San sẻ yêu thương để được hạnh phúc

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong nhiều gia đình, hình ảnh người chồng sẵn sàng tham gia vào việc nội trợ, chăm sóc con cái, giúp vợ vơi bớt gánh nặng công việc chăm sóc không lương để làm tốt công tác xã hội, phát triển sự nghiệp không còn là hiếm. Điều này không chỉ giúp cho hôn nhân bền vững, gia đình hạnh phúc mà còn góp phần thực hiện hiệu quả bình đẳng giới trong gia đình.

Vợ nấu cơm, chồng… rửa bát

Khi hỏi vợ tại sao lại chọn mình làm chồng, vợ anh Trường (trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bảo: “Vì ngày đến nhà anh chơi, em thấy bố anh vào bếp phụ mẹ nấu nướng dọn dẹp, còn lúc yêu anh, em thấy anh không ngần ngại vào bếp nấu cơm, rửa bát cho bạn gái”. Hoá ra, “điểm cộng” của người đàn ông hoàn hảo trong mắt vợ anh không phải là mặc vest, đi xe sang, thu nhập tốt… mà là một người chồng có trái tim ấm áp, biết chia sẻ yêu thương.

Khi đã lập gia đình rồi có con, anh Trường càng thấu hiểu sự chia sẻ cần hơn bao giờ hết để xây đắp hạnh phúc. Những công việc không tên - điều không ít người cho là chuyện nhỏ, việc vặt lại ngốn rất nhiều thời gian và có thể “nuốt chửng” hết cảm xúc tích cực trong gia đình. Anh lựa chọn đồng hành, san sẻ cùng vợ. “Làm việc nhà không làm mất đi vẻ nam tính hay uy quyền của người đàn ông mà càng giúp các thành viên trong gia đình gần gũi, gắn kết hơn. Tôi thích cảm giác chở con gái đi học mỗi sáng, cảm nhận bàn tay bé xinh bám chặt vào áo bố rồi luyên thuyên đủ thứ chuyện rằng con mang gì đến lớp, con thích được gặp bạn nào, thích môn học nào. Hay những buổi tối đọc sách cùng con, nhìn con gái trầm trồ như muốn nuốt trọn những lời bố đọc. Những cuối tuần, cả nhà tôi cùng bắt tay dọn dẹp tổng vệ sinh nhà cửa. Mỗi người một việc luôn chân luôn tay nên loáng cái, phòng ốc đã sạch sẽ, nhà cửa gọn gàng, quần áo thơm tho. Dù mệt nhưng ai cũng vui vẻ. Đó là cách giữ gìn hạnh phúc gia đình và nuôi dưỡng ngọn lửa tình yêu” – anh Trường cho biết. Anh vẫn hay bảo vợ: “Em cũng đi 8 tiếng mỗi ngày, cùng anh sống chung dưới 1 mái nhà, cùng hít thở bầu không khí, không lẽ việc nhà lại cứ phó mặc hết cho em”. Trên hết, anh mong muốn, cách anh đối xử với vợ con sẽ giúp con xây dựng mẫu người chồng, người cha lý tưởng và tổ chức cuộc sống gia đình của con trong tương lai.

San sẻ yêu thương để được hạnh phúc - ảnh 1
Ảnh minh họa

Vợ chồng anh Định, sinh năm 1983, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội kết hôn được hơn 10 năm và có hai con gái, con gái lớn 11 tuổi, còn con gái thứ hai mới 1 tuổi. Ngay từ khi kết hôn, vợ chồng anh Định đã thoả thuận sẽ cùng nhau chia sẻ, cân đối để ai cũng chung tay vào làm việc nhà, chăm sóc nuôi dạy con. Anh Định cho biết, trong gia đình anh, ai làm được việc gì sẽ làm việc đó, ai bận thì người còn lại sẽ làm. “Ví dụ như tôi vụng nấu nướng thì vợ tôi sẽ chịu trách nhiệm đứng bếp, còn tôi rửa bát, dọn nhà, chơi với con, ru con ngủ. Trong việc cho con ăn, vợ tôi chuẩn bị đồ ăn, còn tôi thì làm sao cho con ăn hết suất cháo mà vợ chuẩn bị” – anh Định mỉm cười.

