Ông bố “bỏ việc” để “đưa con đi khắp thế gian”

Chia sẻ

Anh Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) là một trong những người chồng, người cha trách nhiệm. Từ một người có thu nhập hàng chục triệu đồng, anh “tình nguyện” bỏ việc, ở nhà chăm sóc nuôi dạy con để con có một tuổi thơ hạnh phúc… Phóng viên ghi lại lời tâm sự của anh Nguyễn Đức Chung trong hành trình dạy con của mình.

Bỏ công việc với thu nhập 40-50 triệu đồng/tháng để… chăm con

Vợ chồng tôi sinh được hai bé, bé lớn hiện nay gần 6 tuổi, còn bé thứ hai khoảng 2 tuổi. 4 năm trước, tôi đã có một quyết định táo bạo: Bỏ công việc đang làm cho thu nhập mà nhiều người mơ ước để làm một người chồng “ăn bám” vợ, một người cha nội trợ và chăm sóc con suốt 24/24 giờ mỗi ngày.

Trước đây, như những ông chồng khác, tôi cũng quan niệm nam giới có trách nhiệm gánh vác kinh tế trong gia đình, phụ nữ chăm lo nội trợ, nuôi dạy con. Thế nên, sau khi kết hôn, tôi quay cuồng vào công việc và tìm kiếm các dự án để có thu nhập tốt. Là đạo diễn phim quảng cáo kiêm giám đốc một công ty truyền thông “ăn nên làm ra”, thu nhập của tôi mỗi tháng có khi lên đến cả trăm triệu đồng. Thế nhưng, điều đó không khiến cho cuộc sống hôn nhân của chúng tôi hạnh phúc, ngược lại đứng trên bờ vực đổ vỡ chỉ sau 1-2 năm kết hôn.

Vợ tôi là một phụ nữ nhanh nhẹn, tháo vát, có nhan sắc. Cô ấy vừa là diễn viên, vừa hỗ trợ tôi trong quản lý, điều hành công ty. Nếu như trong tình yêu, chúng tôi có một quãng thời gian dài để yêu và tìm hiểu trước khi kết hôn, thì khi về làm việc chung với nhau, quan điểm và tư duy làm việc trái ngược khiến chúng tôi thường xuyên mâu thuẫn. Nhất là năm 2016, vợ tôi sinh con gái đầu lòng – bé Sam – thì cô ấy càng dễ nổi nóng. Cô ấy thường xuyên trách móc tôi không dành thời gian cho gia đình, chăm sóc con, còn tôi thấy vợ không thấu hiểu và chia sẻ với chồng. Áp lực công việc khiến tôi luôn mệt mỏi và cau có. Mỗi ngày, tôi chỉ được ngủ 4 tiếng… Vợ chồng tôi mâu thuẫn từ nhà đến công ty, từ trên giường ngủ xuống phòng khách, ra nhà bếp…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tôi cảm thấy bất lực, stress. Tình cảm vợ chồng rạn nứt, chúng tôi như thể sắp rơi vào khủng hoảng và có thể đường ai nấy đi bất cứ lúc nào…

Tôi nhớ mãi câu hỏi của vợ, khi vừa sinh bé Sam:

“Con là của chung. Em cũng làm việc, cơm nước như anh đi làm. Em cũng mệt... Tại sao mỗi khi nửa đêm, em gọi anh dậy cùng em chăm con, anh lại khó chịu?” - Nghe xong câu ấy, tôi chợt tỉnh. Đúng vậy, tôi có đi làm, kiếm tiền, nhưng thái độ của tôi lại hoàn toàn chưa đúng. Tôi mệt thì có quyền khó chịu, để được việc thì có quyền cáu gắt, vì buồn bã nên có quyền bỏ mặc cảm xúc của vợ con sao? Tất cả chỉ là nguỵ biện và định kiến do bản thân và xã hội tạo ra để bảo vệ quyền lợi và giới của mình mà thôi.

