Nỗi lòng “Chạn vương”
(PNTĐ) - Khi đến với nhau, vợ Khang thề sống thề chết là “lấy chồng thì sẽ theo chồng” chứ không đòi hỏi gì. Vậy mà làm vợ anh được vài tháng, cô ấy đã quay ngoắt 360 độ, suốt ngày than vãn cuộc sống khổ sở, bí bách để anh phải đồng ý cho cô ấy quay lại nhà ngoại.
Khang chưa bao giờ giấu giếm hoàn cảnh của mình. Nhà ở quê xa, bố mẹ đều làm nông, kinh tế không dư dả. Vì thế, Khang đã nuôi chí học rồi ở lại thành phố lập nghiệp. Công việc hiện tại cho anh mức lương 20 triệu đồng một tháng, không quá cao nhưng so với nhiều người cũng đã là mơ ước.
Khi hai người còn trong giai đoạn yêu, Khang đã bày tỏ lo lắng của mình sẽ không thể lo cho vợ cuộc sống đủ đầy. Vợ Khang là con gái thành phố, gia đình trung lưu, từ nhỏ đã được bố mẹ nuông chiều, nhưng cô ấy đã khiến Khang rất cảm động khi nói chỉ cần được bên anh thì ở đâu cũng hạnh phúc. Cô tin là hai vợ chồng đồng lòng rồi dần dần cuộc sống sẽ khấm khá, có của ăn của để.
Sau đám cưới, hai vợ chồng thuê một căn hộ tập thể rộng gần 90m2, rộng gấp 3 lần gian phòng nhỏ Khang từng trọ lúc còn độc thân. Anh sẵn sàng chấp nhận tốn kém để vợ được ở trong không gian tốt nhất. Thế nhưng, mới ở đến tháng thứ 2, cô ấy bắt đầu ca thán nhà trọ thiếu tiện nghi, vừa nóng, vừa bí. Những chuyến về nhà ngoại của vợ Khang thường xuyên hơn, và cô ấy sẽ ăn, ngủ nghỉ tới tối mịt mới chịu về lại nhà trọ. Thấy con gái khổ sở như vậy, bố mẹ vợ Khang xót xa đã chủ động giục vợ chồng con gái về ở cùng. Được lời như cởi tấm lòng, Khang có thể nhận thấy ánh mắt long lanh chờ đợi cái gật đầu đồng ý từ mình của vợ. Tuy nhiên, Khang lại thấy vợ chồng anh vẫn có thể tự lập, chưa tới mức phải cậy nhờ nhà ngoại nên xin phép được suy nghĩ thêm. Thấy vậy, bố mẹ vợ anh tỏ rõ thái độ không vui, cho rằng anh đã nghèo còn “sĩ diện hão”. Vợ Khang thì hờn giỗi anh ra mặt, cho rằng anh ích kỷ, không biết thương vợ.

Đúng lúc còn đang băn khoăn thì vợ Khang có bầu. Ngày nào, vợ Khang vật vã, than vãn không ngủ, không ăn được gì để gây sức ép với chồng. Bố mẹ vợ thì thúc giục, còn đưa tiền cho vợ Khang để nộp phạt vì dừng hợp đồng thuê nhà trước thời hạn. Vì sức khỏe của vợ con, Khang đành đồng ý theo vợ “về dinh” dù trong lòng vẫn còn lấn cấn.
Ở quê, bố mẹ Khang lâu nay vẫn tự hào vì có cậu con trai giỏi giang, lập nghiệp ổn định trên thành phố. Khi nghe tin Khang mới cưới chưa được bao lâu đã vội dọn về ở nhà vợ, ông bà tỏ ý không bằng lòng. Ông bà nói Khang là đàn ông mà quá lụy vợ, chấp nhận mất cả đống tiền thuê nhà để về ăn nhờ ở đậu nhà ngoại.
“Con làm đầy tớ trong nhà riêng còn hơn là làm “chạn vương” nhà vợ. Rồi sau này, con sẽ thấy sẽ có nhiều xung đột phát sinh do sống chung. Con là rể, được mời về trông nom, chăm sóc nhà ngoại là một nhẽ, còn con về đó với tâm thế của kẻ bại trận, không lo được cho vợ cuộc sống ổn định là con thất thế rồi”- bố Khang hôm đó giận quá, đã mắng Khang như vậy.
Trong hoàn cảnh đó, để làm bố mẹ yên lòng, Khang đã phải ra sức thuyết phục, còn cam đoan bố mẹ vợ vẫn luôn tôn trọng, quý mến anh. Giờ, con nào cũng là con, bố mẹ nào giúp đỡ được các con cũng là đáng quý.
Tuy nhiên, thực tế, cảnh ở rể của Khang không như những gì anh thưa với bố mẹ mình mà diễn ra đúng như dự đoán của bố mẹ anh. Từ ngày dọn về nhà vợ, Khang đã phải thu mình, không bao giờ rủ bạn bè, đồng nghiệp đến nhà chơi để tránh làm phiền ông bà ngoại. Tuy nhiên, tính chất công việc của một nhân viên bán hàng khiến anh phải thường xuyên gặp gỡ xã giao đối tác ngoài giờ. Mỗi lần về nhà khuya, trong người lại hơi chếnh choáng, Khang có thể nhận thấy sự không hài lòng của bố mẹ vợ.
Anh còn nghe được cả những lời bóng gió rằng chẳng hiểu Khang đi làm hay bồ bịch bên ngoài. Bà còn bảo, đúng là “xa thương, gần thường”. Bình thường con rể chỉ cuối tuần về chơi thì bà thấy cũng chững chạc, đứng đắn, có ở chung nhà mới biết lắm lúc cũng đổ đốn, bệ rạc, nay nhậu, mai say. Khang biết anh có giải thích thế nào thì cũng khó xóa được ấn tượng xấu đó trong mắt bố mẹ vợ.

