Quán cà phê hậu ly hôn

Nguyễn Thị Phương Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tôi manh nha cái ý tưởng mở quán cà phê Hậu Ly Hôn khi cuộc hôn nhân của tôi và Phong có dấu hiệu rạn nứt.

Thực ra đó là hệ quả của những đêm dài trằn trọc với những nỗi buồn, nỗi đau và những trăn trở cho những ngày tháng sau ly hôn. Tôi sẽ sống ra sao với sự chông chênh. Tôi sẽ đối diện với cuộc sống mới như thế nào? Dũng cảm đương đầu hay thu mình trốn tránh?

Rồi tôi tưởng tượng ra cảnh tôi suốt ngày giấu mình trong góc một cái quán cà phê yên tĩnh nào đó để gặm nhấm nỗi buồn. Nhưng nếu cứ sa lầy mãi như vậy thì cũng không được. Và rồi một ý tưởng vụt đến: Sao mình không tự mở một cái quán cà phê cho chính mình, cho những người cùng hoàn cảnh với mình ẩn náu?

Đó sẽ là nơi tụ tập của những tâm hồn đang bị tổn thương, và rất có thể, những tâm hồn đó sẽ an ủi lẫn nhau, cùng vượt qua cú sốc hậu ly hôn. Nếu có duyên, sẽ có những cặp đôi mới hình thành. Vậy chẳng phải quán sẽ là cầu nối hạnh phúc sao. Và quan trọng, tôi sẽ không có thời gian rảnh rỗi mà buồn khổ.

Quá trình tòa án xử lý cuộc ly hôn cũng là quá trình tôi sắp đặt quán cà phê trong mơ của mình. Ly hôn cũng nhẹ nhàng và nhanh chóng như khi chúng tôi cưới nhau. Cảm thấy đến lúc phải cưới thì cưới. Giờ lại cảm thấy đến lúc phải chia tay thì chia tay.

Bố mẹ hai bên lắc đầu: Đúng là một lũ trẻ con! Chỉ băn khoăn nhất là cô con gái năm tuổi. Cả hai chúng tôi đều yêu nó vô cùng. Dường như tình yêu không dành cho nhau chúng tôi đều dồn cho nó. Không ai muốn con cái bị tách ra khỏi bố hoặc mẹ. Cuối cùng, chúng tôi thống nhất với giải pháp: Tôi nuôi con, Phong chu cấp hàng tháng. Tôi đưa con đi học buổi sáng. Ông bà nội sẽ đón cháu khi tan học, đưa về nhà tắm rửa, ăn uống, tối xong mọi việc tôi đến đón về nhà tôi đang thuê. Ngày nghỉ con sẽ ở với tôi. Hôm nào tôi bận không đón về được thì con sẽ ở lại với ông bà nội và bố.

Việc sắp đặt quán chiếm của tôi rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Tôi vẫn đang đi làm, chỉ tranh thủ thời gian rỗi và những ngày cuối tuần mới qua được. Mọi chuyện tôi đều khoán cho một đơn vị chuyên môn. Mặt bằng là toàn bộ tầng một của một căn biệt thự có giàn hoa sử quân tử sai trĩu.

Trước đây, mỗi lần có dịp đi qua ngôi nhà này tôi đều ngắm nhìn và ao ước. Và khi nảy ra cái ý tưởng mở quán cà phê tôi nghĩ ngay đến ngôi biệt thự ấy. Tôi mạnh dạn đến điều đình với chủ nhà. Sau khi nghe tôi trình bày ý tưởng, ông bà chủ nhà gật đầu ngay lập tức. Thực ra họ không cần tiền tới mức phải cho thuê nhà, nhưng họ thích cái ý tưởng của tôi: Một cái quán cà phê dành cho người sau ly hôn.

Quán cà phê hậu ly hôn - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Cùng lúc với quá trình sắp đặt, sắm sửa cho quán, tôi vừa treo biển tuyển dụng nhân viên pha chế và phục vụ trước cửa quán vừa đăng trên mạng. Khâu này tưởng đơn giản mà lại quá đỗi gian nan. Gần đến ngày khai trương quán mà tôi mới chỉ tuyển được hai người phục vụ, còn nhân viên pha chế thì không thấy ai ứng tuyển.

Tôi đang trò chuyện với ông bà chủ về khó khăn đó thì có chiếc xe máy đỗ xịch trước cửa quán, một đôi trai gái đi vào. Cô gái mặc chiếc áo tối màu, cổ thuyền làm tôn lên làn da trắng sứ, mái tóc búi cao để lộ chiếc cổ kiêu kỳ. Cô gái đến xin làm nhân viên pha chế. Cô được đào tạo bài bản.

