Nơi thằng Ngọc trở về
(PNTĐ) -
O Thu ngồi xổm dưới đất, lom khom nhặt đám rau dền, rau mồng tơi xanh tốt vừa hái ngoài vườn cho bát canh rau giờ tối. Tôi nhìn quanh, ngôi nhà, giếng nước, góc sân của gia đình người hàng xóm từ tấm bé của tôi, mọi thứ vẫn y nguyên suốt ba mươi năm qua chẳng hề thay đổi.
Thoáng chút ngập ngừng, tôi cất giọng hỏi o Thu rất khẽ, như sợ chỉ cần nói to một chút, những thanh âm này sẽ chạm phải nỗi nhớ nhung như dằm như kim đang đâm trong tim o ứa máu:
- Thằng Ngọc có liên lạc không o?
- Có cháu ạ, hắn gọi về rồi, Ngọc hắn sắp về rồi.
O không nhìn tôi nhưng khóe miệng khẽ cười, ánh mắt sáng lên, thứ tia sáng mà nhiều năm qua tôi không nhìn thấy. Ba năm ròng rã chờ đợi tin con đi biệt tích, cuối cùng con cũng về.

Vùng nông thôn miền núi Tây Nghệ nghèo khó nơi chúng tôi lớn lên này, không trọng chuyện học hành. Những gia đình muốn con thoát nông, thoát ruộng nương mía mật như ba mẹ tôi hay gia đình o chú cũng thuộc vào dạng ít. Chú Chiến làm nghề bốc vác gỗ thuê cho xưởng gỗ đâu đó trên Tây Hiếu, o Thu quanh quẩn với vài sào ruộng lúa, một ít bãi nương mía mật, o nuôi thêm đàn lợn, bầy gà, con trâu kéo… Những đồng thu nhập ít ỏi nuôi lớn 3 đứa con ăn học vào đại học.
Thằng Ngọc từ bé vốn hiền lành, học khá. Nó thi đậu đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, rồi con Lịnh cũng đậu đại học ngành sư phạm Anh, Điệp lúc ấy đã ra trường đi làm chuyên ngành xét nghiệm cho phòng lab nọ. Ba chị em nó xuống thành phố, chen chúc nhau trong căn phòng trọ nóng bức và chật chội, số tiền ít ỏi hằng tháng mẹ nó gửi xuống cho hai đứa em cùng tiền lương của Điệp, tiền làm thêm, chắt chiu cũng đủ cho ba đứa ăn uống, học hành.
Chẳng hiểu sao những năm cuối cùng thằng Ngọc lại lao đầu vào chơi game, nghe đâu nó cắm thẻ sinh viên ở tiệm cầm đồ nặng lãi. Số tiền ban đầu chỉ hai triệu, rồi ba rồi bốn, khi tăng lên sáu triệu. Nó cắn răng về xin bố tiền để trả cho chủ nợ. Chú Chiến vốn tính tình nóng nảy, thêm vào sự lam lũ vất vả của gia đình, sự thất vọng về con, chú đánh mắng thằng Ngọc một trận nhừ đòn: “Mi tự gây ra thì tự chịu, đừng về đây làm tội bố mẹ”. Thằng Ngọc lẳng lặng trong những giờ cơm sau đó, rồi lẳng lặng cùng số nợ cứ thế tăng dần lên.
Tiền làm thêm không đủ cho nó lấp vào số nợ và tiền lãi tăng chóng mặt, cho đến ngày nó ra trường, số tiền ít ỏi ban đầu đã tăng lên ba mươi mấy triệu. Thằng Ngọc lần nữa về quỳ xin bố giúp trả nợ. Trong cơn phẫn nộ bố nó đánh chửi nó tơi bời, bao nhiêu hy vọng vào đứa con ngoan lành, học hành giỏi giang từ tấm bé, giờ đổi lại là phẫn nộ, thất vọng tràn trề. Số tiền ba mươi mấy triệu chẳng phải là số tiền to với nhiều gia đình nhưng với o chú lại là số tiền tích góp cả năm trời cực nhọc. Đến lúc chủ nợ dọa dẫm rồi tìm về đến tận nhà, thằng Ngọc sợ hãi trốn đi biệt tích…
Giữa cái nắng tháng 7 thiêu da đốt thịt của xứ gió Lào, con Điệp chở o Thu bằng xe máy rong ruổi khắp mọi ngóc ngách thành phố Vinh tìm em. Hai mẹ con cứ thế lang thang, tìm khắp người quen bạn bè những mong thấy thằng Chiến. Thành phố tỉnh lẻ nhỏ bé nay bỗng trở nên bao la, con Điệp chở mẹ qua từng con đường, góc quán, chờ chực ở những hàng ăn trưa ăn tối, lang thang qua tận thị xã Hồng Lĩnh, thành phố Hà Tĩnh hỏi tìm mỏi mắt chỉ mong thấy bóng em. Suốt hai tuần liền mẹ con nó ở trên đường nhiều hơn trong nhà, o Thu như kẻ mất hồn vừa tìm con vừa cầu mong tin dữ đừng có đến. Hy vọng, thất vọng, rồi tuyệt vọng, kiệt sức và trở về, chẳng thấy bóng con đâu…
O Thu khóc đến suy sụp. Chú Chiến cũng trở nên trầm ngâm suốt rất nhiều ngày, mỗi lần chuông điện thoại đổ vang, ánh mắt sáng lên rồi lại tắt. Rồi sau tất cả nỗ lực tìm con nhưng vô vọng, o chú lặng lẽ chọn sống tiếp với hy vọng con mình đang bình an ở một nơi nào đó, nếu có tin dữ, nó có tù tội hay mất đi thì chắc chắn sẽ báo về nhà. O nói nhẹ nhàng là thế nhưng có người làm mẹ làm cha nào không đớn đau.
