Những địa chỉ trải nghiệm hấp dẫn cho “học kỳ”... hè

THẢO NGUYÊN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Những ngày nghỉ hè là thời gian quý giá được nhiều gia đình tận dụng để cho trẻ ra ngoài chơi, để tìm hiểu và khám phá thế giới thiên nhiên rộng lớn với nhiều điều bí ẩn, hấp dẫn cùng nét văn hóa truyền thống, lịch sử đặc sắc của dân tộc. Một trong những địa chỉ trải nghiệm được nhiều gia đình trẻ ở Hà Nội quan tâm là các bảo tàng, khu di tích danh thắng.

“Đi tìm báu vật Hoàng cung Thăng Long”

Đây là một trong những trò chơi thú vị của chương trình trải nghiệm “Em làm nhà khảo cổ” dành cho học sinh tiểu học tại khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu nằm trong Hoàng thành Thăng Long. Khảo cổ vốn là công việc khai quật đặc thù nhưng khi được Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thiết kế thành các trò chơi thì chương trình “Em làm nhà khảo cổ” tạo không gian bổ ích, thú vị cho các du khách nhí.

Thay vì chỉ được nhìn thấy các mẫu vật lướt qua trên các phương tiện truyền thông, tham gia chương trình, các em sẽ được thực địa ngay tại khu di tích với 2 hoạt động chính: Khai quật và tương tác trong không gian khám phá. Dưới sự chỉ bảo nhiệt tình của các hướng dẫn viên, các em học sinh được biết cách xác định vị trí cần khai quật, sử dụng các dụng cụ chuyên dụng như: Bay, nạo, cuốc, xẻng, xe dùa, thước dây, bảng vẽ, dụng cụ làm sạch hiện vật rồi thực hành khai quật hiện vật, làm sạch hiện vật, phân loại hiện vật… 

Những địa chỉ trải nghiệm hấp dẫn cho “học kỳ”... hè - ảnh 1
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách nhí đến tham quan, tìm hiểu ảnh: D.H

Sau khi thực hành các bước khai quật, các bạn nhỏ cùng tương tác với hiện vật trong không gian khám phá. Trên diện tích 15m2 lấp bằng cát, những người thực hiện chương trình sẽ chôn một số bản mô phỏng của những hiện vật truyền thống như đầu rồng, đầu phượng, lá đề, gạch vồ, chân tảng, ngói ống, ngói lòng máng… để các em học sinh tìm kiếm, khai quật và chỉnh lý hiện vật với các hoạt động như vẽ các hiện vật tìm được; ghép hiện vật và di tích thông qua trò chơi ghép hình; mô tả hiện vật và điền các phiếu hoạt động theo từng chủ đề. Thông qua các hoạt động tại không gian khai quật và khám phá, các em học sinh không chỉ hiểu rõ hơn về công việc có ý nghĩa của các nhà khảo cổ học mà đây còn là dịp để rèn luyện khả năng tư duy, kỹ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình. Để tăng thêm tính hấp dẫn và khuyến khích các em nhỏ mạnh dạn, tự tin, các hướng dẫn viên sẽ chia các bạn nhỏ thành các nhóm, đại diện các nhóm sau khi khám phá xong các hiện vật sẽ trưng bày kết quả tìm được và thuyết trình. Đội xuất sắc nhất sẽ được Ban tổ chức chương trình trao phần thưởng.

Chơi mà học, học mà chơi

Trong số các bảo tàng tại Hà Nội, bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (nằm trong khuôn viên Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam số 18 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy) tuy có diện tích khiêm tốn nhưng nhận được nhiều đánh giá tốt của phụ huynh và các bạn nhỏ. Ngay ở sảnh, bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chào đón du khách bằng hình ảnh chú khủng long to lớn giống như thật. Cánh cửa phòng trưng bày mở ra, du khách choáng ngợp trước một thế giới động thực vật rộng lớn với gần 40 nghìn hiện vật lưu giữ những giá trị thiên nhiên quý giá từ 3,6 tỷ năm qua. Với cách bày trí khoa học, dễ quan sát, các em nhỏ có thể tìm hiểu, lĩnh hội nhiều kiến thức về các loài động vật như bò sát, thú, côn trùng… đến thực vật nấm, mẫu địa chất... hay lịch sử tiến hóa loài người từ linh trưởng. Để minh họa cho các không gian trưng bày, từng khu vực đều gắn các màn hình trình chiếu các bộ phim ngắn về từng chủ đề như khủng long, bò sát, sự biến đổi của các nhóm thực vật... Những bài học lịch sử về sự tiến hóa của loài người, sinh vật và trái đất được các bạn nhỏ lĩnh hội một cách rất dễ hiểu, dễ nhớ, sinh động và đầy đủ. 
Sau khi tham quan các không gian trưng bày, tại không gian trải nghiệm, tùy từng lứa tuổi, các em được thực hành làm tiêu bản bướm, làm hóa thạch khủng long, làm mặt nạ động vật, huy hiệu động vật… và xem phim 3D về thế giới khủng long. Bảo tàng miễn phí vé vào cửa và thuyết minh trực tiếp cho du khách; thời gian mở cửa từ thứ 5 đến Chủ nhật. 

