Ở nhà thôi, có gì mà phách lối

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bữa nay, chỉ vì Mai quên cho hành vào bát canh chua cá mà chồng cô nổi quạu. Rồi anh chì chiết, đay nghiến Mai ở nhà ăn không thôi mà cũng không chu toàn mọi việc. Uất quá, Mai òa khóc…

Song, những giọt nước mắt của Mai lại như châm thêm dầu vào lửa. Chồng Mai không những không hối hận, còn càng xối xả mắng Mai. Biết rằng chỉ cần đáp trả anh một lời thôi thì bữa cơm gia đình sẽ tan, Mai đành nín nhịn. Bên cạnh Mai, hai đứa trẻ sợ quá, cũng tấm tức khóc không thành tiếng. Mai quay sang dỗ cho con ăn mà lòng cay đắng.
Đâu phải là Mai không chăm chồng, thương con. Sáng nay ra chợ, thấy lâu rồi mới bán cá nheo sông mà chồng rất thích ăn, mừng quá, Mai mua liền để nấu canh cá nheo chua cho chồng. Hành hoa, thìa là, cô đã rửa sạch, cắt ngắn, để sẵn. Nghĩ rằng đợi lúc chồng vào mâm, Mai đun lại canh cho nóng rồi mới thả hành cho ngon, ấy thế mà đầu óc nhãng đi, Mai quên không thả hành. Chồng Mai vốn rất kỹ tính, nhìn thấy bát canh không hành đã không ưng mắt. Nhưng, anh có thể chọn cách nhắc cô nhẹ nhàng, đằng này, anh lại quy kết Mai đoảng vị, không chú tâm việc nhà. Khi Mai khóc, anh cho là cô cố tình ăn vạ chồng. “Anh nói cho em biết, thằng đi làm kiếm tiền còn chưa khóc thì thôi. Em chỉ ở nhà thôi, làm gì mà phách lối”.

Mai không biết từ bao giờ, chồng cô đã không còn tôn trọng cô nữa. Có lẽ, tất cả đều do việc Mai là một bà nội trợ, chỉ quanh quẩn xó bếp chăng? Đúng là về học thức, Mai không học cao biết rộng như chồng. Sau khi học xong Trung cấp, cô đang tìm việc thì gặp rồi yêu chồng cô bây giờ. Sau đó hai người cưới nhau, rồi Mai có bầu, sinh con, nuôi con. Mai bỏ hẳn ý định đi làm cũng vì chồng cô nói, trình độ Trung cấp như cô cũng khó kiếm được việc làm tốt, lương cao. Nếu cô chỉ làm việc chân tay thì thà ở nhà lo nội trợ để anh yên tâm kiếm tiền cho xong.

Ở nhà thôi, có gì mà phách lối - ảnh 1
Ảnh minh họa

Mai biết vị trí của mình nên cô chưa từng lên mặt với chồng. Ngược lại, cô luôn cố gắng hết sức để trở thành hậu phương vững chắc cho anh. Nhưng, chồng cô và cả gia đình anh lại không ghi nhận điều đó, hơn thế còn coi cô là vô dụng, ăn bám. Sau một ngày đi làm bị dồn nén bao nhiêu áp lực, có cả uất ức, trở về nhà, chồng Mai nghiễm nhiên trút hết lên đầu vợ. Anh coi cô như bị bông để anh xả stress. Từ lâu lắm, anh đã quên những lời nói dịu dàng, ân cần mà chỉ biết cau có, la hét, cộc lốc với vợ. Bất kể Mai làm gì không vừa mắt là anh lôi ra nhiếc móc cô.

Trong khi đó, Mai cũng có nhu cầu được nghỉ ngơi sau khi hoàn thành cả tá việc không tên. Nhưng, cô vẫn luôn cố gắng chăm sóc chồng. Anh kêu mệt, cô sẵn sàng đấm bóp, mát xa cho anh. Thay vì cảm kích, chồng Mai buông câu lạnh lùng: “Em rửa tay sạch sẽ chưa, tay em toàn mùi mắm muối ghê lắm. Mà móng tay thì nhớ cắt gọn, không là lây vi khuẩn cho chồng con”. Mai nghe xong mà nghẹn đắng lòng. 

Rồi cả lúc vợ chồng gần gũi, chồng Mai luôn cho rằng, mình mới được quyền chủ động nói “có” hay “không”. Lắm hôm, Mai thấy mệt mỏi trong người, nhưng nếu chồng có nhu cầu mà cô tỏ thái độ không đồng ý là anh lập tức hẩy cô ra. Rồi anh sẽ nã vào đầu cô hàng loạt những câu nói đau lòng kiểu như: “Em không biết điều. Anh đi làm gái gú theo đầy, chẳng qua là muốn em không bị ghẻ lạnh nên anh mới vậy. Em còn thế nữa, từ sau anh cho vào hẳn lãnh cung. Em nhìn phụ nữ ngoài đường kia rồi nhìn lại xem mình là ai đi”.

