Phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhằm thúc đẩy bình đẳng giới

Chia sẻ

Những vụ việc quấy rối, cưỡng bức tình dục tại nơi làm việc gần đây do nạn nhân lên tiếng tố cáo, khiến dư luận một lần nữa đặt ra vấn đề cần có chế tài bảo vệ phụ nữ tại nơi làm việc, thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo an toàn cho phụ nữ.

Phụ nữ cần được bảo vệ tốt hơn

Vụ nữ nhà thơ D.T.P tố cáo một Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ đã cưỡng hiếp và vu khống mình cách đây 23 năm hay vụ V.N.H (trưởng phòng Maketting của một bệnh viện lớn ở Hà Nội) tố cấp trên của mình đe doạ, cưỡng bức mình quan hệ tình dục… khiến dư luận xôn xao. Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần có chế tài bảo vệ phụ nữ và các quy định về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc hiệu quả hơn.

Mặc dù theo quy định của pháp luật, hành vi quấy rối tình dục bị nghiêm cấm, song những vụ việc quấy rối tình dục vẫn cứ diễn ra, và nạn nhân hầu hết là nữ. Các nạn nhân thường có độ tuổi trẻ, từ 18-30 tuổi. Tuy nhiên, quan niệm, sự xấu hổ cũng như nỗi sợ mất việc đã khiến nhiều nạn nhân bị quấy rối không dám lên tiếng.

Quấy rối tình dục cũng xảy ra với nhóm làm việc ở khu vực phi chính thức và nhóm lao động giúp việc gia đình. Theo kết quả phỏng vấn của Tổ chức lao động quốc tế ILO đối với nữ lao động giúp việc gia đình, nhiều người trong số họ cho biết đã chứng kiến hoặc họ chính là nạn nhân bị các hành vi như sờ mó, đụng chạm vào cơ thể; cho tiền để rủ rê, đổi chác tình dục; trêu chọc, tán tỉnh thô tục… từ các ông chủ. Nếu phản ứng chống đối, họ có thể bị mắng chửi, coi thường, thậm chí bị xúc phạm, miệt thị. Nguy cơ bị lạm dụng, quấy rối tình dục của nhóm lao động này khá cao, bởi đặc thù công việc là đi lại nhiều khu vực khác nhau, làm việc trong hộ gia đình…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể để lại hậu quả nặng nề cả về kinh tế và xã hội. Về mặt kinh tế, năng suất lao động của các doanh nghiệp bị giảm, vì quấy rối tình dục làm giảm các mối quan hệ lao động. Quấy rối tình dục còn làm tăng biến đổi nhân sự và việc tăng lương cần thiết để giữ chân người lao động. Do đó, cần tăng cường nhận thức cho người dân và thúc đẩy việc thực thi luật để đảm bảo phụ nữ không bị quấy rối tình dục, đảm bảo bình đẳng giới tại nơi làm việc.

Bà Hoàng Tú Anh, Chủ tịch Mạng lưới tiên phong trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam (GBVNet), Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khoẻ và dân số (CCIHP), đa số nạn nhân của quấy rối tình dục thường ít lên tiếng vì việc chứng minh mình bị quấy rối tình dục không dễ dàng. Một vụ bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục có thể dễ dàng bị đổi thành “xô xát”, không đồng thuận có thể bị biến thành đồng thuận. Đặc biệt, những phụ nữ được coi là không chuẩn mực, bao gồm cả việc xinh quá, ăn mặc đẹp quá, tài năng quá, nói chuyện bặt thiệp, duyên dáng quá, nhất là với đồng nghiệp nam cũng rất dễ bị gán cho “nhãn mác” về đạo đức và bị đổ lỗi. “Quấy rối xâm hại tình dục có gốc rễ sâu xa là bất bình đẳng giới và các bất bình đẳng xã hội khác. Khi chưa có sự thay đổi trong các vấn đề này thì quấy rối và xâm hại tình dục vẫn xảy ra. Thêm nữa, thái độ đổ lỗi cho nạn nhân, việc công lý không được thực thi và sự im lặng của nạn nhân cũng khiến kẻ quấy rối không tôn trọng pháp luật và dễ phạm tội hơn” – bà Hoàng Tú Anh nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cần chủ động

