Những “mảnh ghép” đau đớn

Chia sẻ

Tan vỡ gia đình vốn dĩ lỗi thuộc về người lớn, nhưng con trẻ lại nhận về hậu quả nặng nề khi bị khuyết một trong hai tình thương của cha hoặc mẹ. Thậm chí, khi cha/mẹ tái hôn, không ít trường hợp trẻ trở thành nạn nhân trong các vụ bạo hành, xâm hại.

Những tội ác không thể tha thứ

Thời gian gần đây, tình trạng bạo hành, xâm hại con trẻ đến từ cha dượng, mẹ kế diễn ra phức tạp, trở thành vấn đề đáng báo động. Nhiều vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra, khiến dư luận và cơ quan chức năng lên tiếng về việc bảo vệ trẻ em trong các gia đình tái hôn.

Trước khi kết hôn với N.V.H (sinh năm 1986, quê Vĩnh Phúc), chị H.T.N (sinh năm 1986, dân tộc Thái, trú tại huyện Yên Châu, Sơn La) đã có 1 con gái (tên T, sinh năm 2007) với người chồng trước. Do cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, chị ly hôn, con gái ở cùng mẹ. Đến năm 2016, chị N kết hôn với H và sinh thêm 2 con. Là lao động chính trong nhà nên hàng ngày, chị N phải đi làm, chỉ có H và 3 con ở nhà.

Hình ảnh cháu bé Đ.N.A với những chiếc đinh bị bắn trên đầuHình ảnh cháu bé Đ.N.A với những chiếc đinh bị bắn trên đầu

Quá trình chung sống, H nóng nảy, cục tính, nhiều lần hành hung, đánh đập vợ và các con. Mỗi lần xung đột vợ chồng, H còn “khoe” với vợ về việc mình có quan hệ tình cảm với nhiều người bên ngoài, trong đó có cả trẻ em. Chị N đã từng cảnh báo H không được xâm phạm con gái riêng của mình.

Thời gian gần đây, do thấy bị mất tiền, chị N đã lắp camera giám sát. Ngày 19/3, sau khi kiểm tra camera, chị phát hiện H có hành vi đồi bại với cháu T - con riêng của chị. Gặng hỏi con gái, chị tá hoả khi biết được sự việc này đã kéo dài hơn 2 năm. Thậm chí có ngày, cháu T bị bố dượng ép quan hệ tình dục cả sáng và chiều, nhiều lần trong ngày khiến cháu bị đau bụng dưới. “Nhiều lần, con gái tôi kêu đau bụng dưới, tôi đưa con đến bệnh viện kiểm tra nhưng bác sỹ chỉ kết luận cháu bị viêm đại tràng nên lại về nhà uống thuốc điều trị. Cháu bị bố dượng ép quan hệ tình dục và đe doạ không được nói với mẹ” – chị nghẹn ngào kể.

Nắm bằng chứng trong tay, chị N định trình báo sự việc lên công an. Song, đêm 19/3, H đi uống rượu về rồi lên giường ngủ mà không mặc quần áo, trong khi các con vẫn ngủ cùng phòng. Trong lúc căm phẫn, chị N đã lấy dao cắt “hạ bộ” của chồng mang đi vứt bỏ rồi đến cơ quan công an đầu thú. Hiện Công an cũng đã thu giữ chiếc camera do chị N đặt tại phòng ngủ, được cho rằng chứa bằng chứng quan trọng khi ghi được hình ảnh H xâm hại cháu T, đồng thời đưa cháu T đi giám định pháp y để làm rõ việc cháu bé bị xâm hại.

Trước đó, đã có rất nhiều vụ việc trẻ bị bạo lực, xâm hại nghiêm trọng trong gia đình tái hôn hoặc cha/mẹ ly hôn sống chung không hôn thú với người khác. Điển hình như vụ việc xảy ra vào ngày 22/12/2021, bé N.T.V.A (8 tuổi, trú TP.HCM) bị người tình của bố đánh đến tử vong. Quá trình điều tra xác định, sau khi ly hôn, Nguyễn Trung Kim Thái (36 tuổi, bố bé A) đã sống chung với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê tỉnh Gia Lai). T

hời gian chung sống, Trang đã nhiều lần đánh bé A gây thương tích nhưng Thái không can ngăn, còn đồng tình với cách dạy con của Trang. Với sự tàn ác đó, cả hai đã bị khởi tố về các tội “Giết người”, “Hành hạ người khác” và “Che giấu tội phạm”. Cuối tháng 1/2022, Công an TP Hà Nội cũng đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Trung Huyên (30 tuổi, trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội) để điều tra về hành vi giết người.

