Những mùa đoàn viên

Chia sẻ

Lão là tổ trưởng một tổ thi công trên công trường miền Tây Bắc bụi nắng. Lão luôn cáu gắt mỗi khi đám “học trò” triển khai công việc khiến lão không vừa lòng. Có đứa bực mình, có người thông cảm bảo lão hâm vì đã qua nửa đời người lão vẫn chưa có một mái ấm gia đình.

Lão tên Phu. Phu nghĩa là chồng nhưng lão lại không được làm một người chồng đúng nghĩa. Những bác công nhân già kể rằng lão có một người vợ hờ và một đứa con rơi. Người phụ nữ ấy, chưa bao giờ được khoác chiếc váy cô dâu, được cùng lão chắp tay, cúi đầu trước bàn thờ gia tiên.

Nếu thêm thanh nặng tên của lão mang nghĩa là cha nhưng cũng chưa bao giờ lão được nghe đứa trẻ bi bô gọi tiếng “Bố” thân thương. Lão tuổi Tý. Sách tử vi nói: “Đời trai ngang dọc giữ giang san...”. Cả đời lão dọc ngang đến khi ngoảnh lại đã đánh mất đi mái ấm gia đình. Lão kể, thời trẻ lão cũng có dăm ba mối tình vụng dại, nhưng vì chiến tranh chia ly Nam-Bắc nên chẳng thể thành duyên.

Lão thích kể cho tôi nghe về đời lính. Vết sẹo trên mái đầu đã bạc, mỗi khi trở trời lại lên cơn đau nhức. Tôi và mọi người thông cảm cho những cơn hâm của lão. Hết chiến tranh, lành vết thương, lão lăn lộn với các công trình xây dựng khắp cả nước. Những năm tháng ấy đã “ban tặng”cho lão một người vợ. Một người vợ không ràng buộc nhau bằng mảnh giấy đăng ký kết hôn. Một đứa con – để trống tên cha trong tờ giấy khai sinh. Một mái ấm gia đình mà chưa bao giờ lão đón nhận.

* * *
Ngày tôi còn bé, bố mẹ làm công trình trong Tây Nguyên. Tôi từng gặp một người phụ nữ không chồng mở một tạp hóa nhỏ, chắt chiu từng đồng lương công nhân nuôi nấng đứa con gái nhỏ. Tôi và mấy đứa trẻ con trong xóm thường sang quán tạp hóa ấy mua kẹo cao su. Tôi biết đến hoàn cảnh của người phụ nữ ấy bằng những câu chuyện tôi nghe lỏm và chắp vá từ những người hàng xóm. Người phụ nữ này từng là thanh niên xung phong. Sau khi xuất ngũ, cô làm công nhân. Tuổi xuân trôi qua, ngoảnh lại nhìn đã thấy mình lỡ chuyến đò duyên tình sang sông. Thế rồi, người phụ nữ ấy tự tìm cho mình một cuộc tình trong đêm mưa gió giữa núi rừng. Một mầm sống đã sinh ra.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

* * *
Ra trường, tôi theo nghề cơ khí lên Tây Bắc làm việc.

Ngày đầu tiên đi làm, lão tổ trưởng lườm tôi mắng:

- Tao đã bảo mày làm như tao bảo mà mày lại làm trái ý tao là thế nào?

Tôi im lặng không dám trả lời trước sự cau có trên khuôn mặt lão. Nhiều lúc bực tức với những người khác, lão lầm bầm: “Đã bảo một đằng lại làm một nẻo.” Nghề cơ khí luôn đòi hỏi độ chính xác cao, chỉ cần sai một ly có thể làm hỏng tất cả.

Đa số “quân” của lão là những thanh niên vừa chập chững vào nghề, và một số những thợ già sắp đến tuổi về hưu. Mỗi khi lão cáu kỉnh, lũ “học trò” tỏ ra khó chịu, mấy bác thợ già trong tổ an ủi: “Nó già mà chưa vợ nên cũng có phần bí bách”.

Hoá ra, ở đây lão rất được lòng người già vì tốt tính, ai có công việc hiếu hỉ, lão đều nhiệt tình giúp đỡ.

Tôi ở cùng phòng lão trong dãy nhà tập thể lợp mái tôn dành cho công nhân từ khắp những miền quê lên Tây Bắc.

Giường của tôi kế bên giường của lão. Những đêm mùa hè căn phòng nhỏ oi bức bởi cả ngày tấm mái tôn đã hấp thụ nắng gắt. Hai chú cháu mất ngủ cả đêm, dù chiếc quạt trần đã chạy hết công suất cũng không đủ sức xua đi dư âm của những cơn gió Lào. Lão châm một điếu thuốc rít một hơi thật sâu hỏi tôi có nhớ nhà không?

