NHỮNG BƯỚC CHÂN

Chia sẻ

Nhà văn TRƯỜNG SƠN

Hiền ngồi thu mình trong góc hầm, mắt chăm chú đọc những dòng nhật ký của Thành, nước mắt cô chảy dài trên má.

Ngày… tháng…
“Hôm nay mình đón Hiền ở bìa rừng, lúc cô ấy đang tìm lối rẽ vào phân trạm. Một cô quân y người Hà Thành có vẻ đẹp dịu dàng. Khi đi qua con suối, cô ấy bước đi chập choạng chỉ chực ngã, mình bảo cô ấy đưa tay cho mình dắt, đi chưa quen sẽ gặp những hòn sỏi dưới chân trơn tuột và rất dễ ngã. Hiền đỏ bừng mặt, mình động viên cô ấy: Lúc đầu ai đi cũng thế, sau sẽ quen đồng chí ạ. Tối hôm ấy cũng là buổi sinh hoạt Đoàn, mình giới thiệu với chi đoàn đồng chí Vũ Thu Hiền có giấy giới thiệu của chi đoàn trên binh trạm chuyển về sinh hoạt với chi đoàn của phân trạm ta. Và mình giới thiệu Hiền hát một bài về Hà Nội. Hiền có giọng hát rất hay, truyền cảm và tha thiết. Dường như cô ấy gửi gắm cả nỗi nhớ Hà Nội vào ca khúc “Bài ca Hà Nội”.

Hiền nhớ lại lần đầu tiên cô gặp anh ở bìa rừng, khi cô đang tìm lối rẽ vào phân trạm, một người mà theo cô rất hợp với bộ áo lính. Anh có dáng người cao lớn khỏe mạnh, gương mặt đẹp vẻ cương nghị, đặc biệt là đôi lông mày rất đậm. Anh nói đã đợi cô nửa tiếng rồi. Tối hôm ấy, sau khi cô hát xong thì bỗng có bốn tiếng súng, báo hiệu ngoài tuyến có người bị thương. Thành nhắc cô lấy túi cứu thương và theo anh ra tuyến. Trong khi cô đang cấp cứu cho một o thanh niên xung phong bị thương thì Thành đi khảo sát dọc tuyến đường máy bay vừa ném bom. Anh phát hiện có bom nổ chậm ở phía chân đồi sim, sát mặt đường. Sau khi đưa o thanh niên xung phong lên võng cứu thương đến bệnh xá của binh trạm điều trị, Hiền đến làm nhiệm vụ trực chiến nơi tổ công binh chuẩn bị phá bom. Thành đưa cô đến căn hầm trực chiến và dặn dò cẩn thận “Đồng chí trực ở căn hầm này nhé! Khi thấy chớp xanh lóe lên thì vào hầm thật nhanh, để chỗ cho anh em tổ công binh chạy về vào hầm kịp nhé!”.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Hiền một mình với những giây phút đợi chờ căng thẳng trong đêm. Lần đầu tiên cô ở vị trí trực chiến cho tổ công binh phá bom nổ chậm. Những chùm pháo sáng vàng khè soi mói, máy bay địch vẫn gầm rú trên bầu trời, đêm trong chiến tranh mênh mông. Từ xa nhìn thấy đại đội thanh niên xung phong đang lấp hố bom, những hố bom ở đúng tim đường, con đường hồi chiều cô đi qua. Hai bên đường chi chít những căn hầm chữ A che chở cho những người thanh niên xung phong ngày đêm bám trụ. Máy bay đến thì vào căn hầm chữ A, máy bay đi lại ào ra làm đường san lấp hố bom.

