Phật tử nói về chữ Hiếu mùa Vu Lan

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Qua bao thế hệ, Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hoá mãnh liệt trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam. Ngày lễ Vu Lan báo hiếu của Phật giáo đã trở thành ngày lễ mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc. Báo hiếu, báo ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ là một trong những nghi lễ thiêng liêng nhất trong cuộc đời mỗi người.

1

Phật tử Nguyễn Thị Thái, pháp danh Diệu Hiền (trú tại Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội): Vu Lan đã trở thành lễ hội văn hóa tinh thần 

Ngày lễ Vu Lan là một trong 2 ngày lễ lớn nhất của Phật giáo. Vu Lan không chỉ là ngày lễ của các phật tử mà trở thành một lễ hội văn hóa tinh thần chung của xã hội, mang đến thông điệp về lòng biết ơn, đền ơn như một biểu hiện và cư xử văn hóa đáng được mỗi người lưu tâm, thực hiện. Những hình ảnh gây nhiều xúc động trong mùa Vu Lan chính là bông hồng cài áo. Dù già hay trẻ, trai hay gái dự lễ Vu Lan, đều thành kính và xúc động khi đón nhận một bông hồng cài trang trọng trên ngực áo. Việc tưởng nhớ về các bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp đẽ nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến cha mẹ. Lễ Vu Lan hàng năm, tôi đều đưa các con đến chùa để nhắc nhở mình biết trân trọng những gì đang có, dạy các con phải nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ và làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn.

Phật tử nói về chữ Hiếu mùa Vu Lan - ảnh 1
Phật tử Nguyễn Thị Thái, pháp danh Diệu Hiền (trú tại Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Năm nay, ngày Vu Lan rơi vào thứ 6 (tức 12/8 dương lịch). Mới đầu tháng 7 âm lịch, song lượng người đến chùa làm lễ rất đông. Sau 2 năm dịch bệnh, năm nay, ngày lễ Vu Lan báo hiếu được tổ chức trang trọng tại các chùa. Phật tử hào hứng về chùa tụng kinh, niệm Phật, tỏ lòng hiếu thảo, cài hoa hồng lên áo, dạy các con luôn giữ đạo Hiếu suốt cuộc đời. Đặc biệt, có chùa tổ chức cho các con 8 tuổi trở lên tu ngày Vu Lan, thực hiện các hoạt động như: Rửa chân cho bố mẹ, hướng các con làm việc hiếu thảo việc thiện… Đây cũng là dịp để mỗi người sống nên chọn lối sống chậm lại, biết yêu thương, chia sẻ nhiều hơn nữa khi cuộc sống ngày càng trở nên xô bồ, khắc nghiệt và hối hả hơn. 

2

Phật tử Đặng Thị Kim Liên (pháp danh Tịnh Khiết, trú tại Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội): Đến chùa làm lễ vẫn không nên lơ là chống dịch

 Vu Lan báo Hiếu theo truyền thống Phật giáo là để mọi người tri ân 4 mối quan hệ: Ơn cha mẹ sinh thành, thầy cô dưỡng dục, quốc gia dân tộc, chúng sinh cộng đồng xung quanh mình. Bên cạnh đó, ngoài miền Bắc còn có truyền thống cúng cầu siêu xá tội vong nhân vào rằm tháng 7. Đây cũng không nằm ngoài sự báo đáp 4 trọng ân trên. Tưởng nhớ đến gia tiên tiền tổ, thầy cô, bạn bè, người thân quen biết đã khuất bóng, trong dịp rằm tháng 7 rất phù hợp với Hiếu đạo người Việt.

Phật tử nói về chữ Hiếu mùa Vu Lan - ảnh 2

Sau 2 năm dịch bệnh phải tổ chức online, năm nay, các chùa bắt đầu tổ chức Vu Lan trực tiếp với quy mô vừa phải. Nhiều phật tử đến chùa để làm lễ Vu Lan, song nhà chùa vẫn chủ động giãn số lượng như: Khống chế số lượng phật tử tham gia đàn lễ, số lượng phật tử vào lễ chùa trong 1 lần. Các phật tử cũng chấp hành nghiêm quy định 5K, không lơ là khi đến nơi tụ tập đông người. 

Theo tôi, bên cạnh việc đến chùa làm lễ Vu Lan, các con có cách báo đáp xứng đáng nhất cho công cha mẹ sinh thành, dưỡng dục là mỗi người hãy là một công dân tốt, có ích cho xã hội. Trong gia đình, ngoài sự quan tâm, chăm sóc cha mẹ, còn cần biết ơn gia tiên tiền tổ đã truyền trao cuộc sống cho mình. Báo đáp tổ tiên, cha mẹ không phải chỉ theo ngày, theo tháng mà là theo suốt cuộc đời của mỗi người, qua những hành động thiết thực, ý nghĩa mỗi ngày…

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.