Tôi không trả lời ngước mắt nhìn lên trần nhà rồi xin lão một điếu thuốc. Tôi bắt chước lão châm lửa hút một hơi thật dài. Lần đầu tiên hút thuốc tôi ho sặc sụa. Hơi thuốc thứ hai quen dần thấy trong cổ họng có vị ngọt ngọt dù có hơi chóng mặt. Lão thổi luồng khói trắng vào khoảng không nói bâng quơ: “Rồi sẽ quen thôi! Như tao có khi cả năm không về nhà mãi rồi cũng quen”.

Nghe tôi kể về mối tình mấy năm trời với cô bé cùng quê, lão bảo:

- Yêu nhau lâu hay chóng không quan trọng, quan trọng nó có chịu được khoảng cách với mày không. Một năm mày về nhà có hai lần. Xa mặt thường hay cách lòng!

Những đêm tâm sự thế này tôi thấy lão không hâm chút nào. Nhưng sáng hôm sau thức dậy ra công trường làm việc lão lại trở lại cáu gắt như cũ.

* * *
Thời gian trôi thật nhanh, mới ngày nào tôi lên đây đã qua những mùa xuân hạ, giờ chớm vào mùa đông thứ ba trên công trường này. Mùa đông năm nay lạnh giá hơn những năm trước, những tán lá cây ủ ê, héo úa rụng vàng cả khoảng rừng.

Đêm. Lão gọi tôi sang giường ngủ cùng lão trong chiếc chăn bông. Lão bảo ngủ hai người cho có hơi ấm. Những tối hôm sau, tôi thường thấy lão gọi điện cho ai đó. Một thói quen rất khác của lão. Cách nói chuyện cũng khác so với những lần lão gọi điện về hỏi thăm người nhà. Rồi lão hút thuốc nhiều hơn, ánh mắt vừa hồi hộp vừa lo lắng.

Tôi buồn, chẳng còn tâm trạng để hỏi lão bởi cô người yêu vừa gọi điện nói lời chia tay.

Mối tình mấy năm trời của tôi kết thúc bằng một cuộc điện thoại kéo dài mười lăm phút.

Đài báo tối nay gió mùa Đông Bắc về, trời chuyển rét đậm kèm theo những cơn mưa phùn ướt đẫm tán lá rừng. Lão vẫn không thay đổi thói quen đứng trước hiên nhà gọi điện. Sau mỗi cuộc gọi, tôi thấy lão hí hoáy nhắn tin, trong ánh mắt trào dâng niềm vui.

Bất chợt lão quay sang hỏi tôi:

- Thế nào nhóc, thất tình hả? Tao nói không sai phải không? Không yêu đứa này thì yêu đứa khác, thiếu gì con gái. Hay là mày làm con rể tao không?

- Chú có gia đình đâu mà nhận cháu làm con rể.

Tôi bật cười vì câu trả lời thông minh, xua đi chút u ám như đám mây đen trong lòng.

- À… à… Sắp có rồi nhóc ạ...

Lão nhìn ra khoảng sân ướt đẫm, châm một điếu thuốc lấp lửng câu trả lời. Lão nói với tôi bằng giọng triết lý đầy ẩn ý của một gã hâm.

- Đời người ngắn lắm. Tuổi trẻ yêu thương ai đó thì hãy yêu cho thật lòng, cố gắng nắm giữ lấy...

Tôi cũng châm một điếu thuốc nhìn theo làn khói bay vào khoảng không. Chỉ khác rằng lão hút thuốc vì niềm vui chưa nói ra còn tôi hút thuốc để quên đi nỗi buồn…

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

* * *
Lão bắt đầu những cơn ho dai dẳng. Lão bảo chắc tại trời lạnh và hút nhiều thuốc nên viêm họng. Lão mua thuốc về uống, những viên kháng sinh dường như càng tăng thêm những cơn ho mỗi đêm. Tôi khuyên lão đến bệnh viện khám nhưng lão chỉ ậm ừ cho qua chuyện.

Một đêm tôi thấy lão ú ớ, gọi tên ai đó, trong cơn mê sảng lão gọi tên hai người phụ nữ. Tôi sờ người lão thấy nóng ran, lão sốt cao. Tôi lay người gọi không thấy lão trả lời. Tôi chạy sang gọi mấy bác thợ già phòng bên đưa lão đến bệnh viện. Sáng hôm sau, bác sỹ trao đổi với tôi rằng kết quả xét nghiệm cho thấy lão bị ung thư phổi, thời gian còn lại không được bao lâu. Tôi khẽ vuốt lồng ngực đang phập phồng hơi thở khó nhọc của lão. Lão vẫn mê man, trong khi vừa có tin nhắn gửi đến số máy của lão.

