Nỗi sợ của nàng dâu trưởng

TUỆ MẪN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vừa ngả lưng xuống giường sau khi lo toan và dọn dẹp xong 10 mâm cỗ giỗ bà nội chồng, Hiền nhìn lên đồng hồ đã 11 giờ đêm.

Hiền, 32 tuổi, về làm dâu đã được 6 năm. Trước khi cưới, cô luôn chuẩn bị tinh thần làm “trọng trách” to lớn của nàng dâu trưởng nhưng đến giờ vẫn không khỏi hoang mang và sợ… mỗi khi nhà có công to việc lớn, cỗ bàn. Gia đình chồng Hiền ở nông thôn, họ hàng nội ngoại gần nhau, lại đông người nên mỗi lần nhà có giỗ đều không làm dưới 5 mâm cơm. Mà từ xưa đến nay bố mẹ chồng đều quan niệm cỗ bàn phải chuẩn bị mâm cao cỗ đầy, có anh em họ hàng tụ họp đến nấu cỗ cùng cho vui. “Kể cả có tiền cũng không đặt cỗ sẵn” – bố chồng Hiền khẳng định chắc nịch.

Nỗi sợ của nàng dâu trưởng  - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nàng dâu trưởng tuy sinh ra ở thành thị nhưng từ bé đã biết làm không thiếu việc nhà nào, kể cả chuẩn bị những mâm cơm cúng cầu kỳ hơn bình thường. Ấy thế mà về làm dâu, Hiền không ngờ mỗi năm nhà có đến gần chục đám giỗ, giỗ nào làm nhỏ gói gọn thì 5 mâm, giỗ nào làm “mở rộng” thì đến 10 mâm. Thế nên, những dịp như thế này rất cần người thân, họ hàng đến chuẩn bị nguyên liệu, nấu nướng cùng phụ giúp. Hơn nữa, điều đó cũng tạo nên bầu không khí sum họp, quây quần của đại gia đình. Nhưng vui vẻ thì chưa thấy đâu, Hiền chỉ thấy mệt bởi từ khi về làm dâu, số lần họ hàng sang giúp làm cỗ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mẹ chồng và em chồng cũng phụ giúp nhưng trách nhiệm dâu trưởng, Hiền phải quán xuyến từ A đến Z, xắn tay vào làm là chính.

Mỗi dịp nhà có giỗ, Hiền phải lên thực đơn trước cả tuần để bố chồng “duyệt”. Món nào hợp lý sẽ được làm, còn không thì phải bỏ đi và nghĩ thêm món khác bao giờ đủ “tiêu chuẩn” thì mới thôi. Nhiều khi oái oăm đến mức bố chồng bảo phải tiết kiệm nhưng lại yêu cầu bằng được có những món ngon hơn món Hiền đề xuất theo tính toán về chi phí trong thực đơn. Đồng nghĩa với việc phải thêm chi phí để mua nguyên liệu thì lại không đúng ý bố khi yêu cầu tiết kiệm, tránh lãng phí. Như giỗ ông nội hai tháng trước, thay vì giữ món thịt lợn nướng xiên, bố chồng bắt thay bằng món bê xào sả ớt và phải có thêm món bò sốt vang. Bố muốn tiết kiệm nhưng lại kỹ tính và “chỉ đạo” theo kiểu lý thuyết mâu thuẫn với thực tế. Góp ý với bố nhiều lần không thành, lần nào Hiền cũng làm theo nhưng trong lòng đầy khó chịu, bứt rứt.

