Xung quanh vụ việc yêu cầu họa sĩ tự tiêu hủy tranh:

Những bức tranh “chịu oan”, giới nghề bức xúc

Bài và ảnh THẢO MỘC
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chuyện họa sĩ Bùi Quang Viễn (nghệ danh Bùi Chát) ở TP Hồ Chí Minh bị xử phạt 25 triệu đồng và buộc phải tiêu hủy 29 bức tranh vì tổ chức triển lãm mà không có giấy phép theo quy định đang khiến dư luận xôn xao, giới nghề bất bình, bức xúc. Nhiều nghệ sĩ quyết liệt phản đối, bởi quyết định của các cơ quan quản lý tại TP Hồ Chí Minh chẳng khác nào buộc họa sĩ phải tự tay giết chết những “đứa con tinh thần” của mình một cách đầy oan uổng.

Hy hữu chưa từng có

Sau vụ việc, họa sĩ Bùi Chát chia sẻ với truyền thông rằng anh rơi vào trạng thái tinh thần choáng váng, gần như không chịu nổi. Việc cơ quan chức năng cho tác giả tự tiêu hủy tác phẩm, chẳng khác nào tự giết “con” mình.

Họa sĩ Bùi Chát tổ chức triển lãm cá nhân đầu tay mang tên Improvisation (Ứng tác), thời gian từ 15-30/7 với 29 bức tranh. Nhưng đến 19h30, ngày 22/7/2022, Sở VHTT TP Hồ Chí Minh tiến hành thanh tra và phát hiện triển lãm chưa được cấp phép. Phía đoàn thanh tra không phát hiện bất thường về nội dung và không giữ tang vật. Đến ngày 9/8, UBND TP Hồ Chí Minh đã ký quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính ông Bùi Quang Viễn 25 triệu đồng vì tổ chức triển lãm tranh không xin phép và phải tiêu hủy toàn bộ 29 bức tranh đã triển lãm.

Nhiều ý kiến, tranh cãi trái chiều liên tiếp nổ ra, kể cả sau cuộc họp báo chiều 17/8 tại TP Hồ Chí Minh. Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao phải tiêu hủy tranh? Cách làm này của Sở VHTT TP Hồ Chí Minh liệu đã hợp lý, hợp tình như lý giải của họ trên truyền thông hay chưa?

Những bức tranh “chịu oan”, giới nghề bức xúc - ảnh 1
Họa sĩ Bùi Chát

Họa sĩ Vi Kiến Thành, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nói, đây là sự việc hy hữu chưa từng có tại Việt Nam. Theo họa sĩ, Thanh tra Sở VHTT TP Hồ Chí Minh đã căn cứ vào Nghị định 38 để áp dụng, tuy nhiên Nghị định này cũng không rõ ràng, không phù hợp thực tế, cho nên khi áp dụng phải cân nhắc rất nhiều chứ không thể áp dụng máy móc. “Đương nhiên triển lãm không xin phép là phải xử phạt, Luật rõ rồi. Nhưng mức xử phạt của cơ quan chức năng trong trường hợp này cũng không phù hợp, gây bức xúc cho tác giả, giới nghề và công chúng…”.

Riêng về quyết định bắt tác giả tiêu hủy tranh, họa sĩ Vi Kiến Thành nhấn mạnh: “Cái này thì quá sai. Tiêu hủy tranh phải căn cứ vào nội dung của tác phẩm, nếu những tác phẩm ấy mang nội dung sai sót nghiêm trọng, vi phạm luật cấm, phản thuần phong mỹ tục của Việt Nam thì mới xem xét đến việc tiêu hủy tranh được. Còn đây là triển lãm tranh trừu tượng thôi, có gì sai đâu mà tiêu hủy?”.

Nhiều ý kiến xót xa, bởi một mệnh lệnh hành chính đã xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do sáng tạo của nghệ sĩ. Để tạo nên một tác phẩm, không chỉ có mồ hôi, thời gian mà dường như tất cả tâm sức, tâm hồn của người nghệ sĩ đều dồn hết cho “đứa con tinh thần” của mình. Cho nên, quyết định buộc tiêu hủy đó cũng đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi bảo vệ sản phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ. Theo giới chuyên gia, đó là sai lầm nghiêm trọng và đương nhiên, nó dễ gây bùng nổ ngọn lửa phẫn nộ trong giới nghề và công luận.

Trong trường hợp này, giá như như Sở VHTT TP Hồ Chí Minh tham khảo ý kiến của Hội Mỹ thuật Việt Nam và Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thì có lẽ đã không xảy ra vụ việc hy hữu, đáng tiếc này.