Tôi cầm điện thoại của lão lên, đọc dòng tin nhắn chỉ vỏn vẹn mấy chữ từ số máy lưu tên “Vợ” : “Em đồng ý”.

Tôi tò mò mở lại hộp thư kiểm tra. Thì ra những cuộc điện thoại lão gọi trong những tối mùa đông là cho người vợ này. Có những tin nhắn tha thiết lão gửi đến số máy được lưu tên: “con gái”. Những tin nhắn tôi không được hồi âm. Trong những tin nhắn ấy lão cầu xin hai người phụ nữ tha thứ để cả ba được sum vầy dưới một mái ấm gia đình. Không biết trong cơn hôn mê, lão có cảm nhận được ngày đoàn viên đó không.

Tôi bấm máy gọi lại vào số máy lưu tên “vợ”, thông báo cho người đó biết về bệnh tình của lão. Người đó sốt sắng hỏi tôi về bệnh tình của lão rồi vội vàng cúp máy.

Lão đã thoát khỏi những cơn đau sau mũi tiêm của chị y tá. Giọng lão thều thào hỏi tôi vừa nói chuyện gì với vợ lão. Tôi bảo ngày mai cô sẽ lên đây. Lão nén đau gượng cười, lão định cựa mình ngồi dậy nhưng bị ống dây truyền dịch ngăn lại.

***
Sáng sớm mùa đông, căng tin trong khuôn viên bệnh viện nêm chật khách mua đồ ăn cho bệnh nhân. Tôi vừa cầm chiếc âu đựng cháo bước ra khỏi hàng lối đang lộn xộn, từ đằng xa có tiếng gọi của một người phụ nữ trung niên bên cạnh đứa con gái khá xinh kém tôi vài tuổi:

- Cháu có phải Bảo con mẹ Lành không?

- Có phải cô Thê? tôi ngờ ngợ nhận ra người phụ nữ bán quán tạp hóa nhỏ năm nào trên công trường ở Tây Nguyên. Đứa con gái gật đầu chào tôi bằng chất giọng lai tạp nhiều vùng miền.

Tôi chưa kịp trả lời, cô Thê thúc giục tôi cho cô lên gặp lão Phu ngay.

Chúng tôi vừa bước vào, cả phòng đổ xô ánh mắt tò mò nhìn cô Thê và đứa con gái. Trong ánh mắt của lão Phu như có giọt nước trực trào ra. Lão bỗng nấc nghẹn. Bật khóc thành tiếng. Cô Thê bước đến bên giường ôm đôi vai lão. Cô vỗ vai đứa con gái đứng cạnh nhắc: “Duyên chào bố đi con”. Lão Phu lau những giọt nước mắt quay sang phía đứa con gái đang trầm lặng nhìn mình.

- Bố… Con chào Bố!

Duyên ngượng ngùng cất tiếng gọi bố đầu tiên sau hai mươi năm chào đời.

Lão ôm chầm lấy Duyên:

- Con gái của Bố. Bố xin lỗi!

***
Lão Phu và cô Thê viết đơn xin cơ quan cho nghỉ hưu trước tuổi. Gia đình họ vừa cùng nhau trở về quê hương của lão. Ở đó lão có một căn nhà nhỏ chưa bao giờ có bàn tay phụ nữ và tiếng nói cười trẻ thơ.

Hôm lão làm đám cưới, tôi được cơ quan cử về dự. Cô Thê mặc áo dài cô dâu bước cùng chú rể mái đầu đã bạc trên con đường đê.

Tôi cầm chiếc điện thoại định bấm số gọi cho cô người yêu cũ để nói về niềm vui của gia đình lão Phu. Tôi vẫn lưu số của em bởi tôi tin rằng sẽ có ngày tôi và em hàn gắn những yêu thương.

Chiếc điện thoại của tôi rung, là cuộc gọi của người yêu tôi cùng bản tình ca tôi đã cài riêng cho số máy em…

Tôi ra bến lên chuyến xe cuối ngày trở về quê hương nơi có tình yêu đã đợi chờ tôi những năm tháng biệt xa. Tôi chợt nhớ đến lời của lão Phu hâm: “Tuổi trẻ yêu thương ai hãy yêu cho thật lòng, hãy nắm giữ cho thật chặt, đừng để lạc mất nhau giữa dòng đời”.

Ngoài lăng kính, chồi non trên tán cây đang nở rộ như mang đến cho lòng người hơi ấm trong tia nắng đầu xuân của những mùa đoàn viên…

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.