Hiền cảm phục tinh thần của những người thanh niên xung phong, sự hy sinh sẽ đến với họ bất cứ lúc nào. Cô nhìn về phía những người công binh đang phá bom, đầu óc căng ra… Máy bay lại ầm ì, ruột gan cô như có lửa đốt. Rồi pháo sáng cũng chợt tắt, máy bay cũng bay xa, những phút đợi chờ chìm trong đêm tối. Bỗng tia sáng xanh lóe lên, Hiền vội lao nhanh vào hầm, cô thu mình trong góc trong cùng của căn hầm và nghe những bước chân dồn dập nện xuống đường đất đỏ, những bước chân của những người đồng đội, của sự sống, khi tổ công binh lao cả vào hầm. Một tiếng nổ rầm và những tiếng nổ tiếp theo, căn hầm chao nghiêng, niềm vui cũng như chao nghiêng, tiếng thở phào nhẹ nhõm. Tuấn, người ít tuổi nhất tổ công binh nói như reo lên “Bọn nó lỗ to rồi! Các anh ơi! Những quả bom gần đó nổ hết rồi!”.

Về đến phân trạm, mọi người đã đi ngủ. Chỉ còn chị Hồng, bộ phận cấp dưỡng, thấy chúng tôi về, chị phấn chấn hẳn lên, lấy cơm cho chúng tôi, không quên nói với anh Độ: “Hôm nay có món khoái khẩu của cậu Độ đấy. Lúc chiều tôi vào rừng đào được mấy củ riềng, món anh Độ thích là riềng rang với mắm tôm”. Chúng tôi giục chị Hồng đi ngủ. Rừng về khuya thật yên tĩnh, nghe lá cây lao xao, hòa với tiếng suối chảy róc rách.

Ngoài công việc chăm lo sức khỏe cho đơn vị, Hiền thường đi phá bom cùng tổ công binh, cô gắn bó với tổ công binh như anh em một nhà. Vào những đêm trăng, khi phá bom xong, anh em tổ công binh và Hiền thường ngồi lại bên đồi sim, lắng nghe tiếng hò của đại đội thanh niên xung phong và cánh lính lái xe, vừa bật cười vừa vui, niềm vui của những con người lạc quan trong chiến đấu. Tiếng hò từ đại đội thanh niên xung phong vắt qua đồi sim, vọng vào vách núi nghe rõ mồn một. Những lúc ấy Thành thường kể cho mọi người nghe về người mẹ của mình. Anh thương mẹ đang ngóng tin anh từng ngày. Bố anh đã mất từ hồi anh còn nhỏ, bà ở vậy nuôi anh. Nghe mọi người kể hồi còn trẻ, bà là người phụ nữ đẹp, cũng nhiều người ước ao xây dựng hạnh phúc với bà, nhưng bà chẳng ưng ai, chắt chiu nuôi anh khôn lớn. Hiền gạt nước mắt đọc tiếp những dòng nhật ký.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Ngày… tháng…
“Hôm nay trời mưa, Hiền ở ngoài tuyến về. Chắc đường trơn, cô ấy bị ngã, sai khớp cổ tay, mình vào rừng hái lá náng về bó tay cho Hiền. Lúc nắn lại khớp, Hiền đau lắm, mắt rơm rớm, nhưng Hiền không dám kêu, mình thấy thương Hiền và mong sao hết chiến tranh”.

Cô ôm quyển nhật ký vào lòng, hình ảnh của Thành lại hiện lên trong tâm trí cô. Mỗi lần máy bay địch thả bom, thường có người bị thương, và bom nổ chậm nên cô và Thành thường cùng ra tuyến. Khi xong công việc anh thường đợi cô ở lối rẽ vào phân trạm, những lúc đi qua con suối cạn, anh vẫn ân cần dắt tay cô. Thì ra anh biết cô rất nhát, thảo nào những lúc bận, anh bảo Tuấn hoặc một đồng chí trong tổ công binh đợi cô. Anh ít nói, vẻ trầm ngâm của anh khiến cô ngại tâm sự, nhưng trong thâm tâm anh luôn quan tâm đến cô như vậy!

Hiền đọc đi đọc lại những dòng nhật ký cuối cùng của Thành.