Tôi đăng ký một lớp học phát triển bản thân và chợt nhận ra lâu lắm rồi, tôi không có một giấc ngủ ngon đến sáng, cũng không được ăn một bữa thật sự ngon miệng, không quan tâm, để ý cảm xúc của vợ. Tôi vụng về trong chăm sóc con, có lần, chỉ vì mải mê việc khác mà làm cháy cả bình sữa của con khi vợ nhờ đun nước sôi tráng bình. Lâu lắm rồi vợ chồng tôi chưa thể nói với nhau những lời nhẹ nhàng. Tôi chưa đủ tinh tế để thấy vợ đang căng thẳng, áp lực bởi việc trông nom chăm sóc con từ sáng đến tối. Tôi đã làm việc như một cái máy để rồi lại trút bực dọc, mệt mỏi lên đầu vợ con… Tôi có thể kiếm được nhiều tiền đưa cho vợ, biếu bố mẹ những món quà đắt tiền, nhưng mồng Một Tết, vợ chồng lại bất hoà… Tôi đã suy nghĩ, phân tích về từng vấn đề trong gia đình. Tôi hiểu vợ cần gì, các con cần gì từ bố và bắt đầu thay đổi thói quen sống. Thậm chí, sau một thời gian, tôi từ bỏ công việc hiện tại đang làm để dành 100% thời gian cho gia đình và các con… Khi tôi “lui” khỏi thương trường, vợ là người đứng ra quản lý công ty. Ở nhà, tôi làm hết mọi việc.

Để con có một tuổi thơ hạnh phúc

Thay vì thay đổi vợ, tôi thay đổi chính mình. Tôi kiên nhẫn hơn, dễ thương hơn, tập cười nhiều hơn. Tôi bắt đầu quá trình rèn luyện thái độ, phá vỡ định kiến từ trong bản thân. Tôi sẵn sàng buông bỏ những thú vui riêng và dành thời gian đấy cho vợ con. Như khi đang chuẩn bị đi đá bóng thì vợ nhờ chăm con vì có việc, thay vì khó chịu hụt hẫng, tôi sẵn sàng đồng thuận vui vẻ; hay khi có việc ra ngoài, tôi không khó chịu, sốt ruột giục vợ nhanh chóng chuẩn bị đồ mà vui vẻ chờ đợi, chủ động chuẩn bị đồ cho con, hỏi vợ cần thêm gì không để hỗ trợ… Tôi tập cho con ăn, cổ vũ con suốt buổi ăn, dù con rơi vãi, mất tập trung, chán ăn. Khi có mâu thuẫn, tranh luận giữa hai vợ chồng, thay vì tức giận, bất mãn như trước đây, tôi luyện tập kiên nhẫn lắng nghe, tấu hài… để cả nhà cùng ôm nhau cười thoải mái. Họ hàng đều thấy sự khác lạ trong cách mà vợ chồng tôi giao tiếp với nhau. Ngay cả mẹ tôi cũng chỉ trích tôi đang nhu nhược và nói “đàn ông phải thế nọ, thế kia”. Tôi nói với mẹ, tôi đang nhẫn nhịn để yêu thương vợ - con mình, và điều đó, tôi đang thực sự thấy hạnh phúc!

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mọi người thường mặc định đàn ông phải kiếm tiền, biết “dạy vợ”, còn tôi làm ngược lại hoàn toàn. Tôi ở nhà nấu cơm, rửa bát, hỗ trợ vợ khi cần, vợ khó chịu thì im lặng, mở miệng là xin lỗi vợ, con. Học sự nhẫn nhịn và thể hiện cảm xúc của mình rất khó, nhưng tôi cho rằng, bố mẹ là hình mẫu đầu tiên để con chọn chồng trong tương lai. Vì yêu con, tôi tự rèn luyện bản thân để con cảm nhận mẹ là một người phụ nữ hạnh phúc, bố luôn chăm lo, yêu thương mẹ con bất cứ lúc nào; để con có một tư duy tốt về cuộc hôn nhân hạnh phúc trong tương lai. Tôi quyết định gây ảnh hưởng với con bằng cách làm một người chồng, người cha tốt.