Ở nhà ngoại, vợ Khang càng được thể cho rằng mình được ở nhà mình thì sống sao cũng được. Từ ngày có thêm hai vợ chồng, mẹ vợ anh vất vả hơn trong việc chợ búa, cơm nước. Khang đã nhắc vợ để ý đừng để mẹ phải làm hết mọi việc trong nhà. Khi còn ở riêng, hết giờ làm vợ Khang còn có ý thức về sớm, bây giờ ở nhà mẹ cô ấy có thể thoải mái shopping, dạo phố, tới khi cơm canh sẵn sàng mới về ăn. Vợ Khang đã quen được chiều chuộng nên có tư tưởng cứ mặc cho bố mẹ làm. Do đó, khi ở rể nhà vợ, cảm giác của Khang rất ngại khi cứ để bố mẹ vợ phải phục vụ mình, hay vì mình mà ông bà thêm gánh nặng.
Hàng tháng, thu nhập được bao nhiêu, Khang đều đưa cho vợ chi tiêu, anh chỉ giữ lại một chút để mua xăng xe và chi một số khoản lặt vặt. Song, dù cầm tiền của chồng nhưng tháng nào, vợ Khang cũng mè nheo xin thêm tiền của bố mẹ. Ngay cả khi có mặt anh ở đó, cô vẫn mè nheo để mẹ cho tiền mua sữa, mua bỉm cho con. Tiền sinh hoạt phí vợ Khang cũng tháng đóng, tháng không mà chủ yếu là không đóng cho bố mẹ. Trong khi đó, nhà có con nhỏ nên vợ chồng Khang dùng điện chạy máy sưởi, điều hòa nhiều. Bình gas chủ yếu sử dụng hầm cháo cho con nhỏ. Tiền ăn hàng ngày cũng tốn kém không ít... Tự nhiên, vì cách ứng xử của vợ mà Khang trở thành kẻ ăn nhờ, ở đậu.
Đã mấy lần Khang thưa chuyện với bố mẹ vợ, xin ông bà cứ nhận tiền của hai vợ chồng, nhưng mẹ vợ đều gạt đi vì nói thu nhập của con rể cũng “khiêm tốn” nên thôi ông bà nuôi luôn ăn ở. Tuy nhiên, vợ Khang lại phản đối, bảo vợ chồng cần tiền tích lũy để sau này còn lo cho con nên phải “tăng xin, giảm mua”. Và đây là bố mẹ của cô ấy, không liên quan đến Khang nên anh không cần can thiệp vào. Nếu có thêm gánh nặng thì bố mẹ sẽ trách cứ con gái chứ không phải con rể. Nhưng, cô ấy không biết mình đã vô tình biến chồng thành người đàn ông kém cỏi, bất tài, không thể lo cho vợ con cuộc sống sung túc, sức dài vai rộng mà vẫn phải dựa dẫm vào hai thân già.

Và còn biết bao điều bất tiện xảy ra do cuộc sống chung ở nhà bố mẹ vợ. Vợ chồng ở với nhau, nhiều lúc không tránh khỏi lúc xung đột, cãi vã. Khang đã có ý đóng cửa bảo nhau, cố gắng kìm nén cơn giận để không to tiếng khiến bố mẹ vợ biết. Nhưng rồi mỗi lần như thế, vợ Khang lại đi tìm bố mẹ để kể lể. Rồi cô ấy mang bộ mặt đâm lê, thái độ vùng vằng, gọi không nói, hỏi không thưa... đi lại trong nhà. Chuyện vợ chồng cuối cùng hóa thành đề tài, mối quan tâm chung của cả nhà. Không ít lần Khang bị bố mẹ vợ gọi ra nói chuyện, nhắc anh là đàn ông thì phải rộng lòng, tranh cãi với vợ ít thôi.
Rồi cả cách vợ nuôi con, Khang không đồng tình khi cô ấy cứ bày đủ trò để dỗ cho con ăn hết bát bột, uống hết cốc sữa nhưng anh chẳng biết phải làm sao vì ở trong nhà vợ, nhắc nhở thì vợ không thay đổi mà tỏ thái độ cương quyết thì bố mẹ vợ lại hiểu lầm, cho rằng con rể ăn hiếp con gái mình.
Thực sự, nhiều lúc, Khang cũng chán cảnh ở rể nhà vợ. Cứ kéo dài vậy, anh sợ quan hệ giữa anh với nhà vợ cũng sẽ sứt mẻ dần. Tự nhiên, anh lại nghĩ tới lời bố mẹ mình nói hồi nào: “Con làm tớ trong nhà riêng còn hơn là làm “chạn vương” nhà vợ”.