"Thấm thoắt, Hiền đã gắn bó với phân trạm, với tổ công binh của mình được một năm rồi! Không hiểu sao mình rất muốn chia sẻ với Hiền những suy nghĩ về cuộc sống của mình. Mình cũng mong ước chóng đến ngày bình yên, mình rất muốn giới thiệu Hiền với mẹ. Mình sẽ nói với mẹ là mình đã thương cô gái Hà Thành có giọng hát hay và mình thích vẻ đẹp hiền dịu của cô ấy! Không hiểu Hiền có ưng mình không? Nhưng đã có lúc mình ao ước khi hết chiến tranh, Hiền theo mình về quê, làm công tác y tế ở trạm xá ngay gần nhà mình. Nhiều lúc đưa Hiền đi cấp cứu cô ấy thường chạy rất nhanh, vì ngoài tuyến có đang người bị thương, nhưng lúc về, Hiền lại rất nhát, sợ ma nữa. Mình rất muốn thổ lộ tình cảm của mình để Hiền hiểu rằng mình luôn muốn che chở cho cô ấy, muốn nắm lấy bàn tay của Hiền đi trên những chặng đường gian nan của chiến tranh cũng như suốt cuộc đời này!".

Cô nghẹn ngào, giá như cô có thể nói với anh, cô cũng yêu anh tự lúc nào rồi. Hình ảnh anh với gương mặt cương nghị, cái nhìn trìu mến và giọng nói ấm áp luôn là hình ảnh cô mang theo vào giấc ngủ. Sáng dậy người mà cô nhớ đến đầu tiên cũng là anh.

Đã bao lần đi phá bom cùng tổ công binh, lần nào cô cũng thầm mong anh và tổ công binh trở về an toàn, cô mong những bước chân dồn dập chạy về phía cô… Âm thanh của những bước chân nện xuống con đường đất đỏ, những âm thanh ấy là sự chiến thắng, là niềm vui là sự sống của những người đồng đội vượt qua những phút giây nguy hiểm và trở về với cô. Nhưng rồi một hôm, Hiền chưa được nghe những bước chân chạy về, máy bay địch lại ập đến, chúng trút bom rồi vội tháo chạy.

Hiền lao về phía tổ công binh, cô bới đất, máu của Thành chảy ướt đẫm cả tấm lưng của Tuấn. Hiền và người lính công bính nâng anh dậy, cô ôm lấy gương mặt đẫm máu của anh, áp thật chặt vào gương mặt mình, như để tìm một sự sống mong manh, nhưng Thành đã ra đi, anh không kịp nói với cô và đồng đội một câu nào. Tuấn đã tỉnh, anh ngồi dậy, luôn miệng nói tại anh ấy cứu tôi đấy Hiền ơi!

Anh em trong phân trạm để Thành nằm lại đồi sim, nơi anh và tổ công binh thường ngồi lại mỗi khi phá bom xong. Hiền ngồi lặng bên mộ Thành rất lâu. Lần đầu tiên cô cảm nhận thật sâu sắc sự chia lìa của sự sống và cái chết. Cô đặt bàn tay rất lâu trên mộ anh. Dưới bàn tay cô, cách khoảnh đất vừa lấp xong, là người đã dìu dắt cô từng bước đi trong những ngày đầy gian nan khốc liệt này. Vẫn là gương mặt có vẻ đẹp cương nghị và cái nhìn trìu mến, là ước mơ có em bên anh đến suốt cuộc đời! Vậy mà giờ đây cô chẳng bao giờ được nhìn thấy nữa. Cô thèm được nghe âm thanh của những bước chân, những bước chân anh chạy dồn dập về phía căn hầm trực chiến. Cô không bao giờ còn nghe thấy nữa…

Vẫn nơi đây, anh đã từng hái cho cô những quả sim tím mọng và từng trò chuyện với cô và đồng đội, về khát khao mong đến ngày hết giặc, vẫn dưới ánh trăng trải trên đồi sim mênh mang. Nhưng đêm nay, sương nhiều hơn, ánh trăng soi vào những hạt sương long lanh trên lá giống như những giọt nước mắt vậy!

Cô lặng lẽ hứa trước mộ anh, sau chiến tranh cô sẽ về với mẹ. Cô thì thầm "Anh hãy yên nghỉ, còn có em mà!".

