Nỗi tủi hờn của những phụ nữ bị coi là “không biết đẻ”

Chia sẻ

Vì không sinh được con trai như ý chồng và gia đình chồng mong muốn, hiện nay, không ít phụ nữ rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, trầm cảm vì nỗi khổ “không biết đẻ”.

Bị bạo hành vì “không biết đẻ con trai”

Vợ chồng chị Vân đều là trí thức trẻ. Anh chị quen nhau từ thời đại học, ra trường 2 năm mới cưới. Sau khi kết hôn, anh chị nhanh chóng mua được một căn hộ tại khu chung cư ở Hà Nội. Những tưởng cuộc hôn nhân đầy ắp hạnh phúc ấy sẽ kéo dài mãi mãi, với một tổ ấm viên mãn, hai con gái xinh xắn đáng yêu và sự nghiệp thăng tiến như “diều gặp gió”.

Thế nhưng, chồng chị yêu cầu vợ phải sinh thêm để có con trai, vì anh là con một, bố mẹ anh ở quê rất mong mỏi có đứa cháu đích tôn. Chị từ chối vì nghĩ sinh con thứ ba sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ và khả năng chăm sóc, nuôi dạy về sau nhưng anh vẫn kiên quyết: “Gia đình mình không quá khó khăn. Hơn nữa, nếu không sinh con trai, về quê, anh biết nhìn mặt ai bây giờ?”.

Trước áp lực của chồng, chị đành phải chấp nhận mang thai lần nữa. Lần mang thai thứ ba, anh vội vàng đưa vợ đến một phòng khám tư nhân để siêu âm và sàng lọc trước sinh. Anh quả quyết: “Nếu là con gái thì bỏ, còn con trai thì giữ lại” khiến chị sững sờ. Chị không ngờ, anh lại gia trưởng và độc đoán đến vậy. Vì thế, dù biết bé thứ ba vẫn là con gái nhưng chị vẫn nói dối chồng là con trai.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngày chị lâm bồn, anh hớn hở, vui mừng chờ đợi đón “quý tử” của mình. Khi bác sỹ báo: “Con gái, 3,3kg, khoẻ mạnh”, anh sững sờ, ấm ức, thất vọng. Những ngày sau đó, anh bỏ bê vợ và các con. Cho rằng vợ cố tình giấu giới tính của con, anh trút bực dọc lên đầu chị. Mặc cho vợ đang ở cữ, anh không những không quan tâm, chăm sóc mà còn dùng những lời lẽ chì chiết, đay nghiến, nói chị “không biết đẻ”, rồi “kém cỏi”, “vô trách nhiệm” với gia đình chồng… Thậm chí, trong những lần tiếp khách say rượu trở về, anh còn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ, ép vợ quan hệ tình dục để “đẻ thêm đứa nữa, bao giờ sinh được con trai mới thôi”. Cơ thể đã yếu vì ba lần sinh nở, nay còn hứng chịu bạo lực cả thể chất và tinh thần khiến chị suy kiệt…

Lệ (quê Hưng Yên) là một phụ nữ dịu dàng, khéo léo và tài giỏi. Thế nhưng, sau khi lấy chồng, cô dần trở thành một người khác. Cô bị stress nặng, dẫn đến phải điều trị bằng thuốc vì làm dâu trong một gia đình nổi tiếng gia trưởng, thích con trai.

Áp lực sinh quý tử đối với Lệ bắt đầu từ lần mang thai đầu tiên. Ngày đón bé gái đầu lòng về nhà sau kỳ sinh vất vả, chồng cô tỏ vẻ không hài lòng. Mẹ con cô chịu sự ghẻ lạnh của gia đình bên nội. Khi ấy, cô chỉ biết ôm con khóc vì tủi thân. Đến đứa thứ hai, áp lực phải sinh con trai nặng nề hơn. Cô lên mạng học và áp dụng cách làm thế nào để sinh con trai như tính ngày rụng trứng, uống thuốc Đông y… nhưng vẫn là bé gái. Quá hoang mang, lo sợ, cô đến một phòng khám để định “xử lý”. Tuy nhiên, khi nhìn thấy hình ảnh của con trên màn hình siêu âm, cô không nỡ lòng nào. Trở về nhà, cô quyết tâm bảo vệ con bằng được.

