Quyền được hạnh phúc

Chia sẻ

Mọi người, dù là đàn ông hay phụ nữ đều có quyền quyết định hạnh phúc của cuộc đời mình. Không có ai, dù có nhân danh là quý mến hay thương yêu, cũng không được ngăn cản người phụ nữ có hạnh phúc. Đặc biệt, mỗi người phụ nữ cần hiểu cái quyền đó của mình và kiên quyết đấu tranh để bảo vệ cái quyền đó.

Người phụ nữ 45 tuổi ấy nói chị chưa có một ngày nào được hạnh phúc và cho đến giờ gần như “trắng tay”. Chị lấy chồng năm 20 tuổi. Hai vợ chồng học cùng phổ thông. Bố mẹ đôi bên ở gần nhà, biết nhau từ nhỏ. Sau khi cưới anh chị sinh cậu con trai đầu lòng trong niềm vui chung của hai gia đình nội, ngoại. Cậu con trai xinh đẹp, trắng trẻo, hay ăn chóng lớn.

Gia đình chồng có nhiều anh em trai, vợ chồng chị “nổ phát súng đầu tiên”, xây nhà và ra ở riêng vì chồng chị là con trai lớn. Nghĩ là cả đời mới xây nhà một lần thì xây cho đàng hoàng chút, nên anh chị phải vay mượn của họ hàng, chủ yếu là bên ngoại. Làm nhà xong, hai vợ chồng “bò ra mà làm” mới đủ ăn, đủ nuôi con và trả nợ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tưởng sau khi trả nợ, vợ chồng túc tắc làm ăn, rồi chị sẽ sinh đứa con thứ hai, nhưng bất hạnh ập đến với gia đình chị. Chồng chị phát hiện mắc bệnh ung thư xương, giai đoạn sớm. Chị khóc hết nước mắt, thương chồng, thương mình, nhưng nước mắt cũng cạn dần. Chị quyết tâm đưa anh đi hết các bệnh viện lớn nhỏ để được các bác sĩ tư vấn, chỉ dẫn hướng điều trị. Nói chung, đã mắc bệnh ung thư thì đồng nghĩa với phá sản, cháy túi. Chị để chồng ở nhà trông con, đi làm lấy tiền, mỗi tháng đưa chồng đi kiểm tra sự tiến triển của bệnh và lấy thuốc về dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Chị đi làm, có lần đã phải ăn trưa chỉ là chiếc bánh mì không nhân, buổi tối ăn gói mì tôm ngâm nước sôi. Tiền bạc dồn vào mang về nuôi con và chữa bệnh cho chồng.

Đến năm con trai chị 6 tuổi, bắt đầu đi học lớp một, các cô giáo mới phát hiện con chị chậm phát triển. Nhà trường và cô giáo chủ nhiệm nói chị đưa con đến bệnh viện Nhi Trung ương khám cho chuẩn. Kết quả, con được chẩn đoán “Chậm phát triển trí tuệ ở mức độ nhẹ”. Lại một lần nữa nước mắt chị tuôn rơi và cũng cạn dần. Con chị vẫn được đi học lớp một, nhưng được nhà trường để ở danh sách “dự thính”, tức là đi học cho đỡ thiệt thòi, chứ con chị không tiếp thu được như các bạn. Ngoài ra, các cô giáo cũng yêu cầu chị mỗi tuần đưa con đi tới các trung tâm can thiệp sớm dành cho trẻ khuyết tật để được những giáo viên có chuyên môn hỗ trợ, giúp con đỡ tụt hậu so với các bạn. Con đi học thêm là thêm việc, thêm chi phí, đôi vai gầy của chị có lúc tưởng chừng không gánh được nữa, phải buông xuôi…

Bẩy năm sau chồng chị mất.

Tám năm sau con trai chị chính thức không đi học nữa vì suốt 8 năm mà con chị không thể vượt qua bậc tiểu học. Con lớn như một chàng trai, nhưng ngày càng “ngố tồ”. Con chỉ biết đếm đến 10, chữ nghĩa thì nhớ nhớ, quên quên. Sức khoẻ tốt, ăn uống được, ngại giao tiếp, ít chơi với bạn, có chơi cũng chỉ là chơi dại. Tuổi 15 mà vẫn chơi trò của trẻ mẫu giáo. Vậy là chị sẽ suốt đời phải chăm lo cho con, kể cả mai sau khi con đã trưởng thành về thể xác. Chị thấy tương lai mình mịt mù, chị tặc lưỡi sống “đến đâu hay đến đó”!

Hai năm trước, khi con trai chị đã 22 tuổi, chị gặp lại cô bạn gái thời cùng học phổ thông, hiện nay đang làm giám đốc một xí nghiệp bao bì, nhưng lại đóng ở một tỉnh xa, cách Hà Nội gần 170km. Nghe hoàn cảnh của chị, cô bạn cũ quyết tâm kéo bạn vào xí nghiệp của mình và bố trí công việc làm phù hợp, hàng tháng trả lương như “công nhân bình thường”, khoảng 7 triệu. Dứt áo ra đi, bỏ con ở lại cho ông bà nội, ngoại, các chú trông đỡ, chị áy náy. May sao, chị nói bố mẹ chồng chị rất “tiên tiến hiện đại”, ủng hộ chị đi làm công ty, chấp nhận trông coi cháu nội, hàng tháng chị gửi tiền về cho ông bà, thiếu đâu ông bà bù cho. Nói là trông coi, chứ thật ra con chị chỉ không đi làm được, chứ cháu tương đối tự lập trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, làm được khá nhiều việc nhà, từ nấu cơm, quét nhà, rửa bát đĩa… Có cháu ở cùng, ông bà nội cũng vui. Ông bà ngoại cũng qua lại, tuần vài lần, khi thì cho con cá, mớ rau, khi thì thăm nom, trò chuyện.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đi làm được hơn năm, chị nói chị “tỉnh người ra”. Chị thay da, đổi thịt, mặc dù công việc cũng vất vả. Bù lại chị thấy vui, có chị em cùng xưởng, hàng tháng có tiền lương đều đều, không phải “giật gấu vá vai”. Mỗi tháng chị gửi tiền về cho ông bà nội nuôi con. Hai tháng hoặc có việc đột xuất, chị bắt xe chạy 2 tiếng là về đến nhà. Chị được bạn bè đồng nghiệp đưa đi “tân trang”, từ mua sắm áo quần mới, đến làm tóc, học cách trang điểm chút phấn son mỗi khi đi làm hay ra đường. Đêm đêm chị cầu khấn chồng phù hộ cho chị khoẻ mạnh để làm việc, có tiền lo cho con.


