Phớ đây...!

BẢO ANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hà Đông là một thị xã hiền hòa nằm yên ả ven bờ sông Đáy. Những năm 90 của thế kỷ trước, cuộc sống còn nhiều khó khăn, vui chơi giải trí cho trẻ em không có nhiều. Đời sống của người dân cũng chỉ khá hơn ở nông thôn đôi chút, do ở gần với Thủ đô hơn so với những vùng khác.

Trước khi trở thành một quận của thành phố Hà Nội, Hà Đông là một thị xã hiền hòa nằm yên ả ven bờ sông Đáy. Những năm 90 của thế kỷ trước, cuộc sống còn nhiều khó khăn, vui chơi giải trí cho trẻ em không có nhiều. Đời sống của người dân cũng chỉ khá hơn ở nông thôn đôi chút, do ở gần với Thủ đô hơn so với những vùng khác.

Nhớ về tuổi thơ bên thị xã nhỏ, trong tôi hiện lên rõ nhất hình ảnh gánh tào phớ trưa chiều mùa hè. Ký ức thời 5-6 tuổi sống lại trong tâm trí tôi như những thước phim quay chậm, vô cùng rõ nét. Trẻ con mải chơi, chỉ chờ đến giờ trưa, lừa lúc cả nhà ngủ là trốn ra ngoài gọi nhau đi bêu nắng. Bóng của những ngôi nhà nhấp nhô tạo thành từng khối vuông thành sắc cạnh in trên mặt đường bê tông của khu phố nhỏ. Nắng hè chang chang, chỉ có một lũ trẻ con sàn sàn tuổi chạy chơi, bất chấp thời tiết cũng như sức khỏe. 

Phớ đây...! - ảnh 1
Ảnh minh họa

Món ăn yêu thích nhất của chúng tôi lúc bấy giờ là tào phớ. Tầm đầu giờ chiều, hay có những ngày sớm hơn, khoảng 11-12 giờ trưa, một tiếng rao lảnh lót vang lên dọc con phố nhỏ:

- Phớ đây... phớ đây...!

Không chờ đến tiếng thứ ba, lũ trẻ ào ra như bầy ong vỡ tổ, xúm xanh xúm đỏ lấy bà bán hàng. Chẳng biết bà tên là gì, người ở đâu, bao nhiêu tuổi, lũ trẻ chỉ cần biết tào phớ của bà ngon tuyệt, mà lại còn rẻ. Chỉ năm trăm, hay một ngàn đồng là đã được một bát phớ mát lạnh. Vài cục đá bỏ vào trong bát, bàn tay gầy guộc của “bà phớ” khẽ hớt từng lớp phớ mỏng tang, trắng tinh, rót nước đường rồi nhỏ thêm vài giọt dầu chuối. Lắc bát vài vòng cho đều, chúng tôi xì xụp húp từng miếng quà chiều ngọt thanh, thơm mát. Mùi dầu chuối làm dậy thêm cái hương vị ngầy ngậy của thức quà bình dị. Có đứa đùa khỏe quá, khát cháy cổ, mồ hôi vã ra như tắm, đòi bỏ thêm đá, húp lấy húp để rồi đến tối về sốt rên hừ hừ, mấy hôm sau khỏe lại, lại đòi thêm đá... 

Phớ đây...! - ảnh 2
Ảnh minh họa

Trốn đi chơi, đi bêu nắng nhiều quá, tôi bị chú ruột phát hiện. Ông chấp nhận việc cháu gái không ngủ trưa, nhưng ông không cho phép tôi được rời khỏi nhà trong lúc mọi người đang nghỉ. Tôi bị nhốt trong nhà, ủ rũ nhìn lũ trẻ quây quanh bà tào phớ, lòng buồn rười rượi. Chị Nga nhìn tôi, rồi luồn thìa qua song cửa, xúc cho vài thìa tào phớ “cho đỡ thèm”. Chị Nga là chị hàng xóm, mẹ tôi kể, bố mẹ chị đi Liên Xô mấy năm, đến lúc về Việt Nam thì dắt theo chị về. Tôi không nhớ chị và tôi chơi với nhau từ khi nào. Nhưng nếu tuổi thơ của chúng tôi là một tập ảnh, thì chắc chắn rằng bức hình nào chúng tôi cũng có nhau. 

“Bà phớ” người gầy nhỏ, mà gánh được cả hai thúng đầy đồ. Một đầu quang gánh đựng nồi óc đậu, đầu kia là một cái kệ hai tầng, tầng trên để bát thìa, tầng dưới là một thùng xốp nhỏ đựng đá và một ca nước đường to, kê trên một xô nước nhỏ để tráng rửa bát thìa.  Phục vụ xong đám trẻ con, “bà phớ” cặm cụi vuốt lại phẳng phiu những đồng tiền lẻ, có tờ nhàu nát, có tờ bị rách dán băng dính chằng chịt, có tờ chua lòm mùi nước dưa, chắc của thằng Toàn đầu ngõ, nhà bán dưa muối.

Tôi lúc đó chưa lớn, nhưng cũng bất chợt chạnh lòng khi thấy khác hẳn với nồi tào phớ trắng ngần, là bàn tay gân guốc, đen đúa của người phụ nữ quanh năm quen với sương gió, biết được rằng để làm một nồi tào phớ to như vậy, “bà phớ” cũng không tốn ít công sức. Số tiền bà bán hàng thu được, chắc cũng chỉ đủ đong gạo qua ngày.

Phớ đây...! - ảnh 3
Ảnh minh họa

Tào phớ bây giờ không đơn giản đến mức đơn điệu như xưa. Các bạn trẻ sẽ không còn bắt gặp gánh hàng rong nào trên phố, thay vào đó, các bạn vào các cửa hàng có đủ ghế ngồi, điều hòa quạt mát để thưởng thức thứ quà bình dân có đủ thạch đen, trân châu, nước cốt dừa. Tiếng rao “phớ đây” cũng dần dần lùi vào quá khứ xa vời, nhường chỗ cho những bài đăng quảng cáo, marketing online trên mạng xã hội.

Trẻ thơ thời hiện đại có cơ man thú vui, được tiếp xúc rất nhiều với công nghệ, với nhiều thứ đồ chơi mà tuổi thơ của tôi từng nghĩ chắc chỉ có ở thế kỷ 22. Chúng có điện thoại thông minh, máy tính bảng, hay được thử qua nhiều món ăn ngon, lạ như hamburger, gà rán, bánh xèo, nem lụi... Chứ như thời của cuối 8x, đầu 9x trước đây, đồ ăn vặt chẳng có là bao. Mỗi khi nhớ về tuổi thơ của mình, lòng tôi lại trào lên cảm giác bâng khuâng khó tả. Bát tào phớ ngọt thanh giữa trưa mùa hè, người phụ nữ nhỏ bé cùng hai quang gánh nặng trĩu, cùng tiếng rao vang vọng trên con đường nắng rải đầy, mãi mãi trở thành một mảnh ghép không thể nào thiếu trong bức tranh tuổi thơ của tôi nơi thị xã ven đô đầy thương nhớ.

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.