Phụ nữ sao không thể độc thân?

NGUYỄN THỊ HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bữa đó, Lê về nhà, nhìn mặt bố mẹ, cô biết ngay ông bà đang giận mình. Quả nhiên, khi Lê xuống bếp giúp mẹ nấu cơm thì bà vùng vằng, nói dỗi: “Hai thân già này có thể tự lo cho nhau, không khiến cô suốt ngày quanh quẩn quanh chúng tôi. Cứ mãi thế này, tôi và bố cô chết không nhắm được mắt”.

Lê chẳng biết làm gì ngoài việc lẳng lặng ra ngoài cho mẹ khỏi thấy cô lại thêm bực. Trước đây, mỗi lần hai mẹ con xung đột, bố thường đứng ra giảng hòa. Lần này, rõ là ông nghe rõ câu chuyện nhưng vẫn lặng thinh.

Vì thế mà hơn bao giờ hết, Lê thấy mình có lỗi với cả bố mẹ. 

Sau bữa cơm, mẹ gọi Lê ra phòng khách nói chuyện. Bà bắt đầu bằng câu hỏi Lê đã biết Phong sắp lấy vợ chưa? “Mẹ biết ngay, làm gì có đứa đàn ông nào chấp nhận thái độ nhùng nhằng của con. Giờ, con phải hiểu mình ở thế yếu. Còn đàn ông ý, tuổi nào họ cũng lấy được vợ, còn là vợ trẻ, khỏe hơn mình”, mẹ Lê nói mà như than.

Bố Lê vẫn giữ im lặng, nhưng cách ông lặng lẽ vớ lấy chiếc điếu cày, rít một hơi dài rồi nhìn ra xa xăm chứng tỏ lòng ông cũng đang trĩu nặng. Lê biết tính bố, khi không giận thì ông còn nói. Càng giận, càng buồn thì ông càng lặng im. Cái hồi Lê không nghe ông, cứ tự quyết bỏ làng lên thành phố lập nghiệp, bố Lê cũng như vậy. 

Người đàn ông tên Phong mà mẹ Lê nhắc tới ấy, có lẽ là người cuối cùng ở làng này, ở lứa của Lê còn độc thân. Hồi còn học phổ thông, Lê và người đó từng quen biết nhau. Sau đó, người đó đi xuất khẩu lao động ở Nga hơn 10 năm, Lê cũng lên thành phố nên cả hai không còn lưu giữ gì, dù chỉ là chút ký ức nhỏ về nhau. 

Khi Lê bước qua tuổi 30 mà chưa có người yêu, bố mẹ bắt đầu sốt ruột, giục Lê nên để tâm tới chuyện chồng con. Mẹ Lê không yên tâm cho Lê ở thành phố một mình vì nghĩ Lê sẽ ham việc nên sống chết kéo Lê về làng. Lê nể mẹ quá nên trở về rồi tìm công việc ở gần nhà. Lê nghĩ mình cũng cần phải báo hiếu bố mẹ rồi.

Phụ nữ sao không thể độc thân? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nhưng Lê không bao giờ nghĩ, về ở cùng bố mẹ, cô lại phải chịu nhiều áp lực đến thế. Bố mẹ cô không quen nhìn cảnh con gái lớn cứ vò võ một mình. Ông bà liên tục than thở, sinh ra Lê có đến nỗi nào mà sao lại không có người khác giới nào để ý đến. 

“Đàn bà con gái đến tuổi mà không lấy được chồng sẽ bị thiên hạ dị nghị, khổ lắm con ạ. Chưa kể sau  này, con phải sống cảnh cô độc, mà bố mẹ đâu thể cứ ở mãi bên con được”, mẹ Lê nói.

Than vãn chán, mẹ Lê bắt đầu tìm đủ mọi phương cách để thúc cho Lê sớm lấy được chồng. Nghe nói Lê bị vậy là do nặng vía, bà cất công tìm thầy tìm thợ, rồi đổ vào đó bao nhiêu tiền lễ lạt. Đi thầy gần không hiệu nghiệm, bà cất công lên tận thầy xa, đi xe ôtô nửa ngày trời mới tới. Vậy mà vẫn không có kết quả. Nghe các thầy phản hồi là do Lê chưa thành tâm, bà quay sang trách móc Lê.

 “Mẹ mất công, mất sức, lao tâm khổ tứ cũng là vì hạnh phúc của mày, vậy mà mày cũng không phối hợp cho tốt. Hay mày còn muốn mẹ phải quỳ xuống xin thì mày mới nghe theo”.

Bị mẹ mắng, Lê thấy mình quá oan uổng. Người ta cứ bảo Lê không thành tâm, nhưng cái tâm đó đâu có ai nhìn thấy. Chỉ là Lê không tin vào mấy trò mê tín nên không đi theo mẹ lễ thầy. Còn sâu thẳm, Lê cũng mong tìm được người bạn đời phù hợp lắm chứ.

Hồi ở thành phố, Lê cũng đã từng yêu một người. Nhưng sau đó, mối tình tan vỡ do anh ta có người mới. Lê cũng  chẳng níu kéo gì vì cô nghĩ, tình yêu phải đến từ hai phía. Khi anh ta không còn yêu thì Lê cũng chẳng cần. Rồi thời gian trôi vèo như chớp mắt, thấm thoắt mà Lê đã bước qua tuổi 30. Lê chưa có cơ hội để yêu một người khác. Bạn bè cũng mấy lần mai mối cho Lê nhưng đều không thành.