Gần đây, chị gặp một người đàn ông hơn chị vài tuổi. Anh đã ly hôn và có ba con, nhưng đều đã trưởng thành. Anh chị bắt đầu có tình cảm, anh mời chị về sống chung với anh một thời gian, coi như sống thử, thấy tiếp tục tiến xa được thì tiến, nếu không thì dừng lại ở mối quan hệ anh em, bạn bè. Khỏi phải nói, một người đàn bà cả đời chưa một ngày hạnh phúc trọn vẹn, nay được hồi sinh cả về thân xác lẫn tâm hồn, vui như thế nào. Chị không giấu anh điều gì, kể cả hoàn cảnh hiện nay của mình. Anh thương chị, đã đưa chị về gia đình chồng cũ thăm gia đình và thăm con chị. Anh cũng thương con chị và có thái độ đúng mực với cả hai bên bố mẹ chồng cũ và bố mẹ đẻ của chị. Sau lần về quê thăm gia cảnh ấy, anh càng thương yêu chị, muốn bù đắp cho chị những thiệt thòi mà cả cuộc đời chị chưa từng được hưởng, muốn chia sẻ với chị gánh nặng chị đang mang.

Tuy nhiên, ngay sau đó chị gặp rắc rối từ phía gia đình mình. Bố mẹ đẻ chị doạ rằng anh ấy chỉ yêu chị một thời gian, chán rồi bỏ. Hoặc anh ta sẽ đối xử tệ bạc với con của vợ, như vậy thằng bé mồ côi bố sẽ khổ cả đời. Mẹ chồng chị bảo rằng ông bà trông con cho chị đi làm, mang tiền về nuôi con, chứ không phải để chị đi với người đàn ông khác. Nếu chị vẫn còn quan hệ với người đó, hoặc muốn lấy chồng, hãy về mà trông con hoặc mang con đi đâu thì mang. Em trai chồng, người ở cạnh nhà chị thì nói chị hãy trả lại nhà, đất, rồi đi đâu cũng được. Một cuộc tấn công tổng lực, khiến chị choáng váng. Chị tiếc một cuộc sống tương lai đỡ vất vả đang hé mở, nay có nguy cơ bị đóng sập lại. Trong lúc rối bời ấy, chị đã tìm đến văn phòng tư vấn tâm lý hôn nhân – gia đình để mong nhận được sự hỗ trợ tốt nhất...

Chia sẻ với người phụ nữ vất vả, lận đận suốt nửa đời người, chúng tôi khẳng định với chị rằng chị đã từng là người vợ hết lòng lo cho chồng lúc đau ốm, lo toan trọn vẹn cho anh ra đi, một mình chăm sóc, nuôi nấng con trai suốt hơn hai chục năm qua thì không ai có quyền nói chị là người sống vô tình, thiếu trách nhiệm. Việc thứ hai, chúng tôi cũng chia sẻ với chị rằng chị là người có quyền quyết định cuộc sống của mình ra sao, chứ không phải bất cứ người nào khác. Việc chị có đến với một người đàn ông khác, thậm chí tái hôn cũng không vi phạm luật pháp, không vi phạm chuẩn mực văn hoá, đạo đức xã hội. Nhà của vợ chồng anh chị, hiện nay con anh chị đang ở, không ai có quyền chiếm đoạt hay đuổi mẹ con chị ra khỏi nhà. Nếu có ai làm điều đó, chị có quyền báo cáo các cấp chính quyền và cơ quan pháp luật để được bảo vệ. Không ai bắt chị phải “ở vậy” nuôi con, chị có đi bước nữa cũng có cách hỗ trợ con tối đa. Đây mới là chuyện chị cần quan tâm nhất: Cháu sẽ ở đâu? Theo mẹ đi với cha dượng hay vẫn để cháu ở một mình ở nhà, nhờ ông bà chăm sóc, giám sát, hỗ trợ? Người chị cần bàn cùng chính là anh “bạn trai” hiện nay, người đang sống như vợ chồng với chị và có ý định đi đến hôn nhân với chị. Con trai chị chỉ là thanh niên chậm chạp, kém tư duy, chứ không phải là người khuyết tật, nằm một chỗ, cần sự hỗ trợ hàng ngày. Cháu còn có thể coi nhà, nấu ăn, thu dọn nhà cửa. Nếu được rèn luyện, cháu có thể trở thành “người quản gia, hay “người giúp việc” của gia đình anh chị mai sau. Hy vọng chị gặp đươc người đàn ông tốt, cùng chị tháo gỡ khó khăn này và mang lại cho chị những năm tháng hạnh phúc, bù đắp cho những vất vả, nhọc nhằn mà chị đã từng phải chịu đựng trong một phần tư thế kỷ qua!

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.