  

Không phải là chị háo danh hay đầu óc có vấn đề, thích được “tự sướng”. Cực chẳng đã, chị mới phải làm như vậy. Với tất cả mọi người, chị đều giấu việc này. Chị chỉ công khai với chồng - cũng chính là người mà chị đề tên trong tấm thiệp hoa. 

Những bó hoa tự đặt - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tối hôm đó, khi quyết định đón bố mẹ chị lên ở cùng, chị đã có buổi nói chuyện nghiêm túc với anh. Chị nói không muốn để bố mẹ biết về rạn nứt không bao giờ có thể hàn gắn trong mối quan hệ giữa hai vợ chồng chị. Vì vậy, chị đề nghị anh, ít ra là trước mắt bố mẹ vợ, hãy tỏ thái độ bình thường. Còn sau đó, khi về phòng riêng, anh muốn đối xử với chị như thế nào cũng được. Và anh đã đồng ý. Chị lại nói tiếp, ở quê, chị vẫn được tiếng là lấy được người chồng tuyệt vời, chỉn chu, biết quan tâm, chăm sóc vợ lẫn cả gia đình vợ. Chị không muốn thay đổi hình ảnh ấy. Dù thế nào, anh cứ để cho chị được làm một người vợ hạnh phúc lẫn một người con gái hiếu thảo với bố mẹ mình.

Vì vậy, vào những dịp đặc biệt như sinh nhật bố mẹ, ngày 8/3, ngày gia đình… chị sẽ thay anh đi mua hoa, quà và đề nghị anh tự tay tặng chúng cho bố mẹ chị và chị. Anh đồng ý cho chị “mượn danh” nhưng không hứa trước việc sẽ trực tiếp tặng quà.

“Những ngày như 14/2 hay 8/3, tôi bận lắm, sợ về muộn. Vì vậy, cô cứ tự chủ động sắp xếp mọi việc. Nếu sợ bố mẹ biết, cô cứ thuê người ta gửi hoa đến rồi ra nhận như bình thường” - anh nói. 

Và thế là, chị đã làm như đã thỏa thuận với anh.

Hôm nay, do lấn bấn việc ở hàng hoa lại thêm đường bị tắc nên chị về nhà muộn hơn mọi ngày. Mẹ chị thấy con gái về muộn nên đã giúp chị nấu xong cơm và bày biện ra bàn. Hai ông bà chỉ chờ chị về ăn tối. 

- Con rể đi công tác kỳ này lâu quá. Khổ, nó thật vất vả, vì đồng tiền mà phải ở ngoài nhiều hơn ở nhà, đến bữa cơm nhà cũng không được ăn.

Tự nhiên, trong bữa cơm, mẹ chị lại nhắc đến con rể một cách đầy thương cảm như vậy. Chị nhặt lấy chiếc điều khiển bấm nút bật tivi, cốt để cho trong nhà có thêm âm thanh làm mẹ chị sao nhãng câu chuyện. Chị không muốn nghe nhắc đến người đàn ông đó, cho dù trên danh nghĩa, chị và chồng vẫn là một gia đình hạnh phúc.

Những bó hoa tự đặt - ảnh 2
Ảnh minh họa

2. Chồng chị là tổng giám đốc một công ty lớn, rất giỏi kiếm tiền. Anh đã mua một căn biệt thự hơn 10 tỷ đồng cho cả nhà, rồi còn cho con gái duy nhất của hai vợ chồng ra nước ngoài du học từ bậc THPT. Bố mẹ chị đã rất cảm kích và ngưỡng mộ anh. Mẹ chị còn dặn chị phải hết lòng chăm sóc, yêu thương chồng để đền đáp những gì mà chồng chị đã làm cho gia đình.

Nhưng, có một bí mật mà chị không bao giờ có thể nói ra, đó là dẫu chị có muốn thì anh cũng đã không còn cần tới tình yêu của chị. Nhiều năm trước, anh đã có một người phụ nữ khác ở bên ngoài. Họ sống với nhau như vợ chồng. Anh không giấu chị việc đó và đề nghị chị không làm to chuyện. Bởi, anh cần giữ hình ảnh để tập trung lo sự nghiệp. Khi có sự nghiệp, anh tiếp tục kiếm nhiều tiền để lo cho con gái một cuộc sống sung túc.