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Tuấn đến bên Hiền, lặng lẽ với ý nghĩ “Nếu anh Thành không cứu mình mà lao xuống hố bom ngay thì bây giờ anh ấy vẫn bên Hiền, họ là một đôi đẹp biết mấy”. Tuấn kéo Hiền đứng dậy. Tiếng máy bay lại gầm rú trên bầu trời, từng chùm pháo sáng lơ lửng soi mói từng ngọn cỏ, gốc sim… Bom đạn ngày càng ác liệt hơn, anh Độ trong tổ công binh cũng đã hy sinh khi đang đi khảo sát ngoài tuyến. Chị Hồng thương anh lắm. Chị vừa khóc vừa mếu máo, “Độ còn trẻ quá! Mà sau này ai cúng món riềng rang mắm tôm cho em, Độ ơi!”. Tự nhiên, Hiền cảm thấy gắn bó với tuyến đường, với cánh rừng này hơn bao giờ hết! Cô cảm thấy Thành vẫn luôn bên cô, những lúc ra tuyến, kể cả đi trong đêm, cô cũng không thấy sợ như trước đây nữa. Mỗi con suối, mỗi nẻo đường quanh co trong khu rừng này cô đều thấy bóng dáng của anh. Thỉnh thoảng cô lại hái một bó hoa rừng cắm trên mộ của Thành.

Tuấn đi công tác về, nghe nói Hiền bị thương khi đi cấp cứu thương binh ngoài tuyến, cô đã được đưa đến bệnh xá của binh trạm, anh vội đến thăm. Trước khi đi, Tuấn sang căn hầm của tiểu đội nữ, và nói anh đến bệnh xá thăm Hiền. Lúc cấp cứu Hiền không kịp mang ba lô theo. Mọi người lấy ba lô của Hiền đưa cho Tuấn. Anh kiểm tra và thấy quyển nhật ký của Thành, anh yên tâm khoác ba lô đi. Mấy chị trong tiểu đội cũng định sáng mai đi thăm Hiền. Hiền bị thương không nặng lắm, vết thương chỉ ở phần mềm phía bụng chân, tay trái bị gãy xương do cô chống tay xuống lúc ngã. Cô nằm thiêm thiếp và nhớ lại trận bom tối nay. Vừa chập tối, đợt bom thứ nhất có hai người bị thương, cô đang cấp cứu thì máy bay lại bỏ bom tọa độ gần đó, mảnh bom văng về phía đại đội thanh niên xung phong đang làm đường, mọi người kịp vào hầm, nhưng có hai o bị thương và Hiền không kịp đưa người bị thương vào hầm. Cô ngắm nghía cổ tay trái, cổ tay này đã một lần cô ngã và bị sai khớp. Cô lại nhớ Thành, nhớ lúc anh nắn tay cho cô và cô nắm chặt lấy cánh tay anh. Cô khóc mỗi khi nhớ về anh, đôi mắt rưng rưng. Đúng lúc đó thì Tuấn đến, Tuấn vội hỏi:

- Hiền đau lắm hả?

- Không, mình chỉ nhớ cái tay này đã một lần sai khớp, cũng may còn một tay hoàn toàn khỏe mạnh.

Tuấn hiểu, Hiền lại nhớ Thành, anh vừa nói vừa để ba lô xuống.

- Tuấn kiểm tra rồi! Không quên cuốn nhật ký đâu.

Hiền cảm ơn Tuấn, chính Tuấn là người trao lại cuốn nhật ký của Thành cho cô, hai anh em chẳng giấu gì nhau. Thành cũng đã ước ao, đến ngày bình yên, Thành sẽ mời tổ công binh và Hiền về thăm mẹ. Hiền cố giấu vẻ xúc động, nói với Tuấn:

- Mấy hôm nữa Hiền sẽ về đơn vị thôi, vết thương phần mềm nhanh khỏi lắm!

- Hiền cứ yên tâm điều trị, binh trạm tạm thời cử người thay Hiền rồi! Mai họ sẽ đến.