Phụ nữ sao không thể độc thân? - ảnh 2
Ảnh minh họa

Và khi người đàn ông tên Phong này trở về làng sau nhiều năm ở nước ngoài, mẹ Lê nhanh chóng “bắt mối” để tác hợp cho Lê. Mẹ Lê mừng lắm, còn thầm coi Phong như đã là rể trong nhà. Bà cũng mặc định Lê phải đồng ý qua lại với Phong, vì đây là cơ hội may mắn cuối cùng còn lại.

Quả thực, Lê cũng đã cố gắng mở lòng, nhưng sau nhiều lần trò chuyện, Lê thấy mình không hợp với Phong. Lê và Phong nếu lấy nhau, thì hôn nhân sau này cũng sẽ không hạnh phúc. Mà Lê thì không chấp nhận kiểu hôn nhân tạm bợ, lấy cho xong chỉ để tuyên bố là mình đã có chồng, còn sau này sống ra sao hạ hồi phân giải. Vì thế, Lê quyết định không tiến tới nữa. Còn Phong nhiều lần qua lại, thuyết phục, cưa cẩm Lê nhưng không đạt kết quả. Đến bây giờ thì Phong đã lấy người khác.

Vì chuyện này mà mẹ Lê giận cô. Bà tiếc Phong ra mặt, còn coi Lê như tội đồ vì đã tự mình phá hoại hạnh phúc của bản thân cũng như đập vỡ niềm hy vọng còn sót lại của bố mẹ.

Ở tuổi ngoài 30, Lê thấy mình không còn trẻ, nhưng cũng chưa phải quá già. Cô tin rồi mình sẽ còn nhiều cơ hội ở phía trước. Biết đâu có ngày, cô sẽ gặp được người đàn ông của đời mình. Cô muốn mình sẽ bước vào đám cưới với tất cả niềm hạnh phúc.

Còn trong trường hợp người đó vĩnh viễn không xuất hiện, cũng chẳng sao, Lê sẽ sống độc thân, hoặc là xin con nuôi, hoặc là đến bệnh viện nhờ hỗ trợ giúp cô làm mẹ. Lê thấy tất cả khả năng đó hoàn toàn có thể xảy ra và nó rất bình thường ở xã hội rất cởi mở này. Nhưng, khi biết ý định đó, mẹ Lê đã nổi giận, bà cấm Lê làm mẹ đơn thân. Bà cũng không ủng hộ Lê xin con nuôi vì nghĩ đứa trẻ “khác máu tanh lòng” chẳng phải huyết thống với bà. 

“Có phải mày nung nấu ý định đó rồi nên tìm cách né tránh các cơ hội kết hôn phải không? Mẹ nói nhé, đến lúc chết mẹ cũng không đồng  ý để mày bôi tro trát trấu vào gia đình, dòng họ. Cái gì mà làm mẹ đơn thân, cái gì mà ở vậy suốt đời. Mày có biết chỉ có đàn bà không ra gì mới bị vậy không? Mày có muốn người ta nghĩ mẹ mày thất đức và không biết dạy con không?”, mẹ Lê vừa nói, vừa khóc.

Mấy hôm sau, Lê lại nghe mẹ nói đã nhờ người tìm mối cho Lê. “Ở làng bên, mẹ nghe các bà nói có đứa hơn con hơn 1 giáp, hơi già rồi nhưng không sao. Để mẹ kết nối, lần này mày phải nghe mẹ”.

“Mẹ buồn cười nhỉ, hạnh phúc của con, sao cứ lắp ghép kiểu cơ học vậy. Con đã biết người ta thế nào đâu mà gật đầu”, Lê phản đối.

“Mày bỏ ngay suy nghĩ ấy đi. Yêu ai, lấy ai thì cũng chỉ được vài năm rồi vợ chồng sống với nhau chỉ còn cái nghĩa. Và cơ bản là mày cần lấy chồng ngay để còn kịp sinh con. Mà cháu mẹ thì phải có bố, có nguồn gốc rõ ràng. Mẹ không chấp nhận kiểu cháu giời ơi từ đâu rơi xuống”.

Vẫn là kiểu suy nghĩ “lấy chồng cho xong” cốt để hợp thức hóa đứa con của mẹ. Vừa nói xong, mẹ Lê vội chạy đi lấy điện thoại, ý là gọi điện để nhờ người mai mối cho Lê.

Mẹ Lê không cần hiểu rằng, là người trong cuộc, cô cũng rất khổ tâm nhưng Lê không muốn bị bố mẹ gây áp lực theo kiểu này. Lê có suy nghĩ riêng của  mình. Đã có lúc Lê nghĩ, về nhà với bố mẹ mà suốt ngày bị dằn vặt chuyện chồng con thì thà Lê lại xách ba lô và đi lên thành phố cho xong…

Bên tai Lê văng vẳng lời mẹ: “Lần này mày không đồng ý đến với thằng đó thì đừng về nhìn mặt mẹ nữa”. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.