Trước đây cô đã làm cho các quán cà phê trên phố, sau đó nghỉ sinh con cho đến bây giờ. Hôm nay tình cờ cùng chồng đi qua đây, thấy cái tên quán ấn tượng, lại đang treo biển tuyển nhân viên pha chế, bèn nảy ra ý nghĩ xin vào làm.

Cô gái tên Thanh, tên như người, người như tên, thanh thoát, nhẹ nhàng. Cô như một phần của quán cà phê. Càng làm việc Thanh càng tỏ ra là một người có tay nghề cao và có trách nhiệm với công việc. Dần dần, tôi giao luôn việc quản lý quán cho Thanh vì còn bận việc công ty và con cái. Tôi chỉ ghé quán lúc sáng sớm và khi tan tầm. Còn lại, tôi chủ yếu check camera, chụp ảnh, viết bài lên trang fanpage của quán để quảng bá quán.

Quán dần dần đông khách. Đối tượng chủ yếu là phụ nữ. Có người đã ly hôn, có người sắp ly hôn. Đàn ông sau ly hôn ít khi chọn quán cà phê là điểm đến. Một là họ sẽ vùi đầu vào công việc, hai là họ sẽ vùi đầu vào cốc bia, cốc rượu với đám bạn nhậu. Họ không chịu nổi khi ở một mình. Họ không dám đối diện với cô đơn. Họ cần có đồng bọn.

Phụ nữ thì ngược lại. Họ thích gặm nhấm nỗi buồn, nỗi cô đơn. Sau khi ly hôn là khoảng thời gian trống trải, vô định. Có nhiều người tỏ ra bất cần. Những người này thường ăn mặc rất diện, trang điểm lộng lẫy. Họ dành phần lớn thời gian tạo dáng để chụp ảnh post facebook để ai đó thấy rằng họ hoàn toàn ổn, đẹp hơn, quyến rũ hơn và hoàn toàn sống tốt sau khi ly hôn.

Tuy nhiên, tôi hiểu họ, khi càng cố gắng tỏ ra bất cần thì càng chứng tỏ vẫn còn lưu luyến, còn quan tâm đến cảm xúc đối phương. Lại có người cứ đến quán là tìm một góc khuất để lặng lẽ suy tư. Thường là họ len lén vào trang cá nhân của đối phương mày mò, lục lọi xem người kia sống như thế nào, tâm trạng ra sao, có gì mới không, có đề cập đến mình không.

Có khi lại ngồi bất động hàng giờ ngắm nhìn bức ảnh của người cũ, để mặc cho nước mắt rơi ướt nhòe.

Mục đích của tôi khi mở quán cà phê Hậu Ly Hôn là để an ủi, xoa dịu những người đã và đang trải qua cú sốc ly hôn, là nơi để họ gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ cảm xúc, an ủi, động viên nhau, tạo lập các mối quan hệ mới. Tuy nhiên, có vẻ tôi không đạt được mục đích đó. Hầu hết khách đến quán của tôi không có nhu cầu giao lưu với nhau. Ai cũng muốn yên tĩnh, muốn chìm đắm trong thế giới riêng của mình, không muốn thoát ra.

Thỉnh thoảng cũng có khách hàng là đàn ông ghé vào quán. Họ ghé vào đây không vì tò mò với cái tên quán, không để tìm kiếm đối tượng cùng hoàn cảnh để kết bạn, giao lưu. Họ đến đây là vì Thanh. Thường thì họ sẽ gọi một cốc cà phê, ngồi hàng giờ ngắm nhìn Thanh làm việc.

Quán cà phê hậu ly hôn - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Chồng Thanh yêu Thanh lắm. Anh ta làm việc cho công ty gia đình nên có nhiều thời gian, rất hay ghé qua quán. Quán đông khách thì anh ta phụ vợ pha chế đồ uống, quán ít khách thì anh ta ngồi cạnh vợ rì rầm trò chuyện. Họ rất hay nói chuyện với nhau, lúc nào cũng ríu rít như đôi chim câu.

Ngắm nhìn họ bên nhau, tôi nghiệm ra một điều, vợ chồng có hạnh phúc hay không chính là có hay nói chuyện với nhau hay không. Khi đã không còn chuyện gì để nói nữa là lúc không còn quan tâm đến nhau, như vợ chồng tôi giai đoạn chuẩn bị ly hôn. Ngắm nhìn vợ chồng Thanh, tôi chỉ ao ước khoảnh khắc đó sẽ là mãi mãi.