Ở nhà thôi, có gì mà phách lối - ảnh 2
Ảnh minh họa

Mai nhớ những đêm như thế, cô bị chồng ẩn ra lề giường. Rồi anh nằm đó, tiếp tục ngủ. Cô biết là chồng mệt mỏi, lại không được vợ đáp ứng nên anh ức chế. Song, có ai hiểu cho nỗi lòng của Mai không? Ngay cả lúc mặn nồng nhất, trong đầu chồng vẫn nghĩ anh là bề trên còn cô chỉ là người vợ ở nhà làm nội trợ không đáng được tôn trọng. Cũng vì việc tế nhị này mà mấy ngày sau đó, chồng Mai vẫn mặt nặng, mày nhẹ với cô, rồi cáu lây sang cả con. Anh còn bắn tin có ngày anh đi với bồ thì đừng trách. Cực chẳng đã, cuối cùng, để giữ hòa khí gia đình, Mai đành xin lỗi chồng rồi là người chủ động gần gũi anh, dù rằng, trong lòng cô vẫn còn cồn lên bao nhiêu là ấm ức. Sau đó, chồng Mai mới tỏ ra vui hơn một chút.

Chồng Mai nói, cô nhìn ra những người phụ nữ khác để mà học tập. Quả là Mai cũng có nhìn sang họ, thấy họ thật đẹp, năng động, trẻ trung. Còn Mai thì xấu xí, xộc xệch. Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, chồng Mai cũng chẳng bao giờ nghĩ vợ mình cần được làm đẹp. Cuối tuần, anh vẫn rủ Mai đi mua đồ, nhưng là để vào cửa hàng thời trang nam để anh mua thêm cái sơ mi, cà vạt còn Mai là người đi theo để xách đồ hay ngắm cho chồng. Mai cũng đã ướm thử chồng là mình muốn mua váy áo mới, anh liền nhìn cô từ đầu đến cuối rồi bảo: “Tùy, em thích thì tự đi mua, tiền anh đưa em hàng tháng chi tiêu, em lấy trong đó ra dùng. Nhưng mà em mặc đẹp để làm gì, quanh năm suốt tháng ở nhà nấu cơm thì chỉ cần mua quần áo ngủ là được. Em cứ lo làm tốt công việc gia đình, việc đối nội đối ngoại, kiếm tiền các kiểu đã có anh”. Nghe chồng nói, Mai lại thấy lòng mình bị xát muối. 

Ngẫm lại, so với chồng, Mai cũng có nhiều đóng góp cho gia đình. Chỉ là việc cô làm không thể đong đếm bằng đồng nọ, đồng kia. Nếu không có cô, liệu chồng Mai có thể đi làm từ sáng sớm tới tối mịt, về tới nhà là đã có người bật sẵn nước nóng cho tắm, để sẵn bộ quần áo ngủ thơm tho, phẳng phiu trên giường cho anh thay. Sau đó, lại có người dọn cơm cho anh ăn, anh đứng dậy là có người bê bát đi dọn dẹp. Không những vậy, từng đồng tiền anh kiếm về, đều được Mai nâng niu, trân trọng, chi tiêu tiết kiệm. Còn lại bao nhiêu là cô gửi tiết kiệm để làm vốn dự trữ của gia đình. Mai nghĩ, nếu có thuê người giúp việc, dù trả lương cao thế nào, chắc họ cũng chẳng thể tận tâm, tận lực cho gia đình chủ được như thế.

Ở nhà thôi, có gì mà phách lối - ảnh 3
Ảnh minh họa

Mai không đòi hỏi gì ở chồng, cô chỉ cần anh tôn trọng, ghi nhận cô mà thôi. Anh đừng nghĩ chỉ có anh mới là người vất vả, còn cô thì chỉ ở nhà hưởng thụ. Chính thái độ của anh vậy cũng khiến cả gia đình anh thiếu đi sự tôn trọng cô. Mẹ chồng, bố chồng không ít lần tới nhà cô chỉ để tìm hiểu xem Mai chăm sóc chồng như thế nào, có chu đáo không. Rồi ông bà nhắc cô phải biết phúc phận của mình, ở nhà thì còn thoải mái chứ giờ cô ra đường kiếm tiền mới biết quý giá trị của chồng.

Có đồ gì quý, bổ, ông bà gửi xuống nhưng là chỉ để cho con trai, còn dặn Mai nhớ phải làm cho chồng ăn, kiểu như sợ không nói rõ là Mai sẽ ăn tranh của chồng. Mẹ chồng Mai còn suýt xoa: “Người ta thì cả vợ, cả chồng cùng kiếm tiền còn ở nhà này, chỉ một người phải lo đi làm, vất vả quá. Nó mà ốm ra đó là cả nhà này điêu đứng”.

Nhiều lúc, Mai cũng muốn bứt ra đi làm. Hiềm nỗi, hơn 10 năm ở nhà, kiến thức trong đầu Mai cũng rơi rụng cả. Rồi kỹ năng giao tiếp xã hội, những công nghệ mới… Mai cũng ít cập nhật nên có phần bị tụt hậu. Mai tính hay là mình sẽ phải học tiếp lên cao. Song, vừa nói ra ý định thì chồng Mai đã dội vào gáo nước lạnh. Anh nói sẽ không trông con hay dọn dẹp nhà cửa, cơm nước để Mai đi học. Chi bằng Mai đừng có “nổi loạn” để cho nhà cửa êm ấm. Còn Mai nếu thấy rảnh rỗi quá thì hàng ngày sang giúp việc thêm cho bố mẹ chồng.

Hôm nay lại một hôm nữa Mai thấy cuộc sống của mình thật bí bách.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.