Tôi cho rằng, cha mẹ ổn, cân bằng cảm xúc thì con sẽ có sự cân bằng từ bên trong và rất bình an. Khi đó, trẻ sẽ thông minh hơn hẳn. Tôi học cách làm bố, đưa đón và dạy bảo con. Mỗi ngày, chúng tôi cùng nhau hát, cùng đánh răng, rửa mặt, ăn uống, nấu nướng và đi chơi. Nếu con không thích đến lớp, tôi xin cô giáo cho bé nghỉ, vì bé mới học mẫu giáo nên không quá khắt khe thời gian học. Có lúc, hết tiền, phải bán xe máy đi, nhưng tôi thấy mình giàu có về thời gian và làm chủ cuộc sống của mình.

Từ 2-3 tuổi, các con tôi đã cùng bố đi khắp các hành trình, lên rừng, xuống biển. Bố đi đâu, các con tôi theo đấy. Ba bố con đi nhà sách, lên thư viện, đi cà phê, ra bãi biển ở Nha Trang ngắm cảnh hoàng hôn và bình minh, lên Sa Pa để tặng quà cho trẻ vùng cao… Các con đều mê đọc sách, thích học chữ. Con tôi mới 4-5 tuổi nhưng đã biết leo núi, làm việc nhà, mỗi ngày có thời gian ăn, ngủ đúng giờ, mỗi ngày ngồi vào bàn học 30 phút một cách tự giác. Dù không giỏi tiếng Anh nhưng khi con học, tôi cũng ngồi cùng con. Các con tự giác ăn, chủ động kết giao bạn bè, không rụt rè, nhút nhát. Tôi đưa con đi làm từ thiện, đi du lịch đến nhiều vùng miền, cho con trải nghiệm cuộc sống của người ven biển, thấy hoàn cảnh của trẻ em vùng cao. Tôi dạy con cách cho đi và nhận lại, biết chia sẻ với người khác.

Tiền bạc, công việc như quả bóng cao su, nếu vứt nó xuống đất, nó có thể nảy lên được. Nhưng 6 năm đầu đời của con và những giây phút hạnh phúc gia đình thì chỉ cần buông tay thì sẽ không thể lấy lại. Bố mẹ không chỉ cho con có cơm ăn, áo mặc mà còn không được bỏ mặc cảm xúc của con trẻ. Bố mẹ tự hào, lắng nghe cảm xúc của con mới là điều tuyệt vời nhất.

Theo tôi, cách dạy con tuỳ thuộc vào quan điểm và góc nhìn của mỗi phụ huynh. Tôi từng đọc một số cuốn sách viết về nuôi dạy con, trong đó có cuốn viết: “Cha mẹ có tầm nhìn đến đâu thì đưa con mình đến đấy”. Tôi nghĩ, nhiều người không ngừng học hỏi để giỏi làm nghề, nhưng lại không đầu tư để mình giỏi trong nghề làm cha mẹ. Do đó, phụ huynh hãy đọc, học, hiểu về con nhiều hơn. Tình yêu thương của người bố không chỉ mang lại cảm giác an toàn cho con mà còn dạy nhiều bài học quý giá trong cuộc sống như có lập trường vững vàng, dũng cảm và mạnh mẽ đương đầu với những khó khăn thử thách trong cuộc sống, sự tự tin, giá trị của gia đình, tính tự lập, biết nhìn vào nhiều khía cạnh của cuộc sống… Vì vậy, các ông bố đừng quên hãy dành thời gian bên con nhiều hơn nữa, để con có một tuổi thơ thực sự hạnh phúc và an toàn.

QUỲNH AN (ghi)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.