Phát huy vai trò của tổ chức Hội trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới

Thanh Thanh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 21 – CT/TƯ của Ban Bí thư, Chỉ thị 22 –CT/TU của Thành ủy Hà Nội về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động phong phú, thiết thực trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới.

Tích cực phối hợp triển khai công tác phụ nữ và bình đẳng giới

Nhằm phát huy vai trò của phụ nữ, xây dựng người phụ nữ Thủ đô phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, chị Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quốc Oai cho biết, các cấp Hội LHPN huyện đã chủ động phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp và các ban, ngành liên quan tham mưu UBND cùng cấp xây dựng và triển khai tốt Chỉ thị 21 và Chỉ thị 22 về bình đẳng giới, đảm bảo các mục tiêu, chỉ tiêu theo từng giai đoạn, phù hợp với đặc thù và điều kiện thực tế của huyện, địa phương, cơ sở…

Hội Phụ nữ làm tốt công tác tham mưu xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Theo đó, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND, UBND, MTTQ các ngành đoàn thể từ huyện đến cơ sở năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ nữ ngày càng được nâng cao: Trình độ Trung cấp lý luận chính trị 44/120 người chiếm tỷ lệ 36.7%. Đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 là 11 đồng chí chiếm tỷ lệ 32.4%... Bên cạnh đó, UBND huyện luôn chú trọng việc phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục chính sách pháp luật; Phòng VHTT, Phòng Lao động TB&XH chủ động phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện, Hội LHPN huyện tổ chức các buổi hội nghị tuyên truyền, tọa đàm với những chuyên đề cụ thể như: Bàn biện pháp xây dựng mối quan hệ gia đình hòa thuận hạnh phúc, bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em…

Phát huy vai trò của tổ chức Hội trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới - ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội, Trường đoàn giám sát tại huyện Quốc Oai về công tác phụ nữ và bình đằng giới. Ảnh: TT

Còn tại huyện Thạch Thất, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, theo bà Khuất Thị Khuyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thạch Thất, các cấp Hội Phụ nữ đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững, như: Đưa chỉ tiêu giúp hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững thành một tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm trong hệ thống Hội; thường xuyên rà soát đối tượng hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo, nhất là phụ nữ nghèo làm chủ hộ để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ vay vốn ưu đãi từ nguồn tín dụng chính sách. Tính đến nay, tổng dư nợ là 208.055 triệu đồng giúp đỡ cho 8.105 hộ vay, huy động 9.040 triệu đồng tiền tiết kiệm cho 982 hội viên vay lãi suất thấp, hướng dẫn chị em sử dụng vốn đúng mục đích gắn với nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm…; hỗ trợ 92 hội viên phụ nữ khởi sự kinh doanh với 5.930 triệu đồng; xây, sửa 17 mái ấm tình thương với số tiền hàng tỷ đồng…

Giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em 

Để giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn, chị Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quốc Oai cho biết: Trong thời gian qua, Hội LHPN huyện phối hợp với Ban Chính sách luật pháp - Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn chuyên sâu kỹ năng hỗ trợ các vụ việc liên quan đến phụ nữ xã Đông Xuân và Phú Mãn. Phối hợp với Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tổ chức 2 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 300 lượt cán bộ hội và địa chỉ tin cậy tại cộng đồng… Phối hợp với Công an huyện Quốc Oai tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn cho 200 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ. Hội PN huyện phối hợp với Phòng GD&ĐT, Văn phòng HĐND&UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn 2 trường THCS Phú Mãn, Đông Xuân tổ chức lễ ra mắt mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” và tổ chức Hội thi giới thiệu sách và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường…

Phát huy vai trò của tổ chức Hội trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới - ảnh 2
Buổi ra mắt mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng" tại huyện Ba Vì Ảnh: HPN

Còn tại huyện Ba Vì, chị Đỗ Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Vì cho biết: Xã Ba Trại là một trong 7 xã miền núi của huyện Ba Vì, người dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, trên địa bàn xã vẫn còn xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, sinh con thứ 3 trở lên, tảo hôn, xâm hại trẻ em… Chị em hội viên phụ nữ vẫn còn thiếu kiến thức về bình đẳng giới cũng từ đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống nhân dân nói chung và phụ nữ trẻ em nói riêng. Trong tháng 4 vừa qua, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức triển khai mô hình điểm “Tổ truyền thông cộng đồng” trong khuôn khổ Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề bức thiết đối với phụ nữ và trẻ em” tại thôn 8, xã Ba Trại. Theo đó, mô hình điểm "Tổ truyền thông cộng đồng" gồm 10 thành viên. Nhiệm vụ của Tổ là tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, lao động sản xuất, phát triển kinh tế…, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục có hại; tích cực theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân nói chung, phụ nữ, trẻ em gái nói riêng... Mục tiêu đặt ra là ít nhất 60% nam giới và nữ giới của thôn được truyền thông nâng cao nhận thức về khuôn mẫu giới trong làm việc nhà; trong đó có ít nhất 30% thay đổi hành vi; Ít nhất 50% nam giới, bố, mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên, 60% trẻ trong độ tuổi vị thành niên được truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình”… 

“Để Tổ truyền thông cộng đồng hoạt động có hiệu quả, trong thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo Hội LHPN xã Ba Trại là nòng cốt trong tổ chức, thực hiện hoạt động của Tổ truyền thông cộng đồng và các nội dung của dự án 8 đạt kết quả cao, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch”, bà Đỗ Thị Thúy Hằng nhấn mạnh.

Phát huy vai trò của tổ chức Hội trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới - ảnh 3
Ngày hội sáng tạo văn hóa, ẩm thực dân tộc Mường xã Tiến Xuân, huyện 
Thạch Thất Ảnh: HPN

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Ủy viên BCH TƯ Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội cho biết: Thực hiện Chỉ thị 21 – CT/TƯ của Ban Bí thư, Chỉ thị 22 –CT/TU của Thành ủy Hà Nội về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; việc triển khai, thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Đề án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và kiến thức pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2025” trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ đã phát huy vai trò của tổ chức Hội làm tốt công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Trong thời gian tới, Hội PN các cấp tiếp tục tham mưu đề xuất lãnh đạo quận, huyện và cơ sở có biện pháp cụ thể trong việc tạo nguồn quy hoạch, đào tạo, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ nữ; công tác đào tạo nghề; giải quyết việc làm cho lao động nữ; đầu tư kinh phí hoạt động cho tổ chức Hội Phụ nữ các cấp. Ngoài ra, để triển khai thực hiện hiệu quả Dự án 8 trên địa bàn các huyện có các xã miền núi đề nghị UBND huyện quan tâm chỉ đạo các ban, ngành có liên quan phối hợp với Hội Phụ nữ để triển khai hiệu quả các nội dung thuộc dự án này. 

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.