Còn gia đình anh Việt, sinh năm 1986, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội lại có nguyên tắc rõ ràng giữa hai vợ chồng trong các công việc chăm sóc không lương. “Nguyên tắc thứ nhất, ai rảnh thì làm việc nhà giúp đỡ nhau. Nguyên tắc thứ hai là hôn nhân không có bạo lực. Ngoài ra, vợ chồng không được tạo quyền lớn nhất cho mình mà phải có sự trao đổi, thoả thuận để thống nhất với nhau khi quyết định việc gì đó. Trong việc dạy con, chúng tôi cùng trao đổi để có phương pháp phù hợp với con mình, không thể hiện sự bất đồng quan điểm trước mặt con, bởi điều đó sẽ khiến con hiểu bố hay mẹ có quyền hơn thì sẽ mất cân bằng trong gia đình”.

Anh Việt cũng cho biết thêm, bố anh cũng là người biết chia sẻ việc nhà với mẹ. Do đó, bản thân anh cũng học được đức tính tốt đó của bố ngay từ khi còn nhỏ. Nhờ đó, con trai anh đã biết làm việc nhà như gấp quần áo, quét nhà, lau bát đĩa, gọt hoa quả, xếp bát đĩa… giúp bố mẹ. Số tiền bố thưởng sau mỗi lần làm việc nhà được con trai anh để dành mua bánh sinh nhật cho mẹ. “Thói quen của trẻ được rèn luyện bằng văn hoá, nếp sống trong gia đình. Bất cứ hành động nào của người lớn cũng ảnh hưởng tính cách của con. Con nhìn thấy một người bố biết chăm sóc gia đình, chia sẻ cùng mẹ việc nhà thì cũng sẽ có tâm lý như vậy với gia đình hiện tại và tương lai của mình” - anh Việt khẳng định.

Tất cả vì… tình yêu thương

Anh Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) được mọi người gọi là “ông bố đảm đang”, bởi khả năng quán xuyến mọi việc từ nhà cửa đến con cái. Tuy nhiên, anh luôn tỏ ra khiêm tốn và cho rằng đó là trách nhiệm của mình.  Vợ anh Minh là đầu bếp cho một công ty nước ngoài, mỗi ngày nấu cơm phục vụ hàng trăm lao động, do đó chị thường phải đi từ sáng sớm tới tối muộn mới về. Còn anh làm phục vụ cho nhà hàng gần nhà nên chủ động thời gian hơn. Hơn 10 năm nay, những việc trong nhà như: Đưa đón các con đi học, nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa là trách nhiệm và niềm vui của anh. “Mỗi người đều có một công việc riêng, sự vất vả là ngang nhau. Do đó, tôi không ngần ngại gánh vác “những việc không tên” để vợ có thời gian nghỉ ngơi sau 1 ngày làm việc mệt mỏi” - anh Minh nói.

Đều đặn mỗi sáng, khi vợ đứng đón xe đi làm thì anh đã “tay xách nách mang” ra chợ mua đồ ăn cả ngày cho cả gia đình. Sau đó, anh giục hai con dậy làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng và đưa đi học. Buổi chiều, anh tranh thủ đón con, nấu cơm, đợi vợ về để cả nhà ăn tối. Có hôm, chị về muộn, ba bố con phải ăn trước. Cuối tuần, cả nhà anh cùng dọn dẹp nhà cửa. Hàng xóm, bạn bè, người thân ai cũng khen anh là người chồng tâm lý, chịu khó, có trách nhiệm với gia đình. Nhắc đến chồng, vợ anh tự hào: “Không có anh ấy, tôi không thể yên tâm làm việc”.

