Ông bố vợ cố chấp

Hải Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cuối tuần, chợ đông hẳn. Bà Luyến đến mua hàng chỗ quen, bà bán hàng đon đả: “Nay con rể về mà mua ít thế!”. Rồi bà ấy cứ cười hà hà vô tư, chẳng mảy may thấy nét thoáng buồn trên gương mặt bà Luyến.

Cuối tuần, thường Hùng - con rể bà sẽ về nhà ông bà để thăm vợ và hai con của anh. Hùng mở một xưởng mộc cách nhà bố mẹ vợ 30km. Việc bận nên anh không tiện đi về trong ngày, vì thế, cứ cuối tuần anh mới thu xếp về được. Nhưng chắc có lẽ từ giờ, chuyện thường lệ ấy sẽ khó mà xảy ra nữa. Vì Hùng và con gái bà Luyến, hai vợ chồng đã có ý định ly hôn.

Chuyện thật dài, và nó vốn khởi đầu không vui vẻ mấy. Ngày Linh - con gái bà Luyến đưa Hùng về ra mắt bố mẹ, mặt ông Tuấn - chồng bà Luyến cứ khó đăm đăm. Ông thể hiện rõ thái độ không thích Hùng. Bà Luyến sợ chồng, nhưng là khách của con gái, chả nhẽ bà lại không chuẩn bị cơm nước mời. Thế là, bữa cơm đầu tiên ra mắt, đầy đủ rượu thịt, cơm canh ê hề, nhưng trong bữa, hai người đàn ông chẳng mời nhau lấy một chén. Lý do là bởi ông Tuấn phủ đầu luôn: “Tôi huyết áp cao, không uống được rượu!”. Hùng chưng hửng, “thế thì lấy rượu, lấy hai cái chén ra để làm gì?”. Mãi về sau khi đã có với nhau hai mặt con, mỗi lúc cãi vã, Hùng vẫn lôi câu hỏi đó ra để chì chiết vợ.

Ông bố vợ cố chấp  - ảnh 1
Ảnh minh họa

Sau bữa cơm, khi đã tiễn khách về, ông Tuấn họp gia đình luôn. Ông tuyên bố thẳng sẽ không chấp nhận Hùng làm rể. “Thứ nhất nó là bộ đội, lại đóng quân xa. Nhìn vào kinh tế lẫn chỗ dựa đều không thấy khả quan. Lương bộ đội thì thấp, con thì công việc cũng chỉ mới bắt đầu ổn định, hai đứa lấy nhau về bao nhiêu lâu mới tích lũy được, rồi khi nào mới xây được nhà, mới đủ nuôi con… Thứ hai, bố thấy nhà mình và nhà nó không tương xứng. Nhà mình đều là công chức, trí thức, còn nhà nó chỉ làm ruộng. Bố không thích điều đó. Thế nên chị lo mà giải tán sớm đi!”.

Tất nhiên, trời không chịu đất, đất phải chịu trời, nên mới có ngày hôm nay. Linh và Hùng vẫn quyết tâm lấy nhau. Tưởng chừng khi đã về một nhà, những mâu thuẫn, khúc mắc kia sẽ vì hai chữ “tình thân” mà phá bỏ, nhưng không, ông Tuấn còn cố chấp hơn trước. Thái độ của ông khi đối mặt với con rể cứ khó đăm đăm như thể ông sắp phát tiết ra tới nơi rồi. Mặc dù Hùng đã cố gắng lấy lòng bố vợ, bằng việc siêng về nhà vợ, cơm nước, rồi quà cáp nọ kia để bố vợ vui. Nhưng mà, như cái dằm đã ở trong tim từ lâu, ông Tuấn chỉ thấy… nhức hết cả mắt.

Hùng biết thừa, lý do lớn nhất khiến bố vợ ác cảm với anh là vì hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của Hùng. Với ông Tuấn, nhà thông gia chỉ làm nông thì không thể nào oách bằng gia đình công chức như nhà ông được. Không muốn nhìn xuống, ông nhìn lên những người bạn, đồng nghiệp của mình, con cái họ toàn được gả cho những nhà không giàu tiền thì cũng giàu quyền, mát hết cả mặt mày. Còn đây, cô con gái ông nuôi cho ăn học tới nơi tới chốn, xinh xắn ngoan hiền, lại đi đâm quàng vào nhà kém hơn nhà mình. “Chỉ cần nghĩ thế thôi là tôi đã không muốn nhìn mặt nó rồi”, Hùng vô tình nghe được bố mẹ vợ nói với nhau trong phòng riêng, khi sáng hôm ấy vợ chồng anh lên chơi, mang theo con gà rất to mà nhà thông gia gửi biếu…

Ông bố vợ cố chấp  - ảnh 2
Ảnh minh họa

Những chì chiết của ông Tuấn cứ đi qua năm tháng, kể cả khi Linh đã sinh con đầu lòng. Ông chỉ vui vẻ với cháu ngoại, với con gái, còn với con rể, ông chỉ nhìn bằng nửa ánh mắt. Nhiều lần suy nghĩ cùng rất nhiều dằn vặt, giằng xé, rằng vứt bỏ liêm sỉ, tự trọng để giữ lấy gia đình hạnh phúc cho vợ, cho con, hay dứt áo ra đi để không phải chịu đựng cái nhìn khinh bỉ của bố vợ, Hùng quyết định xin ra quân, để về nhà làm kinh tế. Linh khuyên chồng không cần làm thế, vì với cô, chỉ cần hai vợ chồng cùng nhau cố gắng và biết đâu là đủ, thì cuộc sống vợ chồng sẽ vẫn ấm êm. Nhưng có lẽ, quyết định này Hùng đã chắc chắn như đinh đóng cột rồi, không thể suy suyển.

