Quán chè của bà Bốn

Mai Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Với tôi, giữa bạt ngàn loại chè nơi phố thị thì tôi vẫn chỉ thích chè đỗ đen. Không phải chỉ là ăn một món ăn để người ta thưởng thức một hương vị lâu đời, mà nó còn gợi cho tôi nhớ về tuổi thơ, nhớ về sự hy sinh cao cả của những người phụ nữ sau lũy tre làng.

Giờ tôi đã trở thành tân sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội. Trường học cách nhà hàng trăm cây số khiến bao lần tôi chỉ biết khóc thầm bởi chẳng thể về quê. Nhớ nhà, nhớ trường lớp, nhớ bạn cũ, tôi lại thêm nhớ những tháng ngày cắp sách đi học ở ngôi trường làng.

Ngôi trường bé xíu với hai dãy nhà cấp bốn đã cũ. Ấn tượng nhất với tôi chỉ có cây phượng già lẻ loi bao năm vẫn trầm mặc trước dòng chảy của thời gian, chứng kiến từng thế hệ học trò lớn lên dưới mái trường rồi một ngày bay xa như đàn chim di trú. Ngôi trường ấy tuy nhỏ, nhưng đã gieo vào tâm hồn tôi vô vàn hạt mầm biếc xanh màu kỷ niệm, màu ước mơ.

Ngoài những giờ học trên trường, bọn học sinh nhà quê chúng tôi thích nhất là giờ tan học được lang thang dọc theo triền đê về nhà. Con đê - đó là hình ảnh thật gần gũi, là sự chở che cho xóm làng, chứa cả miền ký ức tuổi thơ của bao nhiêu thế hệ. Gió từ sông thổi lên phả vào mặt mát rượi, bọn trẻ tha hồ nô đùa chạy nhảy.

Tôi rất thích cái cảm giác khi được thả mình xuống vạt cỏ xanh êm, gối đầu lên cánh tay mình nhìn trời xanh, mây trắng. Ngày ấy, tôi thích nhất hôm nào được bố dẫn vào quán ăn chè bà Bốn ngay gốc đa đầu làng. Cái quán của bà nhỏ xíu, lỏng chỏng mấy cái ghế, cái bát cùng nồi chè đỗ đen khá to. Cái quán trông xác xơ như ngôi làng nhỏ bé, nghèo nàn của tôi vậy.

Dưới cái nắng gắt gỏng chói chang của mùa hè, con đường đê dẫn đến quán của bà vắng hoe không một bóng người. Trong tiết trời oi bức ấy, một cốc chè đỗ đen ngọt bùi, mát lạnh chính là thức quà tuyệt vời nhất đối với tôi.

Quán chè của bà Bốn  - ảnh 1
Ảnh minh họa

Người dân ở quê tôi ai cũng nghèo. Nhà tôi không ngoại lệ. Cũng bởi cái nghèo mà mẹ tôi đã bỏ bố con tôi đi xa khi tôi mới hơn 1 tuổi. “Bố mày cảnh “gà trống nuôi con” vất vả lắm đấy. Gắng ngoan ngoãn nghe lời bố, học cho tốt sau này còn thoát nghèo con ạ”. Mỗi khi tôi vào quán là bà Bốn lại thủ thỉ nói chuyện với tôi như thế. Tôi để ý thấy bà hay nói chuyện với tôi hơn là với bọn bạn của tôi. Bà cũng “hé lộ” cho tôi cái bí quyết để bà nấu chè ngon, hút khách.

Bà bảo: Để nấu một nồi chè đỗ đen ngon, bà phải chọn loại đỗ đều hạt, có màu đen nhánh, đủ già nắng không bị mối mọt. Sau đó rửa thật sạch vớt hết những hạt đỗ nổi trên mặt nước. Rồi cho vào nồi đun đến khi nào nước sôi thì đem đổ nước đi vì thường đó là nước chát. Sau đó, bà tiếp tục cho nước vào ninh cho đến khi nào đỗ nhừ, chắt nước ra cho đường vào xào cùng đỗ. Xào cho đến khi nào hạt đỗ săn lại ăn thử thấy vị ngọt đã ngấm vào đỗ thì lại cho nước vào đun đến khi sôi.

Bà bảo, một nồi chè ngon tức là khi xúc một thìa đỗ lên cắn vào thấy bột và tan trong miệng. Nước phải trong, ngọt vừa đủ để khi thêm những những viên đá trong vắt vào vẫn thấy vị thơm của đỗ. Khi ăn chè đỗ đen ở quê, người ta thường thêm chút dừa tươi nạo mỏng hoặc cũng có thể là dừa khô kèm theo vài giọt dầu chuối.

Ngày ấy ở làng, bát chè đó với tôi sao mà hấp dẫn dù nó chẳng có chân châu, thạch đen hay một chút nước cốt dừa. Các hương liệu được trộn đều trong một cốc chè làm tôi cảm nhận được vị ngọt thanh của chè, vị mát lạnh của đá khiến tôi quên đi cái tiết trời nóng như rang.