San sẻ yêu thương để được hạnh phúc - ảnh 2
Ảnh minh họa

Còn anh Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) lại coi làm việc nhà, dành thời gian bên con là để con có “một tuổi thơ hạnh phúc”. Anh Đình là shipper, vợ là nhân viên văn phòng. Vì đam mê bộ môn yoga, vợ anh mong chồng tạo điều kiện để học và cấp chứng chỉ là giáo viên dạy yoga. Thế nên, ngoài công việc ở văn phòng, mỗi sáng và mỗi tối, chị đều say mê vào việc tập luyện yoga. Lịch học và làm việc của vợ bận rộn, trong khi ông bà ở quê không thể đỡ đần, anh Đình đành sắp xếp công việc để làm nội trợ, chăm sóc con. Buổi sáng, sau khi đưa các con đi học rồi mới nhận đơn giao hàng cho khách. Chiều 5-6h, anh đón con về rồi chăm sóc các con, thúc con học bài. Anh không nghỉ trưa mà dành thời gian đó để giao hàng, bất kể mùa hè trời nắng chang chang 35-400C, hay những hôm mưa gió bão bùng. Sự hy sinh của anh đổi lại là một cuộc sống gia đình vui vẻ, hạnh phúc. Vợ anh sau thời gian tập luyện miệt mài, cũng đã có thể đứng lớp dạy, tăng thu nhập, nhờ đó cuộc sống gia đình cũng vơi bớt gánh nặng kinh tế.

Hai năm trước, chị Hà – vợ anh Hoạt (quê ở Thanh Hoá) phát hiện mắc bệnh ung thư. Lúc đó, con gái thứ hai của anh chị chưa đầy 4 tháng tuổi. Cú sốc ấy khiến cho vợ chồng anh vô cùng đau khổ, tuyệt vọng. Là trụ cột gia đình, anh Hoạt đã động viên, an ủi và dành tình yêu thương để cùng vợ vượt qua bệnh tật.

Anh Hoạt nói: Từ khi vợ mắc bệnh, anh trở thành “trụ cột chính” trong nhà. Ngoài công việc chính ở cơ quan, hàng ngày, anh không nề hà việc nhà như đi chợ, nấu ăn, giặt quần áo, lau dọn nhà cửa, chăm sóc con cái cùng vợ… Vào mỗi buổi sáng, anh Hoạt dậy sớm tranh thủ đi chợ, cùng vợ chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, ăn sáng và chở vợ đi làm, đưa con đi học. Mỗi khi vợ mệt mỏi, ốm đau, anh luôn động viên, chăm sóc. Vợ đi điều trị hoá chất, anh luôn đưa đón. Nhờ có chồng và các con động viên, chia sẻ, chị Hà vui vẻ, lạc quan hơn trong quá trình điều trị bệnh…

Anh Trường, anh Định, anh Việt hay anh Đình, anh Hoạt… là những người đàn ông mẫu mực trong gia đình, sẵn sàng cùng vợ chia sẻ việc nhà không trả lương, hỗ trợ, động viên vợ trong sự nghiệp, bởi một cuộc hôn nhân lâu dài không chỉ dựa trên tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau mà còn sự tham gia của cả vợ và chồng vào việc nhà. Chia sẻ, đồng thuận và giúp đỡ nhau của vợ chồng là chìa khoá để giữ gìn hạnh phúc, là tấm gương cho con trẻ và góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cà phê phố Hà thành

Cà phê phố Hà thành

(PNTĐ) - Hà Nội không phải là thủ phủ cà phê. Điều này là hẳn nhiên. Thế nhưng, người Hà thành vốn tinh tế trong thưởng thức và sáng tạo các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần đã nâng việc thưởng thức cà phê lên thành nghệ thuật.
Phụ nữ Thủ đô xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Phụ nữ Thủ đô xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

(PNTĐ) - Thời gian qua, cán bộ, hội viên phụ nữ Hà Nội đã chủ động, sáng tạo, tích cực bám sát nhiệm vụ chính trị của Thành phố và địa phương, vận dụng và cụ thể hóa thực hiện có hiệu quả đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2024.