Ba năm hai tháng bảy ngày, thằng Ngọc trở về trên chuyến tàu đêm từ thành phố Huế. Đó cũng là một nghìn một trăm sáu mươi hai đêm dài, o Thu trằn trọc chẳng giấc nào yêu ổn nhớ thương con. Đặt lưng xuống là nghĩ giờ này con đang ở đâu, làm gì, có ăn uống đủ đầy khỏe mạnh hay không. Những đêm Tết nhất đón Giao thừa, người người sum vầy, còn con đang nơi nào lẻ bóng, có miếng bánh chưng hay mua thêm bộ quần áo mới…? Hơn một nghìn đêm dài nước mắt đưa o vào giấc ngủ, nay chỉ còn vài tiếng thôi là con trở về, o chẳng thể ngủ vì cứ sợ, nhắm mắt lại chỉ lo đó là cơn mơ.

Thằng Ngọc trở về, o Thu khóc òa ôm lấy con sau suốt cả nghìn ngày thương nhớ. Chú Chiến ôm lấy thằng Ngọc, nước mắt chảy ra trong hốc mắt sâu. Chú Chiến nóng nảy cộc cằn, giọng nói lúc bình thường oang oảng như cãi nhau, nay ôm lấy con nói trong tủi hờn: “Thằng ni, mi đi lâu rứa mà không nhớ bố”. Chắc ngày thằng Ngọc trốn đi, chú cũng đâu ngờ rằng số tiền hơn ba mươi triệu phải đánh đổi lấy cả hành trình trong suốt hơn ba năm qua của cả gia đình.
Bữa cơm tối quây quần bên mâm cơm với mùi vị thân quen của mẹ, thẳng Ngọc kể với bố mẹ về chuyến phiêu lưu của mình trong suốt ba năm qua nơi thành phố xa lạ. Nó chật vật kiếm sống với đủ nghề cả ngày lẫn đêm để nuôi sống bản thân, vẫn chọn giữ nguyên là con người lương thiện và tử tế, dù không kiếm được nhiều tiền nhưng trong cách nói năng đã trưởng thành lên quá đỗi. Thằng Ngọc bỏ trốn như đứa trẻ làm sai rồi sợ hãi, nó mang nỗi xấu hổ ấy kéo dài suốt nhiều năm không dám trở về nhà.
Đêm nay trên chiếc giường cũ nhưng đầy mùi của mẹ, đứa con hai tám tuổi trong vòng tay mẹ mình, chuyện trò ri rích đến quá nửa đêm:
- Ngọc vẫn về đi qua nhà trộm nhìn bố mẹ cả ba cái Tết nhưng không dám vô nhà.
Nước mắt o Thu chợt lăn dài, ướt xuống cả mảng tóc bên tai. Những giọt nước mắt có xót thương nhưng cũng đầy sự an lòng. Thằng Ngọc khẽ rúc đầu vào cánh tay của mẹ:
- Mẹ ơi, Ngọc xin lỗi, Ngọc về rồi mẹ ạ…
Câu chuyện có thật của gia đình hàng xóm thân thiết của gia đình tôi tại quê hương Nghĩa Đàn – Nghệ An. Ngọc trở về bình an sau hơn ba năm xa nhà, hiện đã quay vào Huế để tiếp tục công việc. Ban ngày em đi lắp đặt camera, sửa chữa máy tính, tối đi phụ việc tại nhà hàng, mức lương vỏn vẹn 8 triệu đồng/tháng. Hành trình ba năm của em thật dài, tuy rằng không có sự thăng hoa trong sự nghiệp, nhưng đã đầy nghị lực, chọn cho mình cuộc sống lương thiện và trở về trong bình an tử tế. Mong câu chuyện này gửi gắm đến những đứa trẻ đang lớn lòng dũng cảm vượt qua mọi thử thách của cuộc đời, biết sai, nhận sai, sửa sai và trưởng thành tử tế. Mong cha mẹ và gia đình luôn là chỗ dựa vững vàng để luôn bao dung và đón chúng quay về…