Hiền hỏi qua Tuấn về phân trạm và giục Tuấn về sớm. Dạo này địch đánh những tuyến đường dữ lắm. Từ ngày Thành hy sinh, Tuấn thay Thành phụ trách tổ công binh. Anh nhận nhiệm vụ một cách xuất sắc, không chỉ với nhiệm vụ trên giao mà còn với cả một tâm nguyện với Thành.

Hiền giở ba lô, cô cầm cuốn nhật ký của Thành. Với cô, cuốn nhật ký như một báu vật, tình yêu của anh, mối tình đầu của cô và anh, cô luôn lưu giữ trong tim mình. Mấy hôm sau, Hiền được ra viện, cô đang chuẩn bị ba lô thì Tuấn đến, anh đưa quyết định của binh trạm mới gửi xuống hôm qua, cô được cử đi học. Biết ở trạm xá cũng có mấy người đi cùng, nên Tuấn mang quyết định cho cô, để Hiền không quay về đơn vị. Hiền hơi bối rối, vậy là cô phải xa đơn vị, Hiền ngần ngừ rồi nói với Tuấn.

- Chiều mai mới đi, mình về đơn vị tạm biệt mọi người Tuấn ạ.

Hiền ngủ lại một đêm nữa trong cánh rừng thân thương, nơi đây đã có biết bao kỷ niệm. Cô đi bên dòng suối, mùa khô những phiến đá nổi lên giữa dòng suối, hai bên bờ, những chùm hoa rừng rủ xuống điệu đà, đẹp đến nên thơ. Cô ngủ trong căn hầm có mấy chị em trong tiểu đội, những lời tâm sự rì rầm suốt đêm, Hiền ghi lại địa chỉ của các chị em, hứa sẽ đến từng nhà. Cô thấy thương các chị em ở lại. Hiền nói trong nước mắt, hẹn gặp lại các chị nhé! Sớm hôm sau, tạm biệt mọi người, Hiền hái những nhành hoa rừng, Tuấn định đưa Hiền ra phía bìa rừng, anh chợt im lặng, anh biết Hiền muốn đến mộ Thành một mình. Anh nhìn Hiền lặng lẽ đi về phía đồi sim.

Hiền dừng lại bên bìa rừng lối rẽ vào phân trạm. ở đây cô đã gặp anh, nước mắt cô ứa ra, dường như anh vẫn đâu đây trong tiếng lao xao của cây rừng, những bước chân lặng lẽ bước đến đồi sim. Cô ngả mũ ngồi xuống, đặt bó hoa rừng trên mộ anh. Cơn gió lay động những nhành hoa sim tím đung đưa, cô xúc động nói với anh: “Em đến chào anh, em ra Bắc học, con đường bước tiếp chỉ một mình em, em thấy cô đơn, thấy nhớ anh, thèm nghe những bước chân dồn dập của anh. Lúc này, em chỉ ước có anh”. Định thần lại, cô nhổ cỏ và trồng một cây sim nhỏ bên mộ Thành. Cô ngồi rất lâu, ngắm con đường đất đỏ vòng quanh đồi sim. Con đường lúc này yên ả, không có tiếng máy bay, không có đại đội thanh niên xung phong, tất cả trong nắng gió hiền hòa, nhưng lòng cô thấy trống trải vô cùng. Cô rời mộ Thành đứng lên, ôm chiếc mũ nhìn quanh như để ghi nhớ thật sâu chỗ anh nằm, mái tóc hứng làn gió như mơn man, như ân cần, đôi mắt rưng rưng, bước chân ngập ngừng rời xa nơi cô đã gặp anh, cũng là nơi cô mất anh mãi mãi. Một cảm giác lưu luyến thật khó tả, một nỗi đau như bóp nghẹt con tim, mà chỉ trong khoảnh khắc bình yên trong chiến tranh cô mới cảm nhận được thật sâu sắc. Hiền như thấy anh vẫn đâu đây và đưa tay nắm lấy bàn tay cô khi đi qua con suối. Hiền bước lên bờ, nhận ra chỉ một mình cô trong cánh rừng mênh mang… Cô lưu luyến bước ra khỏi bìa rừng, nắng hè xuyên qua những vòm lá, ánh nắng lung linh tỏa sáng trên con đường mà cô và anh đã đi qua.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Bà Tần châm ngọn đèn để trên bàn thờ, nhìn ảnh người con trai duy nhất. Ngoài trời còn sáng nhưng gió to, đóng hết cửa thì trong nhà tối om, trong ánh đèn lúc mờ lúc tỏ theo gió, mắt bà ứa lệ. Từ hồi biết tin con trai hy sinh, bà cảm thấy căn nhà trở nên quá trống trải... Hình ảnh của Thành từ hồi nhỏ với những bước chân chập chững cho đến khi anh vào quân ngũ cứ luôn hiện lên trong tâm trí của bà, cả trong những giấc mơ. Bà ước giá như đánh đổi được mạng sống cho con thì còn gì bằng, nó còn trẻ lắm ông trời ơi! Trước đây, bà cũng một mình, nhưng bà luôn mong có ngày đất nước hòa bình và, Thành, con trai bà sẽ trở về. Mảnh vườn sau nhà bà trồng mấy cây na, người ta bảo trẻ trồng na, già trồng chuối, nhưng bà thích trồng na. Và trong trí tưởng tượng của bà, Thành trở về và cưới vợ, bà có những đứa cháu dần lớn lên và nô đùa trong mảnh vườn. Bà cũng để ý mấy cô gái hàng xóm và có lúc ướm thử xem cô nào ưng cậu con trai duy nhất của bà không. Nhưng rồi, bà quỵ xuống, khi biết tin con hy sinh, bà thương con trai, từ nhỏ nó đã biết chia sẻ với bà mọi điều, lớn lên là một người có chí, học hành tử tế, sắp ra trường thì lại nhập ngũ. Hôm lên đường nó còn dặn dò bà đủ thứ và bảo "Mẹ ở nhà cứ nhắm cho con một cô, con trở về là cưới liền mẹ ạ".