Những địa chỉ trải nghiệm hấp dẫn cho “học kỳ”... hè - ảnh 2
Các em học sinh hào hứng tham gia chương trình “Em làm nhà khảo cổ” tại Hoàng thành Thăng Long ảnh: Mai Hà

Cách bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam hơn 1km là bảo tàng Dân tộc học (số 1 phố Nguyễn Văn Huyên). Nhiều gia đình sau khi tham quan bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam sẽ tiếp tục di chuyển sang bảo tàng Dân tộc học để tìm hiểu lịch sử văn hóa của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S thân yêu. Với hệ thống hiện vật phong phú, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng nét đẹp của các dân tộc thể hiện qua các loại y phục, trang sức, vũ khí, nhạc cụ, tôn giáo… 

Tại khuôn viên rộng lên đến 4,4ha, du khách có nhiều lựa chọn để tham gia các hoạt động trải nghiệm theo chủ đề văn hóa truyền thống Việt. Trong đó, hấp dẫn nhất là thưởng thức biểu diễn múa rối tại khu thủy đình với trích đoạn nổi tiếng như chú Tễu, rồng phun nước, mời trầu… do các nghệ nhân trình diễn; trải nghiệm nặn vuốt gốm với máy quay bàn xoay đất sét chuyên dụng của làng gốm Bát Tràng; đan nong nia từ những thanh giang mềm dẻo theo quy luật lên xuống đơn giản, sau đó sơn màu và quan sát sản phẩm được phơi khô dưới nắng; in tranh trên giấy dó như làng tranh Đông Hồ với khuôn in tranh chuyên dụng và những nguyên vật liệu sáng tạo như rau củ quả, khối gỗ, khối xốp; nặn tò he với bột gạo an toàn, đủ các sắc màu của làng nghề tò he Phượng Dực, huyện Phú Xuyên; dựng mô hình nhà cổ của người Việt xưa bằng các vật liệu quen thuộc như rơm, lá khô, que tre, đất sét… theo sự sáng tạo của các bé. Bảo tàng Dân tộc học có thu phí vào cửa nhưng các đối tượng: Học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật đều giảm giá, chỉ ở mức từ 15.000 - 20.000 đồng/vé/người.

Phiêu lưu ở “rừng xanh” kỳ thú

Trực thuộc Viện Điều tra quy hoạch rừng, bảo tàng Rừng Việt Nam nằm ven Quốc lộ 1A trên địa phận xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì. Tọa lạc ở vùng ven đô, đây là địa chỉ mới để đưa trẻ đến trải nghiệm và khám phá. 

Bảo tàng Rừng có một số phần trưng bày giống với bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Tuy nhiên, do diện tích rộng hơn và tính chất khác nhau nên ở bảo tàng Rừng, ngoài các loại động thực vật còn có thêm thảm cây, rừng tạo nên không gian mát mẻ, trong lành. Vì vậy, vào những ngày hè, bỏ lại sau lưng cái nắng nóng ngột ngạt của đô thị hay con đường quốc lộ rầm rập xe cộ đi lại, bước vào không gian của bảo tàng Rừng, du khách cảm nhận sự thoáng mát, yên tĩnh. 

Những địa chỉ trải nghiệm hấp dẫn cho “học kỳ”... hè - ảnh 3
Một em học sinh lớp 3 trường tiểu học Việt - Úc chăm chú quan sát và ghi lại thông tin về các loại động vật tại bảo tàng Rừng Việt Nam ảnh: B.T

Đúng như tên gọi, đến đây, du khách sẽ được tìm hiểu đặc điểm của các kiểu rừng điển hình; ứng với mỗi kiểu rừng lại có các loài thực vật đặc trưng. Ví dụ như rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới có các loại cây sao đen, táu, chò chỉ...; rừng trên núi đá vôi thì có lim, nghiến, hoàng đàn, kim giao...; hay rừng khộp có giáng hương, gụ mật... Ngoài ra, ở vườn thực vật còn có nhiều loại cây đặc trưng cho các vùng miền như cây kơnia của bà con Tây Nguyên, cây trầu bà khổng lồ; các loại dược liệu hay quen thuộc nhất là cây tre. Mang trong mình thế giới thực vật phong phú, rừng ở Việt Nam còn gắn liền với các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược như câu thơ nổi tiếng trong bài thơ “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Vì thế, ở bảo tàng Rừng có cả những bài học lịch sử khi tái hiện cả hố bom từ thời Mỹ dội xuống Hà Nội hay hầm trú ẩn…

Bên cạnh đó, ở phòng trưng bày rộng hơn 1.000m2 là nơi hội tụ của các loài côn trùng, động vật được thu thập từ khắp các vùng miền trên cả nước; từ các loài động vật hoang dã quý hiếm như gấu, hổ, đại bàng đến các loại côn trùng, chim thú, lưỡng cư, bò sát… Các mẫu vật trưng bày đều được làm từ những con vật  thật nên rất sống động, chân thật. Sau khi quan sát, nghe thuyết minh mẫu vật, các bạn nhỏ được xem phim về các loài động thực vật và trải nghiệm hoạt động làm tiêu bản thực vật - ép tiêu bản, làm tranh động vật. 

Bảo tàng Rừng miễn phí vé vào cửa và chưa có dịch vụ nên các gia đình nên mang theo nước uống, đồ ăn nhẹ; chuẩn bị mũ, mặc quần dài, xịt thuốc chống côn trùng vì các bạn nhỏ đi xuyên qua khu rừng các loại để khám phá, tìm hiểu. Sau khi rời bảo tàng Rừng, du khách có thể quay lại công viên Yên Sở hay khu Gamuada gần đó để cắm trại, tiếp tục vui chơi, thư giãn. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.