Đồng thời, anh vẫn có thể đóng vai một người con rể đảm đang, luôn đứng ra lo mọi việc lớn nhỏ trong gia đình vợ. Bố mẹ chị sửa nhà, anh chu cấp tiền. Em trai chị lập nghiệp, anh cũng hỗ trợ vốn. Chỉ có chị, là anh không hoàn thành trách nhiệm làm chồng.

Nghĩ đến con gái luôn coi bố là thần tượng và tin tưởng gia đình mình thực sự yên ấm, nghĩ đến bố mẹ già cả, nhờ anh hỗ trợ mới có được cuộc sống tuổi già bớt lo nghĩ mà chị gạt nước mắt đồng ý. Từ đó, vợ chồng chị bắt đầu sống kiểu “đồng sàng dị mộng”, chị nhắm mắt làm ngơ không quan tâm anh làm gì ở bên ngoài.

Thế rồi bố chị đột nhiên phát hiện mắc phải trọng bệnh nên phải lên bệnh viện ở thành phố điều trị. Chồng chị đồng ý đón ông bà từ quê lên ở trong nhà mình. Những lúc anh… “đến ở với bồ”, chị nói với bố mẹ mình là anh đi công tác.

Những ngày như 8/3, anh nói bận lắm, thực ra là bận đưa người phụ nữ đó đi chơi, đi ăn nhà hàng. ở nhà, bố mẹ chị không hay biết gì mà còn rất cảm động khi thấy mặc dù anh đi công tác xa nhưng vẫn luôn nhớ để gửi hoa, gửi quà về tặng cho mọi người trong những dịp quan trọng.

 “Nhà mình thật may mắn khi có một chàng rể tuyệt vời. Nó còn biết mẹ thích hoa ly trắng nữa, lần nào cũng gửi tặng mẹ hoa ly. Đàn ông mà tinh tế, nhớ được sở thích của từng thành viên trong nhà dù công việc bù đầu như vậy quả là hiếm”. Một lần, khi được nhận điện hoa, mẹ chị đã xúc động nói như vậy.

Những bó hoa tự đặt - ảnh 3
Ảnh minh họa

Nếu hỏi chị có mệt mỏi không khi phải sống giả tạo như vậy trong chính ngôi nhà của mình, chị sẽ trả lời là có. Không những vậy, chị còn thấy rất, rất mỏi mệt, muốn được nói ra hết mọi chuyện. Chị cũng muốn thực hiện quyền của người vợ hợp pháp, đó là đòi chồng về cho mình, đòi bố cho con. Có người vợ nào biết chồng đang vui vẻ bên người khác mà vẫn phải cười nói như chị?!

Nhưng, chị có thể làm gì lúc này? Nếu chị nói ra, thì bố mẹ chị sẽ thế nào? Bố chị đang bị bệnh, chỉ cần một cú sốc nhỏ cũng có thể khiến bệnh tình của ông trầm trọng hơn, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng. Ông bà còn muốn tiếp tục ở lại nhà chị trong quá trình điều trị bệnh nữa không? Mà nếu dọn ra ngoài, thì ông bà sẽ ở đâu? Chưa kể viện phí của bố chị cũng vô cùng tốn kém. Chỉ với đồng lương làm nhân viên văn phòng như chị đâu có thể hỗ trợ được gì. Rồi còn cả con gái chị nữa. Chị luôn muốn con được hạnh phúc, không phải lo nghĩ chỉ tập trung học cho tốt. Một mình ở nước ngoài, nếu phát hiện từ lâu bố mẹ nó đã không còn là vợ chồng, liệu nó có thể chống đỡ nổi?

Ngày 8/3 là ngày mà những người mẹ, người vợ, người chị, người em gái, bạn gái được một nửa còn lại của thế giới tặng quà, trân trọng, yêu thương. Chắc có lẽ chỉ có chị là ngậm ngùi trong ngày này.  Và khi chuông cửa reo, chị sẽ lại chạy ra, đón nhận chính những bó hoa do mình tự đặt. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.