Nỗi sợ của nàng dâu trưởng  - ảnh 2
Ảnh minh họa

Khi đã có thực đơn trong tay, nàng dâu phải đi chợ từ chiều hôm trước, chuẩn bị một số nguyên liệu sẵn, mua tiền vàng, đồ thắp hương, cúng lễ cho tổ tiên, ông bà. Sau đó, sáng hôm sau làm cỗ giỗ lại dậy từ 5h sáng đi chợ mua những thứ còn thiếu rồi nhanh nhanh chóng chóng về bắt tay vào nấu cỗ. Cả buổi, Hiền cứ tất bật lo toan, chuẩn bị từ sớm, mỗi dịp nhà có giỗ đều như thế. Nhưng điều Hiền cảm thấy áp lực nhất không phải là vì làm giỗ nặng nhọc, vất vả mà vì thái độ và cách ứng xử của một số người thân họ hàng mỗi dịp này. Đã không đến sớm để giúp đỡ, nấu cơm thì thôi, sát giờ ăn mới đến nhưng cô họ của chồng lần nào cũng đứng khoanh tay, mắt đảo qua mấy vòng dò xét hết cái nọ đến cái kia. Từ nấu việc “nấu canh măng tại sao lại cho ít hành thế”; “nước mắm chấm nem pha chưa đúng công thức, tỉ lệ nước, đường”…

Một chị họ khác nói xen vào, vừa nói chị ta vừa chỉ tay vào chồng bát và những chiếc đũa Hiền một mình tự sắp xếp trên mỗi mâm cỗ từ sớm và nhận xét “bát đũa để thế kia là chưa ngay ngắn, Hiền ra chỉnh lại đi nhanh lên”, “trải chiếu thế kia xô lệch hết cả rồi kìa”. Tất cả những thứ đó đều được Hiền sắp xếp ngay ngắn đâu vào đấy, nhưng vì mời đông người, nhiều trẻ con chạy nhảy, chơi đùa nên không tránh khỏi bị xô lệch đi. Họ chỉ biết chỉ tay năm ngón chứ không mấy ai chịu mó tay vào giúp từ những việc đơn giản như trải chiếu, xếp bát, pha nước chấm như vậy…

Nỗi sợ của nàng dâu trưởng  - ảnh 3
Ảnh minh họa

Chưa hết, ngồi vào mâm cơm, từ chị họ đến cô, bác họ đều thắc mắc tại sao dâu trưởng mãi chưa chịu sinh tiếp bằng được “thằng cu nối dõi tông đường”. Bé gái con đầu lòng được 5 tuổi rồi, nếu không sinh sớm có mà… tịt đẻ - mọi người thi nhau bàn tán và đồng ý với ý kiến này của bà họ chồng. Dường như họ chỉ chờ đến dịp nhà có công có việc là lôi những lời lẽ kém duyên đó ra để đề “buôn” chuyện. Đôi khi họ chỉ có ý quan tâm hoặc đùa vui, nhưng một, hai lần có thể hiểu, chứ nhiều lần Hiền cảm thấy áp lực vô cùng. Phản ứng lại thì sẽ bị coi là hỗn, làm bầu không khí căng thẳng hơn nên Hiền đành… nhịn.

Có lần khác, gia đình nhà chú họ sang nhà ăn giỗ, từ chú đến thím ăn gần hết mâm cỗ rồi lại quay ra chê thức ăn không ngon, kèm theo biểu cảm bĩu môi khó chịu, buông đũa không ăn nữa. Thức ăn thì muôn hình vạn trạng, hợp với khẩu vị người này nhưng không hợp người kia là chuyện bình thường. Nhưng Hiền đã cẩn thận nếm thử, đồ ăn bị chê ở mức ổn, làm gì đến nỗi phải nhận sự phản ứng khủng khiếp thế.

Vả lại, chú thím không hề có ý giữ thể diện cho nàng dâu trưởng, dù đúng hay sai cũng nên góp ý nhẹ nhàng, mang tính xây dựng. Nhưng đây lại chê oang oang ở đám giỗ 5 – 6 chục người thế này mà cũng dám bưng ra mời khách… Điều đáng cười là trước khi ra về, chú thím họ đã lấy phần hết sạch mâm cỗ, bao gồm cả những món ăn bị chê kia. Hiền không biết sống sao cho vừa lòng tất cả mọi người nữa…