Từ ngày vợ sinh toàn con gái, chồng cô thay tính, đổi nết. Ngày nào cũng vậy, anh chỉ trích, chì chiết vợ không biết sinh con. Anh dùng bạo lực trong dạy con, có lần còn nắm hai chân con gái dốc ngược khiến con nôn trớ, hay nhốt vào nhà vệ sinh cả tiếng không mở cửa khiến con bé vô cùng sợ hãi… Bố mẹ chồng còn nói: Nếu không biết đẻ thì để tìm vợ mới cho con trai. Được “hậu thuẫn” từ gia đình, chồng cô ngang nhiên cặp bồ trước mặt vợ, thậm chí đánh vợ sưng tím mặt mũi.

Không chịu được áp lực, Lệ đưa hai con ra thuê nhà ở riêng và quyết định ly hôn. Cô thở dài, cứ tưởng mình có thể chịu đựng để cho con có đủ bố lẫn mẹ, nhưng khi sống trong môi trường phân biệt giới tính đó, có lẽ, các con cô sẽ càng bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề.

Chọn trứng để sinh con trai rồi đến kiếp “chồng chung”

“Nếu vợ chưa đẻ được con trai thì đẻ tiếp, còn nếu vợ không có khả năng đẻ được thì… lấy vợ hai” – Phương vẫn nhớ như in câu nói của chồng và những ngày tháng mình bị chồng và nhà chồng ruồng rẫy khi sinh toàn… con gái.

Chồng Phương là điển hình của mẫu đàn ông thích con trai. Anh là con trai duy nhất trong gia đình có 5 anh chị em và là cháu đích tôn của dòng họ. Vừa mới kết hôn, cô đã nhận được tối hậu thư của mẹ chồng: “Cố mà sinh được thằng con trai nối dõi mới thôi”. Sau khi sinh con gái đầu lòng, chồng Phương yêu cầu vợ sẽ “soi trứng” khi định mang bầu đứa bé thứ hai. Theo đánh giá y khoa, soi trứng để sinh con trai có tỷ lệ thành công lên đến 80%, 20% còn lại phụ thuộc vào các yếu tố như sai số trong việc chẩn đoán, cơ địa của chị em, sức khỏe của cả nam và nữ. Vợ chồng Phương nằm trong số 20% đó. Cô buồn 1 thì anh chồng buồn 10. Một thời gian dài, anh luôn khó chịu, cau có với vợ, thậm chí còn quát mắng thậm tệ, nói chị “có mỗi việc đẻ con trai cũng không làm được”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mỗi lần bị họ hàng nhắc nhở hay bạn bè trêu trọc về việc chưa có “thằng cu”, anh lại trút sự chán nản, bực dọc đó lên đầu vợ. Áp lực “sinh cháu đích tôn” ngày càng lớn, khiến cho không khí gia đình Phương ngày càng nặng nề. Có lần, nóng giận chồng Phương bảo sẽ đi tìm “vợ mới” để đẻ con trai. Câu nói ấy cứa vào tim Phương đau nhói.

Sau nhiều lần doạ thì chồng Phương đã chính thức công khai cặp kè với một cô gái trẻ khác. Nhiều lần Phương đòi ly hôn, nhưng chồng vẫn nhất quyết không chịu vì lý do “biết đâu em lại có thể sinh được con trai thì sao”…

Trong khi tư tưởng xã hội ngày càng cởi mở, tiến bộ, y học đã chứng minh, việc sinh con trai hay con gái phụ thuộc hoàn toàn vào tinh trùng của nam giới. Giới tính thai nhi được quyết định bởi hai cặp nhiễm sắc thể của hai bố mẹ. Thông thường, con sẽ nhận một nhiễm sắc thể từ mẹ và một nhiễm sắc thể từ bố. Người mẹ có 2 nhiễm sắc thể X nên con có thể nhận bất cứ nhiễm sắc thể X nào, và nhận nhiễm sắc thể X hoặc Y từ bố.

Theo các chuyên gia, hiện nay, ở nhiều địa phương, quan niệm “trọng nam khinh nữ” vẫn còn in đậm trong nhiều nếp nhà, nếp nghĩ của người dân. Họ cho rằng, con trai mới là người chăm sóc cha mẹ khi về già, do đó, nhiều người cố tìm mọi cách để đẻ bằng được “thằng cu” để nối dõi tông đường. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi khi mang thai. Vì vậy, để giải quyết tình trạng này, cần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ, giúp họ nâng cao hiểu biết về bình đẳng giới, xoá bỏ tâm lý tự ti, cam chịu, định kiến, nâng cao trình độ văn hoá chuyên môn, cân đối giữa gia đình và xã hội, phê phán ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử với nữ giới; mặt khác, nam giới cũng cần học tập, nâng cao hiểu biết về bình đẳng giới, thay đổi quan niệm định kiến, dần dần xoá bỏ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, tiến tới xã hội bình đẳng hơn.

HÀ LAN - TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.