Theo đó, Huyên sống chug với chị L và cháu Đ.N.A (3 tuổi, con riêng của chị L và người chồng trước). Thay vì yêu thương, chăm sóc trẻ, Huyên đã nhiều lần hành hạ cháu bé một cách tàn nhẫn như cho uống thuốc trừ sâu, nuốt đinh ốc vít, đánh gãy tay, đóng đinh vào đầu cháu… Sau nhiều ngày tích cực chữa trị, cháu A đã không qua khỏi.

Nguyễn Trung Kim Thái (36 tuổi, bố bé A) và người tình Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê tỉnh Gia Lai)Nguyễn Trung Kim Thái (36 tuổi, bố bé A) và người tình Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê tỉnh Gia Lai)

Hay vụ việc cháu N.H.B (12 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) thường xuyên bị mẹ đánh đập và người tình của mẹ xâm hại xảy ra vào đầu năm 2020 cũng đã khiến dư luận vô cùng bàng hoàng, phẫn nộ. Ngày 7/10/2021, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh Tùng (sinh năm 1990, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) 19 năm tù về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”, mẹ đẻ cháu B là Hoàng Thị Thu Huyền 3 năm tù về tội “Hành hạ con”. Tại toà và cơ quan điều tra, Tùng khai quá trình chung sống với Huyền, bị cáo đã nhiều lần đánh và cưỡng ép tình dục cháu B…

Cần có biện pháp quyết liệt hơn

Theo các nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý học, tội phạm học, trong các gia đình mà trẻ sống thiếu cha, mẹ hoặc sống chung với cha dượng/mẹ kế, đặc biệt có cha dượng/mẹ kế là người nghiện ma tuý, thì nguy cơ trẻ em bị bạo hành, xâm hại, thậm chí bị sát hại rất cao. Đây là nhóm trẻ dễ bị tổn thương và rất cần sự quan tâm đặc biệt của cha mẹ cũng như cơ quan chức năng.

Theo chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể, giảng viên khoa Tâm lý, đại học Tân Trào, về mặt luật pháp, Điều 79 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định, cha dượng, mẹ kế có quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng của bên kia cùng sống chung với mình, không phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận, làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con. Bất cứ hành vi đánh đập, bạo hành nào cũng đều vi phạm pháp luật. Các hành vi bạo hành trẻ được quy định cụ thể tại Điều 8, Nghị định 71/NĐ-CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ; Luật Trẻ em năm 2016 như xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ với trẻ em; gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của trẻ; dùng các biện pháp trừng phạt để dạy dỗ trẻ, làm trẻ tổn thương, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần… Tùy theo mức độ, tính chất của hành vi, người bạo hành có thể bị khởi tố hình sự nếu vết thương thực thể vượt quá 11%.

Những “mảnh ghép” đau đớn - ảnh 3

Còn Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cũng nhận định, để tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo vệ trẻ em, cần thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ Quyền trẻ em; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là pháp luật về Quyền trẻ em cho trẻ em, cha mẹ, người giám hộ, thầy cô giáo và cộng đồng xã hội để nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ quyền trẻ em; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, các đảm bảo để thực hiện Quyền trẻ em trên thực tế; kiện toàn hệ thống cơ quan, tổ chức và các cán bộ có nhiệm vụ, chức năng bảo vệ trẻ em, đồng thời gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em. Nếu có trẻ em bị sát hại, bị bạo hành, xâm hại trong phạm vi quản lý thì cá nhân, tổ chức quản lý phải chịu trách nhiệm kỷ luật, xử phạt hành chính và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đánh giá trách nhiệm của cộng đồng trong tố giác tội phạm, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cũng mong muốn người dân nâng cao ý thức tố giác tội phạm liên quan đến bạo hành, xâm hại trẻ em. Theo ông Nam, Luật Trẻ em 2016 quy định bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có thông tin về các hành vi xâm hại trẻ em (xâm hại tình dục, đánh đập, bỏ rơi, bắt cóc, đánh tráo, mua bán, bóc lột sức lao động…) đều phải tố giác đến các cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em. Nghị định 56/2017 của Chính phủ cũng quy định rất rõ các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm trước những thông tin phạm tội của người dân đến cơ quan công an các cấp, UBND cấp xã, phường, thị trấn… nơi xảy ra vụ việc. “Người dân có thể gọi điện đến Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111, hoạt động 24/7 để thông báo, tố cáo, tố giác tội phạm về trẻ em hoặc đến cơ quan công an gần nhất. Phía công an, cơ quan chức năng và Tổng đài 111 cũng có trách nhiệm bảo mật thông tin để đảm bảo an toàn cho người tố giác” – ông Nam nói.

AN TÚ (Ảnh: Int)

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.