Những bức tranh “chịu oan”, giới nghề bức xúc - ảnh 2
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn

Không được phép đưa ra yêu cầu tiêu hủy tranh

Mới đây, họa sĩ Lương Xuân Đoàn lại tiếp tục lên tiếng về câu chuyện này. Ông cho biết, dù với tư cách Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam hay tư cách một nghệ sĩ thì ông đều không đồng tình, không chấp nhận được quyết định bắt họa sĩ Bùi Chát phải tự tay tiêu hủy 29 “đứa con tinh thần” của mình.

 Ông Lương Xuân Đoàn bày tỏ, bản thân ông vô cùng bức xúc và cảm thấy khủng khiếp khi nghe tin về quyết định xử phạt họa sĩ Bùi Chát.  “Mặc dù họa sĩ Bùi Chát chưa phải là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam nhưng tổ chức Hội hoàn toàn không đồng tình với việc cơ quan quản lý Nhà nước bắt họa sĩ tự tay tiêu hủy 29 bức tranh là 29 "đứa con tinh thần" của mình…”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn bày tỏ.

Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, việc không xin phép tổ chức triển lãm mà tổ chức là sai. Tuy nhiên việc xử phạt phải thực hiện với ông chủ phòng tranh chứ không hẳn là với riêng họa sĩ, càng không thể đề nghị họa sĩ tự tiêu hủy những tác phẩm của mình. “Tôi không bàn đến vấn đề phạt bao nhiêu tiền. Tôi chỉ bất ngờ với yêu cầu đi kèm xử phạt 25 triệu đồng là việc bắt tác giả phải tiêu hủy 29 tác phẩm của mình. Đó là một yêu cầu không được phép đưa ra, bởi 29 bức tranh ấy chỉ là tranh trừu tượng. Tranh không nhạy cảm về chính trị, không trái với thuần phong mỹ tục, không phản cảm…  Vậy tại sao lại bắt phải tiêu hủy tranh?”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn bức xúc.

Những bức tranh “chịu oan”, giới nghề bức xúc - ảnh 3
Các tranh triển lãm của họa sĩ Bùi Chát

“Bắt họa sĩ phải hủy tranh chính là bắt họ giết chết những "đứa con tinh thần" của mình một cách oan uổng. Tôi nghĩ rằng các cơ quan quản lý ở TP HCM đưa ra các quyết định như thế là quá vội vàng…”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam quyết liệt phản đối. Ông cũng nói, trách nhiệm trước hết thuộc về Sở VHTT TP Hồ Chí Minh, không phải đến đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ký quyết định: “Thông tin trên báo chí và mạng xã hội kể từ sau khi xảy ra vụ việc khiến chúng tôi rất bất bình và không thể chấp nhận được việc xử phạt như thế. Ai giám định được 29 tác phẩm trừu tượng ấy có vấn đề độc hại hay vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam không? Tôi nghĩ, đến lúc này, cần phải thay đổi quan niệm về quản lý, điều tiết đời sống nghệ thuật. Vì thế, chúng tôi thấy rằng Hội cần phải lên tiếng và chịu trách nhiệm về sự lên tiếng của mình…", họa sĩ Lương Xuân Đoàn bức xúc. Ông nhấn mạnh, cách ứng xử không đúng đắn đó chính là áp lực vô hình đè nặng lên khả năng sáng tạo của nhiều nghệ sĩ.

Quyết liệt phản đối cũng là thái độ của nhiều nghệ sĩ cầm cọ. Lên tiếng trên truyền thông, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, quyết định tiêu hủy số tranh của Bùi Chát là một quyết định rất đáng tiếc. Họa sĩ Đào Hải Phong cũng bình luận rằng, buồn là nhà quản lý dường như đánh đồng giá trị văn hóa nghệ thuật với thực phẩm và hàng tiêu dùng.

Nhiều ý kiến giới nghề đồng nhận định, mở triển lãm theo luật thì đương nhiên phải xin phép. Thế nhưng, không phép không có nghĩa tranh phải hủy. Những quy định luật pháp liên quan đến câu chuyện này vì thế cần được rõ ràng hơn. Những nhà chuyên môn nhân danh pháp luật cũng cần có những am hiểu tường tận, kỹ càng, trân trọng giá trị lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ. Có như vậy, tương lai mới không có tiếp những quyết định… cười ra nước mắt. Tuy nhiên, đây cũng là bài học cho các họa sĩ, khi tổ chức triển lãm, cần phải xin phép theo quy định của pháp luật. Trái quy định sẽ chịu hậu quả đáng tiếc và ảnh hưởng uy tín của chính mình.

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.