Nước mắt không chảy xuôi

Chia sẻ

Nhận cọc tiền từ tay người bạn thân, Loan òa khóc nức nở. Cô xót xa nghĩ đến tình cảnh của mình. Ai đời người trong nhà mà còn chẳng thương nhau như người ngoài.

Loan xếp cọc tiền vào sâu trong túi, rồi lại bỏ cả túi vào trong cốp xe. Với cô, đây không chỉ là một gia tài, mà còn là danh dự, là lòng tự trọng của vợ chồng cô nữa. “Cậu cứ cầm số tiền này đi, cả nhà mình chỉ còn 80 triệu đồng, mình đưa cả cho cậu. Cậu cứ lo giải quyết việc nhà, khi nào có thì trả mình cũng được. Mình không tính lãi cậu. Bạn bè thân thiết, giúp nhau lúc khó khăn chẳng có gì to tát cả”. Cô bạn thân ôm lấy Loan an ủi rồi tiễn cô về.

Với 80 triệu của bạn cho vay cộng với 20 triệu tiền tích trữ của hai vợ chồng phòng khi con ốm đau hay phát sinh sự cố gì, Loan đã có đủ để trả nợ. “Chủ nợ” của Loan, buồn thay, là bố chồng cô.

Cách đây 5 năm vợ chồng Loan quyết định mua một căn nhà nhỏ ở ngoại thành. Ngôi nhà nằm ở nơi đồng không mông quạnh, đường xá đi lại xa xôi. Nhưng, với hoàn cảnh nghèo khó, vợ chồng Loan chẳng còn lựa chọn nào khác.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mẹ Loan thương con gái, bán mảnh đất được thừa kế từ ông bà ngoại Loan để lấy tiền cho Loan mua nhà. Mẹ đưa Loan 300 triệu đồng, vợ chồng Loan có 150 triệu dành dụm được, còn 100 triệu là nhà nội hỗ trợ thêm. Loan biết ơn gia đình hai bên lắm, bụng bảo dạ khi nào có tiền, chắc chắn sẽ gửi lại tiền cho bố mẹ đầy đủ.

Vợ chồng Loan đều chăm chỉ làm ăn. Ngoài giờ làm công nhân, chồng Loan còn tranh thủ chạy xe ôm. Còn Loan thì từ bán hàng online, bán quà sáng, chạy chợ… chưa việc gì mà chưa làm qua. Hiềm nỗi, hai đứa con gái của vợ chồng cô sinh ra sức khỏe yếu, cứ dăm bữa nửa tháng lại phải vào bệnh viện. Thành thử, vợ chồng kiếm được bao nhiêu tiền chỉ để dốc vào nuôi ăn, mua thuốc thang cho các con là hết sạch. 5 năm trời, vợ chồng cô tay trắng vẫn hoàn tay trắng.

Mỗi lần mẹ Loan từ quê xuống, nhìn gia cảnh của Loan đều dúi cho Loan chút ít tiền, gọi là giúp con bớt khó. Loan cầm tiền của mẹ mà lòng rưng rưng. Cô thương mẹ nhiều lắm. Lẽ thường, ở tuổi này, bà mới là người được nghỉ ngơi, hưởng sự báo hiếu của con cái. Đằng này, Loan chưa biếu mẹ được thứ gì, mà có biếu mẹ cũng không cầm. Ngược lại, cô còn phải cậy nhờ ở mẹ.

Cũng vì thế, Loan rất áy náy mỗi khi nghĩ tới số tiền cầm của bố mẹ khi mua ngôi nhà này. Chồng cô an ủi: “Bố mẹ đỡ đần con cái cũng là lẽ thường. Sau này, mình có tiền thì cũng cho lại các con. Đấy gọi là nước mắt chảy xuôi em ạ”.

Loan đã tin chồng mình nói đúng, cho tới một ngày việc buồn xảy ra. Đúng ngày mồng 1 Tết, bố chồng Loan tới nhà vợ chồng cô, lời tốt đẹp ông chưa nói ra thay vào đó, ông yêu cầu vợ chồng Loan trả tiền ông cho mượn để mua nhà.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

- Tôi thấy anh chị mượn của tôi tiền đã mấy năm mà chưa từng có ý định trả lại. Năm nay tôi thấy mình sức khỏe yếu rồi, sợ không đợi được tới ngày anh chị tự giác trả tôi tiền. Vì vậy tôi đến đây, chính thức đề nghị anh chị trả lại tiền cho tôi.