Sau này, lên Hà Nội học, hàng ngày tôi vẫn bắt gặp những quán chè Thái, chè Tàu, chè Sài Gòn... Nhưng tôi vẫn nhớ cái quán chè bà Bốn với một loại chè duy nhất là chè đỗ đen.

Tôi nhớ quán chè của bà Bốn còn bởi câu chuyện về cuộc đời của bà mà sau này lớn lên tôi mới được nghe kể lại. Hóa ra, bà Bốn là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bà có 3 người con thì 2 con đã hy sinh vì độc lập tự do của đất nước trong những năm 70 - 71 trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Đã bao ngày đêm bà không tròn giấc ngủ vì thương nhớ các con. Điều bà trăn trở nhất là đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt của con trai bà.

Bao đêm trong giấc ngủ chập chờn, bà thức dậy thắp hương để an ủi chính mình và an ủi vong linh của những người con đã hy sinh vì nước. Ngày các anh đi, các anh còn trẻ lắm, mới 18, đôi mươi. Mẹ động viên các anh yên tâm lên đường. Các anh đi rồi bà lặng lẽ khóc thầm.

Quán chè của bà Bốn  - ảnh 2
Ảnh minh họa

Suốt bao năm qua, ra ngóng vào trông, đôi mắt đã cạn khô dòng lệ vì thương nhớ. Có nỗi đau nào xé lòng hơn, khi chỉ trong gần 1 năm, người mẹ ấy nhận về 2 giấy báo tử của 2 đứa con yêu quý. Đất nước giải phóng đã mấy chục năm, cũng là từng ấy năm bà gắn bó với cái quán chè nhỏ ấy.

Bà ngồi đó đằng đẵng chờ đợi, dù biết rằng các con sẽ mãi mãi không về. Chồng bà cũng mất sớm, bà chỉ còn 1 đứa con gái bầu bạn. Rồi trong một ngày dậy sớm bán hàng, bà thấy một cái giỏ để bên đường, bên trong đựng 1 đứa trẻ đỏ hỏn. Động lòng trắc ẩn, bà đưa nó về nuôi bầu bạn với đứa con nhỏ của mình cho nhà khỏi hiu quạnh.

Mọi gánh nặng lại dồn lên vai bà khi bà vừa làm mẹ vừa làm cha nuôi dạy 2 con. Dường như bà có duyên với những đứa trẻ, 4 năm sau, cũng vào một buổi sáng tinh mơ, bà lại nhặt được một đứa trẻ để bên đường và bà quyết tâm đưa nó về nhà nuôi. Thêm người, thêm miệng ăn, quán chè của bà có lẽ vì thế mà không có ngày đóng cửa.

Bà thức rất khuya để chuẩn bị nguyên liệu và dậy rất sớm để nấu chè kịp bán. Bà thường bán đến khoảng 5 rưỡi chiều thì về nhà. Dù mệt mỏi nhưng  bà vẫn luôn tươi cười khi thấy các con chờ ở cửa.

Ba đứa trẻ ấy đã lớn lên từng ngày cùng quán chè của bà. Giờ kinh tế đỡ khó khăn hơn, các con của bà đã có công ăn việc làm, bà lo dựng vợ gả chồng cho các con yên bề gia thất, nhưng bà vẫn duy trì quán chè nhỏ. Bà bảo làm cho đỡ nhớ nghề, ngồi không buồn bực chân tay, song tôi hiểu sâu thẳm trong lòng bà vẫn ngóng trông những đứa con đi xa không thể trở về.

Và quán chè của bà vẫn chỉ có loại chè đỗ đen quen thuộc dù xã hội có nhiều đổi thay. Còn tôi luôn nhớ hương vị quán chè của bà, nhớ làng quê nghèo khó và mãi mãi biết ơn sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ mộc mạc mà ân tình như bà Bốn nơi sau lũy tre làng.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Bông hồng thép” góp sức vì bình yên cho Thủ đô

“Bông hồng thép” góp sức vì bình yên cho Thủ đô

(PNTĐ) - Là nữ trinh sát duy nhất của Đội Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội, Trung tá Đinh Thị Huyền Diệu đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với những chiến công lập nên, chị là minh chứng cho những phẩm chất đặc biệt của người nữ chiến sĩ công an.
Tưng bừng chào đón ngày 20/10

Tưng bừng chào đón ngày 20/10

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 94 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, trong những ngày tháng 10, các cấp Hội Phụ nữ toàn quốc đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa. Đây cũng là dịp để chị em cán bộ Hội được giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Tôn vinh vẻ đẹp của áo dài dân tộc

Tôn vinh vẻ đẹp của áo dài dân tộc

(PNTĐ) - Với chủ đề “Duyên dáng Áo dài Hà Nội”, Carnaval áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển” năm 2024 do Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức nằm trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội chào mừng 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô vừa khép lại với nhiều thành công. Carnaval đã góp phần lan tỏa tình yêu, tôn vinh vẻ đẹp của áo dài dân tộc.