Bà trở ra sân, đóng cửa cổng, mưa gió đến nơi chắc bà con trong ngõ cũng đóng cửa cả rồi! Bà vừa kéo cánh cổng gỗ vừa đỡ chiếc nón bị gió hất ra đằng sau thì bỗng nghe một tiếng chào: “Cháu chào bác ạ!".

Bà Tần nhìn ra phía cổng, một cô bộ đội đeo ba lô đang nhìn bà và nói tiếp "Con ở đơn vị anh Thành về bác ạ”.

Bà Tần mừng đến bối rối, bà ra ngõ vừa dắt tay cô gái vừa bảo: "Cháu vào nhà đi kẻo mưa, gặp các cháu bác mừng lắm!”.

Hiền đặt ba lô và nhìn ngay lên bàn thờ, dưới ngọn đèn dầu leo lét, bức chân dung của Thành lúc mờ, lúc tỏ. Hiền xin phép bà Tần, thắp hương cho Thành. Cô nhìn bức chân dung thật lâu. Gương mặt thân quen và đôi mắt ấy như đang nhìn cô trìu mến. Cô thầm nói anh “Em về với mẹ đây anh! Em sẽ thay anh chăm sóc mẹ”. Nước mắt cô ứa ra. Cô đã từng ngồi bên mộ Thành hàng tiếng đồng hồ, Tuấn phải dìu cô đứng dậy. Vậy mà giờ đây cô vẫn xúc động như vừa nghe tin anh hy sinh! Tay Hiền run lên, mãi cô mới châm được nén hương. Bà Tần nhìn Hiền, không sao cầm được nước mắt. Hiền quay lại ôm lấy bà cô gọi trong tiếng nấc “Mẹ ơi!”. Cô gục vào vai bà thổn thức, ngoài trời cũng bắt đầu đổ mưa, tiếng mưa như xối vào nỗi đau chung của cả hai người.

Đêm về khuya, mưa đã tạnh, chỉ còn những cơn gió lao xao. Cả bà Tần và Hiền đều chưa ngủ, hai người lặng lẽ, nằm yên như đang ngủ.

