Những quy định trong tuyển dụng lao động

Luật sư Trần Thu Thủy
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tôi đang có ý định xin vào làm việc ở một công ty may gia công. Tuy nhiên tôi đang phân vân vì nghe nói khi đến phỏng vấn phải đóng một loại tiền gì đó.

Câu hỏi
Tôi đang có ý định xin vào làm việc ở một công ty may gia công. Tuy nhiên tôi đang phân vân vì nghe nói khi đến phỏng vấn phải đóng một loại tiền gì đó. Vì vậy tôi muốn hỏi quý báo là khi tuyển dụng lao động, người sử dụng lao động có được phép thu tiền không? Nếu có thì quy định ở đâu? Nếu tôi được nhận vào làm việc thì thời gian thử việc là bao lâu? Mức lương trong thời gian thử việc theo Luật Lao động được quy định như thế nào và người sử dụng lao động có được giữ lại giấy tờ gốc của người lao động hay không? Xin cảm ơn nhiều!

Chương Ánh Hồng (Yên Thường, Gia Lâm)

Những quy định trong tuyển dụng lao động - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trả lời

Xin trả lời bạn luôn là khi người  lao động đến xin tuyển dụng, thì  người sử dụng lao động không được phép thu tiền của người tham gia tuyển dụng lao động. Khoản 2 Điều 11 Luật Lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 có quy định rõ: “Người lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động”. Nếu có việc nhà tuyển dụng thu tiền của người đến tuyển dụng lao động là không đúng theo quy định của pháp luật. Tại Điều 8, khoản 1, điểm b Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: 

“Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:

b.Thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động”

Vấn đề bạn hỏi về thời gian thử việc, nội dung này do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc, và theo nguyên tắc sau đây: Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên; không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ; không quá 6 ngày đối với công việc khác. 
Như vậy, đối với công việc của bạn là công nhân may, đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật thì thời gian thử việc khoảng một tháng, tuy nhiên, thời gian thử việc cụ thể là bao nhiêu còn tùy thuộc vào mức độ phức tạp của công việc mà bạn sẽ được lựa chọn. (Điều 25 Luật Lao động).

Tiền lương thử việc do hai bên thỏa thuận, tuy nhiên, mức lương thử việc người sử dụng lao động phải trả ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó. (Điều 26 Luật Lao động).

Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động. Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc. Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường. Trong quá trình người sử dụng lao động thử việc, người sử dụng lao động cũng cần lưu ý một số vấn đề trong quá trình thử việc. Những chế tài nghiêm khắc đối với người sử dụng lao động trong việc tuyển dụng đã được đề cập chi tiết tại Điều 10, Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022:

“Điều 10. Vi phạm quy định về thử việc

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng;

b) Không thông báo kết quả thử việc cho người lao động theo quy định.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 1 lần đối với một công việc;

b) Thử việc quá thời gian quy định”.

Khi tuyển dụng lao động, người sử dụng lao động tuyệt đối không được phép giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động. Trên thực tế, một số người sử dụng lao động dùng cách giữ bản chính giấy tờ của người lao động nhằm mục đích giữ chân người lao động ở lại, nói cách khác họ ràng buộc người lao động bằng cách giữ bản chính các giấy tờ của người lao động. Nếu người sử dụng lao động và người lao động thực hiện nghiêm túc những điều khoản trong hợp đồng lao động, thì một trong hai bên không cần thiết phải “đối phó”, “nắm đằng chuôi” khi phải giữ bản chính những giấy tờ trên của người lao động. Đối với người lao động, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, phải báo trước cho người sử dụng lao động theo đúng quy định: ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng, ít nhất 3 ngày làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng (Điều 35 Luật Lao động). Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước khi không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ một số trường hợp đặc biệt theo luật định, hoặc không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, bị ngược đãi, cưỡng bức lao động…

 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.