Dốc hết tiền tiết kiệm và vay mượn ngân hàng, Hùng mở một xưởng mộc, vì anh từng được học nghề này trước khi vào quân ngũ. Ông Tuấn vẫn không nhượng bộ, thậm chí thái độ của ông còn khó chịu hơn trước vì bây giờ, “cái thằng con rể một ông bác sĩ lại đi làm thợ mộc. Bạn bè gặp mà hỏi chúng nó cười cho không ngẩng nổi mặt lên”. Hùng tập coi như làm thinh, anh lao vào làm việc, tìm mối khách hàng, tập quen với cách ăn nói của người làm kinh doanh, thay vì lối nói hào sảng, kiên quyết của ngày trong quân ngũ. Nhưng cái gì mới bắt đầu cũng đầy gian nan, nhất là trong giai đoạn ấy lại cũng là lúc Linh mang bầu đứa con thứ hai. Vì sức khỏe không được tốt nên cô mang theo con trai lớn về ngoại để bà Luyến tiện chăm sóc. Và cũng từ đây, những mâu thuẫn mới càng nảy sinh nhiều hơn…

Về gần bố mẹ, Linh buộc phải nghe những lời chê bai của bố dành cho chồng. Nghe nhiều, từ phản đối, cô dần dần thấy… có lý. Thời điểm sinh con xong, tâm lý còn chưa ổn định, lại phải nghe điều không hay về chồng, Linh trở nên yếu đuối và hay than thân trách phận, rồi chuyển qua trách chồng. Hùng không thể lúc nào cũng kè kè bên vợ để động viên, thành thử giữa hai vợ chồng dần có những rạn nứt. Điều gì đến cũng đến, những trận cãi nhau qua điện thoại đã đẩy hai người đến quyết định ly hôn.

Cũng từ dạo ấy, cuối tuần, Hùng không mấy khi về thăm vợ con nữa. Thay vào đó, anh tranh thủ những ngày trong tuần thì chạy về, ngắm con một lúc rồi lại đi. Cũng vì trong tuần, ông Tuấn sẽ đi làm, nên anh có về thì cũng không chạm mặt bố vợ. Chuyện chỉ vỡ lở khi Linh vì không chịu đựng được nữa mà sinh ra ốm, sụt cân. Bà Luyến phải gặng hỏi, cô mới nói ra tất cả.

Ông bố vợ cố chấp  - ảnh 3
Ảnh minh họa

Từ trước tới giờ, bà Luyến vốn tự cho mình ở phía sau chồng. Mọi công to việc lớn trong nhà, bà thường nghe theo ông Tuấn quyết. Bà cứ lặng lẽ như cái bóng, một lòng một dạ lo lắng cho chồng con. Bà biết chồng mình quá đáng với Hùng, nhưng vì đã lâu chẳng có chính kiến gì, luôn an phận là người ở phía sau, nên dù có muốn bênh con rể một chút, bà cũng không làm được. Để rồi bây giờ, khi hạnh phúc của con gái và con rể đến nước chênh vênh, chực chờ rơi xuống vực thẳm, bà mới ngộ ra, mình cần phải làm gì.

Lần này, khi nói với chồng chuyện các con muốn ly hôn, bà Luyến biết ngay ông Tuấn lại làm ầm lên và đổ hết lỗi cho con rể. Bà Luyến quyết định lên tiếng. Bà nhẹ nhàng bảo, rằng “ba mươi năm trước, ông chính là thằng Hùng bây giờ đấy!”. Hóa ra, ngày đến xin cưới bà Luyến, bố bà - vốn là ông giáo làng đầy tự trọng, đã không đồng ý cho hai người lấy nhau. Ông Tuấn phải nhờ tới sự “trợ giúp” của mẹ vợ và anh em của vợ thì mới được lấy bà, làm rể nhà bà Luyến. “Thế mà giờ ông một hai đòi chối bỏ thằng Hùng, ông làm thế, ông có nghĩ là đang chối bỏ chính bản thân mình không?”.

Đã gần hai tháng, là gần chục cái cuối tuần Hùng không lại nhà. Hàng xóm đã bắt đầu bàn ra tán vào, rằng sao không thấy cái anh con rể “vui tính, hay giúp đỡ mọi người” về nhà chơi nữa? Bà Luyến đi đâu cũng phải giả lả rằng cháu nó bận lắm, toàn về tranh thủ thôi. Chỉ có ông Tuấn là vẫn gương mặt cố chấp ấy. Nhưng những lời vợ nói văng vẳng bên tai ông: “Ông thử một lần nhìn con gái ông đi. Ông chịu để nó vò võ nuôi con, có chồng mà như không chỉ vì sự cố chấp của ông à?”. Cuối tuần lại đến, ông cứ đi ra đi vào, cầm chìa khóa xe lên rồi lại đặt xuống. Khoảng cách từ nhà ông tới xưởng mộc của Hùng là vài chục cây số, cũng chẳng xa xôi gì, nhưng giờ đến đó, ông biết nói gì với con rể đây?

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.