Bà Tần trở dậy rất khẽ, bà sợ làm Hiền thức giấc. Bà đi xuống vườn bắt con gà mái ghẹ và hái nắm lá ngải cứu. Bà định bụng từ tối hôm qua sẽ hầm gà ngải cứu cho Hiền. Nhìn da Hiền xanh và môi tái lắm, chắc là vẫn bị sốt rét. Bà như gặp lại con trai qua những lời kể của Hiền, nhìn Hiền xúc động khi thắp hương cho Thành, bà cũng đoán cô nặng lòng thương con trai bà, bà thấy gần gũi với Hiền hơn. Bà sang mời mấy người hàng xóm sang chơi. Lâu lắm, ngôi nhà của bà mới có không khí ấm áp, vui vẻ. Ông Hiểu, người chú ruột của Thành nghe tin cũng vội chạy sang ngay, ông mừng lắm! Ông ân cần nói với Hiền: “Cháu cùng đơn vị với cháu Thành về đây thăm bà chị tôi, thật quý hóa quá!”.

Căn bếp tỏa hương thơm của mùi ngải cứu hầm gà, Hiền dường như thức suốt đêm, nên rạng sáng cô mới chợp mắt một lúc, khi choàng dậy, đã thấy bà Tần chuẩn bị xong bữa sáng.

Ngồi xuống mâm là bà Tần vừa gắp thức ăn, vừa dặn dò cô, "Con gái là phải khỏe mạnh con ạ, sau này còn sinh nở". Nói xong, bà thấy như chạm phải nỗi buồn của cả hai người, bà thấy mắt Hiền lại ngấn lệ, nhưng Hiền khéo léo chuyển chủ đề, cô vội đứng dậy: "Con xin phép mẹ, con ra ngoài vườn một chút ạ". Hiền tha thẩn ngoài vườn, cô đứng bên cây vối bên bờ ao. Tối qua nghe mẹ kể, hồi nhỏ mỗi khi tắm, Thành rất thích đứng bên cành vối và nhảy xuống ao. Cô ngồi bên gốc vối, nhìn cành lá vối sà xuống mặt ao, tất cả vẫn còn, chỉ vắng anh. Anh có biết em đang ngồi đây không? Nơi ghi dấu kỷ niệm thời thơ ấu của anh.

Bà Tần cũng ra vườn, bà lấy cây sào trẩy mấy quả na, Hiền giúp bà đỡ lấy những quả na cho vào rổ, cô nói với bà: “Chiều mai con xin phép mẹ, con về Hà Nội gặp gia đình con. Thu xếp công việc ở trường xong con sẽ trở lại thăm mẹ lâu hơn ạ”.

- Cũng phải con ạ, con về thăm mẹ thế này là mẹ thấy vui lắm rồi! Thỉnh thoảng con lại về thăm mẹ nhé! Cho mẹ gửi lời thăm bố mẹ con và gia đình.

- Con chỉ còn bố thôi ạ, mẹ con đã mất từ năm con lên mười.

Bà Tần ân cần nắm lấy tay Hiền, cố giấu nỗi xúc động: “Con mang chục quả na về làm quà, gọi là quà quê”.

Lúc tiễn Hiền ra về, Hiền nắm lấy tay bà, cô nói giọng cảm động: “Con sẽ về thăm mẹ thường xuyên ạ”. Bà Tần xúc động gật đầu chào Hiền, chờ cô đi khỏi. Bà quay lại trong nhà, nén hương Hiền thắp trước khi đi vẫn còn đang cháy, mùi hương lan tỏa khắp gian nhà. Bà thương con trai, thương cả Hiền nữa, nhất là Hiền lại mồ côi mẹ. Bà giơ tay áo quệt nước mắt rồi ra vườn. Bà lại muốn chăm vườn rau, đàn gà, lòng bà thấy ấm lại. Bà đứng bên cây vối, hái ít lá vối để ủ. Mỗi lần nhớ con trai, bà lại ngồi bên cây vối. Hôm nay bà muốn thì thầm với con nỗi vui buồn lẫn lộn. Cơn gió ban mai thổi vào khu vườn làm những cành lá vối lao xao, lao xao…

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.