Tình trạng quấy rối tình dục nơi công sở đã và đang là một vấn đề nhức nhối và cần nhìn nhận thẳng thắn nhằm bảo vệ quyền lợi lao động nữ, đảm bảo bình đẳng giới. Ở nhiều ngành nghề, tình trạng làm thêm giờ, làm tăng ca khiến cho lao động nữ bị ảnh hưởng đến cuộc sống riêng như nuôi con nhỏ, sức khoẻ và có thể có nguy cơ cao bị quấy rối tình dục nơi công sở… Do đó, để đảm bảo và thúc đẩy bình đẳng giới, một số doanh nghiệp đã đưa ra quy định cấm quấy rối tình dục vào nội quy lao động và thoả ước lao động tập thể, hoặc chính sách nội bộ của công ty với sự giúp đỡ của chương trình thí điểm do Tổ chức Lao động Quốc tế ILO và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng xây dựng các chương trình truyền thông, tổ chức các hoạt động tập huấn để nâng cao nhận thức cho người lao động và người sử dụng lao động về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Theo lãnh đạo ILO tại Việt Nam, quấy rối tình dục là một dạng bạo lực tại nơi làm việc và vấn đề này cần được giải quyết triệt để vì quyền lợi hợp pháp của mỗi người lao động, nhằm đảm bảo môi trường làm việc lành mạnh và năng suất.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Hiện, cả nước có khoảng trên 4 triệu lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó số lao động nữ chiếm khoảng 60%. Một số ngành nghề như dệt may, da giày, thủy sản, lắp ráp điện tử... lao động nữ chiếm 70-80% lực lượng lao động của doanh nghiệp. Do đó, việc truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; biên soạn cẩm nang tuyên truyền, hướng dẫn mô hình điểm về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong công nhân viên chức lao động, đặc biệt là công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ quan hành chính sự nghiệp là vô cùng cần thiết và cấp bách.

Mới đây, ILO đã ra mắt Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong nửa đầu năm 2022. Bộ Quy tắc ứng xử thể hiện cam kết 3 bên: Chính phủ, các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động, với mục tiêu nâng cao nhận thức về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, hỗ trợ thực hiện các quy định có liên quan trong Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định số 145 ở cấp doanh nghiệp. Cùng với việc cập nhật Bộ Quy tắc ứng xử, cuốn Sổ tay hướng dẫn phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi công sở cung cấp cho người sử dụng lao động và người lao động tại nơi làm việc các cách cụ thể để ngăn chặn và giải quyết tình trạng quấy rối tình dục, tạo môi trường làm việc bình đẳng và lành mạnh.

Bà Hoàng Tú Anh cho rằng, để ngăn chặn xâm hại, quấy rối tình dục tại nơi làm việc cần có những giải pháp cụ thể và quyết liệt hơn, như sớm đưa vấn đề giáo dục tình dục toàn diện vào nhà trường; cụ thể hoá hành vi quấy rối và xâm hại tình dục trong luật; những cá nhân có hành vi quấy rối tình dục cần bị cấm tham gia một số công việc như không được tiếp cận nhiều người, không tham gia quản lý hay ứng cử vào vị trí lãnh đạo, đại sứ các chương trình… Các cơ quan, doanh nghiệp cần có quy định thể hiện cam kết của các đơn vị về phòng chống quấy rối và xâm hại tình dục tại nơi làm việc; có cơ chế để người lao động báo cáo vụ việc, tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ tại nơi làm việc và ngoài nơi làm việc dễ dàng…

AN TÚ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.