Quán càng đông khách tôi càng bận. Nhiều hôm tôi chẳng ăn uống gì. Vừa không có thời gian ăn vừa không muốn ăn. Thanh hay chuẩn bị cho tôi lúc thì bát chè bưởi nước cốt dừa thanh mát, lúc thì mấy cái bánh bao kim sa nhỏ xinh, lúc lại hộp xôi gà nấm thơm lừng còn nóng hổi. Tôi là kiểu phụ nữ lười ăn nhưng riêng chè thì lúc nào cũng ăn được. Thanh hiểu tôi quá. Càng ngày tôi càng thấy phụ thuộc vào cô.

Tôi càng bận thì có nghĩa là con gái càng phải thường xuyên ngủ lại cùng ông bà nội với bố. Có vài lần Phong đưa con gái ra quán cho con gặp mẹ hoặc để mẹ đưa về nhà. Con bé rất thích chơi với Thanh. Lâu lâu không được ra quán là nó lại khóc đòi ra, khiến cho bố nó cũng khó xử.

Gần đây Phong hay đến quán một mình. Gọi một cốc cà phê rồi ngồi một góc suy tư. Có lần bắt gặp, tôi đùa: Anh cũng là một người hậu ly hôn mà nhỉ. Nếu thích thì thỉnh thoảng anh cứ qua đây uống cà phê, ngắm cô Thanh, đừng ngại. Nghe tôi trêu chọc vậy, Phong lầm bầm: Tôi qua đây không phải để ngắm cô Thanh!

Những lúc rảnh, tôi hay trò chuyện với Thanh. Tôi hỏi chồng em có sợ vợ làm việc trong môi trường toàn người ly hôn như thế này bị nhiễm tư tưởng muốn ly hôn không? Thanh cười, lắc lắc cái cổ cao trắng gần. Em tin rằng vợ chồng em sẽ không bao giờ ly hôn. Ly hôn không phải do hoàn cảnh mà là do suy nghĩ chị ạ. Nếu như ai đó muốn ly hôn thì mọi việc họ làm, mọi điều họ nghĩ đều dẫn đến việc ly hôn, thúc đẩy nhanh quá trình ly hôn.

Còn ai không muốn ly hôn thì khi có dấu hiệu nào đó họ sẽ tìm cách cải thiện tình hình, tìm cách sửa chữa, không để sự việc tồi tệ hơn. Vợ chồng nào chả có những lúc xảy ra mâu thuẫn, bọn em cũng thế thôi. Nhưng bọn em luôn thẳng thắn trò chuyện với nhau để tìm cách tháo gỡ, giải quyết mâu thuẫn.

Nên dù xung quanh em có rất nhiều người ly hôn nhưng em không bị ảnh hưởng tâm lý, mà ngược lại, em càng hiểu, càng biết mình sai ở đâu để kịp thời sửa chữa, khắc phục.

Thấy có khách vào quán, Thanh đứng lên. Tôi nhìn theo ra cửa. Một đôi khách quen của quán! Vậy là đã có tín hiệu vui rồi. Còn khoảnh khắc nào quý giá, thuyết phục hơn! Tôi vội đưa điện thoại lên chụp ngay vài bức ảnh cho bài viết mới.

Trước khi bước vào quầy pha chế, Thanh ngập ngừng nói: Có chuyện này em nghĩ là không nên giấu chị nữa. Chị nghĩ mấy món ăn vặt là do em mua phải không? Em làm gì biết chị thích ăn mấy món đó. Đều là anh Phong đưa đến. Anh nói chị dạo này gầy quá. Bắt chị ăn nhiều vào và đừng nói là anh mua.

Nghe Thanh nói tôi thấy tim mình như thắt lại. Lấy cớ chưa viết bài viết mới, tôi vội chúi đầu vào một chiếc bàn trong góc quán. Lấy máy tính trong túi xách ra, tôi vào facebook, vô tình, tôi thấy ảnh Phong selfie cùng con gái mới post. Tự nhiên, nước mắt tôi trào ra.

Tôi tự cười mình. Bận rộn quá, đến bây giờ tôi mới nhận ra mình cũng là một phụ nữ hậu ly hôn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.
Cành cây của Chúa trời

Cành cây của Chúa trời

(PNTĐ) - Với những đứa trẻ khác, sinh ra trong một gia đình có bố là quan chức, mẹ là giáo sư đại học cũng giống như nắm giữ chiếc chìa khóa vàng. Nhưng đó là một loại áp lực đối với tôi vì tôi không được thừa hưởng gen tốt của bố mẹ.