Lần làm cỗ nào dâu trưởng cũng bị vắt kiệt cả về thể chất lẫn tinh thần như thế. Như thường lệ, tối nay mọi người ăn cỗ giỗ xong lại phủi tay ra về, để lại Hiền với đống bát đũa chất như núi kia. Người nào thương thì ở lại giúp bưng bê bát đũa bẩn ra giếng nước cho Hiền rửa, thân hơn thì rửa cùng Hiền vài cái bát, đôi đũa rồi cũng chào ra về. Một mình Hiền lại vật lộn dọn dẹp đến khuya, vừa dọn Hiền vừa ấm ức, nước mắt lã chã rơi từ lúc nào không hay.

Cỗ giỗ là dịp để tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, để đại gia đình quây quần bên nhau tỏ lòng thành kính và cùng giúp đỡ nhau nấu cơm bày lên mâm cúng; là cùng họ hàng có dịp gặp gỡ, quan tâm cùng nhau hàn huyên mọi điều trong cuộc sống…, chứ đâu phải để soi xét và bàn tán những điều nhỏ nhặt và vô hình chung làm tổn thương nhau. Hiền ngả lưng xuống giường sau một ngày làm cỗ mệt nhoài, chìm vào giấc ngủ với dòng suy nghĩ ấy, cuối cùng một đám giỗ nữa lại qua…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mẹ thương con theo cách riêng mình

Mẹ thương con theo cách riêng mình

(PNTĐ) - Vậy là mẹ Hòa đã ra đi được 1 tuần. Ở tuổi 75 ai cũng bảo bà đi thế là thanh thản bởi các con đã trưởng thành, ổn định cuộc sống. Chỉ có Hòa hiểu, nỗi đau buồn của bà trước khi nhắm mắt chưa gặp được đứa con trai út của mình. Ngồi bên di ảnh của mẹ, Hòa trầm ngâm nhớ về những ngày xa xưa.
Mẹ hãy sống cuộc đời của mẹ

Mẹ hãy sống cuộc đời của mẹ

(PNTĐ) - “Bây giờ, nếu muốn về quê thăm mẹ, thì 3 chị em gái trong nhà chị Cẩm Tú (31 tuổi, kinh doanh nhà hàng) đều phải hỏi mẹ trước tận mấy ngày. Vì nếu về mà không báo trước thì rất có khả năng mẹ lại đi vắng. Khi là những buổi từ thiện, khi là đến chùa nọ, chùa kia… Mẹ đi suốt, nhưng mấy chị em luôn vui, và động viên mẹ đi, “vì mẹ đã khổ cả đời cho mấy chị em chúng mình rồi’, chị Tú nói”.
Hai đứa trẻ đi trên chiếc xe đạp

Hai đứa trẻ đi trên chiếc xe đạp

(PNTĐ) - Hôm đó, trên đường đi công tác xuống một huyện xa, xe ô tô của chúng tôi đi ngang qua hai đứa trẻ, một đứa chắc tầm 6 tuổi, một đứa chỉ 4 tuổi đang đèo nhau trên chiếc xe đạp người lớn. Con đường thì dài hun hút, tối om, hai bên là đồng ruộng và những tiếng ếch nhái ộp oạp đủ “dọa ma” nhiều người....
Giấy ủy quyền có thay được di chúc?

Giấy ủy quyền có thay được di chúc?

(PNTĐ) - Bà nội tôi có 4 người con. Ông nội tôi mất sớm từ lúc bà nội vẫn còn trẻ. Bố tôi là con trai út. Khi bà tôi còn khỏe, bà đã ủy quyền cho bố tôi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên bà để bà làm di chúc cho bố tôi căn nhà đang ở. Sau khi làm giấy ủy quyền cho bố tôi, thủ tục để làm Giấy CNQSDĐ chưa hoàn tất thì bà tôi mất. Xin hỏi, bố tôi có được thừa hưởng căn nhà theo di nguyện của bà không? ( Phạm Đông-Cầu Giấy)