Loan há hốc mồm, quay sang nhìn chồng. Gương mặt anh cũng tái đi. Loan không nghĩ bố chồng cô lại làm như vậy. Đúng là thời gian gần đây, vợ chồng cô cũng có chút xích mích với ông cũng từ chuyện con cái. Bố chồng Loan nhiều lần đề nghị vợ chồng Loan sinh thêm con trai để nối dõi tông đường. Nhưng, cả hai vợ chồng đều thống nhất không sinh thêm con nữa để dồn sức nuôi hai con gái cho thành người. Bố chồng cô cho rằng, hai vợ chồng coi thường lời ông nói, cũng không làm tròn trách nhiệm với gia đình. Ông tuyên bố cắt đứt quan hệ bố con với vợ chồng cô.

Loan cứ nghĩ trong lúc giận thì ông nói vậy để “dọa” vợ chồng cô rồi ông sẽ nguôi dần. Nào ngờ, ông lại làm thật. Từ lúc đòi cắt đứt quan hệ, bố chồng Loan cấm cửa vợ chồng cô. Rồi đến lúc này, ông còn tới tận nhà, đòi lại tiền của các con dù ông biết hai vợ chồng cô đang khó khăn đến thế nào. Từ lúc mua nhà đến nay khi đã sinh hai mặt con, vợ chồng cô vẫn phải sống trong căn nhà lợp mái tôn của chủ cũ, đồ đạc trong nhà chẳng có gì.

Không chỉ đòi tiền, bố chồng Loan nói ông thất vọng vì vợ chồng Loan vô ơn với ông. Về khoản tiền mua nhà, trước khi ra về, ông nói, cho vợ chồng Loan thời hạn 1 tháng nhưng yêu cầu vợ chồng Loan viết giấy cam đoan phải trả đủ tiền, tránh việc “chối nợ”.

Ngay tối đó chồng Loan đề nghị sẽ rao bán nhà, để lấy ra 100 triệu đồng trả cho bố. Anh biết, có thêm 1 tháng nữa thì hai vợ chồng cũng chẳng thể kiếm đủ 100 triệu đồng. Loan thì không đồng ý với phương án đó. Ngôi nhà này là cả gia tài, là nơi che mưa che nắng của gia đình, sao có thể dễ dàng bán đi được.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Để có tiền trả cho bố chồng, Loan đành tìm đến cậy nhờ người bạn thân học với cô từ hồi đại học. Cô đặt vấn đề vay tiền và xin được trả lãi cho bạn đầy đủ. Bạn của Loan cũng nghèo lắm, hai vợ chồng phải tự chèo chống nuôi thân. Tuy nhiên, biết hoàn cảnh của Loan, bạn cô đã cố gắng co kéo, dồn hết tiền dành dụm của gia đình để cho cô vay.

Ngay tối đó, vợ chồng Loan tới nhà trả tiền cho bố chồng. Ông cầm tiền luôn mà không hỏi một lời vợ chồng cô lấy tiền từ đâu ra. Còn Loan thì chỉ thấy lòng mình chua xót. Cô biết, dù bạn không đòi nợ nhưng cô cũng không thể cứ vay bạn năm này qua năm khác. Vợ chồng cô chắc chắn sẽ phải tìm cách để trả nợ sớm cho bạn. Trong khi đó người ruột thịt là bố chồng cô, cũng đâu cần dùng ngay tới khoản tiền này. Giả sử không có bạn cô giúp đỡ, vợ chồng cô bị đẩy đến đường cùng phải đi vay lãi cao bên ngoài để có tiền trả cho ông, liệu ông có cam tâm không?

Loan biết, nếu kể lại chuyện với mẹ, chắc chắn mẹ cô sẽ xoay sở để có tiền hỗ trợ cô. Nhưng, cô không thể làm vậy được. Phần vì cô không muốn mẹ phải lo lắng thêm, phần cô sợ biết sự việc rồi thì hai bên gia đình sẽ có bất hòa. Mẹ cô sẽ nhìn bố chồng cô bằng con mắt khác. Và người ở giữa, chịu khổ đủ đường chính là chồng cô. Anh liệu còn dám ngẩng mặt lên nhìn nhà vợ? Vì vậy, cô vẫn gượng cười, giấu hết mọi chuyện với mẹ.

Đêm đó, Loan cứ nằm suy nghĩ miên man, không sao ngủ được. Bên cạnh, chồng cô thi thoảng cũng thở dài thườn thượt. Cô biết, anh buồn, nhưng không muốn nói ra với cô. Dẫu gì, thì ông vẫn là bố của anh, dù ông có làm gì thì cũng không thể phủ nhận sự thật đó. Nhưng, để anh có thể chấp nhận việc làm của ông, sẵn sàng đẩy các con vào chỗ khó chỉ để thỏa mãn cơn giận của mình, thì anh không thể làm được ngay ngày một ngày hai…

NGUYỄN THỊ HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.