Những người lưu truyền danh thơm nghề mộc Chàng Sơn

Chia sẻ

Qua bao thăng trầm lịch sử, làng nghề mộc ở Chàng Sơn, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất vẫn được gìn giữ và phát triển đến ngày nay. Nghề quý không chỉ nuôi dưỡng bao thế hệ người con nơi đây mà ngày nay còn vươn xa, xứng danh trên thị trường toàn quốc.

Tên nôm xưa của Chàng Sơn là làng Chàng, được cho là bắt nguồn từ tên một dụng cụ làm mộc cổ là đục chàng chảy. Sau đó làng được gọi theo âm Hán Việt là Chàng Thôn, tiếp đến là Chàng Sơn như ngày nay. Tương truyền, nghề mộc Chàng Sơn đã có tiếng từ thời Hùng Vương dựng nước và tiếp nối liên tục. Thợ mộc làng Chàng đã được vua quan tin tưởng cho tham gia xây dựng, tu sửa cung đình, lăng tẩm, đền chùa. Những người thợ tài hoa, khéo léo của Chàng Sơn đã tạc nên những hoa văn cầu kỳ, tinh xảo, đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ cao của những bậc vua, quan sành sỏi.

Ngày nay, đất sinh nghệ tinh vẫn có những người thợ tài hoa làm nên những công trình đi vào lịch sử. Người thợ tài hoa gạo cội của làng mộc Chàng Sơn đương thời là Nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến chuyên dựng kiến trúc nhà cổ và phục dựng, tu sửa các công trình di tích. Sinh ra và lớn lên trong nôi nghề cổ truyền, từ ông, cha làm nghề truyền dạy cho con cháu, vì vậy từ thuở ấu thơ tiếng đục, tiếng chàng đã ghi sâu vào tiềm thức. Lớn lên, tuổi 15, 17, ông Tiến đã quen tay, thạo việc, đi khắp nơi làm các công trình nhà gỗ, đục khắc các cột kèo ở các công trình di tích đình, đền, chùa... Thời gian trôi qua, cùng với sự thông minh, nhạy bén với nghề và sự cần cù chịu khó, tay nghề của ông Tiến cũng dần được ghi nhận. Đến đâu ông cũng ghi chép lại cẩn thận những lối thiết kế nhà cổ, hoa văn, họa tiết ở các công trình qua các thời kỳ… làm tư liệu quý.

Nghệ nhân Đỗ Phi ThườngNghệ nhân Đỗ Phi Thường

Qua nhiều năm rèn giũa, ông Tiến đã thiết kế và chỉ đạo thi công những công trình nổi tiếng như: Quần thể chùa Hà, chùa Trăm gian, Khuê Văn Các ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Tây Phương...

Hơn 40 năm qua, Nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến dành tâm huyết gìn giữ tinh hoa mà ông cha để lại, ông đã cùng người làng Chàng Sơn làm nên nhiều sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ điêu khắc nổi tiếng khắp vùng. Điểm nhấn là những ngôi nhà có kiến trúc cổ độc đáo, tinh xảo được hình thành từ đôi bàn tay tài hoa của ông. Say nghề đục, ông Tiến đã truyền dạy nghề cho con, cháu và nhiều người trẻ trong làng làm nghề để cùng gìn giữ và phát triển nghề. Ông Tiến chia sẻ: “Từ việc làm nghề là kế sinh nhai, tôi trở nên đam mê khi nào không hay. Vì vậy mà tôi cũng mong muốn con cháu tiếp tục giữ nghề như bảo tồn văn hóa truyền thống quý báu dù nghề có lúc thăng lúc trầm, có khi sung túc khi cũng phải vật lộn với nỗi lo cơm áo”.

Cũng sinh ra ở nôi nghề mộc Chàng Sơn, nghệ nhân Đỗ Phi Thường phát triển theo dòng sản phẩm điêu khắc với đồ thờ, tranh điển tích, tượng chân dung. Cả cuộc đời, ông cũng luôn đau đáu với công việc chạm trổ, thổi hồn trong mỗi tác phẩm và truyền nghề cho thế hệ sau. Ông Đỗ Phi Thường cũng tay đục tay chạm khắc từ thuở nhỏ, lớn lên ông đi bộ đội 3 năm rèn luyện trong quân ngũ rồi trở về làng lại chuyên trú vào chế tác, thổi hồn vào từng thớ gỗ. Hơn 30 năm miệt mài, ông Thường cũng tạo ra những tác phẩm tiêu biểu như chân dung các danh nhân văn hóa, những vị thần phật ở các nhà chùa.

Những người lưu truyền danh thơm nghề mộc Chàng Sơn - ảnh 2

Ông Thường cho biết, để tạo ra một tác phẩm trải qua rất nhiều công đoạn, chủ yếu làm thủ công. Từ vẽ ý tưởng trên giấy rồi đưa lên khung, hình, kích thước chuẩn và công đoạn đục đẽo tỉ mỉ sao cho từng đường nét sống động, nhất là gương mặt toát lên thần thái nhân vật. Mỗi tác phẩm thường được làm qua nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí công phu cả năm mới hoàn thành. Điều đó đòi hỏi người nghệ nhân phải rất kiên trì bền bỉ.

Trong khi nhiều người trẻ thế hệ 8X, 9X đã chuyển hướng làm công việc khác hợp với xu thế phát triển công nghiệp hóa, thì cũng còn có những người tiếp nối nghề truyền thống. Anh Nguyễn Viên là một người trẻ tiêu biểu rất đam mê với nghề. Anh Viên cho biết, anh cũng từng ước mơ học đại học, nhưng tình yêu nghề đã giữ anh ở lại làng mà cầm đục chế tác ra các sản phẩm đậm văn hóa truyền thống. Bên cạnh đục đẽo các công trình tâm linh, anh Viên còn làm đồ nội thất hiện đại để bắt kịp xu thế thời đại.

Những nghệ nhân, thợ đục làng nghề Chàng Sơn vẫn đang bền bỉ bám trụ, nhiệt huyết với nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, vừa giữ gìn nghề làm ra của cải vật chất vừa bảo tồn giá trị văn hóa tinh thần của làng quê. Họ là “kho tư liệu sống”, lưu giữ tinh hoa của cộng đồng rất đáng trân trọng.

Bài và ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

(PNTĐ) - Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là từ những trải nghiệm trong thời gian làm báo dành cho tuổi teen Hoa Học Trò đã hỗ trợ nữ nhà báo Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với tên gọi thân mật Mẹ Xu Sim nhiều kiến thức trên hành trình làm mẹ. Cùng với một số cuốn sách chị đã xuất bản như "Con nghĩ đi, mẹ không biết", "Buông tay để con bay", "Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc", các bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trên mạng xã hội của chị cũng luôn được đông đảo các bậc cha mẹ đón đọc.
Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

(PNTĐ) - Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.